Chính sách

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số Krông Nô

Y Krak 05/10/2024 05:00

20 năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Nhân dân, đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Krông Nô (Đắk Nông) đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định, phát triển.

Đổi thay nhờ chương trình mục tiêu quốc gia

Cùng với nhiều chính sách, chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Chính phủ, chính quyền địa phương, thời gian qua, huyện Krông Nô cũng được hỗ trợ từ 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (KTXH vùng ĐB DTTS & MN).

Nâm Nung là xã có đông đồng bào DTTS ở huyện Krông Nô. những năm trước đây, kinh tế chậm phát triển, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Nhưng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, xã đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ, trong đó có Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN đã tạo động lực giúp đồng bào DTTS vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống.

Trước đây, gia đình chị H Chên, thôn Nam, xã Nâm Nung Tiến luôn gặp khó khăn về kinh tế do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất. Nguồn thu từ cây lúa, bắp không nhiều nên gia đình thường thiếu đói vào thời điểm giáp hạt. Đầu năm 2023, chị H Chên được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN; vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội 40 triệu đồng để làm nhà. Sau gần 3 tháng thi công, gia đình chị H Chên đã được ở trong căn nhà mới khang trang, ấp áp.

Chị H Chên cho biết: “Cuộc sống của gia đình tôi đến nay đã ổn định hơn. Chúng tôi được hỗ trợ tiền làm nhà ở, được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế được nâng cao, đời sống dần ổn định hơn”.

dsc_2950.jpg
Đồng bào DTTS bon Ja Ráh, xã Nâm Nung có vốn đầu tư tái canh cà phê nhờ được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN

Cùng với chị H Chên, nhiều hộ nghèo DTTS khác trên địa bàn xã Nâm Nung cũng được hỗ trợ tiền và vay vốn ưu đãi. Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ đối ứng thêm một số tiền để hoàn thiện căn nhà. Đến nay, các hộ dân nhận được hỗ trợ đã về ở trong căn nhà mới khang trang, tạo động lực cho các gia đình vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Bà H Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết, trong năm 2022 và 2023, xã được huyện giao chỉ tiêu giảm 54 hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN cùng nhiều chương trình, dự án khác, thực tế xã đã giảm được 64 hộ. Qua đó đưa số hộ nghèo của xã từ 128 xuống còn 73 hộ. Năm 2024, xã tiếp tục triển khai một số chương trình, đề án giúp người dân thoát nghèo, trong đó có hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp; đồng thời phát huy tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân.

Cũng theo bà H Thương, kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định, nhiều hộ đồng bào M’nông ở các bon trên địa bàn xã đã tích cực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nâm Nung cũng là xã có nhiều nghệ nhân, đội văn nghệ điểm ở huyện Krông Nô, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển

Không chỉ có xã Nâm Nung, nhiều xã khác như Quảng Phú, Buôn Choáh, Nam Xuân, Đắk Sôr… cũng được hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN, cuộc sống nhiều hộ đồng bào DTTS ngày một ổn định. Nhiều hộ còn có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa khang trang và vươn lên làm giàu.

Nhờ có nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN và các nguồn lực khác đã đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện.

dsc_9331.jpg
Nhiều tuyến đường vào khu sản xuất được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN, giúp người dân thuận tiện đi lại, vận chuyển nông sản

Đặc biệt, các công trình đường giao thông, trường học, thủy lợi được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của người dân. Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả, giúp người dân có thêm thu nhập.

Huyện cũng quan tâm triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, như hỗ trợ về cây con giống, đầu tư làm đường giao thông, nước sạch. Qua đó, làm thay đổi diện mạo các thôn, làng và đời sống của đồng bào DTTS đã từng bước được cải thiện.

Theo Phòng Dân tộc huyện Krông Nô, tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN năm 2022 và năm 2023 là gần 72 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 66,516 tỷ đồng, ngân sách địa phương 5,135 tỷ đồng). Trong đó, kế hoạch vốn giao năm 2022 đạt 75,13%, năm 2023 đạt 32,1%. Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo, như nhà ở, đất sản xuất, khám chữa bệnh, học tập... Các chính sách về an sinh xã hội khác đã được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Qua rà soát, đến hết năm 2023, toàn huyện chỉ còn 748 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,78%. Trong đó, hộ nghèo người đồng bào DTTS có 560 hộ (7,63%); hộ nghèo DTTS tại chỗ là 264 hộ (13,1%). Tổng số hộ cận nghèo là 2.278 hộ (11,52%). Trong đó, hộ cận nghèo DTTS 1.448 hộ (19,73%); hộ cận nghèo DTTS tại chỗ 600 hộ (29,84%). Theo đánh giá của huyện, giảm nghèo là dấu ấn lớn nhất của địa phương trong vòng 20 năm qua.

dsc_71635.jpg
Một góc khu dân cư đồng bào M'nông bon Ol, xã Đắk D'rô phát triển ổn định

Ông Ngân Thanh Hải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Nô cho biết, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐB DTTS & MN đã làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, do giải ngân vốn chậm nên ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình MTQG.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia thực hiện các Chương trình MTQG. Từ đó phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng. Đồng thời, địa phương thực hiện chặt chẽ các quy trình phê duyệt các dự án đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả, công khai, dân chủ, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Y Krak