Giải trí

5 Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Đây mùa thu tới - Xuân Diệu - Ngữ văn 11

Hùng Cường 26/03/2024 11:34

Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm Đây mùa thu tới - Xuân Diệu bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 11.

I. Tìm hiểu chung về tác phẩm Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

1. Tác giả Xuân Diệu

- Xuân Diệu (1916- 1985) tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu.

- Quê: Can Lộc - Hà Tĩnh nhưng sống với mẹ ở Quy Nhơn.

- Là con người say mê rèn luyện, lao động và sáng tác. Đó là một quyết tâm khắc khổ, là lẽ sống là niềm đam mê trong cuộc đời.

- Là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới, là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say và yêu đời thắm thiết.

- Thơ Xuân Diệu dồi dào những rung động tươi mới, tràn trề tình yêu và niềm khát khao giao cảm với đời.

- Xuân Diệu đã đem đến cho thơ ca đương đại một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.

- Tác phẩm tiêu biểu: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Riêng chung (1960)... Ngoài ra ông còn viết văn xuôi và tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học.

2. Tác phẩm Đây mùa thu tới

a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Đây mùa thu tới được in trong tập Thơ thơ (1933 – 1938), tập thơ đầu tay của tác giả.

- “Đây mùa thu tới” được bắt nguồn từ cảm hứng rất Xuân Diệu, đó là cảm quan về thời gian. Bài thơ được sáng tác khi Xuân Diệu nhìn hàng liễu bên hồ gần nhà, ông đã từng thốt lên điều này khi nhìn hàng liễu rủ bên hồ mềm mại như mái tóc dài của người thiếu nữ, đồng thời, nó như những giọt nước mắt chảy dài mang vẻ đẹp mơ màng, buồn man mác nhưng cũng không kém phần lãng mạn.

b. Thể loại và phương thức biểu đạt

- Thể loại: Thơ 7 chữ

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm

c. Bố cục

- Phần 1 (Khổ 1): Cảm nhận của nhà thơ khi mùa thu tới

- Phần 2(Khổ 2): Khu vườn mùa thu

- Phần 3 (Khổ 3): Cảnh vật mùa thu

- Phần 4 (Khổ cuối): Không gian mênh mông, rộng lớn.

d. Giá trị nội dung

Bài thơ là một bức tranh thu với những biến thái tinh vi nhất, những rung cảm sâu xa của lòng người trong thời khắc chuyển mùa.

e. Giá trị nghệ thuật

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình.

- Nghệ thuật nhân hóa.

- Cảm nhận tinh tế bằng các giác quan, cách tân trong việc tổ chức lời thơ, xây dựng hình ảnh, lựa chọn ngôn từ và kế thừa truyền thống thơ phương Đông kết hợp nhuần nhị với sự sáng tạo theo kiểu thơ phương Tây.

day-mua-thu-toi.png
Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

II. Dàn ý chung phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

A. Mở bài

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ đặc biệt thành công khi viết về mùa thu, với bài thơ “Đây mùa thu tới”, thi sĩ đã mang đến cho người đọc những cảm nhận vừa tinh tế, vừa mới mẻ về một bức tranh mùa thu đẹp, lãng mạn nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn, sự xót xa.

B. Thân bài

1. Ba khổ thơ đầu

a. Khổ 1

- Bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ hiện lên qua những hình ảnh đó là:

+ Rặng liễu đìu hiu, nhân cách hóa dáng liễu như dáng một nàng thiếu nữ đứng chịu tang → hình ảnh thơ đẹp, buồn.

+ Áo mơ phai dệt lá vàng → sắc màu thanh nhẹ, tươi sáng

- Nhịp thơ 4/3, điệp khúc “mùa thu tới”, đại từ chỉ định “đây”, nghệ thuật vắt dòng “ tới”- “ với” → tiếng reo vui ngỡ ngàng, tiếc nuối của thi nhân.

-> Xuân Diệu đã sáng tạo nên một hình ảnh đẹp và buồn về liễu. Cây liễu buổi đầu thu được miêu tả qua một dáng hình lặng lẽ, đau thương, một tâm tình cô đơn, sầu khổ. Cả một trời thu mênh mang "đìu hiu đứng chịu tang" cùng liễu. Cảnh thu đẹp nhưng đượm buồn qua con mắt của thi nhân.

b. Khổ 2

- Cụm từ “hơn một loài hoa’ được dùng để chỉ sự tàn phai của hoa lá. Cách nói này giúp chúng ta cảm nhận được ít nhiều những bước chảy trôi của thời gian, của thiên nhiên đất trời.

- Hoa: Rụng cành → cách diễn đạt” hơn một rất mới → gợi sự úa tàn, rơi rụng.

- Lá: Sắc đỏ rũa màu xanh → động từ “rũa” thật gợi cảm → gợi sự mài mòn, sự lấn át.

+ Run rẩy, rung rinh → láy phụ âm “r” → gợi cảm giác se lạnh.

- Cành: Đôi nhánh, khô gấy, xương mỏng manh → nghệ thuật tạo hình, hình ảnh nhân hóa → gợi sự hao gầy, mong manh, trơ trọi.

*Như vậy, Xuân Diệu luôn cảm nhận thế giới trong bước đi của thời gian. Không có gì là bền lâu. Tất cả đều biến dịch, trôi chảy.

c. Khổ 3

- Sự khác biệt của không gian thơ ở khổ 2 với khổ 3 được thể hiện như sau:

* Khổ 2:

+ Sự chuyển biến của thiên nhiên khi mùa thu tới

+ Dần thay đổi theo thời tiết và khí hậu của mùa thu.

* Khổ 3:

+ Tô đậm thêm cảnh sắc khi mùa thu tới.

