Giải trí

Top 5 bài phân tích Chiếu dời đô – Lý Công Uẩn đạt điểm cao - Văn mẫu lớp 8

Hùng Cường 22/03/2024 17:19

Bài văn mẫu lớp 8: Phân tích Chiếu dời đô – Lý Công Uẩn bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 8.

Mục lục

I. Tìm hiểu chung về tác phẩm Chiếu dời đô

- Lý Công Uẩn

1. Tác giả Lý Công Uẩn

- Lí Công Uẩn (974-1028) tức Lí Thái Tổ

- Quê quán: Là người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Ông là người thông minh, có chí lớn, lập được nhiều chiến công

+ Dưới thời Lê ông làm chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ

+ Khi Lê Ngọa mất ông được tôn lên làm vua lấy niên hiệu là Thuận Thiên.

- Phong cách sáng tác: Sáng tác của ông chủ yếu là để ban bố mệnh lệnh, thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao có ảnh hưởng đến vận nước.

2. Hoàn cảnh sáng tác

- Năm 1010, Lí Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên Đại Việt thành Đại Cồ Việt. Nhân dịp này ông đã viết bài chiếu để thông báo rộng rãi quyết định cho nhân dân được biết.

3. Tóm tắt văn bản Chiếu dời đô

Lịch sử Trung Quốc chứng minh các triều đại vì muốn đất nước được hưng thịnh nên đã quyết định dời đô.Còn ở nước ta,nhà Đinh và nhà Lê tầm nhìn hạn hẹp,không theo ý trời - không chịu đổi dời nên vận nước ngắn hạn,nhân dân lầm than.Trước những bài học của các thế hệ đi trước đó, Lí Công Uẩn muốn dời đô để giúp đất nước hùng mạnh và phát triển hơn. Vì vậy, ông đã đưa ra ý muốn của mình và hỏi quân thần, nhân dân về việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La -xét về mọi mặt,mọi phương diện địa lí, lịch sử thì Đại La là chốn tụ hội trọng điểm của đất nước. Lí Công Uẩn cho thấy việc rời đô là đúng đắn.

4. Phân chia bố cục

Tác phẩm được chia thành 3 phần như sau:

- Phần 1: Từ “Xưa nhà Thương” đến “không thể không dời đổi”: Đưa ra những lí do, cơ sở của việc dời đô.

- Phần 2: “Huống gì” đến “muôn đời”: Những lí do chọn Đại La làm kinh đô.

- Phần 3: Còn lại: Thông báo quyết định dời đô.

5. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

- Giá trị nội dung: Bài Chiếu phản ánh khát vọng của nhân dân về một dân tộc độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Chiếu dời đô là áng văn chính luận đặc sắc viết theo lối biền ngẫu, các vế đối nhau cân xứng nhịp nhàng.

+ Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo rõ ràng.

+ Dẫn chứng tiêu biểu giàu sức thuyết phục.

+ Có sự kết hợp hài hòa giữa tình và lí.

II. Đọc - hiểu chi tiết tác phẩm Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Lý Công Uẩn- là một vị vua sáng suốt, anh minh của dân tộc, là người có tầm nhìn xa trông rộng, thông minh tài trí.

- Chiếu dời đô là một tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử của dân tộc.

2. Thân bài

a. Lý do dời đô

- Cơ sở lịch sử :

+ Nhà Thương: 5 lần dời đô

+ Nhà Chu: 3 lần dời đô

- Mục đích:

+ Đóng đô ở nơi trung tâm

+ Mưu toan nghiệp lớn

+ Tính kế muôn đời cho con cháu

- Kết quả: vận nước lâu bền, phong tục phồn thịnh.

- Nhà Định – Lê đóng đô một chỗ là hạn chế

- Hậu quả: triều đại không bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ hao tốn, cuộc sống, vạn vật không được thích nghi.

→ Số liệu cụ thể, suy luận chặt chẽ

⇒ Dời đô là việc làm chính nghĩa, vì nước, vì dân, nghe theo mệnh trời, thể hiện thực lực và ý chí tự cường dân tộc.

b. Lý do chọn Đại La làm kinh đô

Dựa vào lợi thế của thành Đại La:

- Về lịch sử: là kinh đô cũ của Cao Vương.

- Về địa lí: trung tâm đất trời, thế rồng cuộn hổ ngồi, địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng.

- Dân cư: khỏi chịu cảnh ngập lụt, mọi vật phong phú, tốt tươi.

