Giải trí

5 Bài văn mẫu phân tích bài thơ "Tôi yêu em" của Pu - Skin hay nhất - Ngữ văn 11

Hùng Cường25/03/2024 08:44

Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Tôi yêu em - PuSkin bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 11.

I. Tìm hiểu chung về tác phẩm Tôi yêu em của Puskin

1. Tác giả Puskin

a. Tiểu sử

A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799-1837) được coi là Mặt trời của thi ca Nga, và cuộc đời và sự nghiệp của ông đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong văn hóa Nga. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc lâu đời tại Mát-xcơ-va, tuy nhiên, gia đình của ông đã trải qua sự sa sút về tài sản và uy tín trong xã hội. Từ khi còn nhỏ, Pu-skin đã có sự khát vọng tự do và say mê cái đẹp. Ông bắt đầu sáng tác thơ từ khi còn rất trẻ, và khi mới 14, 15 tuổi, ông đã được đánh giá là một thiên tài thi ca. Sự sáng tạo và tài năng văn chương của Pu-skin nhanh chóng được công nhận và khen ngợi.

A-lếch-xan-đrơ Pu-skin là người căm ghét bạo lực, cường quyền và luôn trung thành với lí tưởng tự do và bác ái. Những giá trị này thường được thể hiện trong các tác phẩm của ông.

b. Sự nghiệp văn học

- Đóng góp của Puskin cho nền văn học: Puskin có đóng góp trên nhiều mặt, nhiều thể loại, nhưng cống hiến vĩ đại nhất của ông vẫn là Thơ trữ tình với hơn 800 bài thơ và 13 bản trường ca bất hủ.

- Về nội dung: thơ của Puskin thể hiện tâm hồn khao khát tự do và tình yêu của nhân dân Nga ð Chính vì thế mà Bielinxki đã nhận định Puskin là “bộ bách khoa toàn thư của hiện thực đời sống Nga nửa đầu thế kỉ XIX”.

- Về nghệ thuật: Puskin có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại.

- Các tác phẩm chính:

+ Tiểu thuyết bằng thơ: Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin(1823 – 1831)...

+ Bi kịch lịch sử: Bô-rít Gô-đu-nốp (1825)...

+ Trường ca: Ru-xlan và Li-út-mi-la (1820), Người tù Cáp-ca-dơ(1821)...

+ Truyện ngắn: Cô tiểu thư nông dân(1830), Con đầm pích(1833)...

2. Tác phẩm Tôi yêu em

a. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ "Tôi yêu em" của A-lếch-xan-đrơ Pu-skin được sáng tác vào năm 1829, trong một thời điểm đầy khó khăn trong cuộc đời nhà thơ. Trước đó, Pu-skin đã tỏ tình với một người phụ nữ nhưng bị từ chối, điều này đã tạo ra một cuộc khước từ đau lòng và chất chứa nhiều mâu thuẫn trong tâm hồn của ông.

b. Thể thơ và phương thức biểu đạt

- Thể thơ: 8 chữ

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm

toi-yeu-em-puskin.png
Phân tích bài thơ "Tôi yêu em" - Pu - Skin

c. Ý nghĩa nhan đề

Bài thơ không có nhan đề gốc và nhan đề "Tôi yêu em" là do người dịch đặt cho tác phẩm. Nhan đề này mang theo nhiều ý nghĩa và tương tác giữa các đại từ nhân xưng, tạo nên một lớp sâu hơn cho tình yêu được miêu tả trong bài thơ.

Từ "Tôi" có thể được hiểu là Pu-skin, nhà thơ sáng tác bài thơ. Trong trường hợp này, nhan đề gợi nhớ đến sự tự thể hiện tình yêu của nhà thơ đối với người mà ông yêu.

Tôi - em: Cặp đại từ nhân xưng "Tôi-em" thể hiện mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình (có thể là Pu-skin) và đối tượng của tình yêu. Nó tạo ra sự khoảng cách vừa gần vừa xa, vừa đằm thắm vừa dang dở trong tình yêu. Đây có thể là tình yêu đơn phương của chàng trai đối với người mình yêu.

Nhan đề "Tôi yêu em" tạo ra một lớp phức tạp và sâu sắc trong việc hiểu về tình yêu, về mối quan hệ giữa người yêu và người được yêu, và về sự tương tác giữa cảm xúc và lý trí trong tình yêu đơn phương. Nó làm cho tác phẩm trở nên đa chiều và sâu sắc hơn.

d. Bố cục

- Phần 1 (4 câu đầu): Lời giãi bày tình yêu chân thành.

- Phần 2 (4 câu cuối): Cung bậc trong tình yêu và nhân cách cao thượng.

e. Giá trị nội dung

- Bài thơ thể hiện tình yêu chân thành, đằm thắm đơn phương nhưng trong sáng và cao thượng của nhân vật trữ tình.

- Đó là một tình yêu chân chính, giàu lòng vị tha và đức hi sinh luôn mong muốn cho người mình yêu những gì tốt đẹp nhất.

g. Giá trị nghệ thuật

- Ngôn từ nghệ thuật giản dị, trong sáng.

- Biện pháp tu từ điệp ngữ.

- Nghệ thuật diễn tả lí trí và tình cảm song song tồn tại, giằng co… diễn tả thành công tâm trạng của nhân vật trữ tình.

h. Tóm tắt

Bài thơ "Tôi yêu em" là vẻ đẹp tâm hồn trong sáng của một trái tim yêu cháy bỏng. Nó cũng thể hiện tâm hồn cao thượng không vị kỉ của nhà thơ trong tình yêu. Bài thơ này thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng lại là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu và vị tha. Giá trị nghệ thuật của bài thơ nằm ở ngôn từ giản dị nhưng tinh tế, thể hiện qua cách nhà thơ lựa chọn từ ngữ để diễn đạt sâu sắc tâm trạng của mình.

II. Dàn ý chung phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin

A. Mở bài

Vườn hoa tình yêu trong thi ca luôn mang những màu sắc rực rỡ và xinh đẹp. Có bông hoa mang nỗi ưu tư, sầu vô hạn khi tình yêu bị ngăn trở bởi những hủ tục lạc hậu của phong kiến. Có bông hoa mang sự hứng khởi, hạnh phúc tràn trề trong tình yêu. Và có cả những bông hoa cao thượng, yêu thương mãnh liệt dành cho người thương của mình trong "Tôi yêu em" của Puskin. Bài thơ như lời ca giản dị, ngọt ngào về tình yêu cao đẹp và chân thành của nhân vật trữ tình.

B. Thân bài

* 4 câu thơ đầu: Tâm trạng đớn đau giằng xé của người thi sĩ, trước mối tình tan vỡ, trước người con gái ông yêu sâu sắc mà không thể có được tình yêu của nàng.