+ Hình ảnh với sự mờ ảo của sương mù, lúc ẩn lúc hiện, sự rét mướt đã được cảm nhận rõ hơn qua từng cơn gió, qua hình ảnh vắng vẻ của con người trên những chuyến đò.

Cảnh thu vắng lặng, gợi nỗi cô đơn trong lòng người

- Dấu câu tạo ấn tượng thị giác với độc giả, qua đó giúp người đọc cảm nhận được những tâm tư, tình cảm của tác giả.

=> 3 khổ thơ đầu bức tranh thu đẹp nhưng đượm buồn.

2. Khổ thơ cuối

- Mây vẩn, chim bay đi, khí trời u uất hận chia ly , tín hiệu của thơ cổ, đất trời nhuốm màu ảm đạm, thê lương, ly biệt.

- Ít nhiều thiếu nữ buồn, không nói, tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi tâm trạng mơ hồ, suy nghĩ, đợi chờ.

-> Như vậy, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn, nỗi cô đơn của con người khát khao giao cảm với đời.

C. Kết bài

“Đây mùa thu tới” là thi phẩm xuất sắc của Xuân Diệu viết về mùa thu, thi sĩ không chỉ mang đến cho người đọc bức tranh mùa thu tuyệt đẹp mà còn gửi gắm những nỗi niềm, cảm xúc của bản thân trước mùa thu và những đổi thay của đất trời.

III. Danh sách đề thi phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

1. Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của thi sĩ Xuân Diệu.

Xuân Diệu (1916-1985) là nhà thơ tình, viết hay nhất và nhiều nhất trong thời đại chúng ta. Thi sĩ đã để lại trên 400 bài thơ tình,; là nhà thơ "mới nhất trong những nhà thơ mới". Xuân Diệu cũng là thi sĩ của mùa thu. Với Xuân Diệu nếu "Tình không tuổi và xuân không ngày tháng" thì cảnh thu chứa đựng biết bao tình thu, bao rung động xôn xao, bởi lẽ "Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền”.

Trong hai tập thơ viết trước Cách mạng: "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió " có rất nhiều bài thơ nói đến sắc thu, hương thu, trăng thu, tình thu, thiếu nữ buổi thu về... Mùa thu thật đáng yêu, làm cho tâm hồn thi sĩ như dây đàn huyền diệu đang rung lên xao xuyến...

"Đây mùa thu tới" là một bài thơ thu tuyệt bút của Xuân Diệu, rút trong tập "Thơ thơ", xuất bản năm 1938. Thu đến, xôn xao rung động đất trời. Cảnh vật đẹp mà thoáng buồn man mác. Lòng thiếu nữ càng trở nên bâng khuâng buổi thu về.

Cảm nhận đầu tiên của thi sĩ Xuân Diệu về mùa thu không phải là âm thanh tiếng chày đập vải, không phải là ấn tượng "Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng trì thu" mà là ở dáng liễu, rặng liễu ven hồ, hay bên đường:

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng".

Cả một không gian "đìu hiu", buồn và vắng vẻ. Rặng liễu trầm mặc như "đứng chịu tang". Lá liễu buông dài như tóc nàng cô phụ "buồn buông xuống". Lá liễu ướt đẫm sương thu tưởng như "lệ ngàn hàng". Liễu được nhân hóa "đứng chịu tang", từ tóc liễu đến lệ liễu đều mang theo bao nỗi buồn thấm thía. Một nét liễu, một dáng liễu được miêu tả và cảm nhận đầy chất thơ. Biện pháp láy âm được Xuân Diệu vận dụng tài tình để tạo nên vần thơ giàu âm điệu, nhạc điệu: "đìu hiu - chịu", "tang - ngàn - hàng", "buồn - buông - xuống". Đó là một điểm mạnh, khá mới mẻ trong thi pháp mà Xuân Diệu đã học tập được trong trường phái thơ tượng trưng Pháp trong thế kỉ XIX.

Say mê ngắm "rặng liễu đìu hiu...", nhà thơ khẽ reo lên khi chợt nhận thấy thu đã đến. Cách ngắt nhịp 4/3 với điệp ngữ "mùa thu tới" đã diễn tả bước đi của mùa thu và niềm mong đợi thu về bấy lâu nay trong lòng thi sĩ:

"Đây mùa thu tới/mùa thu tới

Với áo mơ phai/dệt lá vàng".

Một vần lưng thần tình: "tới - với", một chữ "dệt" tinh tế trong miêu tả và cảm nhận. Thu vừa tới, sắc màu cỏ cây vạn vật đều đổi thay, trở thành "mơ phai". Đó đây điểm tô một vài sắc vàng của lá, đúng là "dệt lá vàng". Câu thơ "Với áo mơ phai dệt lá vàng" là một câu thơ nhiều thi vị, nói lên cái hồn thu với sắc lá, gợi lên cảm giác thanh nhẹ, tươi sáng về mùa thu đáng yêu vô cùng.

Có thể nói, khổ thơ đầu đã vẽ lên một bức tranh thu đẹp, thơ mộng, thấm một nỗi buồn từ cây cỏ đến lòng người, nhưng không ảm đạm, thê lương làm nặng trĩu lòng người.

Mỗi ngày mỗi đêm đi qua. Thu đã về và thu dần dần trôi qua. Cảnh vật biến đổi. Hoa đã "rụng cành". Tác giả không nói "đôi ba...”, mà lại viết "hơn một" cách dùng số từ ấy cũng là một cách nói rất mới. Trong vườn, màu đỏ (từng chấm nhỏ) đang lấn dần, đã và đang "rũa màu xanh"! Cũng nói về sự biến đổi ấy, trong bài "Cảm thu, tiễn thu” thi sĩ Tản Đà viết:

"Sắc đâu nhuộm ố quan hà

Cỏ vùng cây đỏ bóng tà tà dương".

