Giải trí

3 Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Chiếu cấu hiền - Ngô Thì Nhậm- Ngữ văn 11

Hùng Cường 29/05/2024 11:44

Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm Chiếu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 11.

I. Tìm hiểu chung tác phẩm Chiếu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm

1. Tác giả Ngô Thì Nhậm

a. Tiểu sử

- Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hi Doãn, người làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

- Là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê và Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh.

- Ngô Thì Nhậm thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử.

- Năm 1755, ông đỗ tiến sĩ, từng được Chúa Trịnh giao cho giữ chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc.

- Sau vụ án năm 1780, ông bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính Nam Định lánh nạn.

- Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, xuống lệnh "cầu hiền" tìm kiếm quan lại của triều cũ. Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ Bắc Hà khác lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn.

- Cuối năm 1788 do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn.

- Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư. Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

- Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học.

- Sau khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Nhưng do trước đó có mâu thuẫn với Đặng Trần Thường nên cho người tẩm thuốc vào roi. Sau trận đánh đòn, về nhà, Ngô Thì Nhậm chết.

b. Các tác phẩm chính

+ Về thơ, Ngô Thì Nhậm có một số tập thơ nổi tiếng như: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn đàm (Thủy vân nhàn vịnh), Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cẩm đường nhàn thoại, Hy Doãn công thi văn tập, Hoàng hoa đồ phả, Sứ trình thi họa, Yên đài thu vịnh.

+ Về phú, ông có 17 bài chép ở tập Kim mã hành dư.

+ Về văn, ông có một số tác phẩm lớn như: Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Kim mã hành dư và đặc biệt, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanhđược coi là tác phẩm thể hiện nổi bật nhất tư tưởng triết học của Ngô Thì Nhậm.

2. Tác phẩm Chiếu cầu hiền

a. Hoàn cảnh ra đời

Chiếu cầu hiền do Ngô Thì Nhậm viết thay vua Quang Trung vào khoảng năm 1788 – 1789 nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà ra cộng tác với triều đại Tây Sơn.

b. Thể loại và phương thức biểu đạt

- Thể loại: Chiếu (thuộc loại văn nghị luận cổ, thường do vua chúa ban bố mệnh lệnh, công bố những chủ trương, đường lối, nhiệm vụ xuống triều đình và nhân dân thực hiện. Có thể do vua đích thân viết nhưng thường do các văn tài võ lược viết thay vua.)

- Phương thức biểu đạt: Nghị luận

c. Ý nghĩa nhan đề

- Hiền là hiền tài những người tài giỏi có đức.

- Chiếu cầu hiền là chiêu mộ người tài về giúp nước.

d. Bố cục

- Phần 1 (từ đầu -> người hiền vậy): Mối quan hệ giữa hiền tài và thiên tử.

- Phần 2 (tiếp -> hay sao?): Thực tại và nhu cầu của thời đại.

- Phần 3 (Còn lại): Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung.

e. Giá trị nội dung

Tác phẩm là một văn kiện quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của Nguyễn Huệ nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước.

f. Giá trị nghệ thuật

Là một áng văn nghị luận mẫu mực:

- Lập luận chặt chẽ, hợp lí, thuyết phục.

- Lời lẽ khiêm nhường, chân thành.

- Từ ngữ, hình ảnh:

+ Sử dụng điển cố, hình ảnh ẩn dụ.

+ Từ ngữ giàu sức gợi.

→ Tạo cảm giác trang trọng cho lời kêu gọi.

chieu-cau-hien.png
Phân tích văn bản Chiếu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm

g. Tóm tắt

Năm 1788, sau khi nhà Lê - Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm đã đi theo nghĩa quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh, lên ngôi hoàng đế và lấy hiệu là Quang Trung. Ngô Thì Nhậm được Quang Trung giao cho viết “Chiếu cầu hiền” để kêu gọi sĩ phu Bắc Hà ra giúp nước cứu đời. Hiền tài cũng giống như ngôi sao sáng trên trời cao. Người hiền sẽ là sứ giả của thiên tử. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, có người thì mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng “trốn tránh việc đời”. Có người ra làm quan thì sợ hãi, im lặng như bù nhìn “không dám lên tiếng”, hoặc làm việc cầm chừng “đánh mõ, giữ cửa”. Có kẻ “ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời”. Từ đó, vua Quang Trung đưa ra đường lối cầu hiền đúng đắn, kêu gọi người tài ra giúp nước cứu đời.