- Hai câu thơ đầu:

+ Puskin khẳng định tình yêu nồng nàn, mãnh liệt của mình bằng câu thổ lộ rất chân thành, tha thiết “Tôi yêu em: đến nay chừng có thể”.

+ Khẳng định thứ tình cảm sâu sắc vẫn tồn tại trong trái tim người nghệ sĩ chưa từng đổi thay, vẫn luôn sâu sắc, nồng nàn và đơn giản chỉ bằng ba chữ “Tôi yêu em”,

=> Không phải là thứ tình cảm nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ vụng dại, mà là tình yêu chung thủy, vững bền dẫu qua bao năm tháng vẫn không hề đổi thay.

- Hai câu thơ sau:

+ Quyết tâm rời bỏ hồn “Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”.

+ Vẻ cao thượng trong nhân cách của tác giả được thể hiện một cách rõ nét, Puskin yêu và tôn trọng người mình yêu tuyệt đối, ông thà hy sinh, chấp nhận bản thân chịu đau khổ giày vò, cũng không muốn cô gái mình chịu tổn thương một chút.

+ Ẩn hiện sự kìm nén, nỗi xót xa khi buộc phải từ bỏ thứ tình yêu mà ông hằng quý trọng, nâng niu suốt một quãng thời gian dài tưởng như đã in sâu vào thịt.

* Hai câu thơ tiếp “Tôi yêu…lòng ghen”:

- Nội tâm đầy mâu thuẫn giằng xé, cái sự tuyệt vọng đến đau lòng của tác giả. Yêu sâu sắc đến vậy, thế nhưng nói với người không đặng, chỉ sợ người lại càng lánh xa ta, yêu đến mức chỉ dám lặng lẽ, “âm thầm không hi vọng”.

- Dẫu chỉ là tình đơn phương, nhưng có lẽ mọi cung bậc cảm xúc trong tình yêu, Puskin đều đã nếm trải: “rụt rè”, e ngại, sợ rằng chỉ một chút sơ sẩy thôi, thì sẽ chẳng còn gì nữa, nàng sẽ không còn dành cho ta sự nhân nhượng, cảm thông cuối cùng, “hậm hực lòng ghen”, vì người có tình mới, nhưng đớn đau thay, bất lực và tuyệt vọng thay, bởi tác giả thậm chí còn chẳng có quyền được ghen tức.

* Hai câu cuối:

- Nhân vật trữ tình đã thoát ra khỏi mớ cảm xúc tiêu cực hỗn độn, để quay trở về với tình yêu đích thực, chân chính và cao thượng nhất, mong người con gái ấy có được một tình yêu đẹp, được sống cuộc đời hạnh phúc.

- Sự cao thượng, trong sáng, chân thành trong tình yêu, bước ra khỏi mối tình vô vọng chính là cách để tôn trọng người phụ nữ ông yêu, đồng thời cũng là tôn trọng chính bản thân mình.

=> Lối ứng xử thông minh, nhân hậu của một người đàn ông trưởng thành, khẳng định mạnh mẽ tình yêu sâu nặng của mình, và bộc lộ niềm tự hào, sự tự tin vào tình yêu ấy chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho cô gái.

C. Kết bài

Khẳng định giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật của bài thơ:

+ Bài thơ khép lại với dòng cảm xúc vừa buồn thương vừa mãnh liệt, thể hiện một tình yêu chân thật, cao quý.

+ Tôi yêu em là một lời nói nhân văn, là tiếng lòng của bao nhiêu đôi trai gái có duyên mà không có phận. Tuy vậy, tình yêu vẫn là món ăn tuyệt vời nhất cho tâm hồn con người.

III. Viết đoạn văn ngắn phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin

1. Đoạn văn suy nghĩ về cách ứng xử trong tình yêu từ bài "Tôi yêu em"

Với thi phẩm "Tôi yêu em", Puskin đã đem đến cho độc giả nhiều suy nghĩ về cách ứng xử trong tình yêu. Để tình yêu đẹp, con người cần có sự chân thành cùng lòng tin vào đối phương. Sự sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu, tôn trọng là những yếu tố vô cùng cần thiết. Và ngược lại, nếu lừa dối, vụ lợi, tình yêu sẽ không thể bền lâu. Việc cư xử có văn hóa sẽ giúp tình cảm lứa đôi ngày một bền chặt, gắn bó hơn. Kể cả đó có là tình yêu đơn phương, việc tôn trọng lẫn nhau vẫn rất cần thiết. Tác giả đã thể hiện điều đó vô cùng chân thực, xúc động. Người con trai dù không được đáp lại nhưng luôn mong cầu, chúc phúc cho "em". Qua đó, độc giả càng hiểu hơn về cách đúng đắn để yêu một người.

2. Suy nghĩ về nhân vật xưng "tôi" trong bài thơ "Tôi yêu em"

Pushkin không chỉ là Mặt trời của nền thi ca Nga ở tư cách công dân mà còn là thi sĩ ca hát về tình yêu. Hầu như tình yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời ông. Bài thơ Tôi yêu em của Pushkin đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của loài người: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những lời giản dị, trong sáng nhất. Tình yêu đó bắt đầu từ những điều bình dị nhất như cách xung hô Tôi/ em. Nó thể hiện sự trang trọng, dành trọn trái tim cho người mà mình yêu thương. Tình yêu của Puskin không một tình yêu ích kỉ, vụ lợi, ông tự nguyện chấp nhận sự lựa chọn của người con gái, không hờn dỗi, trách móc hay oán thán. Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng và cao thượng, cầu mong hạnh phúc sẽ đến với cô gái mà chàng trai yêu sâu đậm. Yêu là muốn những điều tốt đẹp nhất đến với người mình yêu.

3. Trình bày cảm nhận của anh chị về hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thờ "Tôi yêu em" của Puskin

Nhắc đến những bài thơ tình nổi tiếng thế giới hẳn người ta không thể không nhắc đến bài thơ “Tôi yêu em” của Pus-kin. Bài thơ là tiếng lòng của chàng trai yêu chân thành, say đắm nhưng đầy cao thượng, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không thể nào phai.

