Thế giới thúc đẩy các mục tiêu mới về tài chính khí hậu

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 03:18, 26/03/2024

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển và đạt được “công bằng về khí hậu”.

Trong bối cảnh thế giới cần chi hàng nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu, tài chính là động lực chính tạo ra sự thay đổi tích cực ở tốc độ và quy mô cần thiết nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber ca ngợi những tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc năm ngoái tại Dubai, nơi các nước đã đồng ý tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập kỷ này và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn thiếu các chi tiết quan trọng, trong đó có vấn đề tài trợ, có thể đặt gánh nặng lên cuộc họp COP29 năm nay tại Azerbaijan. Theo Chủ tịch COP28, các quốc gia trên thế giới cần bắt đầu nghĩ đến việc chi hàng nghìn tỷ USD chứ không phải hàng tỷ USD để giải quyết các thách thức còn tồn tại.

Giới phân tích cho rằng, cần có tiến bộ về tài chính trong năm nay để giúp thúc đẩy mức độ tham vọng của các quốc gia trong các mục tiêu khí hậu quốc gia mới. Với những tác động tiêu cực khi nhiệt độ toàn cầu năm qua tăng cao ở mức kỷ lục, các chuyên gia cho rằng, khoản tài trợ được thống nhất sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các chính phủ tăng cường mục tiêu khử các-bon.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, hệ thống tài chính toàn cầu không thể cung cấp nguồn tài chính dài hạn hợp lý cho các quốc gia có nhu cầu. Mọi nước cần cam kết thực hiện những đóng góp mới ở cấp quốc gia vào năm 2025, phù hợp với việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C. Ông khẳng định các nước G20 - chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu - có trách nhiệm đặc biệt trong việc dẫn dắt những nỗ lực này. Tổng Thư ký Guterres cũng kêu gọi tăng gấp đôi kinh phí thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD hằng năm vào năm 2025 để bảo đảm công bằng về khí hậu.

Trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đang chịu áp lực khi phải điều chỉnh việc cho vay phù hợp với mục tiêu của thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu. WB cho biết sẽ củng cố cơ cấu các khoản vay và bảo lãnh đầu tư, trong khuôn khổ mục tiêu tăng mức bảo lãnh hằng năm nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tư nhân ở các nước đang phát triển.

Chủ tịch WB Ajay Banga nêu rõ, mục tiêu tăng gấp 3 lần mức bảo lãnh hằng năm lên 20 tỷ USD trong vòng từ 5 đến 6 năm tới thể hiện tham vọng mở rộng và khuyến khích cho vay đầu tư. Việc tăng các khoản bảo lãnh này là một phần quan trọng trong nỗ lực của WB mở rộng bảng cân đối kế toán và tăng cho vay hơn 150 tỷ USD trong 10 năm để giúp chống biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác. Đặc phái viên về khí hậu của Liên hợp quốc, ông Mark Carney kỳ vọng các dự án năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn trong các dự án cho vay của WB.

Các sáng kiến khác cũng đang được thảo luận, trong đó có việc ban hành mức thuế mới, đặc biệt đối với các ngành gây ô nhiễm, cũng như chuyển hướng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sang phát triển xanh. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ các nước tăng cường các mục tiêu cắt giảm khí thải, với các kế hoạch khử các-bon tăng cường dự kiến vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Trong tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) mới đây, bộ trưởng ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh, ngành nhiên liệu hóa thạch cũng phải tham gia vào việc đóng góp tài chính để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu theo mục tiêu của Liên hợp quốc. Để giải quyết những khoản chi ngày càng tăng nhằm ứng phó các đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng và mực nước biển dâng, EU đang chứng minh rằng mục tiêu tài chính khí hậu mới không thể chỉ do khu vực công thực hiện.

EU kêu gọi các nguồn tài chính bổ sung, mới và sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và các ngành phát thải cao khác. EU cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các nền kinh tế lớn mới nổi, những nước phát thải CO2 cao và những quốc gia giàu có tính theo bình quân đầu người phải đóng góp cho mục tiêu tài chính khí hậu mới của Liên hợp quốc.

Tài chính là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự kiến, COP29 sẽ diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới là thời hạn chót để các quốc gia nhất trí về mục tiêu toàn cầu mới - số tiền mà các nước công nghiệp giàu có phải đóng góp để hỗ trợ những nước nghèo hơn ứng phó những tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Việc xác định những quốc gia nào phải đóng góp cũng được cho là vấn đề then chốt tại sự kiện này. Trước tình hình cấp bách hiện nay, mục tiêu tài chính khí hậu mới dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với cam kết hiện tại của Liên hợp quốc rằng các nước giàu sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020, điều mà họ chưa thực hiện đúng thời hạn.

Thái An