II. Dàn ý chung phân tích tác phẩm Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

A. Mở bài

- Đôi nét về tác giả Ngô Thì Nhậm: Một nho sĩ toàn tài có đóng góp to lớn, tích cực cho triều đại Tây Sơn

- Chiếu cầu hiền là tác phẩm được sáng tác nằm mục đích kêu gọi các hiền tài khắp mọi nơi cởi bỏ tị hiềm, gắng đem hết tài sức của bản thân ra giúp vua trong sự nghiệp chấn hưng đất nước

B. Thân bài

1. Quy luật xử thế của người hiền và mối quan hệ giữa người hiền và thiên tử

- Mở đầu là một hình ảnh so sánh: “Người hiền như sao sáng trên trời”: nhấn mạnh, đề cao vai trò của người hiền

- “Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần”: quy luật tự nhiên ⇒ khẳng định người hiền phụng sự cho thiên tử là một cách xử thế đúng, là lẽ tất yếu, hợp với ý trời.

- Khẳng định:“Nếu như che mất … người hiền vậy”: Người hiền có tài mà đi ẩn dật, lánh đời như ánh sáng bị che lấp, như vẻ đẹp bị giấu đi

⇒ Hiền tài như sao sáng, cần phải ra sức giúp thiên tử trị vì, nếu không là trái quy luật, đạo trời

⇒ Cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục, cách đặt vấn đề hấp dẫn, có sức thuyết phục

2. Cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước

a. Cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà:

- Khi thời thế suy vi:

+ Mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng

+ Ra làm quan: sợ hãi, im lặng như bù nhìn hoặc làm việc cầm chừng

+ Một số “ra biển vào sông”: ẩn đi mỗi người một phương

⇒ Sử dụng hình ảnh lấy từ kinh điển nho gia hoặc mang ý nghĩa tượng trưng: Tạo cách nói tế nhị, châm biếm nhẹ nhàng; thể hiện kiến thức sâu rộng của người cầu hiền

- Khi thời thế đã ổn định: “chưa thấy có ai tìm đến” ⇒ Tâm trạng của vua Quang Trung, niềm khắc khoải mong chờ người hiền ra giúp nước

- Hai câu hỏi tu từ liên tiếp “Hay trẫm ít đức… vương hầu chăng”: Thôi thúc, khiến người nghe tự suy ngẫm

⇒ Cách nói khiêm tốn nhưng thuyết phục, tác động vào nhận thức của các hiền tài buộc người nghe phải thay đổi cách ứng xử.

b. Thực trạng và nhu cầu của thời đại

- Tình hình đất nước hiện tại:

+ Buổi đầu dựng nghiệp nên triều chính chưa ổn định

+ Biên ải chưa yên

+ Dân chưa hồi sức sau chiến tranh

+ Đức của vua chưa nhuần thấm khắp nơi

⇒ Cái nhìn toàn diện sâu sắc: triều đại mới tạo lập, mọi việc đang bắt đầu nên còn nhiều khó khăn

- Nhu cầu thời đại: hiền tài phải ra trợ giúp nhà vua

+ Sử dụng hình ảnh cụ thể “Một cái cột… trị bình”: Đề cao và khẳng định vai trò của hiền tài

+ Dẫn lời Khổng Tử “Suy đi tính lại… hay sao”: Khẳng định sự tồn tại của nhân tài trong nước

⇒ Đưa ra kết luận người hiền tài phải ra phục vụ hết mình cho triều đại mới

⇒ Quang Trung là vị vua yêu nước thương dân, có tấm lòng chiêu hiền đãi sĩ. Lời lẽ: khiêm nhường, chân thành, tha thiết nhưng cũng kiên quyết, có sức thuyết phục cao

3. Con đường để hiền tài cống hiến cho đất nước

- Cách tiến cử những người hiền tài:

+ Mọi tầng lớp đều được dâng thư bày tỏ việc nước

+ Các quan được phép tiến cử người có tài nghệ.

+ Những người ở ẩn được phép dâng sớ tự tiến cử.