Bài thơ mở đầu bằng cụm từ “Tôi yêu em” là một lời thổ lộ, giãi bày nhưng cũng chính là một lời tự nhủ gắn gọn trực tiếp, giản dị của chàng trai. Nhưng lịch lí là tình yêu ấy chưa bao giờ lụi tắt mà càng ngày càng mãnh liệt vậy mà phải đau đớn đi đến một quyết định dứt khoát đầy lí trí: chối bỏ tình yêu của chính mình,, dập tắt ngọn lửa tình trong lòng “để nó không làm phiền em thêm nữa”. Ta cảm nhận được ở đó một sự dằn lòng, một sự chế ngự, một sự vượt lên đầy khó khăn. Khi con người ta đã yêu một cách chân thành, đích thực, phải dứt bỏ tình yêu đó của chính mình là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Vậy mà người con trai ở đây đã bỏ qua cái tôi, bỏ qua tình cảm cá nhân của mình để chỉ nghĩ đến việc sao cho người yêu của mình được hạnh phúc. Nhưng tình yêu đâu phải là một thứ tình cảm đơn thuần thoảng qua mà dễ dàng dứt bỏ. Càng tìm cách dập tắt, nó càng như ngọn lửa bùng lên mãnh liệt. Tình yêu đó cháy bỏng âm thầm, cuồng nhiệt trong vô vọng, đắm đuối đến bối rối, lo âu, thấp thỏm, rụt rè lẫn hậm hực ghen tuông. Chàng trai ấy đã không ngần ngại, không giấu giếm nói lên tâm sự của mình và cũng chính là nói thay cho lời của biết bao người đang yêu khác. Nhưng dường như đó cũng chỉ là những sự cố gắng cuối cùng để bày tỏ lòng mình cho người mình yêu được biết. Tình cảm đó cũng dễ hiểu bởi tình yêu của chàng giành cho cô gái là rất lớn. Nó là cho người ta tưởng rằng chàng trai có lẽ sẽ không thể dứt bỏ được tình cảm của mình. Nhưng không, câu thơ cuối xuất hiện thật bất ngờ hàm chứa nhiều ý vị, dư ba: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Đó là sự thăng hoa của tình yêu. Bản thân lời cầu chúc đã biểu lộ cái cao thượng trong tình yêu của nhân vật trữ tình. Song còn nhiều hơn thế, Pus-kin đã quên đi “cái tôi” của mình để nghĩ đến người mình yêu. Thi sĩ đã gửi gắm cho một người khác, người thứ ba, tất cả tình cảm nâng niu, trân trọng đối với người mình yêu và ao ước mong nàng được hạnh phúc. Đó là một thái độ ứng xử đầy tính văn hóa trong tình yêu cũng chính là trong cuộc sống nói chung. Sức mạnh tình yêu của nhân vật trữ tình cũng chính là của nhà thơ đã biến bài thơ thành một trong những sáng tạo hấp dẫn nhất của thiên tài Pus-kin.

IV. Danh sách đề thi phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin

1. Những cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em (A.x. Puskin)

Puskin không chỉ là Mặt trời của nền thi ca Nga ở tư cách công dân mà còn là thi sĩ ca hát về tình yêu. Hầu như tình yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời ông.

Bài thơ Tôi yêu em của Puskin đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của loài người: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những lời giản dị, trong sáng nhất. Nhân vật tôi chưa thân thiết với cô gái đến mức xưng anh. khi xưng tôi, quan hệ tình yêu lại mang một sắc thái trầm tĩnh, tự tin, được bộc lộ qua hai đại từ nhân xưng tôi và em này.

Tôi yêu em, một lời bộc lộ chân thành xuất phát từ một trái tim trung thực, báo hiệu một tình yêu thực sự. Tôi yêu em, lời lẽ giản dị mà mang bao nỗi quyến rũ:

"Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai"

Lời thơ chậm rãi, tình thơ thâm trầm, kín đáo. Một khẳng định pha chút cân nhắc, dè dặt với những từ có thể, chưa hẳn.Nhân vật trữ tình bày tỏ một tình yêu, một say mê mang dáng vẻ âm thầm, dai dẳng - dấu hiệu của những cảm xúc vững bền, của một trái tim chung thủy.

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gạn bóng u hoài"

Câu thơ toát lên cái điềm tĩnh của lí trí. cái dồn nén của cảm xúc. Lời thơ như một lời nhắc nhủ, một sự tự ý thức về tình yêu của mình và cũng như một lời nói bên trong dịu dàng, trân trọng với hồn em. Nhưng đằng sau những lời điềm tĩnh, đúng mực ấy là bao nỗi niềm, bao sắc thái của tình yêu: có cái chua xót của thân phận vì nếu tình yêu không đem lại hạnh phúc, niềm vui mà chi là nỗi băn khoăn, buồn bã cho người mình yêu thì nên chấm dứt tình yêu đó. Tình yêu có thể chấm dứt vì nhiều lí do, nhưng cái lí do đầy dịu dàng, trân trọng và cao thượng ấy đối với người phụ nữ dễ mấy ai có được.

"Tôi yêu em âm thầm không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen"

Nhịp thơ nhanh hơn với những từ lúc, khi, diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thán tâm hồn mình: một. tình yêu âm thầm, không hi vọng, khẳng định lại nét âm thầm nhấn mạnh không chút hi vọng, như tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình thầm lặng này. Sau lớp ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vè ngoài lặng lẽ, rụt rè, qua ý thức cố ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa lụi tát chứ không phải là đang bùng cháy mãnh liệt.

Nhân vật trữ tình không ngại ngần mà trung thực bày tỏ: Khi hậm hực lòng ghen, nghĩa là tôi cũng chỉ như muôn người khác, cũng bị những tình cảm khổ đau, u ám muôn thuở trong tình yêu vò xé trong tình yêu.

"Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em"

Cảm xúc dồn nén được giải tỏa, tuôn trào. Điệp khúc tôi yêu em dược láy lại lần thứ ba với một lời khẳng định bản chất của mối tình này: chân thành, đằm thắm. Chính là sự chân thành, dằm thắm không bao giờ nhạt phai ấy là cái gốc của tấm lòng cao thượng trong tình yêu này. Và đến cuối bài thơ lại có một lời chúc thiêng liêng, đầy vị tha: tôi cầu mong em có được một người yêu em cùng chân thành đằm thắm như tôi.

Đó là tình yêu của một trái tim chân thật, độ lượng nhân hậu dù bị cự tuyệt, con người vẫn có thể có những xử sự cao thượng. Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng và cao thượng.

Tôi yêu em, bài thơ nổi tiếng của Puskin đã diễn tả một tình yêu vô vọng, thấm một sắc điệu buồn, nhưng hơn hết vẫn là sự mãnh liệt và cao thượng của trái tim đang yêu. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, không có biện pháp tu từ nào ngoài diệp ngữ tôi yêu em. Chất thơ của bài thơ toát, ra từ những xúc cảm chân thành, ghìm nén, từ những lời nói giản dị nhưng đầy thiết tha, tế nhị và mãnh liệt.