Cây cối bắt đầu rụng lá trơ cành như đang "run rẩy", khẽ "rung rinh" trước những làn gió thu lành lạnh, se sắt. Khổ thơ thứ hai, chất thơ ấy là sự lay động xôn xao từ cảnh vật, từ hoa lá hơi may mà thấm vào hồn thi sĩ:

"Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Những luồng run rẩy, rung rinh lá,

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh".

Các từ láy: "run rẩy", "rung rinh”, "mỏng manh" là những nét vẽ thần diệu gợi tả cái run rẩy, cái rùng mình của cây lá buổi chiều thu. Nghệ thuật sử dụng các phụ âm , “r" (rụng, rũa, run rẩy, rung rinh) và phụ âm "m" (một, màu, mỏng manh) với dụng ý thẩm mĩ trong gợi tả và biểu cảm đặc sắc. Đó cũng là một nét mới trong thi pháp của Xuân Diệu.

Khổ thơ thứ 3, thi liệu vừa hiện thực vừa ước lệ tượng trưng, vừa kế thừa vừa cách tân sáng tạo. Cũng có trăng nhưng là "nàng trăng tự ngẩn ngơ" trên bầu trời. Không nói là trăng non đầu tháng, không hỏi "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già" mà lại nói là "nàng trăng". Một hình ảnh đẹp, thơ mộng tả vầng trăng thu. Cũng ó núi, có non, lúc ẩn lúc hiện, "khởi sự" nhô lên cuối chân trời xa, qua lớp sương thu mờ. Trăng và núi trong thơ Xuân Diệu chứa đựng cái hồn thu muôn thuở của xứ sở quê hương, gần gũi và thân thuộc từ bao đời nay được vẽ lên thật đẹp:

"Thỉnh thoang nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ... "

Hai tiếng "đã nghe", "đã vắng" gợi tả cái không gian bao la, vắng vẻ của những buổi chiều thu lành lạnh:

"Đã nghe rét mướt luồn trong gió,

Đã vắng người sang những chuyến đò”

Cấu trúc câu thơ song hành và cách diễn tả cũng rất mới. Có chuyển đổi cảm giác giữa xúc giác và thính giác. Như vậy, sự cảm nhận của thi nhân về rét, về gió, về cái xa vắng không chỉ bằng giác quan mà còn bằng cả linh hồn nữa. Chữ "luồn" đã cụ thể hóa cái rét, cảm nhận được nó bằng trực giác. Rét mướt luồn trong gió thu hiu hắt chứ không phải là gió rét. Rõ ràng là chưa rét đậm, rét tê tái, đúng là cái rét, cái lành lạnh những chiều thu, những đêm tàn thu.

Khổ cuối là một bức tranh thu tuyệt đẹp. Có vẻ đẹp của thiên nhiên, của mây trời, cánh chim. Có vẻ đẹp thiếu nữ. Cảnh đẹp, người đẹp mà thoáng buồn mơ hồ mênh mông. Mây và cánh chim gợi lên nỗi buồn đẹp chia li như "bèo dạt mây trôi" của tình ca! Thi sĩ đã lấy cái "động" của cánh chim bay, của áng mây chiều trôi để đặc tả cái êm đềm, yên tĩnh của cõi vật và lòng người:

"Mây vẩn từng không chim bay đi,

Khí trời u uất hận chia li"...

Trong cái êm đềm, xa vắng ấy hiện lên hình ảnh thiếu nữ "ít nhiều" chưa xác định. Buồn tương tư, "buồn không nói". Một dáng điệu "tựa cửa nhìn xa", một tâm hồn "nghĩ ngợi gì" rất mơ hồ, xa xăm:

"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì"

Là mùa xuân hay mùa thu, là mùa hè hay mùa đông, giữa thiên nhiên trăm sắc nghìn hương ấy, hình ảnh thiếu nữ đa tình, duyên dáng luôn luôn thấp thoáng qua những vần thơ của Xuân Diệu. Thi sĩ đa tình nên thiếu nữ cũng đa tình?

"Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm

Hây hây thục nữ mắt như thuyền".

("Nụ cười xuân" - Thơ thơ)

rong chùm thơ thu của Yên Đổ, tình thu buồn thấm thía cô đơn được thể hiện qua hình ảnh một ông lão, lúc đang "tựa gối ôm cần" trên một chiếc thuyền câu "bé tẻo teo" giữa chiếc ao thu "lạnh lẽo", lúc là một cụ già đang ngồi uống rượu ngà ngà say trong đêm sâu, có lúc lại là một nhà nho đang lặng ngắm cảnh thu, muốn cầm bút đề thơ mà phân vân, lưỡng lự... Còn trong thơ thu của Xuân Diệu là hình bóng một giai nhân trong tương tư, đang mộng tưởng. Đó cũng là một nét mới nói về mùa thu trong thơ Xuân Diệu. Có thể nói trạng thái buồn mơ hồ, buồn không rõ nguyên cớ là một nét tâm trạng rất điển hình của hồn thơ Xuân Diệu:

"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói... "

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...".

Đây mùa thu tới" là một bài thơ thu tuyệt bút của Xuân Điệu. Bao nhiêu nét thu là bấy nhiêu nét vẽ tài hoa. Dáng thu, sắc thu, tình thu đều đẹp mà buồn, bao nên cái hồn thu mênh mang, xao xuyến. Đáng yêu nhất là hình ảnh thiếu nữ, một dáng thu yêu kiều mộng tưởng "Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì". Một trái tim đa tình, một ngòi bút tài hoa. Cách cảm và cách diễn tả rất mới, rất thơ. Đằng sau những sắc thu của đất trời, hoa lá, cây cỏ, của núi xa, của nàng trăng, của làn gió thu se lạnh,... là tiếng thu xôn xao, rung động trong tâm hồn thi sĩ tuổi đôi mươi và trong lòng thiếu nữ tuổi trăng tròn. Bài thơ cho ta nhiều ngẩn ngơ say cái hương sắc mùa thu xưa, mùa thu Hà Nội hơn nữa.