⇒ Biện pháp cầu hiền đúng đắn, thiết thực và dễ thực hiện

- “Những ai … tôn vinh”: lời kêu gọi, động viên mọi người tài đức ra giúp nước

⇒ Quang Trung là vị vua có tư tưởng tiến bộ

4. Nghệ thuật

- Cách nói sùng cổ

- Lời văn ngắn gọn, súc tích, tư duy sáng rõ, lập luận chặt chẽ, khúc chiết đủ lí đủ tình

C. Kết bài

- Khái quát lại những nét đặc sắc tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của văn bản

- Tác phẩm thể hiện tầm nhìn chiến lược của vua Quang Trung và triều đình Tây Sơn trong việc cầu hiền tài phục vụ cho sự nghiệp dựng nước.

III. Viết đoạn văn ngắn phân tích tác phẩm Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

1. Phân tích nghệ thuật bài Chiếu cầu hiền

"Văn bản Chiếu cầu hiền có 6 đoạn với bố cục ba phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết - đây là bố cục quen thuộc của một văn bản nghị luận (Phần một: đoạn 1; Phần 2: đoạn 2, 3, 4, 5; Phần 3: đoạn 6). Phân tích mỗi đoạn như thế sẽ có một ý nghĩa riêng. Những ý nghĩa đó vẫn còn mang giá trị đời sống sâu sắc dù văn bản chỉ là chứng tích của “một thời vang bóng”. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là đi tìm mối liên hệ về mặt ý nghĩa của văn bản với cuộc sống hiện đại hôm nay mà không làm xã hội hóa một tác phẩm văn học hay và đẹp. Tôi đã nói với học sinh của mình rằng trên con đường khám phá cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn chương, nếu đi đến tận cùng ta sẽ gặp được cuộc sống của chính ta trong đó. Và tất nhiên con đường tối ưu để đến được với những giá trị tận cùng đó là tiếp cận tác phẩm từ đặc trưng thể loại. Với Chiếu cầu hiền, chúng ta bắt đầu từ những đặc sắc nghệ thuật của một văn bản chính luận.

Thành công nhất về mặt nghệ thuật của tác phẩm này có lẽ là ở nghệ thuật lập luận với những lí lẽ rất chặt chẽ, sắc sảo và lập trường chính trị vững vàng của tác giả. Ngô Thì Nhậm vốn là một sĩ phu Bắc Hà, nay lại thay mặt vua Quang Trung kêu gọi sự nhập cuộc của các sĩ phu Bắc Hà – những trí thức của triều đại Lê – Trịnh đã bị nhà Tây Sơn lật đổ. Điều đó thật khó vô cùng ! Thế nhưng trong mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi phần của Chiếu cầu hiền ta thấy được rằng Ngô Thì Nhậm đã vượt qua được những trở ngại đầy khó khăn đó ! Giá trị thuyết phục của văn bản cũng đã vượt ra khỏi giới hạn của một thời đại cụ thể ấy.

2. Điều gì tạo nên sức thuyết phục của Chiếu cầu hiền?

Theo em, điều tạo nên sức hấp dẫn của Cầu hiền chiếu là lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, dẫn chứng thuyết phục với mục đích rõ ràng, sâu sắc. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho của thể loại văn chính luận, phản ánh triệt để tâm tư, nguyện vọng của người viết bằng lối viết nghị luận sắc sảo từ bố cục, lập luận cho đến ngôn ngữ đều làm nổi bật lên tư tưởng của người viết.

IV. Danh sách đề thi phân tích văn bản Chiếu cầu hiền của Ngô Thị Nhậm

1. Hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

Quang Trung - Nguyễn Huệ, tấm gương anh hùng vĩ đại của dân tộc, người có công dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn dẹp loạn, thống nhất Đàng Trong, Đàng Ngoài. Sau khi lên ngôi vua, ông đã giao cho Ngô Thì Nhậm viết "Chiếu cầu hiền" nhằm mục đích tìm kiếm, chiêu mộ hiền tài khắp đất nước, đưa về triều đình đào tạo phục vụ, cống hiến cho đất nước. Bằng giọng văn thuyết phục và đanh thép, Ngô Thì Nhậm đã viết một bài chiếu vừa truyền tải tới người nghe, vừa khắc họa hình tượng vua Quang Trung anh minh, sáng suốt, yêu nước thương dân, biết trọng hiền tài, tư tưởng tiến bộ, cách cư xử khéo léo, được lòng người.

