Đề xuất một cơ quan đầu mối theo dõi doanh nghiệp nhà nước; phát huy mô hình Becamex IDC Corp
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:30, 24/03/2024
Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 23/3/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị gặp mặt đầu xuân với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trên toàn quốc.
Thông báo nêu rõ, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhà nước nhanh, bền vững, đúng hướng, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng là kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò tiên phong, nòng cốt.
Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Năm 2023, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội đáng ghi nhận: Tổng doanh thu khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, giải quyết khoảng 0,7 triệu lao động…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn có doanh nghiệp thua lỗ, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra; một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty có lợi nhuận âm, trong đó có doanh nghiệp có quy mô lớn, vai trò quan trọng; hiệu quả hoạt động và đầu tư chưa tương xứng với nguồn lực được giao.
Phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, mở đường của doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp nhà nước quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các chỉ đạo, kết luận khác có liên quan; trong đó chú trọng các nội dung sau:
Phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, mở đường của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế; doanh nghiệp nhà nước cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị cơ cấu lại nguồn vốn, cơ cấu lại các chuỗi sản xuất, cung ứng… theo hướng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng, cụ thể là nghiên cứu, hợp tác triển khai một số dự án năng lượng, công nghệ mới theo xu hướng dịch chuyển trên thế giới, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời đẩy mạnh các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong đó lưu ý sử dụng nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm"
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu: Tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực phát huy các mô hình tốt như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp); đóng góp vào việc xây dựng thể chế, cơ chế giám sát để bảo đảm hoạt động lành mạnh, hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ và tái cấu trúc các doanh nghiệp yếu kém.
Trong Quý III năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao một cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; đồng thời phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động, tích cực hơn nữa trong hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trên cơ sở sơ kết mô hình Ủy ban, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban và pháp luật có liên quan./.