2. Bình giảng khổ thơ sau đây trong bài Đây mùa thu tới: "Rặng liễu...dệt lá vàng."

Thơ ca cổ đã dành cho mùa thu một vị trí cực kì sang trọng và danh dự. "Thu hứng" của Đỗ Phủ, "Tì bà hành" của Bạch Cư Dị. "Thu vịnh", "Thu điếu", "Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến, "Cảm thu tiễn thu" của Tản Đà, v.v... đó là những bài thơ thu tuyệt tác mà trong chúng ta, ai cũng biết. Trong nền "Thơ mới" 1932- 1941. Xuân Diệu là nhà thơ có nhiều duyên nợ với mùa thu: "Đây mùa thu tới", "Thơ duyên", "Nguyệt cầm",... Mùa thu trong thơ Xuân Diệu là mùa thu của tình yêu, của lòng thương nhớ: "Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần,... Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người " ("Nguyệt cầm").

Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, khát khao hạnh phúc... được thi sĩ diễn một cách tài hoa, tinh tế trong bài thơ "Đây mùa thu tới", in trong tập "Thơ thơ” xuất bản năm 1938. Bài thơ gợi tả cảnh sắc mùa thu và một nỗi buồn man mác bâng khuâng đang tỏa rộng và thâm sâu vào tạo vật và lòng người. Hình thiếu nữ là một nét rất mới, rất đẹp trong bài thơ thu này.

Sắc thu đẹp. Hồn thu buồn. Giọng thơ nhẹ nhàng, thấm thía. Đây là khổ thơ đầu bài "Đây mùa thu tới":

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ hàng ngàn

Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng"

Cặp câu 1, 2 đặc tả một dáng thu buồn: "rặng liễu". Hàng liễu, dặm liễu, "rặng liễu" như "đứng chịu tang" nghiêng mình ven đường và soi bóng xuống hồ. "Đìu hiu" nghĩa là vắng vẻ và buồn bã. Trong khí thu se lạnh, gió thu hiu hắt, sương thu mỏng và mơ màng, những rặng liễu, khóm liễu rủ lá, buông dài như mái tóc nàng cô phụ. Lá liễu dài, nhỏ, mỏng manh như sợi tơ, sợi tóc óng ánh, ướt đẫm sương thu, tưởng như "lệ ngàn hàng" từ cõi lòng tang tóc tuôn xuống:

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng".

Tả tóc liễu, lệ liễu cũng là nói lên hồn thu buồn muôn thuở. Đó là những vần thơ tuyệt bút. Nguyễn Du đã từng viết về liễu trong "Truyện Kiều": "Lơ thơ tơ liễu buông mành..." - Liễu trong thơ cổ tượng trưng cho vẻ đẹp yểu điệu, thướt tha của giai nhân. Xuân Diệu đã sáng tạo nên một hình ảnh đẹp và buồn về liễu. Cây liễu buổi đầu thu được miêu tả qua một dáng hình lặng lẽ, đau thương, một tâm tình cô đơn, sầu khổ. Cả một trời thu mênh mang "đìu hiu đứng chịu tang" cùng liễu.

Thu đến, đất trời cũng chuyển vần theo thu. Thi sĩ vốn đa tình, đa cảm đứng lặng lẽ trầm ngâm chợt mơ hồ nghe thấy bước đi của mùa thu chầm chậm, nhè nhẹ:

"Đây mùa thu tới /mùa thu tới

Với áo mơ phai / dệt lá vàng"

Câu thơ như một tiếng reo khẽ thốt lên, vừa ngạc nhiên vừa vồn vã. Nhịp thơ 4/3 diễn tả bước thu sang. Giọng thơ xôn xao như cất tiếng đón chào. Hẳn lòng người đã bấy lâu ngóng đợi thu về. Tả mùa thu đến với bao mong nhớ đợi chờ, với bao vồn vã đón chào, đó là ý thu cũng là cảm thu như thi sĩ Tản Đà từng nói đến. Sau khi tả dáng thu, Xuân Diệu nói đến sắc thu: "Với áo mơ phai dệt lá vàng". Màu vàng bao trùm nhiều bài thơ cổ nói về mùa thu. Có nắng vàng. Có trăng vàng. Và có lá vàng, hoa cúc vàng. "Thu đến cây nào chẳng lạ lùng” (Nguyễn Trãi). "Rừng thu từng bước xen hồng" ("Truyện Kiều"). "Sắc đâu nhuộm ố quan hà - cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương" (Tản Đà). "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo" (Nguyễn Khuyến).

Ngạc nhiên, xúc động trước bước đi êm nhẹ của mùa thu, Xuân Diệu thú vị phát hiện ra cả một trời thu bao la" với áo mơ phai dệt lá vàng". Một cái nhìn tinh tế sắc màu cây cỏ. Trên cái nền vàng nhạt “mơ phai" dần dần ửng lên, sáng lên một màu vàng tươi khắp vườn cây, ngàn lá. Rõ ràng là thu mới đến, buổi thu sơ mới có màu "mơ phai" ấy. Cái màu vàng ấy đã tạo ra một không gian nghệ thuật đầy thi vị. Nó gợi tả vẻ đẹp tươi sáng, thanh nhẹ của mùa thu Hà Nội, mùa thu quê hương vô cùng đáng yêu và thân thuộc đối với mỗi chúng ta.