Chiếu là thể loại văn chương được vua chúa sử dụng, văn bản do vua, chúa ban hành để triều đình và toàn dân có thể đọc, thực hiện mệnh lệnh hoặc yêu cầu trong đại của đất nước. "Chiếu cầu hiền" được viết mang tính chất kêu gọi những người hiền tài, học thức ra giúp nước. Cái tiến bộ trong tư tưởng vua Quang Trung nằm ở chỗ, khác với các bậc tiền bối chỉ sử dụng người thân cận, con quan phục vụ triều đình, Quang Trung hướng tới đối tượng là tầng lớp nhân dân, nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của nhân dân trong công cuộc dựng xây đất nước. Với tư tưởng tiến bộ đó, ông không phân biệt giai cấp, địa vị, giàu sang, thể hiện là người có học, hiểu biết sâu, nhìn xa trông rộng và một lòng vì dân vì nước.

Tác phẩm được viết khi Quang Trung vừa lên ngôi vua, đất nước sau giai đoạn chia cắt còn ngổn ngang, nguyên khí quốc gia kiệt quệ. Trong hoàn cảnh đó, nhà vua ý thức được tầm quan trọng của việc chiêu mộ nhân tài phục dựng đất nước. Ngô Thì Nhậm thay mặt vua soạn "Chiếu cầu hiền" vừa thể hiện tinh thần quyết tâm phục dựng giang sơn, vừa cho thấy tấm lòng của một nhà lãnh đạo anh minh, tài giỏi.

Hình tượng vua Quang Trung được xây dựng là một nhà vua có tầm nhìn, có những sách lược đúng đắn, kịp thời, trân trọng người hiền tài không phân biệt xuất thân, cấp bậc, ứng xử khéo léo được lòng dân. Ngay từ đầu bài Chiếu, Ngô Thì Nhậm đã khẳng định vị trí và vai trò của người tài trong việc xây dựng đất nước, giúp đỡ vua. Tác giả đã nêu ra trách nhiệm, nghĩa vụ của người tài, giúp vua chính là trọng trách của những người có học thức. Những câu văn mang tính động viên, khích lệ, tác động đến lòng dân nhằm khẳng định vai trò của người hiền trong hoàn cảnh đương thời:" kỉ cương triều đình còn nhiều điều thiếu sót, công việc biên ải chính lúc lo toan", nhân dân "khốn khổ chưa còn hồi sức". Chính trong hoàn cảnh ấy, người tài nếu "giấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để cho đời dùng" vừa là sự phí phạm, vừa đi ngược lại với luân thường đạo lý. Trên thực tế lúc bấy giờ, khi quan lại của triều đại cũ từ chối hợp tác với Tây Sơn, việc phải chiêu mộ những người có năng lực là điều nan giải, trong khi đó, người hiền kẻ sĩ lại trốn tránh, ẩn dật. Chình vì vậy, nhà vua lúc này cần khiêm nhường, khéo léo vời gọi hiền tài về phục dựng đất nước. Đặt bản thân mình xuống dưới với sự khiêm tốn, "trẫm hiện đương ngồi bên mép chiếu, chăm chú lắng nghe, sớm hôm mong mỏi" và những câu hỏi băn khoăn, trăn trở "Hay đương thời đổ nát?", đồng thời đề có những người có tài nhưng gặp phải "thời thế suy vi", "sinh bất phùng thời" nên không có dịp hội tụ. Một vị vua với tinh thần cầu tài, không ngạo mạn, không hách dịch mà vô cùng chân thành đã khiến người dân phải tự vấn. Cái tài thuyết phục ở đây là chỗ, nhà vua không mang danh tiếng, tiền của ra để mua chuộc hiền tài mà thay vào đó là tấm lòng, là sự thành khẩn mang đến cho người nghe cảm giác yên tâm. Chỉ cần họ có tài, có sức khắc sẽ được trọng dụng, được đãi ngộ tốt. Trải qua thời kì suy vong, nỗi sợ hãi bị vùi dập và khinh rẻ của hiền tài đã trở thành rào cản khiến họ không muốn cống hiến cho đất nước, nay chính là lúc gạt bỏ rào cản đó để chiêu mộ nhân tài, tạo cơ hội cho họ thể hiện tài năng và tâm huyết với tổ quốc.