⇒ Luận cứ xác đáng, khẳng định Đại La là nơi đóng đô bền vững, đưa đất nước phát triển phồn thịnh.

c. Quyết định dời đô

- Kết thúc bài chiếu, tác giả không nêu mệnh lệnh mà đặt câu hỏi mang tính chất đối thoại, trao đổi.

- Thuyết phục người nghe bằng lí lẽ, tình cảm chân thành,

- Nguyện vọng dời đô của vua phù hợp với nguyện vọng của dân.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật: Bài chiếu như một lời tâm sự của nhà vua với nhân dân, quần thần, cho thấy sự thấu tình đạt lí, thể hiện sự anh minh của nà vua trong sự nghiệp gây dựng đất nước

- Liên hệ bản thân: Học tập tích cực, rèn luyện tu dưỡng đạo đức để kế tục sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

III. Tổng hợp các đoạn văn nghị luận về tác phẩm Chiếu dời đô

1. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về Chiếu dời đô

Sau khi học xong văn bản "Chiếu dời đô", em đã cảm nhận được nhiều điều sâu sắc. Thật vậy, theo em, đây chính là văn kiện lịch sử có tính quan trọng đối với vận mệnh của VN. Đầu tiên, em thấy được vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lý Công Uẩn. Chao ôi, ông chính là người lo lắng cho vận mệnh của dân tộc! Vì yêu nước thương dân mà vua Lý Công Uẩn quyết định rời đô để có thể yên ổn đời sống cho nhân dân. Sự dời chuyển kinh đô này chính là để tạo tiền đề cho sự phát triển hùng mạnh của dân tộc, là ý chí khát vọng tự cường ngàn đời của đất nước. Ông là người lãnh đạo anh minh, đặt lợi ích của nhân dân và dân tộc lên ưu tiên hàng đầu. Phải chăng quyết định rời chuyển kinh đô của Lý Công Uẩn là do ông sớm nhận ra điều kiện ở cố đô Hoa Lư không còn thích hợp cho nhân dân phát triển? Thứ hai, điều mà em cảm nhận được đó là sự trường tồn vĩnh cửu lâu bền hơn 1000 năm nay nhờ quyết định dời đô về thành Đại La của vua Lý Công Uẩn. Là một học sinh thủ đô, em ý thức được vai trò của mình trong việc cố gắng học tập thật tốt để xây dựng đất nước, tiếp bước cha anh mình.

2. Viết đoạn văn diễn dịch với câu chủ đề sau :"Chiếu dời đô phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt".

"Chiếu dời đô” đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt?”. Qua hàng ngàn năm phát triển của dân tộc Việt Nam ta, kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư vầ Đại La, đất nước ta đã phát triển lớn mạnh như thế nào, nhân dân ta đã bớt cực khổ ra sao, điều ấy ai ai cũng biết . Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự anh minh, sáng suốt khi dời đô của Lý Công Uẩn, cũng là phản ánh cho ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc ta. Ý thức rất sâu sắc vấn đề vùng đất Hoa Lư không còn phù hợp cho việc đóng đô nữa , vua Lý đã quyết định chuyển dời . Dời đô là điều tất yếu, hợp với ý trời . Trong bài chiếu của mình, vua Lý đã chỉ ra hai nhà Đinh , Lê vì làm trái với mệnh trời mà không chịu chuyển dời nên đã chuốc lấy hậu quả và kết cục là tồn tại chẳng được bao lâu thì sụp đổ. Nhưng với vua Lý thì khác , ông không cam tâm nhìn dân khổ cực , cũng không muốn triều đại của mình sớm sụp đổ chỉ vò trái với mệnh trời , không hợp ý dân. Với ý chí xây dựng một đất nước độc lập , tự cường và phát triển lớn mạnh , nhà vua đã cân nhắc rất kĩ và chọn Đại La làm kinh đô mới của triều đại mình. Mảnh đất Đại La được xem xét là mảnh đất vàng hội tụ đầy đủ những thuận lợi của một vùng địa linh : cao mà rộng, bằng phẳng mà thoáng đãng , muôn vật rất mực phong phú, tốt tươi , người dân khỏi chịu cảnh ngập lụt . Nghĩ tới người dân , nghĩ đến vận mệnh đất nước muôn đời , nhà vua đã quyết định chuyển kinh đô về nơi đất tốt này. Và lịch sử đã chứng minh, quyết định ấy của vua Lý là một quyết định đúng đắn , mang lại cuộc sống ấm lo, hạnh phúc cho nhân dân . Đó chẳng phải là minh chứng cho ý chí độc lập , tự cường , mở ra sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt trong suốt những triều đại sau này đó sao?