Chữ "dệt" trong câu thơ như một nét vẽ tinh vi, mỏng thoáng trên gam màu rực rỡ, điểm tô cái hồn thu được cảm nhận. Nói rằng Xuân Diệu là nhà thơ của cảm giác, của xúc giác thật là chí lí.

Thơ lãng mạn 1932-1941 tả mùa thu bao giờ cũng đẹp mà buồn. Có nỗi buồn bâng khuâng trong "Thu rừng" của Huy Cận. Có nỗi buồn ngơ ngác trong "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư: "Con nai vàng ngơ ngác – Đạp trên lá vàng khô". Có vẻ đẹp kì ảo, huyền diệu trong "Tiếng trúc tuyệt vời" của Thế Lữ. Và còn có nỗi buồn mơ hồ xa xăm:

"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa của nhìn xa nghĩ ngợi gì".

Tính nhạc trong thơ Xuân Diệu rất phong phú. Đọc đoạn thơ ta tưởng như nghe một khúc hát mùa thu. Có tiếng láy "đìu hiu" như một nốt nhạc trầm buồn. Có ba vần bằng ngân nga rung động: "tang - hùng - vùng". Có điệp ngữ vang ngân như một điệp khúc: "Đây mùa thu tới //mùa thu tới". Có cách ngắt nhịp 4/3 như bước đi của mùa thu. Và còn có một vần lưng độc đáo: "tới" vần với "với" (mùa thu tới - Vài áo mơ phai dệt lá vàng). Xuân Diệu đã có lần nói: "Thiếu nhạc, thơ mất hay cũng như hoa đẹp mà không hương vậy".

"Đây mùa thu tới" có bốn khổ thơ, mỗi khổ thơ là một bức tranh thu đẹp mà buồn, tất cả hợp thành một bộ tứ bình xinh xắn. Đây là khổ thơ đầu miêu tả dáng thu và sắc thu. Sau khi đọc những bài thơ cổ, đọc tiếp thơ thu của Xuân Diệu, ta cảm thấy tâm hồn mình giàu có thêm nhiều. Qua đoạn thơ trên, ta cảm nhận được hồn thu qua dáng liễu, qua sắc thu và bước thu êm. Hàng lệ liễu, sắc vàng mơ phai của lá thu là những chi tiết nghệ thuật đầy ấn tượng. Thi sĩ Xuân Diệu đã đem cái tài hoa, cái đa tình góp vào hồn thu muôn thuở.

3. Phân tích khổ thơ sau trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu: "Hơn một loài hoa...xương mỏng manh."

"Thơ thơ" (1938) là tập thơ đầu trong sự nghiệp văn chương của Xuân Diệu, một thi sĩ tài hoa, phong tình trong phong trào "Thơ mới" (1932-1941). Những bài thơ viết về mùa thu của Xuân Diệu trong "Thơ thơ” thật đẹp mà buồn, một nỗi buồn trong sáng, thơ mộng, thoáng cô đơn lẻ loi. Bên cạnh hình ảnh thiếu nữ đa tình, giai nhân lẻ bóng, cảnh sắc mùa thu được nhà thơ cảm nhận và diễn đạt mới mẻ, phong tình, hào hoa.

Thơ viết về mùa thu trong "Thơ thơ" tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Diệu là bài "Đây mùa thu tới". Bài thơ thất ngôn có bốn khổ thơ, mỗi khổ thơ là một nét thu mộng mơ, cảnh thu và tình thu man mác. Khổ một là dáng liễu và lá thu buổi thu sơ. Khổ hai nói về vườn thu trong gió thu. Khổ ba tả trời thu, núi thu và sông thu. Khổ bốn là hình ảnh thiếu nữ bâng khuâng trước cảnh thu buồn chia li...

Sau dáng liễu là hình ảnh vườn thu:

"Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh"

Hoa mùa thu thường được các thi sĩ nói đến là hoa cúc: "Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ - Con thuyền buộc chặt mối tình nhà" ("Thu hứng" - Đỗ Phủ - Thơ dịch);. "Mưa thu tưới ba đường cúc - Gió xuân đưa một lảnh lan" ("Ngôn chí-25-

Ức Trai),... Câu thơ đầu đoạn, Xuân Diệu nói về hoa thu "đã rụng cành", đã lìa cành, một nét đẹp tàn phai, gợi buồn. Thi sĩ không dùng số đếm: "hai ba", "dăm ba" mà lại viết “hơn một” loài hoa đã rụng cành". Một cách nói mới về cách dùng số từ để diễn tả hoa lác đác tàn rụng trong vườn buổi đầu thu khi mùa thu tới.

Câu thơ thứ hai nói về sắc thu trong vườn:

"Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh".

Một chữ “rũa” thần tình, độc đáo là chiếc lá thu. Trên cái nền xanh của lá, mỗi ngày đêm thu qua xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, màu hồng; cứ loang dần, lấn dần, tiệm tiến, cho đến buổi thu phân, thu mạt, cả vườn thu đã vàng rực, đỏ rực. Và ta mới hay "Thu đến cây nào chẳng lạ lùng..." (Nguyễn Trãi). Hình ảnh "sắc đỏ rũa màu xanh" gợi tả một nét thu, một sắc thu, cho thấy cách nhìn, cách tả, cách cảm xúc của Xuân Diệu rất nhạy cảm và tinh tế. Mới hôm nào đó, sắc thu chỉ mới là "Với áo mơ phai dệt lá vàng", mà nay đã thay đổi "Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh". Chữ ''rũa" nhuần nhụy và biểu cảm hơn chữ "rủa" mà có một số người hay nói đến.