Đề cao vai trò của kẻ sĩ, vua Quang Trung còn thể hiện là một người biết lấy dân làm gốc, vì dân, yêu nước thương nòi. Khởi nguồn từ việc tìm kiếm người có học dưới tầng lớp nhân dân bộc lộ lối tư duy rộng mở, tầm nhìn xa trông rộng, tiến cử người hiền và để người hiền tự tiến cử, cốt là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, đất nước được phục dựng. "Làm nên ngôi nhà lớn không phải chỉ một cành cây, xây dựng nền thái bình không chỉ mưu lược của một kẻ sĩ.", "ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư bày tỏ công việc". Cái quan trọng nhất của một người lãnh đạo là phải biết chiếm dụng lòng tin yêu của nhân dân, làm cho dân tin, dân yêu thì mới được ủng hộ. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào lại có thể sẵn sàng tự chất vấn lỗi lầm của bản thân, thừa nhận có những nhân tài kiệt xuất hơn mình. Lấy nhân dân làm cốt lõi vấn đề, đề cao tình đoàn kết dân tộc để "làm nên ngôi nhà lớn", Quang Trung vừa thuyết phục, vừa khuyến khích, đồng thời thể hiện sự công tâm, anh minh, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, chỉ cần "có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời". Sự tin tưởng vào vị vua mới khiến kẻ sĩ trong thiên hạ cảm thấy an tâm, được tôn trọng, tự nguyện cống hiến và phục vụ tổ quốc.

Qua tác phẩm, hình tượng vua Quang Trung được xây dựng là một vị lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược xuất sắc, có cách đối xử và trọng dụng người hiền tài trong hoàn cảnh đất nước rối ren, trách nhiệm cao cả đối với đất nước và tư tưởng sống khiêm nhường, khéo léo, kính trọng nhân tài. Với giọng văn vừa đanh thép, vừa mềm mỏng, vừa thuyết phục vừa đặt ra trách nhiệm vốn có, tác phẩm đã trở thành một văn bản chính trị đầy tính nhân văn, một lần nữa khẳng định hình ảnh người anh hùng áo vải vĩ đại mà đơn sơ, giản dị mà sáng ngời.

2. Phân tích tác phẩm Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

Có thể nói rằng trong kho tàng văn học nước ta thì không chỉ có những bài thơ ngôn từ hay và mượt mà, hay là những áng văn xuôi đậm chất trữ tình. Mà còn có những thể loại riêng nhưng lại có thể góp phần đa dạng và phong phú cho nền văn học chung của nước ta. “Chiếu cầu hiền” của vua Quang Trung được xem là một tác phẩm đặc sắc nó là một bản chiếu vua ban và có sức mạnh to lớn của một quốc gia dân tộc.

“Chiếu cầu hiền” đã được viết khi mà vua Lê Chiêu Thống đã “mời” quân Thanh vào xâm lược nước ta. Lúc bấy giờ Nguyễn Huệ đã lên ngôi vua và đã lấy hiệu là Quang Trung. Quang Trung đã đem quân ra Bắc để quét sạch hết 20 vạn quân Thanh và cả bọn tay sai và bè lũ bán nước. Khi đã thua trận Lê Chiêu Thống cùng như đã cùng bọn quân Thanh đi theo Tôn Sĩ Nghị. Và lúc này thì triều Lê sụp đổ, thay thế vào đó là triều Nguyễn được vua Quang Trung lập lên. Có thể thấy rằng trước sự kiện trên đã có một quan thần trong triều Lê khả năng là do theo trung quân ái quốc lỗi thời với thời Lê. Và dường như hai là có thể do sợ hãi triều đại mới nên dường như tất cả đều trốn tránh ẩn nấp và cũng đã không ra phò tá giúp đỡ vua Quang Trung phát triển đất nước. Và khi đã đoán biết tình hình đất nước nhà như vậy Quang Trung cũng như đã liền phái Ngô Thì Nhậm để có thể thay mình viết chiếu cầu hiền dùng làm để kêu gọi những người tài giỏi ra cứu dân, giúp nước.