2. Phân tích tác phẩm Tôi yêu em – Puskin

Pu-skin (1799-1837) là “Mặt trời của thi ca Nga” (Léc-môn-tốp). Trong cuộc đời ngắn ngủi , bất hạn của mình, Pu-skin đã để lại cho đất nước Nga và cho nhân loại những áng thơ tuyệt vời. Ngoài những trường ca nổi tiếng như “Rút-slan và Li-út-mi-la”, “Người tù Káp-ca”, “Đoàn người Sư-gan”, “Ép-ghê-nhi Ô-nê-ghin”… Pu-skin còn để lại 800 bài thơ trữ tình, trong đó có nhiều bài thơ tình nổi tiếng. Bài thơ tình “Tôi yêu em” là kiệt tác của Pu-skin.

“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen;

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.”

Sự nhạy cảm là dấu hiệu của thiên tài. Dấu hiệu đó trước tiên biểu hiện ở việc mở đầu và kết thúc bài thơ. Nếu Pu-skin mở đầu bài thơ theo một cách khác thì bài thơ “Tôi yêu em” không còn là bài thơ trữ tình mà là một trường ca. Pu-skin đã cắt ngang thiên tình sử để tự sự và trữ tình. Mọi biến cố, mọi xúc cảm, thời gian và không gian đều được dồn nén lại:

"Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai"

Có thể nói “Tôi yêu em…” là giai điệu chính của bài thơ. Động từ yêu trong nguyên tác đều dùng thì quá khứ (Tôi đã yêu em). Và đựơc giãi bày từ quá khứ đến hiện tại bằng hình ảnh “ngọn lửa tình”. Hình tượng ngọn lửa vừa thể hiện sự nồng nhiệt của tình cảm, vừa diễn tả sự dài lâu, đằng đẵng của nhà thơ đối với người tình. Lối cắt ngang thiên tình sử để giãi bày như vậy khiến bài thơ cô đọng, hàm súc. Tác giả không kể lể. Sự chừng mực trong lối biểu hiện cảm xúc, mực thước, kín đáo là những nét nổi bật của phong cách cổ điển.

Giai điệu chính của bài thơ đã xuất hiện mà điều muốn nói chỉ mới được sửa soạn nói thôi, nghĩa là nó sẽ được nói qua những biến tấu trong giây phút thăng hoa của tâm hồn thi nhân. Pu-skin say đắm với người tình, mải mê kiếm tìm mộng đẹp, nhưng chỉ nhận đựơc toàn cay đắng và não nề, cái mà người tình thi sĩ kiếm tìm đựơc lại là thơ. “Tôi yêu em…” là thơ rồi, tôi thôi, không yêu em nữa là cũng để yêu em. Thơ tình của nhân loại chưa từng thấy những lời yêu của trái tim nhân hậu như thế này:

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài"

Tưởng chừng như Pu-skin không dụng công làm thơ mà cấu từ thật là mới mẻ. Tình mới mà thành thơ mới, tâm hồn cao thượng mà thành thơ cao thượng. “Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ lẽ gì”, đó là lời thơ trong nguyên tác. Nhà thơ đã chấp nhận thất bại, nhưng không phũ phàng, hằn học. Biến đau thương thành tình yêu thì thật lạ. Tứ thơ lớn cho nên không cần những lời hoa mĩ, không cần các biện pháp tu từ. Lời thơ dung dị mà thấm thía.

Bài thơ tình phát triển theo những biểu lộ mới mẻ của tình cảm và những nghịch lí:

"Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em"

Sau khi giãi bày nghịch lí của tình tyêu, nhà thơ sợ người đời hoài nghi về tình yêu chân thật của mình nên lại “phải nói”:

"Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần"

(Xuân Diệu)

Chỉ có khác với Xuân Diệu là Pu-skin đã đẩy những lời yêu thương về quá khứ. Vì sao vậy? Vì bây giờ “tôi yêu em” hoặc “tôi mãi mãi yêu em” thì “em băn khoăn”, “em buồn”. Pu-skin “phải nói”:

"Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em yêu chân thành, đằm thắm"

Nhà thơ đã chọn những chi tiết chính xác để bày tỏ lòng yêu của mình. “Tôi yêu em âm thầm”, đó là một thứ tình yêu như sóng ngầm, như than hầm, nung nếu, cháy bỏng. Nhưng “không hi vọng”, đây cũng là một sự thổ lộ thành thật. Thời đó Pu-skin có cầu hôn với một vài cô gái quý tộc thượng lưu nhưng đều bị khước từ. Pu-skin cũng là dòng dõi quý tộc những đã bị sa sút, còn thiên tài thì là cái gì các nàng làm sao biết được, và thi sĩ đối với các nàng cũng như “con hát” mua vui vậy thôi. Khốn nỗi nhà thi sĩ lại “yêu em”, “tôi đã yêu em”, làm sao cắt nghĩa được tình yêu, “tôi yêu em” thật thà đến “rụt rè”. Cử chỉ rất nhỏ ấy lại là thước đo của lòng thành thật trong tình yêu đấy. Và cũng tầm thường như bất cứ một chàng trai đang yêu nào trên đời này “khi hậm hực lòng ghen”.

Đã nói rồi, nói lại:

"Tôi (đã) yêu em, yêu chân thành, đằm thắm"

Nói lại như vậy là để nhấn mạnh những thanh âm cao vời sâu thẳm của tình yêu và cũng là để sửa soạn cho một nghịch lí mà cũng là một quan niệm tình yêu mới chưa từng có trên đời này nảy nở:

“Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

(Nguyên tác: Cầu Thượng đế cho em được người khác yêu cũng như thế)

Tình yêu của Pu-skin nồng nàn, chân thành, đằm thắm và giờ đây thiêng liêng nữa. Nhưng cũng chỉ là những tình cảm nhân bản mà thôi.

Ví như tính chất thiêng liêng chẳng hạn, thì người bình dân ở phương Đông, trước cả Pu-skin đã biết cầu nguyện cho tình yêu:

“Qua chùa núi Hó(1) thắp bó nhang vàng

Xin cho bạn cũ lại hoàn như xưa”

(Ca dao)

Chỉ có tinh thần cao thượng trong tình yêu của Pu-skin là mới mẻ. Còn từ Đông sang Tây, trong tình yêu, tâm lí thông thường là:

“Yêu nhau thì ném bã trầu

Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra"

(Ca dao)

Tinh thần cao thượng của Pu-skin được diến tả theo nhịp độ tăng cấp: Không yêu em nữa là cũng để yêu em và cầu cho người tình (từ chối mình) đựơc sống hạnh phúc trong tình yêu. Minh triết tình yêu đó là điều hết sức mới mẻ và tạo ra sức hấp dẫn lạ thường. Đấy là nhân cách cao thượng của Pu-skin, đấy cũng là tinh hoa của nền văn học Nga, một nền văn học nhân đạo và lý tưởng.

