Căn cứ giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp

Chính sách - Ngày đăng : 07:25, 25/03/2024

Việc giao biên chế sự nghiệp, điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, được quy định tại Khoản 2 Điều 4 và Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.

Bà Trương Thụy Hồng Yến đang là kế toán tại Trung tâm dịch vụ thành phố, là đơn vị sự nghiệp. Theo chức năng nhiệm vụ, đơn vị bà xây dựng 6 vị trí việc làm. Trong năm 2024, UBND thành phố ký quyết định giao thêm 11 biên chế viên chức về đơn vị bà Yến, để hỗ trợ cho các đơn vị khác.

Bà Yến hỏi, UBND thành phố ký quyết định giao bổ sung biên chế cho đơn vị bà để điều động hỗ trợ cho đơn vị khác như vậy có đúng không? Các biên chế được giao thêm không gắn với vị trí việc làm tại đơn vị, nếu giao biên chế cho trung tâm mà làm việc cho một số phòng ban khác thì cuối năm làm sao đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ (vì công việc họ làm không liên quan đến chức năng nhiệm vụ của trung tâm).

Ngoài ra, những biên chế này phụ trách nhiều bộ phận khác nhau, vậy khi xảy ra những việc như nhũng nhiễu, gây phiền hà, hạch sách... thì lãnh đạo của đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Về thẩm quyền giao, điều chỉnh, bổ sung số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là biên chế sự nghiệp) do UBND tỉnh (quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập) và phân cấp của địa phương, quyết định trong tổng biên chế sự nghiệp được giao.

Việc giao biên chế sự nghiệp, điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, được quy định tại Khoản 2 Điều 4 và Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.

Viên chức được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định (biệt phái) chịu sự phân công, bố trí, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Trường hợp viên chức được cử biệt phái có hành vi vi phạm (gây phiền hà, nhũng nhiễu, hạch sách) thì người đứng đầu cơ quan nơi viên chức được cử đến biệt phái hoặc người được phân cấp, ủy quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý.

Trường hợp đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật thì thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Chinhphu.vn