Qua hành động này ta như thấy được vua Quang Trung rất đỗi khôn ngoan khi đã nghĩ ra kế sách này. Đồng thời cũng đã thể hiện được việc nhà vua rất trọng người hiền tài trong thiên hạ. Ngô Thì Nhậm được thay vua Quang Trung viết “Chiếu cầu hiền” vì ông là người tài giỏi cũng là bậc bề tôi trung thành với vua. Thể “chiếu” được xem là văn thu mà vua chúa ban bố một mệnh lệnh cho dân chúng. Thật dễ thấy được vua Quang Trung đã đưa ra việc tìm người hiền tài chứ không phải ban bố những mệnh lệnh điều này cũng như đã thấy được vai trò to lớn và cấp thiết nhất là phải tìm được người hiền tài ra giúp dân giúp nước.

Trong bài chiếu có thể thấy được đầu tiên mà tác giả nói đến chính là vai trò cũng như là sức mạnh của hiền tài cho quốc gia. Chẳng thế mà dường như ta thấy ngay tên bài chiếu nọ đã nói lên được tất cả những vai trò to lớn của các bậc hiền tài. Và có thể nói rằng đó chính là nhan đề mà ta đã thấy được Thân Nhân Trung trước cũng đã viết đó là “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Và có thể chính vì thế tác giả cũng như đã nêu cao vai trò của người hiền tài trong cả sự nghiệp để có thể phát triển đất nước. Tác giả dường như cũng đã so sánh hiền tài như một “ sao sáng trên trời cao”. So sánh như vậy để thấy được tầm vóc của những hiền tài giống như những gì vĩnh hằng và quan trọng, rực rỡ của thiên nhiên. Đây chính là một sự tôn vinh như được khen ngợi đối với những bậc hiền tài. Mà ta như thấy được rằng dường như ở những bậc hiền tài ấy cũng như sẽ phải theo Bắc thần đó là một quy luật hiển nhiên. Người tài được biết đến là do trời sinh ra và dường như ở người tài ấy phải có phận là biết sử dụng tài năng của mình cống hiến cho đất nước. Và đây cũng là cách mà tác giả Ngô Thì Nhậm như cũng đã muốn cho sĩ phu hiền tài thấy được vua Quang Trung như thật đã biết trọng người tài và rất mực cầu hiền để cùng vua giúp nước. Từ đó như cũng đã góp phần như có thể xóa đi những nghi ngờ những nỗi sợ hãi của những bậc hiền tài. Và ta như thấy được nó rất hợp lý khi đã tạo ra chính tính chính danh và đây là một tính rất quan trọng cho chiếu cầu hiền.

Có thể thấy khi đến đoạn văn tiếp theo dường như cũng đã nói về nguyện vọng của nhà vua khi mà ông đã mong muốn những hiền tài của quốc gia ra mặt góp sức góp tài cho công cuộc xây dựng đất nước. Tác giả dường như đã đi sâu vào phân tích tình hình khó khăn của đất nước và cả chính tình hình ấy phải cần đến sự giúp đỡ của hiền tài quốc gia. Có lẽ ta như thấy được cách trình bày thẳng thắn cho thấy được ra những sự trung thực thật thà cũng như là một sự quang minh chính địa của vua Quang Trung. Cũng như thông qua đó ta thấy được sự chân thành và đó còn chính là tình cảm của nhà vua dành cho những hiền tài. Đồng thời đó còn là tâm trạng lo lắng của vua Quang Trung ở đây được ví như “trời còn tăm tối”hay là “đương ở buổi đầu của nền đại định” và cả “công việc vừa mới mở ra” đó như cũng chính là những khó khăn bức thiết của triều đại nhà Nguyễn, hơn hết đó là đất nước như cũng đang rơi vào tình thế khó khăn. Ta cũng như đã thấy được chính hình ảnh đất nước được hiện ra qua những câu văn của Ngô Thì Nhậm hiện lên thật rõ nét. Đó chính là một đất nước mà dường như ở đời đầu mới ở buổi rất khó khăn, hơn nữa là tương lai còn chưa sáng rõ. Ở buổi đầu khó khăn như vậy thì việc thiếu nhân tài thì làm sao có thể sáng được cơ chứ, và cũng chính vì thế mà vua khẩn thiết cầu hay mời hiền tài về để có thể được phụng sự giúp đỡ vua xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Trong buổi đầu đó thì dường như cả “kỉ cương còn nhiều khiếm khuyết, hay ngay cả việc biên ải chưa chưa yên, và nhân dân còn nhọc mệt, đức hóa của chúng chưa nhuần thấm” cùng với đó chính là “một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn”. Khi nhìn vào thực tế thì “mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình”. Và cũng chính vì thế mà ta như thấy được vua Quang Trung như thật sáng suốt biết bao khi đã biết được tầm quan trọng của người hiền tài.