Bài thơ “Tôi yêu em” thể hiện nhiều nét nghệ thuật tinh hoa của thơ Pu-skin. Lời thơ giản dị, giản dị đến mức trong suốt; hàm súc, mực thước, ít dùng mĩ từ mà vẫn gợi cảm. Sức mạnh của nhà thơ dồn ở cấu tứ lạ lùng đã chuyển tải được tình cảm, tư tưởng mới mẻ của thi nhân. Thơ tình của nhân loại chưa bao giờ được chứng kiến một thiên tình sử trong một hình thức nhỏ bé như vậy. Và cũng chưa bao giờ thơ tình của nhân loại đạt đến sự minh triết của tình yêu sáng chói như vậy. Pu-skin xứng đáng với sự ngợi ca của nhân dân Nga: là thi sĩ thiên tài và nhà tư tuởng lỗi lạc, người mở đường cho nền văn học Nga và người đặt nền móng cho tư tưỏng nhân văn cao quý trong văn học Nga.

3. Cảm nghĩ của em về bài thơ “Tôi yêu em” của nhà thơ Puskin

Tình yêu – dòng chảy vĩnh cửu của lịch sử văn học nhân loại – là một chủ đề lớn trong thơ trữ tình của thiên tài Puskin. Cùng với bài Gửi K. Tôi yêu em đã góp vào thơ tình nhân loại một bài thơ tình hoàn hảo tiềm ẩn những giá trị nhân văn lớn lao.

Mở đầu bài thơ là điệp khúc tôi yêu em – cũng là giọng điệu chủ đạo của bài thơ : Tôi yêu em : đến nay chừng có thể / Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai. Lời thơ thật giản dị, dùng vài từ mang tính phủ định, không ví von, bóng gió. Nhịp thơ chậm rãi, điệu giọng trầm tĩnh. Ấy thế mà câu thơ bộc lộ thấu đạt những xúc cảm, trải nghiệm chân thành, sâu sắc trong trái tim yêu chân thực, chung thủy mà âm thầm kín đáo, da diết day dứt khôn nguôi, có pha chút dè dặt ngậm ngùi và dự cảm dang dở… của nhân vật tôi.

Mạch cảm xúc trong hai dòng thơ tiếp theo chuyển đột ngột nhưng vẫn một giọng điệu trầm tư, điềm tĩnh bởi lí trí chế ngự: Nhưng không để em bận lòng thêm nữa /Hay hồn em phải gợn bóng u hoài. Điệp từ không (trong nguyên tác) nhấn mạnh ý định có vẻ dứt khoát “rút lui”, chối bỏ say mê, dập tắt ngọn lửa tình vẫn âm ỉ, “chưa hoàn toàn lụi tắt” để không làm em phải băn khoăn, phiền muộn thêm nữa. Nhưng trong thẳm sâu tâm hồn dồn nén bao cảm xúc, nỗi niềm trăn trở, buồn đau của thân phận, không hề có chút gì thanh thản, khiến ta không tin rằng đây là mối tình “không hi vọng”…

Phần cuối bài thơ, xúc cảm lại trỗi lên sự dồn nén, chế ngự của lí trí điềm tĩnh: Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng/Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen. /Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,… Nhịp thơ không chậm rãi như phần đầu mà nhanh hơn, mạnh hơn. Một loạt thủ pháp được sử dụng : điệp khúc tôi yêu em, lặp từ phủ định không và từ mang ý nghĩa thời gian, dùng câu bị động (trong nguyên tác). Nhưng trên hết là sự chân thành đã làm tỏa sáng câu thơ. Nhân vật tôi không hề che giấu, ngần ngại mà rất trung thực, thành thật bộc bạch những cung bậc, sắc thái tình yêu trong thẳm sâu tâm hồn mình, một tình yêu thầm kín, da diết, mãnh liệt, với những trăn trở day dứt, những khổ đau tuyệt vọng, những nỗi buồn và sự ghen tuông đen tối giày vò, khiến trong đáy sâu tâm linh không một chút thanh thản, yên định. Tình yêu của nhân vật tôi cũng rất đỗi bình thường, rất người như bao người khác, cũng bị nỗi ghen tuông giày vò, bóp nghẹt tâm can nhưng đã vượt lên thói ích kỉ làm hạ thấp giá trị con người để trở nên nhân ái, vị tha, cao thượng hơn: Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm, / Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Giữa hai dòng thơ là một nghịch lí, mâu thuẫn mà khối óc sáng suốt khó có thể lí giải bằng lí lẽ của nó nhưng có thể cắt nghĩa bằng lí lẽ của con tim, một con tim chân thật, độ lượng, biết nhận nỗi khổ đau, bất hạnh về mình mà không đem lòng thù hận khi tình yêu không được đền đáp, như nhà thơ đã viết trong một bài thơ khác: Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn/Em thầm thì hãy gọi tên lên/Và hãy tin: Còn đây một kỉ niệm/Em vẫn còn sống giữa một trái tim.

Câu thơ cuối bài là một lời chúc có vẻ nghịch lí mà thiêng liêng, đầy vị tha biết dường nào: Cầu em được người tình như tôi đã yêu em. Câu thơ rất độc đáo, đột ngột về ý nghĩa, hàm chứa nhiều ý vị… Có người tìm thấy sự đồng điệu, gặp gỡ thú vị giữa câu thơ của thiên tài Puskin với câu quan họ khiêm nhường, tế nhị mà tha thiết, mãnh liệt trong bài Giã bạn: Người về em dặn câu rằng/ Đâu hơn người kết, đâu bằng đợi em.