Màu vàng đặc trưng cho sắc thu ở nước ta. Có nắng vàng, trăng vàng, hoa cúc vàng, lá vàng... được nói đến nhiều trong thơ:

"Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng"

(Truyện Kiều)

"Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"

(Thu điếu)

"Sắc đâu nhuộm ố quan hà,

Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương "

(Cảm thu tiễn thu)

"Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô"

(Tiếng thu)

Sau hình ảnh "Với áo mơ phai dệt lá vàng", Xuân Diệu nói đến sắc đỏ trong vườn thu. "Sắc đỏ" đã đối chọi, tương phản với "màu xanh" gợi tả chiếc lá thu trong vườn đang biến đổi dần trước bàn tay kì diệu của hóa công.

Từ sắc thu, lá thu, nhà thơ nói đến nhánh thu trong làn gió thu lành lạnh: "Những luồng run rẩy rung rinh lá...

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh".

Thi sĩ Tản Đà có viết về gió thu và lá thu: "Một dãy lau cao lùn gió chạy - Mấy cây thưa lá sắc vàng pha" (Thăm mả cũ bên đường). Xuân Diệu không viết "làn gió" mà lại nói "luồng", cũng là cách tả gió thu đang luồn trong các hàng cây, các luống hoa trong vườn. Bốn từ "run rẩy rung rinh" có giá trị gợi tả đắc sắc. Gió nhè nhẹ, nên cây cỏ mới rung rinh khẽ lay động. Từ láy "run rẩy" vừa tạo hình vừa gợi cảm giác. Làn gió thu lạnh làm cho lá cây, nhánh cây run mình rùng mình. Không hề nói đến lạnh mà vẫn cảm được cái lạnh. Không chỉ thế, ta như đang nhìn thấy những chiếc lá thu rơi. Nghệ thuật sử dụng từ láy và phụ âm “r" thật thần tình đã tạo nên vần thơ giàu hình tượng và nhạc điệu, mang ý vị xúc giác. Giáo sư Phan Cự Đệ cho rằng "lối diễn tả bằng cảm giác đó là ảnh hưởng từ thơ tượng trưng Pháp thế kỉ XIX". Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", ông Hoài Thanh có nhận xét:

"Trong cảnh mùa thu rất quen với thi nhân Việt Nam, chỉ Xuân Diệu mới để ý đến" những luồng run rẩy rung rinh lá"... cùng cái "cành biếc run run chân ý nhỉ". Nghe đàn dưới trăng thu, chỉ Xuân Diệu mới thấy "Lung linh bóng sáng bỗng rùng mình",... Qua đó, ta thấy nhà phê bình đã chỉ ra cái mới, cái thần thái trong những vần thơ tuyệt bút của Xuân Diệu.

Câu thơ "Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh" gợi lên một dáng thu khô gầy, trơ trụi. Lác đác trong vườn có "đôi nhánh khô gầy" rụng hết lá, khẳng khiu nhỏ bé "gầy", chất nhựa cạn kiệt như "khô" lại. Vì là thu mới tới, buổi đầu thu, nên trong vườn mới có hiện tượng "đôi nhánh khô gầy...". Cách sử dụng số từ rất tinh tế, thể hiện một cách quan sát tỉ mỉ, chính xác: "Hơn một", "đôi" làm nổi bật bước đi của mùa thu và hiện tượng biến đổi của hoa cỏ, cây lá. Hình ảnh "xương mỏng manh" đã cực tả dáng vẻ khô gầy, trơ trụi, tàn tạ của một nhánh cây nhỏ bé trong vườn hoa. Phải chăng đó là một nhành mai của một gốc lão mai ? Từ láy "mỏng manh" phối hợp cùng các từ ngữ: "nhánh, khô, gầy, xương" - gợi lên cái hồn thu tàn tạ, tiêu sơ qua hình ảnh đôi nhánh cây nhỏ bé, trụi lá xác xơ đang "run rẩy rung rinh" trước những luồng gió thu lành lạnh. Xuân Diệu tả ít mà gợi nhiều, làm hiện lên cái thần thái của cây cỏ. Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du tả một dáng thu tàn tạ buồn khi gia đình Vương Ông gặp tai bay vạ gió:

"Trông chừng khói ngất song thưa

Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng".

Đọc những vần thơ Kiều ấy, từ cái dáng "hoa trôi giạt thắm" đến cái nét "liễu xơ xác vàng" ta mới cảm thấy cái hay, cái đẹp mà buồn, cái mới mẻ, cái tinh tế, tài hoa trong thơ tả mùa thu của Xuân Diệu.

Cảnh thu được nói đến trong khổ thơ thứ 2 "Đây mùa thu tới" phải chăng là cảnh thu vườn hoa Ngọc Hà hơn 60 năm về trước ? Thơ còn đó mà thi nhân nay đã đi xa...

4. Phân tích sự độc đáo về nội dung và hình thức của bài thơ Đây mùa thu tới

Từ lâu đề tài mùa thu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ. Bài thơ “đây mùa thu tới” của Xuân Diệu mang đến cho độc giả bức tranh thu đầy ấn tượng đồng thời đây cũng là nơi tác giả bày tỏ cảm xúc u buồn khi mùa thu đến.