Cho đến cuối cùng thì bài chiếu như đã nêu ra đó là chính sách cầu tài của vua Quang Trung. Dường như ở phần này tác giả chỉ ra những điểm nổi bật trong những đường lối chính sách của vua mà thôi. Và chúng ta có thể đánh giá đó là những chính sách công bằng cho tất cả mọi người, và cho thấy được vua Quang Trung là một vị vua anh minh, thương yêu nhân dân

Thêm vào đó nữa chính là cách tiến cử hết sức rộng mở đó chính là việc tự mình dâng sớ tâu bày tất cả các sự việc, do các quan văn quan võ tiến cử, cho phép đang sớ tự tiến cử. Thông qua bài chiếu ta thấy được tài năng biết trọng người tài, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng. Và đây quả thực là một tác phẩm vừa mang ý nghĩa chính trị vừa lại là một tác phẩm văn học có giá trị.

3. Phân tích tấm lòng vì nước vì dân và tài nhìn xa trông rộng của Quang Trung

Ngô Thì Nhậm vốn là quan lại nhà Trịnh, sau theo Tây Sơn và được Quang Trung trọng dụng, ông là người soạn thảo nhiều văn kiện và giấy tờ quan trọng của nhà Tây Sơn. Chiếu cầu hiền là một trong những văn kiện quan trọng đó.

Chiếu cầu hiền tha thiết kêu gọi người hiền tài ra giúp nước. Ngay từ đầu, bài luận thuyết đã cho ta thấy quan điểm của Quang Trung-về người hiền, kẻ sĩ đời xưa: "...người hiền tất phải để cho thiên tử sử dụng". Hay những kẻ lúc đất nước có nhiều biên cố, vẫn giữ vững khí tiết hoặc giữ lại ngậm tăm như "ngựa đứng trong hàng nghi lễ"...; hay là "bậc cao ẩn giấụ kín danh tiếng không xuất hiện suốt đời". Ông không phê phán và cũng không ngợi ca họ, bởi vì "nếu giấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để cho đời dùng thì không đúng với ý trời sinh ra người hiền". Với ông, có tài là phải giúp đời. Phải đem tài đó ra phục vụ tổ quốc, phục vụ đời.

Vua Quang Trung thể hiện sự mong mỏi này bằng hình ảnh "trẫm hiện đương ngồi bên mép chiếu, chăm chú lắng nghe, sớm hôm mong mỏi". Vua thì không ngồi "chính giữa chiếu" mà lại "ngồi bên mép chiếu" để mong đợi người hiền tài, đặc biệt là chăm chú lắng nghe lời người hiền. Câu văn nói lên sự thiết tha, mong mỏi cháy lòng của vua Quang Trung đối với kẻ hiền sĩ, vì sự nghiệp xây dựng tổ quốc.

Bởi vì vua rất coi trọng người hiền tài, đất nước có thịnh là nhờ vào họ. Ông biết nhìn xa, biết nghĩ như vậy bởi ông có tấm lòng của một bậc minh quân đêm ngày vì nước vì dân. Ông khiêm tốn hỏi: "Hay trẫm là người ít đức, không xứng để những người ấy phò tá chăng?". Câu hỏi mới tha thiết làm sao! Nó đi vào lòng người một cách xúc động, thiêng liêng. Tự nhận mình là người ít đức, hẳn là nhà vua đã suy nghĩ rất nhiều, tự phán xét mình và tự suy ngẫm thường trực. Câu hỏi như rút ruột, như giải bày bao tâm huyết, chân thành thật đáng để ngợi ca.

