Thái Lan siết chặt quản lý lao động người nước ngoài

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:01, 24/03/2024

Thái Lan đang tăng cường truy quét lao động người nước ngoài bất hợp pháp trên phạm vi toàn quốc nhằm chấn chỉnh hoạt động sử dụng và thuê lao động là người nước ngoài tại nước này.

Phó Phát ngôn Chính phủ Thái Lan Kharom Polornklang mới đây cho biết, các đợt kiểm tra từ đầu năm đến nay của các cơ quan chức năng Thái Lan đã phát hiện nhiều lao động bất hợp pháp trong các ngành nghề ở Thái Lan, trong đó một số nghề nghiệp cấm người lao động nước ngoài được làm.

Địa điểm phát hiện lao động bất hợp pháp là người nước ngoài rất đa dạng, từ các khu chợ thực phẩm tươi sống, cửa hàng dịch vụ làm đẹp, cơ sở sửa chữa ô-tô, quán bar, địa điểm dịch vụ du lịch hoặc đơn giản là hoạt động lao động tự do ngoài trời như bán lẻ, bán hàng rong, xe đẩy… Đây là các ngành nghề ít nhiều khó kiểm soát thủ tục giấy tờ của người lao động nước ngoài cũng như của chủ lao động.

Trong khi đó, Bộ Lao động Thái Lan mới đây cho biết sẽ tiếp tục tiến hành các đợt truy quét lao động bất hợp pháp là người nước ngoài tại Thái Lan cho đến cuối năm nay. Theo đánh giá của Bộ Lao động Thái Lan, người nước ngoài lao động bất hợp pháp tại Thái Lan cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận người lao động Thái Lan bị thất nghiệp do không thể cạnh tranh được với lao động nước ngoài.

Trong thời gian vừa qua, đã có hơn 300 nghìn đối tượng bị Bộ này nhắm tới trong các đợt kiểm tra, qua đó phát hiện 1.689 trường hợp thuộc diện lao động bất hợp pháp. Đa số người bị bắt là công dân các nước có chung đường biên giới bộ với Thái Lan.

Bộ Lao động Thái Lan cho biết thêm, các lực lượng chức năng Thái Lan đã tiến hành các đợt kiểm tra mà không báo trước đối với 306.577 lao động nước ngoài tại 25.628 địa điểm trên toàn Thái Lan, qua đó phát hiện tới 820 địa điểm xảy ra vi phạm.

Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động Thái Lan cũng cho biết các quy định mới nhất về các mức phạt áp dụng với lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Thái Lan là bị phạt từ 5 nghìn đến 50 nghìn baht. Đối tượng vi phạm bị trục xuất về nước và không được cấp giấy phép lao động tại Thái Lan trong vòng 2 năm.

Đối với chủ lao động bị phát hiện thuê lao động bất hợp pháp, mức phạt được áp dụng cho việc thuê mỗi một lao động bất hợp pháp là từ 10 nghìn đến 100 nghìn baht. Nếu vi phạm lần thứ hai, chủ lao động có thể đối mặt án phạt tù không quá một năm hoặc mức phạt từ 50 nghìn đến 200 nghìn baht đối với việc thuê mỗi một lao động bất hợp pháp, đồng thời sẽ bị cấm thuê người lao động nước ngoài trong thời gian 3 năm.

XUÂN SƠN - ĐINH TRƯỜNG