Kinh tế

Thông tin thị trường mở đường tạo việc

Thanh Nga 26/03/2024 7:00

Đắk Nông chú trọng nắm bắt thông tin thị trường để tạo việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông cho biết, trong 20 năm qua, ngành LĐ-TB-XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, phát triển doanh nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả tạo dấu ấn giải quyết việc làm của tỉnh.

5(1).jpg
Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh TP. Gia Nghĩa

Năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 330 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 4.083 lao động. Đến nay, Đắk Nông có khoảng 5.000 doanh nghiệp, tăng 4.500 doanh nghiệp so với năm 2004. Trong đó, 2.700 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp tạo việc làm cho 27.500 người.

Thống kê của Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông cho thấy, năm 2004 chỉ có 50% lao động làm việc trong các doanh nghiệp được ký hợp đồng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp được ký hợp đồng lao động tăng lên trên 90%. Hiện, Đắk Nông có khoảng 45% số doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đã có nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể.

4-3-.jpg
Các doanh nghiệp Đắk Nông đang tạo việc làm cho 27.500 lao động

Trong 20 năm qua, Đắk Nông tạo việc làm cho trên 329.025 lượt người. Trong đó, lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài 4.353 người. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hoàng Viết Nam cho biết, tỉnh xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Đắk Nông ngày càng tinh gọn, hoàn thiện phủ khắp các huyện, thành phố và nâng cao cả về mặt số lượng, chất lượng, quy mô, đa dạng hóa ngành, nghề, trình độ đào tạo và loại hình đào tạo.

3-4-(1).jpg
Đắk Nông đang chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động

Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Những năm qua, Đắk Nông tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 90.000 người, bình quân mỗi năm đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho trên 4.500 người.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, biến sâu rộng các chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã chuyển dịch cơ cấu lao động của Đắk Nông theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ.

Bài học trong giải quyết việc làm của Đắk Nông chính là ngay từ khi tỉnh mới tái lập đã sớm xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế -xã hội.

Những năm qua, ngành LĐ-TB-XH tăng cường nắm bắt thông tin về thị trường lao động, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao. Ngành cùng các địa phương, đơn vị khảo sát, đánh giá nhu cầu lao động đi làm việc ở nước ngoài từ đó có kế hoạch, giải pháp tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho người lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ở các nước.

Dấu ấn giải quyết việc làm trong 20 năm qua đã và đang để lại những bài học quý giúp Đắk Nông nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho trên 90.000 người. Trong đó, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% so với tổng số lao động được tạo việc làm của tỉnh; 89.000 người được tạo việc làm trong nước; 1.000 người lao động làm việc ở nước ngoài.

Thanh Nga