Xuân Diệu là nhà thơ xuất sắc trong nền thơ ca Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945. Thơ ông bộc lộ tình yêu đời, yêu cuộc sống và khát khao hạnh phúc. Ông luôn thể hiện niềm khao khát được giao cảm với thiên nhiên, với đời. “Đây mùa thu tới” được rút từ tập “thơ thơ” xuất bản 1938 là một tác phẩm đại diện cho nền thơ ca trước cách mạng. Bài thơ tả khung cảnh đất trời khi thu đến, mang một nỗi buồn man mát bâng khuâng của người thiếu nữ mỗi độ thu về. Mở đầu tác phẩm Xuân Diệu mang đến cho ta một nét riêng của đất trời mùa thu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Cảm nhận của thi sĩ về mùa thu không phải bắt đầu từ âm thanh hay màu lá vàng mà là ở rặng liễu ven hồ hay bên đường. Thông qua các từ ngữ giàu tưởng tượng nhà thơ đã vẽ ra một bức tranh thu đậm chất u buồn. Rặng liễu không còn là hình ảnh êm đềm mà thay vào đó là sự đìu hiu cô quạnh. Tạo nên một cảm giác bi thương mất mát, gợi sự cô đơn chia lìa. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp nhân hóa để nói về hành động của “liễu đứng chịu tang”. Liễu ở đây không còn là một thực thể vô tri vô giác nữa mà nó đã mang những cảm xúc của con người lặng lẽ, cô đơn chịu tang. Hình ảnh “tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” gợi tả “ngàn” nỗi đau, lẫn nước mắt.

Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Xuân Diệu làm cho bức tranh mùa thu trở nên có hồn hơn với sự xuất hiện của hình ảnh con người. Điệp cấu trúc “mùa thu tới” nói lên sự vui mừng phấn khích chào đón thu về. Thu về mang đến cho đất trời một niềm vui mới, khoác lên mình những sắc màu rực rỡ. “Với áo mơ phai dệt lá vàng” nói lên cái hồn thu với sắc lá, gợi cảm giác nhẹ nhàng tươi sáng đáng yêu vô cùng.

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;

Những luồng run rẩy rung rinh lá...

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Xuân Diệu sử dụng một loạt từ láy: “run rẩy”, “rung rinh”, “mỏng manh” nhân cách hóa trạng thái của cây lá buổi chiều thu. Trong khổ thơ này nhà thơ đã sử dụng nét chấm phá tạo nên trên bức tranh thu sự xơ xác của cỏ cây hay chính tâm trạng u tối của nhân vật.Thi sĩ khéo léo trong việc chọn từ ngữ đặc sắc đầy chất gợi. Phải tinh tế lắm Xuân Diệu mới chọn từ “rũa” để miêu tả cây trong vườn. Cây cối trong vườn đã nhuốm màu pha trộn sắc đỏ, là một tín hiệu báo hiệu thu đang về.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...

Non xa khởi sự nhạt sương mờ...

Đã nghe rét mướt luồn trong gió...

Đã vắng người sang những chuyến đò...

Tác giả đã sử dụng thi liệu vừa hiện thực vừa ước lệ tượng trưng, vừa kế thừa vừa cách tân sáng tạo khi miêu tả “nàng trăng tự ngẩn ngơ” trên bầu trời. Trăng một hình ảnh vừa đẹp vừa thơ mộng gợi một cảm giác dịu êm. “Non xa khởi sự” nhấp nhô phía chân trời xa qua lớp sương thu mờ. Trăng và núi trong thơ Xuân Diệu chứa đựng cái hồn của xứ sở quê hương, gần gũi thân thuộc từ bao đời nay được vẽ lên thật đẹp.

Hai tiếng “đã nghe”, “đã vắng” gợi tả cái không gian bao la vắng lặng u ám của buổi chiều thu. Cấu trúc song hành cùng sự chuyển đổi cảm giác giữa xúc giác và thính giác. Thi nhân đã cảm nhận được gió rét, cái vắng lặng không chỉ bằng giác quan và mà còn bằng cả tâm hồn. Cái rét ở đây không phải là cái rét đậm, rét tê tái của mùa đông mà là một cảm giác “luồn” đang len lỏi vào từng cơn gió. Câu thơ miêu tả hiện thực những chuyến đò đã vắng người gợi cảm giác buồn vắng lặng của buổi chiều thu trên sông.

Mây vẩn từng không, chim bay đi,

Khí trời u uất hận chia ly.

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.

Khổ thơ cuối gợi lên bức tranh thu tuyệt đẹp. Cái vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời, của cánh chim bay, vẻ đẹp của người thiếu nữ. “Chim bay đi” gợi một nỗi buồn đẹp của sự chia ly. Áng mây trôi lặng lẽ êm đềm như chính tâm hồn của con người. Xuân Diệu đã cảm nhận được từng bước đi của nàng thu, mùa thu còn được thi sĩ cảm nhận qua sự chuyển động cụ thể của cánh chim và sự rộn rã trong lòng người. Bầu trời rộng lớn nhưng trầm buồn, nhuộm màu của sự chia ly. Hình ảnh thiếu nữ buồn không nói cùng với nghệ thuật đảo ngữ đã khắc họa nỗi sầu thảm lẻ loi cô đơn của người con gái trước không gian mênh mông rộng lớn. Tác giả đã mượn hình ảnh thiếu nữ để nói nên suy nghĩ tâm trạng của mình. Đó chính là cảm giác buồn suy tư khi mùa thu dần tàn.

Bài thơ được tác giả sử dụng các hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, từ ngữ đầy sáng tạo cùng các biện pháp nghệ thuật độc đáo. Bức tranh mùa thu qua con mắt của Xuân Diệu thật đẹp nhưng chất chứa nỗi buồn. Bằng tình yêu cuộc sống, thái độ trân quý thời gian ông đã vẽ lên bức tranh thu- một mùa gây bao thương nhớ.