3. Viết đoạn văn với chủ đề Chiếu dời đô phản ánh ý chí độc lập tự cường...

Trong bài "Chiếu dời đô", Lý Công Uẩn với khát vọng dời đô, mong muốn đất nước phát triển trong thời bình không còn giặc giã qua đó thể hiện ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt ta. Để có thể thuyết phục khát vọng dời đô của mình, đầu tiên tác giả nêu lên dẫn chứng về các làn dời đô thời Tam đại của Trung Quốc, rồi qua đó phê phán hai triều Đinh, Lê khinh thường mệnh trời, theo ý riêng mình mà cứ đóng đô ở Hoa Lư. Sau đó, tác giả còn đưa ra những tác hại của việc ko chịu dời đô của hai nhà Đinh, Lê và tỏ lòng đau xót : "Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi". Tiếp theo, nhà vua đưa ra những thuận lợi của Đại La : "Ở vào nơi trung tâm trời đất ; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây ; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rồng mà bằng ; đất cao mà thoáng". Thậm chí ông còn tỏ vẻ quan tâm đến người dân : "Dân chúng khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt ; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi". Kết thúc bài văn bằng một câu hỏi thân tình "Các khanh nghĩ thế nào?", nhà vua đã khiến bài chiếu này trở thành một văn bản bàn luận, hỏi ý kiến của quần thần chứ không còn là một mệnh lệnh nữa, điều đó phần nào đã xích nhà vua lại gần quần thần, khiến cho văn bản lại càng tăng tính thuyết phục hơn. Và quả nhiên, việc dời đô đã là một việc làm đúng đắn, không chỉ là trong lịch sử, mà sau này, Thăng Long Hà Nội vẫn còn là thủ đô của Việt Nam.

4. Viết đoạn văn (5-7 câu) trình bày lí do dời đô và ý nghĩa của việc dời đô trong bài " Chiếu dời đô " của Lí Công Uẩn.

Lý Công Uẩn dời đô vì kinh đô cũ không còn thích hợp với sự mở mang của đất nước nữa . Ông không ngần ngại phê phán những triều đại cũ, tác giả nói rằng các triều đại nhà Đinh nhà Lê đã không nghe theo ý trời nên chỉ đóng đô ở nơi đây chính vì thế mà triều đại không được lâu dài. . Nhưng thực chất thì ở giai đoạn đó hai triều đại chưa đủ mạnh cả thế và lực nên vẫn phải dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi để chống thù trong, giặc ngoài. Nhưng đến thời Lí, trên đà mở mang phát triển của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư không còn phù hợp nữa. Bên cạnh những dẫn chứng thuyết phục như thế tác giả còn thể hiện giãi bày tình cảm của mình. Điều đó đã làm tăng thêm sức thuyết phục cho bài văn. Cảm xúc ấy chính là cảm xúc mà tác giả muốn phát triển đất nước theo một hướng phát triển thịnh vượng hơn, lâu dài và bền vững hơn. Sau đó nhà vua chứng minh và khẳng định sự đúng đắn hợp quy luật và phù hợp của việc dời đô. Đại La là một nơi có tất cả các điều kiện để phát triển đất nước. Đại La hiện lên đẹp về mọi mặt như địa lý, văn hóa, đầu mối giao lưu, điều kiện của dân cư và sự phong phú, tốt tươi của cảnh vật. tác giả đã nhìn từ góc nhìn của một nhà phong thủy, cho thấy tất cả những điều kiện tốt đẹp của thiên nhiên cũng như con người nơi đây. Nhà vua tự cho rằng xem cả dải đất nước Đại Việt thì chỉ có mỗi nơi đây là thánh địa, là một nơi đất đai địa hình tốt đẹp hợp với một sự phát triển mạnh mẽ.

