Đời sống

Cầu 14 - Chứng tích ghi dấu lịch sử

Mỹ Hằng 26/03/2024 04:15

Ngày 22/1/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử khu vực cầu 14, thôn 1, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh về một chứng tích ghi dấu trong dòng chảy phát triển của vùng Tây Nguyên.

Cây cầu lịch sử

Cầu 14, hay còn gọi là cầu Sêrêpốk được xây dựng năm 1941, từ thời Pháp thuộc, nằm trên quốc lộ 14. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua dòng sông Sêrêpốk chảy ngược, nối đôi bờ hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông ngày nay. Năm 1898, thực dân Pháp xâm chiếm Tây Nguyên và lần lượt mở rộng, đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Đắk Lắk. Trong quá trình xâm lược, thực dân Pháp đã nhận thấy sự khó khăn trong việc di chuyển trên con đường huyết mạch, làm ảnh hưởng đến ý đồ xâm chiếm mở rộng lãnh thổ. Năm 1941, chính quyền thực dân Pháp quyết định xây dựng cầu 14 và cây cầu được xây dựng bằng xương máu, công sức của các tù nhân chính trị, người dân địa phương.

Cây cầu được hoàn thiện, đưa vào sử dụng năm 1957. Trong buổi lễ khánh thành, để chứng minh sự an toàn của cây cầu, phu nhân kỹ sư người Pháp đã tặng cho cô gái Ê đê trẻ đẹp nhất vùng một đôi giày cao gót và cùng cô mặc trang phục truyền thống của người Ê đê, đi bộ qua cầu.

img_2761(1).jpg
Cầu 14 hay còn gọi là cầu Sêrêpốk được xây dựng năm 1941, từ thời Pháp thuộc

Bước sang giai đoạn 1954-1975, đường 14 được chính quyền miền Nam Việt Nam khai thác triệt để, với việc bố trí lực lượng kiểm soát, chốt chặn mọi nguồn lực của bộ đội Việt Nam.

Cũng chính tại nơi đây, quân và dân ta mở mũi tiến công quan trọng tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rồi hướng về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1975 đến nay, cây cầu 14 song hành cùng người dân Tây Nguyên phát triển kinh tế.

Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, năm 1992 và 2015, 2 cây cầu mới song song với cây cầu Sêrêpốk được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu 14 giờ không được sử dụng để đi lại mà đã trở thành một địa điểm lịch sử, chứng tích ghi dấu cho sự phát triển của vùng đất và con người Tây Nguyên.

Ghi dấu cho sự thay đổi

Cho tới nay, cầu 14 vẫn là cây cầu đẹp ở Tây Nguyên với sự giao hòa của kiến trúc cổ điển và hiện đại, tạo nên nét hấp dẫn đặc biệt. Cầu 14 đã khơi gợi cảm hứng nghệ thuật không chỉ với người dân mà còn với khách du lịch bốn phương, nhất là nhà nghiên cứu, giới họa sĩ, nhiếp ảnh. Trải qua 81 năm xây dựng và tồn tại, cầu 14 đã khép lại sứ mệnh phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị - quốc phòng qua các thời kỳ.

hinh1-2-(1).jpg
Cầu 14 được UBND tỉnh Đắk Nông chọn làm điểm di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông thuộc tuyến du lịch “Bản giao hưởng của làn gió mới”.

Hiện nay, cầu 14 được UBND tỉnh Đắk Nông chọn làm điểm di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông thuộc tuyến du lịch “Bản giao hưởng của làn gió mới”. Đặc biệt, Di tích lịch sử khu vực cầu 14 được xếp hạng di tích cấp tỉnh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cấp ủy, chính quyền Nhân dân huyện Cư Jút nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung.

Các đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Y Quang BKrông, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh khu vực cầu 14 cho đại diện chính quyền huyện Cư Jút
Các đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Y Quang BKrông, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh khu vực cầu 14 cho đại diện chính quyền huyện Cư Jút (Ảnh: Hương Ly)

Phát biểu tại Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh khu vực cầu 14, do UBND huyện Cư Jút tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di tích cần chú trọng tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy các giá trị của di tích. Địa phương, các ngành chức năng đưa điểm di tích vào các tuyến điểm tham quan; thường xuyên tổ chức thanh niên, học sinh và Nhân dân đến ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Các ngành chức năng, địa phương tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung thêm tư liệu và phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức xây dựng hồ sơ, nâng tầm thành di tích cấp quốc gia, xứng tầm với giá trị lịch sử của cầu 14.

Mỹ Hằng