5. Phân tích những cảm nhận tinh tế của Xuân Diệu trước thiên nhiên thể hiện trong bài Đây mùa thu tới

Khi làn gió thu se lạnh ùa về báo hiệu khoảnh khắc giao mùa cũng là lúc tâm hồn thi nhân bỗng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết để đón nhận những chuyển biến tinh tế của đất trời. Nếu như Nguyễn Khuyến có chùm thơ thu: "Thu vịnh", "Thu điếu", "Thu ẩm" để bắt lấy trọn vẹn bức tranh thu, Lưu Trọng Lư lắng nghe "Tiếng thu về", thì Xuân Diệu - "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" lại đón thu trong sự xôn xao, đợi chờ qua "Đây mùa thu tới". Qua bài thơ, chúng ta có thể thấy được những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về thiên nhiên trong thời điểm giao mùa, từ hạ sang thu.

Cảm nhận tinh tế của "ông hoàng thơ tình" được thể hiện ngay ở nhan đề của bài thơ. "Đây mùa thu tới" gợi ra trước mắt người đọc bước đi một đi không trở lại của thời gian, mùa thu như hiện hữu ngay trước mắt người đọc với sự chuyển động hữu hình. Tâm hồn tinh tế của nhà thơ nắm lấy từng khoảnh khắc để rồi hồn thơ bắt gặp hồn thu, cho thấy một trái tim vô cùng nhạy cảm với những đổi thay của đất trời. Bức tranh chuyển mùa cứ thể hiện lên qua hồn thơ tinh tế đó.

Thiên nhiên nói chung và mùa thu nói riêng vốn là đề tài quen thuộc trên mảnh đất văn học phong phú và đa dạng. Khi miêu tả nàng thu, các thi nhân xưa thường sử dụng những thi liệu mang phong vị cổ điển như "Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng trì thu", còn Xuân Diệu- "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (theo cách nói của Hoài Thanh) lại tạo ấn tượng bởi hình ảnh rặng liễu:

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng"

Trong không gian buồn "đìu hiu", vắng vẻ của khoảnh khắc giao mùa, rặng liễu xuất hiện trầm mặc trong tư thế "đứng chịu tang" cho thấy cảm quan nghệ thuật mới mẻ của nhà thơ: Lấy con người là vẻ đẹp chuẩn mực cho thiên nhiên. Nỗi buồn của thi nhân thấm vào cảnh vật, khiến rặng liễu cũng trĩu nặng "lệ ngàn hàng" tạo nên cách cảm nhận vô cùng tinh tế về một dáng liễu, một nét liễu. Những rặng liễu giăng mắc cả một khoảng trời rủ xuống như "rơi lệ" trong cảnh "đứng chịu tang" làm cho nỗi buồn càng thêm thấm thía hơn. Hồn thu còn hiện lên gắn với nét hao gầy và rơi rụng qua hình ảnh: "Với áo mơ phai dệt lá vàng" đầy thi vị, gợi lên sự tàn phai trong vẻ đẹp rực rỡ. "Áo mơ phai" còn là hình ảnh cho thấy sự cảm nhận tinh tế của tác giả về sắc màu. Như vậy, qua cảm nhận tinh tế của nhà thơ, bước đi vô hình và hết sức nhẹ nhàng của thời gian cùng những đổi thay linh diệu của đất trời khi thu sang hiển hiện qua từng sắc lá, dáng cây.

Thi sĩ còn mở rộng biên độ của tâm hồn và vận dụng mọi giác quan để nắm bắt lấy những ý niệm vô hình, biến chúng thành sự hữu hình:

"Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh"

Với tâm hồn tinh tế và nhạy cảm, tác giả đã bắt trọn từng khoảnh khắc để bắt lấy sự đổi khác và cái cựa mình của thiên nhiên. Khi những con gió thu se se lạnh chợt ùa về, những cành cây khẳng khiu như run rẩy, khẽ rùng mình trong luồng gió lạnh đầu mùa. Sự chuyển động của thời gian được miêu tả thành công thông qua việc sử dụng phụ âm "r" qua các từ ngữ rụng, rũa, run rẩy, rung rinh đem đến giá trị thẩm mĩ và ẩn chứa những ý niệm về sự tinh tế. Và thậm chí, tâm hồn nhà thơ còn lắng nghe được cái lạnh trong làn gió: "Đã nghe rét mướt luồn trong gió". Động từ "luồn" kết hợp cùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã được tác giả vận dụng một cách tài tình để cụ thể hóa cái "rét", gợi lên cái lành lạnh của chiều thu, cho thấy người thi nhân không chỉ cảm nhận hồn thu, gió thu bằng các giác quan mà còn bằng tâm hồn hết sức nhạy cảm.

Cảm nhận tinh tế của tác giả còn thể hiện qua việc tô điểm cho mùa thu một nỗi buồn từ bên trong qua các hình ảnh đầy thi vị như "nàng trăng tự ngẩn ngơ", "u uất hận chia ly", "thiếu nữ buồn không nói". Mùa thu với hai nét vẽ: thu trên bầu trời như "nàng trăng tự ngẩn ngơ" và thu dưới mặt đất như "người thiếu nữ buồn không nói" đem đến phong vị buồn man mác và mang đậm màu sắc chia ly, tiễn biệt.

Như vậy, với tâm hồn nhạy cảm và sự cảm nhận vô cùng tinh tế, bước đi của thời gian, bước thu đi đã được tác giả miêu tả thành công qua từng nét thu, từng dáng thu đẹp đẽ nhưng thấm đượm nỗi buồn. Chính điều này đã làm nên cái "tôi" riêng của Xuân Diệu trong làng thơ mới. Đó là cái "buồn không nói", hoàn toàn khác với nỗi sầu thiên cổ, nỗi buồn "điệp điệp" của Huy Cận, và càng không giống với sự "buồn thiu" của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được một hồn thơ khao khát giao cảm với thiên nhiên, đất trời cùng tình yêu thiên nhiên của Xuân Diệu.

Hùng Cường