5. Cảm nhận của em về vai trò lãnh đạo của Lý Công Uẩn đối với vận mệnh đất nước qua bài "Chiếu dời đô".

Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn là sự tỏ bày ý định từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay) khi ông mới được triều đình tôn lên làm hoàng đế . Sau đó , ông đổi tên kinh đô thành Thăng Long . Đấy là năm Thuận Thiên thứ nhất – năm khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng của nhà Lý , một triều đại có ý nghĩa hết sức quan trọng đưa văn hiến của nước nhà đến đỉnh cao vòi vọi . Có thể nói , với trí tuệt anh minh tuyệt vời , với lòng nhân hậu tuyệt vời , Lý Công Uẩn đã bày tỏ ý định với các quan trong triều ý định dời đô giàu sức thuyết phục . Phần đầu nhà vua đưa ra những lý lẽ thuyết phục là nhờ những bằng chứng sử sách . Nhưng phần sau nhà vua đã đưa ra những suy nghĩ của riêng mình về miền đất mà vua định lập đô , ko chỉ là cho ta thoả mãn về lí trí mà quan trọng hơn là bị thuyết phục bằng tình cảm . Ta bắt gặp ở đây 1 giọng nói đầy nhân từ , tấm lòng lo cho dân cho nước rất mực . Những điều vua nói cách đây cả ngàn năm nhưng hôm nay nhìn lại vẫn giữ nguyên tính chân lí của nó . Trải qua bao thăng trầm , con rồng bay lên bầu trời Hà Nội vẫn làm cho cả nước bái phục nhân cách , tài năng của Lý Công Uẩn , 1 vị vua anh minh vĩ đại . “Chiếu dời đô” là áng văn xuôi cổ độc đáo , đặc sắc của tổ tiên để lại . Ngôn ngữ trang trọng , đúng là khẩu khí của bậc đế vương . Đó là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ Việt Nam . Nó khơi dậy trong lòng nhân dân ta lòng tự hào và ý chí tự cường mạnh mẽ.

chieu-doi-do-ly-cong-uan.png

IV. Danh sách các đề thi phân tích Chiếu dời đô hay gặp

Đề 1: Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước.

Bài mẫu

Đối với một quốc gia, nhắc đến những nhà lãnh đạo đất nước là nhắc đến những người đứng đầu bộ máy hành chính nhà nước hay tổ chức quân sự, văn hoá...

Đứng trên cương vị một nhà lãnh đạo, trước hết họ phải là những người có tầm nhìn xa trông rộng, nhận định đúng tình hình đất nước, từ đó xác định đúng nhiệm vụ của cả dân tộc.

Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đều là những nhà lãnh đạo tài ba, uyên bác thông hiểu kim cổ đông tây. Vị vua đầu tiên của triều Lý đã nhắc đến gương chuyển đô của vua Bàn Canh nhà Thương, nhà Chu. Trần Quốc Tuấn lại nêu gương những anh hùng hào kiệt, biết xả thân vì chủ tướng vì đất nước: Do Vu, Dự Nhượng, Kỉ Tín,... Có thể nói, biết "ôn cố" để "tri tân" là một trong những tố chất không thể thiếu của một nhà lãnh đạo. Và từ việc "nhớ chuyện cũ", các nhà lãnh đạo tài ba đã thể hiện thiên năng "biết chuyện mới, chuyện đời nay" rất tài tình.

Nhà Đinh, Lê "không noi theo dấu cũ Thương Chu" giữ nguyên vị trí kinh đô tại Hoa Lư mà đất Hoa Lư chỉ là chốn núi rừng hiểm trở, khắc nghiệt. Điều đó khiến thời vận đất nước gặp nhiều trắc trở. Lịch sử cũng đã chứng minh điều đó, hai nhà Đinh Lê triều vận ngắn ngủi, nhân dân gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, việc phê phán hai triều Đinh, Lê một phần lớn đã thể hiện tầm nhìn lãnh đạo của Lí Công Uẩn. Ông đã nhìn rõ một thực tế quan trọng: đất nước đang bước vào thời bình, Hoa Lư không còn phù hợp với vị thế kinh đô nữa!

Trần Quốc Tuấn cũng vậy. Từ thực tế của việc giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần một và thái độ của chúng hiện nay, ông đã thấu rõ nguy cơ của một cuộc chiến chống xâm lược. Sang nước ta, quân Nguyên Mông “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt Tể phụ”, “đi lại nghênh ngang”, bắt dân ta cống nạp khoáng sản, vàng bạc.. Vậy rõ ràng, chúng chưa hề thấm thía bài học từ thất bại của cuộc xâm lược lần một và đang mưu mô cuộc chiến tranh ăn cướp lần hai.