Tôi yêu em là một tình yêu vô vọng, thấm một sắc điệu buồn, nhưng hơn hết vẫn là một tình cảm chân thành, mãnh liệt mà vị tha, cao thượng, bộc lộ vẻ đẹp của tâm hồn và nhân cách con người nhân hậu, biết “kính trọng vô hạn đối với phẩm giá con người với tư cách là Con Người” (Biêlinxki), vì thế bài thơ chứa đựng những giá trị tinh thần nhân văn cao cả của loài người. Chất thơ của bài thơ chủ yếu toát ra từ những xúc cảm chân thành, từ những lời lẽ giản dị, từ giọng trữ tình dồn nén mà mãnh liệt, tạo được sức mạnh biểu đạt tình cảm. Sức hấp dẫn của bài thơ trước hết là bởi “Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì tới sự tô điểm nào cả” (Puskin). Có lẽ cũng vì vậy mà bài thơ không ngừng gây xúc động trong lòng bao thế hệ bạn đọc…

4. Anh (chị) hãy phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin.

Puskin không chỉ là “Mặt trời của nền thi ca Nga” ở tư cách công dân mà còn là thi sĩ ca hát tình yêu. “Hầu như tình yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời ông... Màu sắc chung của thơ Puskin, đặc biệt trong thơ trữ tình, là vẻ đẹp nội tâm con người và lòng nhân ái vuốt ve tâm hồn” (Biêlinxki). Cùng với Gửi K, Tôi yêu em là bài thơ nổi tiếng của Puskin về tình yêu. Thời kì sống ở Pêtecbua, Puskin thường lui tới nhà vị Chủ tịch Viện hàn lâm nghệ thuật Nga để gặp gỡ những người làm nghệ thuật, và cũng vì một thiếu nữ đẹp tên là A. A. Olênhia, con gái vị chủ nhà. Mùa hè năm 1828, nhà thơ ngỏ lời cầu hôn nhưng không được nhận lời. Năm 1829, bài thơ ra đời trên cơ sở của mối tình có thực này.

Thơ tình yêu của Puskin thường bắt nguồn từ những xúc cảm cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm sâu xa. Do đó, đã thể hiện được những vẻ đẹp đa dạng, tinh tế của thế giới tâm hồn con người. Bài thơ Tôi yêu em đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của loài người: Những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái cùa tình yêu chứa đựng trong những lời lẽ giản dị, trong sáng nhất.

Bài thơ có thế được chia thành hai phần: Bốn câu đầu, nhân vật trữ tình - tôi, khẳng định tình yêu vẫn còn nhưng xin rút lui vì không muốn gây phiền muộn cho người mình yêu. Bốn câu cuối, dồn tả các cung bậc khác nhau của tình yêu và lời khẳng định một tình yêu đằm thắm, chân thành.

Điệp khúc tôi yêu em là giọng điệu chủ đạo của bài thơ Trong tiếng Nga, với hai đại từ "ya" và "vư" có thể dịch sang tiếng Việt thành một số cặp quan hệ như tôi yêu cô, anh yêu em, tôi yêu em. Đối với tiếng Việt, đại từ xưng hô chỉ đổi thay một chút là quan hệ và sắc thái tình yêu cũng đổi khác. Tôi yêu cô bộc lộ một khoảng cách xa, trang trọng, ít tình cảm, hơn nữa, từ cô trong tiếng Việt ít chỉ quan hệ tình yêu. Còn anh yêu em thì thân thiết, gần gũi quá, trong trường hợp này chưa thật phù hợp. Sử dụng tôi yêu em, bản dịch của Thúy Toàn đã diễn tả chính xác một quan hệ vừa gần vừa xa, vừa rụt rè vừa đằm thắm. Nhân vật tôi chưa thân thiết với cô gái đến mức xưng anh. Khi xưng tôi quan hệ tình yêu lại mang một sắc thái trầm tĩnh, tự tin, đúng mực, có mang ý thức về mình. Nét tinh tế trong quan hệ hai nhân vật được bộc lộ qua hai đại từ nhân xưng tôi và em này.

Mở đầu bài thơ là điệp khúc khẳng định: Tôi yêu em, một lời bộc lộ chân thành xuất phát từ một trái tim trung thực, báo hiệu một tình yêu thực sự. Tôi yêu em, lời lẽ giản dị mà mang bao nỗi quyến rũ, bí ẩn muôn đời:

"Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai"

Lời thơ chậm rãi, tình thơ thâm trầm, kín đáo. Một sự khẳng định pha chút cân nhắc, dề dặt với những từ có thể, chưa hẳn (nguyên văn: Tinh yêu có lẽ chưa hoàn toàn lụi tắt trong tôi). Dùng một từ ngữ mang tính phủ định, chưa hoàn toàn lụi tắt, nhân vật trữ tình bày tỏ một tình yêu, một say mê mang dáng vẻ âm thầm, dai dẳng, dấu hiệu của những cảm xúc vững bền, của một trái tim chung thủy, không phải là sự đam mê bột phát vụt sáng lóe rồi lụi tàn ngay đấy. Mạch thơ chuyển đột ngột:

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài"

Câu thơ toát lên cái điềm tĩnh của lí trí, cái dồn nén của cảm xúc. Điệp từ không (nguyên văn: "Mong sao nó không làm em băn khoăn thêm nữa. Tôi chẳng muốn làm em buồn vì bắt cứ lẽ gì") nhấn mạnh sự dứt khoát: Cần phải dập tắt ngọn lửa tình yêu (dù chỉ là âm thầm, dai dẳng) để tránh cho em phải bận lòng, tránh cho hồn em phải gợn bóng u hoài. Lời thơ như một lời tự nhắc nhủ, một sự tự ý thức về tình yêu của mình và cũng như một lời nói bên trong đầy dịu đàng, trân trọng với hồn em. Nhưng đằng sau những lời lẽ điềm tỉnh, đúng mực ấy là bao nỗi niềm, bao sắc thái của tình yêu: Có cái chua xót của thân phận vì nếu tình yêu không đem lại hạnh phúc, niềm vui mà chỉ là nỗi băn khoăn, buồn bã cho người mình yêu thì nên chấm dứt tình yêu đó; có sự chế ngự của lí trí đối với con tim: Có cái cao thượng, tế nhị của tình tôi (điều quan trọng không phải là tình yêu của tôi mà là sự yên tĩnh, thanh thản của hồn em); có cái tôn thờ, sùng kính của bậc nam nhi đối với người phụ nữ. Tình yêu có thể chấm dứt vì nhiều lí do, nhưng cái lí do đầy dịu dàng, trân trọng và cao thượng ấy đối với nguời phụ nữ dễ mấy ai có được.

Nếu bốn câu thơ đầu, cảm xúc có xu hướng bị dồn nén, bị lí trí chi phối thi ở bốn câu thơ sau, mạch cảm xúc lại tuôn tràn, không tuân theo mệnh lệnh của lí trí, khẳng định một tình yêu mãnh liệt không che giấu với điệp khúc tôi yêu em được nhắc lại lần thứ hai:

"Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen"

Nhịp thơ nhanh hơn với những từ lúc, khi, diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: Một tình yêu âm thầm, không hi vọng, vừa khẳng định lại nét âm thầm (nguyên văn: Không thốt ra lời ) vừa nhấn mạnh không chút hi vọng, như tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình đơn phương này. Nhưng dù vậy, tình yêu ấy vẫn diễn ra với mọi sắc thái muôn thuở: Nỗi đau khổ âm thầm, niềm tuyệt vọng, sự rụt rè, lòng ghen tuông giày vò. Hai câu thơ mang tính chất thú nhận đã khơi mở những lớp tình cảm phức tạp và rất con người dưới đáy sâu tâm hồn, sau lớp vỏ ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vẻ ngoài lặng lẽ, rụt rẽ, qua ý thức cố ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa tắt chứ không phải là đang bùng cháy mãnh liệt.