Vì lo cho đất nước dưới thời mình còn non trẻ, "mọi sự đang bắt đầu", "kỉ cương triều đình còn nhiều điều thiếu sót, công việc biên ải chính lúc lo toan" và "dân khốn khổ còn chưa hồi sức, việc giáo hoá đạo đức chưa thấm nhuần". Vì "trẫm nơm nớp lo sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan". Một vị vua biết lo, biết nghĩ nhiều đến nghiệp chung như vậy thật đáng khâm phục. Bài chiếu đã đi sâu vào lòng người bởi chính tấm lòng chân thành của ông, nó khiến cho người nghe phải xúc động, tự chất vấn lại mình và quyết đem tài mình ra góp sức chung xây dựng non sông đất nước.

Những câu hỏi và sự giãi bày ấy còn thể hiện niềm tin vào dân, vào nước của vua Quang Trung: "Làm nên ngôi nhà lớn không phải chỉ một cành cây, xây dựng nền thái bình không chỉ mưu lược của một kẻ sĩ". Nghĩa là ông coi trọng sụ đoàn kết toàn dân, thấy được tinh thần chung sức chung lòng của nhân dân ta, đúng như người xưa thường nhắc:

"Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

(Ca dao)

Tác giả viết:"... há lại không có người kiệt xuất hơn đời để giúp rập chính sự buổi đầu cho trẫm ư?" Câu hỏi không phải để hỏi mà để thể hiện niềm tin sự khẳng định vì ông tin "trong một ấp mười nhà cũng có người trung tín, huống chi một đất nước rộng lớn có truyền thống văn chương như thế".

Niềm tin, sự tha thiết của ông được minh chứng bằng việc ông trọng dụng Ngô Thì Nhậm, một nhân tài hiếm có đời xưa, một hiền tài đáng nể. Đáng ngợi ca là bài chiếu nói lên sự công bằng trong việc trổ tài.của mọi người: "Ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc". Vì ông cho rằng nhân tài có ở khắp nơi, phải biết lắng nghe, biết khuyến khích, nhất là lúc này sĩ phu Bắc Hà đang do dự giữa ngã ba đường, chưa biết chọn ai để gửi tài. Bài chiếu như một lời trấn an, một sự khích lệ cho họ niềm tin vào vị vua mới. Ông chỉ rõ: "Người có lời lẽ có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, người có lời lẽ không dùng được thì để đây, chứ không bắt tội nói viễn vông, không thiết thực. "Có lẽ hiểu được nỗi sợ của dân, nhiều người sợ mà phải giả dốc ngợi ca để tránh bại thân, nên ông mới nói vậy, như một lời trấn an dân tình đang hoảng sợ, không nên vì sợ mà phải dối lòng. Ông còn cho phép các quan được tiến cử người tài, và "tuỳ tài mà bổ dụng" chứ không sử dụng một cách tuỳ tiện. Cũng như những bậc ẩn sĩ, nếu muốn giúp đời" cũng được phép dâng thư tự cử". Tình cảm của Quang Trung thật sâu sắc, ông không những tha thiết kêu gọi người hiền tài, mà còn làm ấm lòng dân bởi những chính sách công bằng nghiêm minh.

Bài viết thể hiện tư tưởng tiến bộ của nhà Tây Sơn, đặc biệt là Vua Quang Trung. Nếu không có tấm lòng lo cho dân, cho nước hẳn ông không bao giờ tha thiết cầu hiền đến vậy. Ông biết coi trọng người tài, biết khích lệ họ bằng chính tâm huyết, sự chân thành của mình tù đó ta thấy rõ nhân cách cao cả của một nhà vua, thấy được sự thiết tha mang âm hưởng của bài hịch xưa. "Chiếu cầu hiền" là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà đem tài năng tham gia xây dựng đất nước. Bài viết giàu tính thuyết phục, lập luận sâu sắc nên dễ đi vào lòng người. Qua đó thấy được tài bút của Ngô Thì Nhậm.

Bài viết là tấm lòng cao cả đáng khâm phục được ngợi ca của vua Quang Trung, đó là tư tưởng đúng đắn là lòng trung thực, nhân cách cao đẹp của ông trong việc kêu gọi người hiền tài ra giúp nước. Từ đó cho ta hiểu nhiều hơn về vị vua anh minh Quang Trung Hoàng Đế.

Hùng Cường