Giặc như vậy còn lực lượng quân sĩ ta thì sao? Vị nguyên soái lỗi lạc thêm một lần đau xót khi chứng kiến thực cảnh binh sĩ dưới quyền lơ là mất cảnh giác trước nguy cơ mất nước. Họ “hoặc thích chọi gà, hoặc mê tiếng hát”, chơi cờ... Ông cay đắng chỉ ra một điều tất yếu là khi giặc đến những thú vui ấy chỉ trở thành tai họa “cựa gà trống không đâm thủng áo giáp của giặc”, “tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai", “mẹo đánh cờ không thể dùng làm mưu lược nhà binh”…

Từ việc nhìn nhận thấu suốt tình hình đất nước, các nhà lãnh đạo anh minh đều xác định rõ nhiệm vụ của quân và dân. Điều quan trọng là họ có những quyết định đúng đắn, những hành động táo bạo để đưa đất nước đển được bến bờ của sự bình yên và phát triển.

Lí Công Uẩn xác định nhiệm vụ hiện tại là cần dời đô khỏi Hoa Lư. Nhưng dời đô đến đâu? "Thành Đại La.. là nơi trung tâm trời đất,có thế rồng cuộn hổ ngồi lại tiện hướng nhìn sông dựa núi, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta chỉ có nơi đây là thánh địa”. Từ việc có ý thức sâu sắc ưu thế của thành Đại La đối với việc phát triển đất nước, Lí Công Uẩn đã có quyết định đúng đắn là thiên đô về mảnh đất văn hiến này.

Trần Quốc Tuấn trên cương vị Tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đã khẳng định ý chí đánh giặc của toàn dân tộc đồng thời khuyến khích, động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Ông khuyên quân sĩ phải biết “kiêng canh nóng mà thổi rau nguội”, phải biết ra sức tập luyện để sẵn sàng chiến đấu. Không chỉ vậy, ông còn soạn thảo “Binh thư yếu lược” làm sách lược cho binh sĩ tập luyện, rèn quân.

Có thể nói, tấm lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện qua hai văn bản “Chiếu dời đô” của Lí Công Uẩn, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn” rất đa dạng, nhiều vẻ khác nhau song đều tựu chung ở mong muốn đất nước an bình, phát triển trù phú. Tấm lòng đó chẳng những được thể hiện một cách cảm động qua hai văn bản mà còn được hai nhà lãnh đạo kì tài chứng minh bằng những đóng góp thực tiễn cho lịch sử phát triển hào hùng của dân tộc.

Đề 2: Suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong các văn bản Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ, Hịch tướng sĩ của Trân Quốc Tuấn.

Bài mẫu

Tình cảm yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc. Tình cảm đó được thể hiện mãnh liệt trong những lời tâm huyết của những nhà lãnh đạo đất nước từ xa xưa. Ta có thể kể đến những văn bản tiêu biểu như “Chiếu dời đô” của Lí Thái Tổ, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn.

Chiếu dời đô ra đời khi Lí Thái Tổ mới lên ngôi. Nhà vua mong muốn đất nước có một kinh đô đàng hoàng to rộng đặng bề phát triển đất nước. Đó là lí do vì sao ông đã phê phán và chỉ ra việc đóng đô ở vùng Hoa Lư đã không còn phù hợp nữa: "Cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi". Hoa Lư là vùng có địa thế hiểm trở, khi tiềm lực phát triển chưa đủ mạnh thì nó hợp với chiến lược phòng thủ. Nhưng đến đời Lí thì đất nước đặt ra nhu cầu phát triển, cho nên đô thành phải dời chuyển ra nơi có địa thế khác. Không chỉ cỏ lí lẽ, Lí Công Uẩn bày tỏ cả tấm lòng mình: “Trẫm rất đau xót về việc đó". Tình cảm của một ông vua luôn hướng về vận mệnh, sự tồn vong của giang sơn xã tắc khiến người đọc cảm động.

Bởi tấm lòng đau đáu nghĩ đến một mảnh đất thiêng có thể phù trợ cho việc phát triển đất nước, nhà vua đã nhìn ra thế đất của thành Đại La. Đó là nơi có vị thế thuận lợi về nhiều mặt, về mật địa lí, tác giả phân tích rõ: Nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi", bốn hướng đều thông thoáng lại ở thế "nhìn sông dựa núi" vững vàng, "địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng". Trên địa thế ấy, dân cư sẽ tránh được lụt lội mà "muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi". Thuận lợi về mặt địa lí như vậy sẽ kéo theo những thuận lợi về thông thương, giao lưu: "Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước“. Nơi định đô mới này sẽ đáp ứng được vai trò là đầu mối trung tâm của kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước.

Trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, tấm lòng yêu nước lại được thể hiện trực tiếp qua nhiều phương diện.

Tác giả lột tả sự ngang ngược và tội ác của giặc: "Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu vàng bạc, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau!". Qua những câu văn đó, bộ mặt của quân giặc được phơi bày đồng thời tác giả cũng bày tỏ thái độ căm thù, khinh bỉ cực độ của mình đối với bọn chúng. Điều đó được thể hiện đậm nét qua việc tác giả đã dùng lối nói hình ảnh so sánh, ẩn dụ: lưỡi cú diều, thân dê chó, hổ đói,... ; các hình ảnh được đặt trong thế đối sánh để tỏ rõ thái độ căm thù, khinh bỉ: uốn lưỡi cú diều - sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó - bắt nạt tể phụ.

Sau khi tố cáo tội ác củạ giặc, Trần Quốc Tuấn đã bày tỏ lòng yêu nước, căm thù giặc của mình, có thể xem đây là đoạn văn hay nhất của bài hịch: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng." Nỗi đau trước cảnh nước mất nhà tan được diễn tả thống thiết: quên ăn, mất ngủ, lòng đau như dao cắt, nước mắt đầm đìa. Uất hận trào dâng đến cực điểm khi tác giả bộc lộ thái độ của mình đối với kẻ thù: chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Vị tướng đã tự xác định một tinh thần hi sinh hết mình cho đất nước: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Qua đoạn văn này, hình tượng người anh hùng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đất nước được khắc hoạ rõ nét. Những lời tâm huyết, gan ruột của vị tướng có sức lay động mạnh mẽ, truyền cho tướng sĩ tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi và một thái độ xả thân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc.

Chẳng những vậy, tấm lòng yêu nước của vị đại tướng đáng kính còn được thể hiện sâu đậm qua tấm lòng của một chủ tướng đối với binh lính của mình: "Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, (...) lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười.'' Đó thật là tấm lòng phụ tử đáng cảm động vậy!

Có thể nói, tấm lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện qua hai văn bản “Chiếu dời đô” của Lí Thái Tổ, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn” rất đa dạng, nhiều vẻ khác nhau song đều tựu chung ở mong muốn đất nước an bình, phát triển trù phú. Tấm lòng đó chẳng những được thể hiện một cách cảm động qua hai văn bản mà còn được hai nhà lãnh đạo kì tài chứng minh bằng những đóng góp thực tiễn cho lịch sử phát triển hào hùng của dân tộc.

Đề 3: Giá trị nhân văn trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.

Bài mẫu

Lý Công Uẩn sinh năm 974, quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Là người có chí lớn lại khoan từ nhân thứ (lời sư Vạn Hạnh), nên sau khi Lê Long Đĩnh mất, vua kế vị còn nhỏ không thể đảm đương trọng trách gánh vác giang sơn xã tắc, ông đã được các vị đại thần trong triều tôn lên ngôi hoàng đế.

Vốn thông minh bẩm sinh lại nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh, văn hiến, là con nuôi của các vị cao tăng xuất chúng, Lý Công Uẩn thực sự là người con ưu tú của dân tộc. Ông đã cùng triều Lý làm rạng danh nước Đại Việt, viết nên những trang sử oanh liệt dựng nước và giữ nước.

Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) khởi đầu sự nghiệp trị vì đất nước của mình bằng việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Việc dời đô vốn là một sự kiện quan trọng và việc dời đô của Lý Thái Tổ càng in đậm dấu ấn trong lịch sử vì nó mở ra một giai đoạn phát triển phồn vinh của đất nước, hơn nữa nó lại gắn với một áng văn chương bất hủ: Chiếu dời đô.

Tiếp xúc với áng văn chương kiệt tác này, không những ta được sống trong hào khí của một khát vọng cao cả và một khí phách anh hùng, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh sáng nhân văn.

Để hiểu rõ giá trị nhân văn cao đẹp của bài Chiếu, ta cần suy ngẫm kĩ xem vì sao Lý Thái Tổ quyết định rời đô? Việc dời đô của ông xuất phát từ những ý nguyện và quyền lợi của ai và nhằm mục đích gì?

Vậy mà vì sao mà Lý Thái Tổ quyết định dời đô?