Nhân vật trữ tình không ngại ngần mà trung thực bày tỏ: Khi hậm hực lòng ghen, nghĩa là tôi cũng chỉ như muôn người bình thường khác, cũng bị những tình cảm khổ đau, u ám muôn thuở trong tình yêu vò xé tâm can. Tuy nhiên, có ai đã từng nói, lòng ghen tuông như con rắn độc, nó bóp nghẹt trái tim, bởi vi ghen tuông trong tình yêu dần đến mất sáng suốt, như Mêđê vì thù chồng mà giết chết con mình (Mêđê - Ơriphiđơ), như Otenlô bóp chết Dexđêmôna (Ôtemlô - Sêcxpia), như Lenxki thách Onêghin đấu súng Œpghcrihi Onêghin - Puskin), như Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Liệu nhân vật trữ tình trong bài thơ có bị nỗi ghen tuông ngự trị làm hạ thấp con người như vậy không?

Hai câu thơ cuối cùng là câu trả lời, vụt sáng lên một giá trị nhân văn, một tư thế cao thượng của con người đáng yêu ấy.

"Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em"

Cảm xúc bị dồn nén được giải tỏa, tuôn trào. Điệp khúc tôi yêu em được láy lại lần thứ ba với một lời khẳng định bản chất của mối tình này: Chân thành, đằm thắm. Xin lưu ý, trong điệp ngữ tôi yêu em, ở nguyên bản tiếng Nga, động từ yêu luôn được ở thể chưa hoàn thành, điều ấy có nghĩa là ngọn lửa tình yêu trong trái tim nhà thơ sẽ không bao giờ tắt, không bao giờ lụi tàn, nhạt phai. Chính là sự chân thành, đằm thắm không bao giờ nhạt phai ấy là cái gốc của tấm lòng cao thượng trong tình yêu này. Nó lí giải vì sao nhân vật trữ tình ở đoạn trên lại có một xử sự dịu dàng, tế nhị, trân trọng người mình yêu và đến cuối bài thơ lại có một lời chúc thiêng liêng, đầy vị tha: tôi cầu mong em có được một người yêu em cũng chân thành đằm thắm như tôi.

Có một điều tế nhị sâu xa trong hoàn cảnh trớ trêu này. Tình yêu khi không được đền đáp thường là nỗi khổ đau, đưa đến lòng tự ái, hận thù. Nhưng nếu đó là tình yêu của một trái tim chân thật, độ lượng, nhân hậu thì dù bị cự tuyệt, con người vẫn có thể có những xử sự cao thượng. Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng, chở che như nhà thơ đã viết trong một bài thơ khác:

"Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn

Em thầm thì hãy gọi tên lên

Và hãy tin: còn đây một kỉ niệm

Em vẫn còn sống giữa một trái tim"

Chính thái độ trân trọng, tôn thờ, sùng kính, “sự thuần khiết" đối với phụ nữ đã đưa bài thơ của Puskin vươn tới những giá trị nhân văn cao cả trong kho tàng thơ tình nhân loại.

Tôi yêu em, bài thơ đã diễn tả một tình yêu vô vọng, thấm một sắc điệu buồn, nhưng hơn hết vẫn là sự mãnh liệt và cao thượng của trái tim con người với một mối tình không đơm hoa kết trái. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, không có biện pháp tu từ nào ngoài điệp ngữ tôi yêu em. Chất thơ của bài thơ toát ra từ những xúc cảm chân thành, ghìm nén, từ những lời nói giản dị nhưng đầy thiết tha, tế nhị và mãnh liệt, đằm thắm mà cao thượng, như Biêlinxki từng nhận định: “Đặc điểm thơ ca Puskin là khả năng phát hiện trong con người mĩ cảm và lòng nhân ái, hiểu theo nghĩa là lòng kính trọng vô hạn đối với phẩm giá con người với tư cách là con người. Tôi yêu em là một khúc hát của trái tim, là một bài thơ tình độc đáo trong thơ ca nhân loại.

5. "Tôi yêu em" là bài thơ tình đặc sắc không chỉ Pu-skin, của thi ca Nga mà của cả nền thơ ca thế giới. Anh (chị) hãy phân tích bài thơ để thấy được những giá trị đặc sắc của thi phẩm nổi tiếng này.

Từ khi loài người biết yêu và biết làm thơ đã có thơ về tình yêu. Tình yêu là đề tài luôn luôn xưa cũ và cũng luôn luôn mới mẻ. Mỗi thi nhân khi đến với đề tài huyền diệu này đều có những phát hiện riêng. Những bài thơ tình hay nhất không hẳn là những bài thơ có hình thức đẹp đẽ, ngôn từ bóng bẩy,... mà điều quan trọng-là tiếng nói chân thành nơi trái tim yêu đã làm rung động bao trái tim khác, khi họ đến với tình yêu tạo nên một sự cộng hưởng sâu xa trong tâm hồn nhân loại. Tôi yêu em của Pus-kin là một bài thơ như thế. Bằng một cách nói giản dị, chân thành, Pus-kin đã dạy cho con người biết yêu một cách cao thượng và nhân văn.

Pu-skin là nhà thơ Nga thiên tài - người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học và nền văn học Nga phong phú, đậm đà tính dân tộc. Nhà thơ nổi tiếng Giu-côp-xki đã Qua Pu-skin là "người khổng lồ tương lai". Khát vọng tự do thấm đượm trong thơ Pus - kin. Ông là người ca sĩ của tự do. Pus-kịn còn là ca sĩ của tuổi trẻ. Tình bạn, tình yêu là cảm hứng trong rất nhiều sáng tác của ông.

Tôi yên em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Puskin, của thi ca Nga và của cả nền thơ ca thế giới. Bài thơ được sắp xếp liền mạch 8 câu, không chia thành các khổ thơ. Toàn bài có hai câu thơ lớn, mỗi câu 4 dòng thơ. Như vậy, trên thực tế bài thơ như gồm hai phần, cả hai phần đều bắt đầu bằng cùng một cụm từ Tôi yên em. Thoạt nhìn tưởng như ý quân, trùng lặp, đọc kĩ mới thấy ý thơ ào ạt trào lên,

"Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi em yêu âm thầm, không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em."

Con sóng sau dữ dội, mãnh liệt hơn con sóng trước. Hình thức tay lặp lại nhưng cảm xúc có sự khác biệt.

