Đăk Hà - 30 năm vững bước đi lên
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 07:58, 24/03/2024
Trình diễn nghệ thuật "Đăk Hà ngày mùa" nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Đăk Hà. |
Đến nay, huyện Đăk Hà đang có những bước đi vững chắc với hành trang là những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, phát huy.
Trong hồi ức của đồng chí Y Vêng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cách đây 30 năm, huyện Đăk Hà được thành lập, là sự kiện quan trọng đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Những ngày đầu thành lập, huyện có tổng diện tích tự nhiên 84.360 ha; dân số 29.840 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,9%, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ được tập hợp từ nhiều nguồn vừa thiếu, vừa chưa am hiểu hết tình hình địa phương.
Để kịp thời lãnh đạo nhân dân ổn định cuộc sống, vượt khó vươn lên, ngày 18/5/1994, bộ máy tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể huyện làm lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Đến tháng 12/1994, cơ bản hình thành và ổn định bộ máy, bao gồm 17 phòng, ban trực thuộc, sáu đoàn thể và 14 cơ quan. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện đã thành lập mới chín chi bộ, đảng bộ trực thuộc, nâng tổng số tổ chức cơ sở đảng trực thuộc trong toàn Đảng bộ lên 21 chi, đảng bộ với 636 đảng viên. Đây là bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, đối với sự nghiệp đổi mới, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Trong 30 năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng luôn được chú trọng. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được tăng cường. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tính đến nay, Đảng bộ huyện Đăk Hà có 60 tổ chức cơ sở Đảng với 3.370 đảng viên, tăng 39 tổ chức cơ sở đảng và 2.684 đảng viên so với thời điểm năm 1995; 100% thôn, tổ dân phố có tổ chức đảng. Kế thừa và phát huy truyền thống Anh hùng, dưới sự lãnh đạo dân chủ, kỷ cương và sáng suốt của Đảng bộ huyện, sự năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận và các đoàn thể huyện, sự nỗ lực to lớn của nhân dân các dân tộc đã cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng huyện Đăk Hà 30 năm qua đạt được những thành tựu nổi bật, làm thay đổi diện mạo của huyện miền núi một cách toàn diện và sâu sắc.
Kinh tế huyện Đăk Hà tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 6.067,56 tỷ đồng, đạt 100,54% so với kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản đạt 37,37%; ngành công nghiệp-xây dựng đạt 34,24%; ngành thương mại-dịch vụ đạt 28,39%. Thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng từ 526 triệu đồng năm 1994 lên 684,927 tỷ đồng năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 là 52,44 triệu đồng/năm, tăng gấp 27 lần so với thời điểm mới thành lập huyện năm 1994.
Được coi là thủ phủ cà-phê của tỉnh Kon Tum, qua các giai đoạn cụ thể, Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển sản phẩm cà-phê là mặt hàng nông nghiệp chủ lực của huyện. Từ diện tích hơn 2.000 ha ban đầu năm 1994, chủ yếu thuộc các nông trường, đến nay toàn huyện phát triển được hơn 12.500 ha cà-phê. Với 17 cơ sở chế biến cà-phê thành phẩm; doanh số xuất khẩu khoảng 500 tấn cà-phê nhân; các sản phẩm từ cà-phê bột tiêu thụ trong nước khoảng 335 tấn với nhiều sản phẩm như: Cà-phê bột nguyên chất; cà-phê hòa tan,... được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng.
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên; ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân có chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc thiểu số được chú trọng. Thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trình diễn nghệ thuật "Đăk Hà ngày mùa" nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Đăk Hà. |
Điểm sáng và tạo dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện là đã thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện đã huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của người dân để xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương; lắp đặt và nâng cấp lưới điện, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn... Từ đó, đáp ứng yêu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển và thông thương hàng hóa, tạo diện mạo nông thôn mới khang trang, hiện đại.
Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, năm 2012, xã Hà Mòn vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh và khu vực Tây Nguyên xây dựng thành công nông thôn mới theo tiêu chí của Trung ương. Đến nay, huyện Đăk Hà có tổng số 7/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới xã Đăk Pxi, xã Ngọk Réo đã đạt đủ 19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định và công nhận theo quy định. Trong đó, xã Hà Mòn hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, triển khai xây dựng xã thông minh; thôn 2, xã Hà Mòn đạt thôn thông minh. Xã Đăk Mar đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Đăk Ngọk cũng đạt đủ 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Đăk Hà đã đạt được 43/52 tiêu chí về đô thị văn minh. Qua đó, tạo nền móng vững chắc để huyện nhà xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, đô thị văn minh vào năm 2025.
Những thành tựu chung, cơ bản về kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là hành trang, là động lực để mỗi người dân nêu cao ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng huyện Đăk Hà phát triển nhanh và bền vững; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", xứng đáng với phần thưởng cao quý "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.
Với những thành tích đã đạt được trong 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng ba năm 1999, Huân chương Lao động hạng nhì năm 2004, Huân chương Lao động hạng nhất năm 2014. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập huyện, ngày 8/12/2008, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.