Khi Lý Công Uẩn được suy tôn lên ngôi hoàng đế, triều đình vẫn còn đang đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư nằm ở một vùng đất hẹp (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Địa thế hiểm trở chỉ tiện cho việc chống giữ mà không dễ bề phát triển. Với trí tuệ nhạy cảm, Lý Thái Tổ cảm nhận một cách sâu sắc và thấm thía những cái bất lợi của việc đóng đô ở đây.

Nhìn lại hai triều trước, nhà Đinh chỉ tồn tại có 12 năm (968-980), nhà Lê chỉ tồn tại có 29 năm (980-1009). Số vận của họ mới ngắn ngủi làm sao! Số vận của một vương triều, đâu chỉ là vấn đề riêng của một dòng họ, nó có quan hệ mật thiết tới sự suy thịnh, tồn vong của một quốc gia , dân tộc. Hơn nữa, nó còn quan hệ mật thiết với phận của trăm dân, muôn họ. Triều đình suy thì trăm họ cũng phải hao tổn. Điều đó khiến Lý Thái Tổ vô cùng đau xót: Trẫm rất đau xót về việc đó.

Nỗi lòng và tình cảm của hoàng đế Thái Tổ chính là tình cảm yêu nước thương dân tha thiết, sau nặng của ông. Tấm lòng ấy khiến ông đi đến một quyết định đúng đắn và dứt khoát: dời đô!

Như vậy, Lý do dời đô của Lý Thái Tổ xuất phát từ sự lo lắng cho sự an nguy, tồn vong, suy thịnh của giang sơn xã tắc, lo lắng cho số phận và hạnh phúc của nhân dân. Tấm lòng lo nghĩ cho nước, cho dân, há chẳng phải là biểu hiện của tư tưởng nhân văn đó sao?

Với một trí tuệ hiếm có và tầm nhìn khác thường, hoàng đế Thái Tổ thấy rõ lợ thế to lớn của thành Đại La. Đó là một vùng đất vừa thuận lợi về mặt địa Lý để có thể phát triển kinh tế giàu mạnh khiến cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc: huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi phải chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Đồng thời cũng là nơi thuận tiện cho việc xây dựng và phát triển chính trị, văn hóa: Thật là chốn hội tụ của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Mục đích dời đô của Lý Thái Tổ không chỉ vì quyền lợi của dòng họ mình, cao hơn nữa là quyền lợi của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Mục đích đó thật cao đẹp và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc!

Có thể nói, Chiếu dời đô đã phản ánh được khát vọng của nhân dân ta về một đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường, chính khát vọng ấy làm cho bài Chiếu thấm đẫm tinh thần tinh thần nhân văn cao cả.

Để tận hôm nay, ánh sáng nhân văn trong bài Chiếu vẫn tỏa sáng.

Đề 4: Hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước.

Bài mẫu

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, đó là truyền thống rất đáng tự hào. Đất nước sống đời thái bình, no ấm chính là nhờ tài đức của các vị vua, các vị tướng sĩ văn võ song toàn như Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ), Trần Quốc Tuấn (tức Hưng Đạo Vương). Họ là những người lãnh đạo anh minh suốt đời vì vận mệnh của đất nước. Văn bản "Chiếu dời đô" Lý Công Uẫn và văn bản "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn đã thể hiện những tài năng đức độ của các bậc lãnh đạo anh minh này.

Như chúng ta đã biết, Lý Công Uẩn vốn là người thông minh nhân ái, có chí lớn và lập được nhiều chiến công. Vì thế, khi Lê Ngọa Triều mất, ông được triều thần tôn lên làm vua lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Lý Công Uẫn lên ngôi đã lập tức quyết định dời kinh đô Hoa Lư ra thành Đại La, bởi nhà vua hiễu rõ Đại La chính là vùng đất mà nhân dân sẽ sống no ấm, đất nước được hưng thịnh đời đời. Lý Công Uẩn quyết định như thế không phải theo ý riêng mình mà chính là lo cho vận nước, hợp với lòng dân.

Người viết "Chiếu dời đô" bày tỏ mục đích dời đô là: "vân mệnh trời", "theo ý dân", "thấy thuận thiên thì thay đổi", dời đến nơi "trung tâm trời đất", tiện hướng "nhìn sông dựa núi",… "nơi đây là thánh địa". Đọc văn bản "chiếu dời đô" ta cảm nhận Lý Công Uẩn không chỉ là một vị vua có tài mà còn có đức, ông xứng đáng là vị vua anh minh bậc tiên đế muôn đời. Quyết định dời đô của ông là rất sáng suốt bởi vì kinh đô Đại La đã vững mạnh suốt 200 năm, có nghĩa là nhân dân thái bình, no ấm trong suốt thời gian đó.