Xét bề ngoài câu chữ, nhân vật trữ tình dường như thông báo việc rút lui chối bỏ say mê, dập tắt lửa tình (nhưng không để em bận lòng thêm nữa, hay hồn em phải gợn bóng u hoài). Đó là trật tự lôgíc trong cách giãi bày tình cảm của nhân vật trữ tình. Nhưng trật tự logic đó chỉ là bé ngoài, còn trong sâu thầm tâm linh, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình cuồn cuộn chảy, bất chấp logic. Không nén được cảm xúc đó cứ bật lên như một điệp khúc: Tôi yêu em.

Hãy bàn rộng một chút về cách dùng đại từ nhân xưng trong bài thơ, Cách dùng đại từ nhân xưng trong câu chuyện tình yêu là cả một vấn đề.

Người dịch đứng trước nhiều lựa chọn: Tôi yêu chị/ Tôi yêu cô/ Tôi yêu em/ Anh yêu em,.. Kiểu xưng hô trước có phần trang trọng, khách khí. Kiểu xưng hô sau lại quá thn thiết. Người dịch chọn kiểu xưng hô tôi yêu em là thỏa đáng vì nó nói lên đúng quan hệ vừa gần, vừa xa, vừa đằm thẳm, vừa dang dở giữa nhân vật trữ tình.

Tôi yêu em là cách nói không mới nếu không muốn nói là đã trở nên rất quen thuộc và xưa cũ. Trong lịch sử ngôn ngữ học, từ khi loài người biết yêu đã có cụm từ này. Tuy nhiên, với mỗi người khi bước vào tình yêu nó luôn luôn mới, đặc biệt mới ở cách thể hiện. Con người luôn chờ mong ở lời thổ lộ ấy những khao khát, đam mê, hồi hộp, những ngọt ngào, tha thiết,...

Trong bài thơ, Tôi yêu em lặp lại nhiều lần như một điệp khúc. Đó vừa là một cách khẳng định không chút hồ nghi, băn khoăn, do dự, vừa là một sự thú nhận với tất cả sự chân thành thốt lên tự đáy lòng. Đó là khát vọng cháy bỏng của một trái tim yêu muốn được đáp lại. Đó còn là một lí luận của tình yêu: Tôi có quyền yêu em cho dù em có yêu tôi hay không. Tình yêu là thế. Lí luận của con tim nhiều khi bất chấp lí luận của khối óc.

Trong lời mở đầu, nhân vật trữ tình thú nhận:

"Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em"

"Ngọn lửa tình" có lúc bùng lên mãnh liệt, có lúc đằm lặng âm ỉ nhưng đó là cái âm ỉ của một, ngọn núi lửa lúc nào cũng có thể phun trào. Tình yêu âm thầm, đơn phương, có lúc chông chênh "không hi vọng" hỡi nhân vật trữ tình nhiều khi có cảm giác "tôi tìm em, em tìm ai?". Yêu một người là hạnh phúc vì yêu Vì khổ đau vì cảm giác tình yêu không được đền đáp. Nhân vật trữ tình có lúc rụt rè như một chàng trai mới lớn không dám đến gần để rồi ghen với cà những ánh mắt qua đường. Pus-kin trong thơ tình của mình đã nói rất nhiều về lòng ghen:

"Trên đời này không có tra tấn nào

Đau đớn hơn những giày vò khắc nghiệt của ghen tuông"

Tuy "hậm hực lòng ghen" nhưng nhân vật trữ tình là người dịu dàng, tao nhã, văn hóa tình yêu thể hiện khá rõ. Nét nổi bật nhất trong nhân cách yêu là "chân thành, đằm thắm", đằm thắm, chân thành ngay cả khi "không hi vọng". Đó là một mối tình tự nguyện, một tình cảm trọn vẹn giành cho người mình yêu. Tóm lại, tình cảm của nhân vật trữ tình đắy đủ mọi sắc thái, mọi cung bậc, vừa rất con người với những đam mê, những hờn ghen,... vừa mang tính lí tưởng bởi yêu hết mình và hiến dâng trọn vẹn.

Điều bất ngờ ở câu thơ kết là nhân vật trữ tình mặc dù "yêu chân thành, đằm thắm vẫn cầu mong cho người mình yêu có được người yêu "như tôi đã yêu em". Theo lôgíc thông thường, người ta sẽ cầu mong cho người mình yêu cũng yêu mình. Tình yêu cao thượng đã khiến nhân vật trữ tình vượt lên trên cái lôgíc thông thường đó, mang đến cho câu thơ nhiều hàm chứa ý vị. Yêu và trân trọng người mình yêu bởi nếu em không yêu tôi thì em đâu có lỗi. Cá chăng là vì thần tình yêu đùa ác đã bắn mũi tên tình ái vào trái tim tôi mà không qua trái tim em. Câu thơ như một lời nhắn nhủ: Em hãy yêu người yêu em chân thành, đằm thắm nhất, mãnh liệt nhất, "như tôi đã yêu em". Dường như ẩn chứa trong đó còn có chút gì như là ý vị mỉa mai: "Nếu không có sự can thiệp của siêu nhiên thì vị tất nữ nhân vật còn gặp được một tình yêu khác giống như thế (R. Iacốpxơn). Điều đó có nghĩa là: Không một ai yêu em như tôi đã yêu em!

Câu thơ còn biểu hiện một niềm hi vọng, một khát vọng thánh thiện giàu tính nhân văn: Tình yêu chân thành lẽ nào không được đền đáp. Em cứ đi tìm. Tôi vẫn chờ đợi. Có thể em chưa nhận ra tôi chính là tình yêu thượng đế mạng đến cho em nhưng rồi một ngày nào đó em sẽ nhận ra. Ca dao Việt Nam. Đó chính là sự gặp gỡ của nhũng trái tim nhân văn cao cả. Nhân vật trữ tĩnh đã vượt lên thói ích kí tầm thường. Câu thơ đưa tình yêu lên ngôi, làm sáng chói nhân cách của nhân vật trữ tình: yêu tha thiết, mãnh liệt và trong sáng vô cùng, cao thượng vô cùng.

Tôi yêu em phảng phất nỗi buồn của mối tình đơn phương nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha. Bài thơ dạy cho người ta biết yêu một cách cao đẹp.

Lời giãi bày tình yêu cua Puskin được thể hiện bằng hình thức giản dị mà tinh tế. Chất thơ của bài thơ chính là sự thành thực của người làm thơ "lòng nhân ái làm xúc động lòng người ở vẻ diễm lệ nghệ thuật của nó" (Bi-ê-lin-xki). "Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì đến sự tô vẽ điểm nào cả" (Pus-kin).

Hùng Cường