Thời kì nhân dân Đại Việt phải đương đầu với quân Nguyên Mông hung hãn, vị nguyên soái Trần Quốc Tuấn tức Hưng Đạo Vương đã 3 lần cầm quân đánh bại quân xâm lược. Ông xứng đáng là vị anh hùng muôn đời của dân tộc. Trước năm 1285, Trần Quốc Tuấn đã viết bài "Hịch tướng sĩ" với mục đích kêu gọi tướng sĩ học tập binh thư, rèn luyện võ nghệ đễ chuẩn bị đánh quân xâm lược. Bài Hịch có sức thuyết phục rất cao bởi lập luận sắc bén, có tình có lý.

Trong bài Hịch, Trần Quốc Tuấn sáng suốt nêu gương các trung thần nghĩa sĩ của Trung Quốc đễ đánh vào lòng tự tôn của các tướng sĩ dưới quyền. Ông nhắc lại cách đối xử thân tình của mình đến với họ, chỉ cho họ thấy tội ác của giặc, bày tỏ tấm lòng của mình trước vận mệnh của đất nước.

Trần Quốc Tuấn đã phản ánh phê phán sự bàng quan vô trách nhiệm của các tướng sĩ. Vạch ra nguy cơ nước mất nhà tan, rồi lật ngược vấn đề: Nếu tướng sĩ lo học tập binh thư, rèn luyện võ nghệ thì mọi người được sử sách lưu danh.

Với cách lập luận như thế, Trần Quốc Tuấn đã khơi dậy, khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc của tất cả mọi người. Trần Quốc Tuấn vốn là con nhà võ nhưng thấu đáo sự học làm người, nắm rõ "tam cương, ngũ thường". Ông xứng đáng là tấm gương sáng để chiến sĩ noi theo. Trong kho tàng văn học nước nhà "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn xứng đáng là một "Áng thiên cổ hùng văn", "tiếng kèn xung trận hào hùng", mãi mãi nhân dân thời Trần (thế kỉ 13) và mọi đời sau sẽ không bao giờ quên công đức của ông.

Nói tóm lại, lịch sử đất nước Việt Nam có những trang vàng chói lọi là nhờ vào những vị vua, vị tướng anh minh như Lý Công Uẫn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi,… Họ là tấm gương sáng ngời đễ đời sau soi vào đó mà học tập. Chúng ta tưởng nhớ đến Bác Hồ đã lãnh đạo toàn dân giành độc lập ngày hôm nay. Chúng ta chắc chắn Bác đã noi gương những người đi trước. Sống xứng đáng với sự hi sinh của họ. Bác đã từng nói: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Và người cũng đã ân cần dạy tuổi trẻ "có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".

Đề 5: Phân tích và nêu cảm nghĩ của em về bài “Chiếu dời đô ” của Lý Thái Tổ.

Bài mẫu

Lý Công Uẩn (974-1028) quê ở Kinh Bắc, là võ tướng cao cấp của Lê Đại Hành, từng giữ chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Ông là người tài trí, đức độ, kín đáo, nhiều uy vọng. Năm 1009, Lê Ngọa Triều chết, ông được giới tăng lữ và triều thần tôn lên làm vua, tức Lý Thái Tổ dựng nên triều đại nhà Lý tồn tại hơn 200 năm (1009-1225).

Năm 1010, Lý Thái Tổ viết “Thiên đô chiếu ” dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, sau đổi là Thăng Long, Kinh đô của Đại Việt.

"Chiếu là lời của vua ban bố hiệu lệnh cho thần dân” (Dương Quảng Hàm), thuộc văn xuôi cổ, câu văn có vế đối, ngôn từ trang nghiêm, trang trọng. “Chiêu dời đô” của Lý Công Uẩn là một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn. sắp đến đại lể ki niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử trọng đại của luận văn này. Văn bản chữ Hán chỉ có 214 chữ, bản dịch của Nguyễn Đức Vân dài 360 chữ:

1. Phần đầu ‘Chiếu dời dô” nói lên mục đích sâu xa, tầm quan trọng của việc dời đô là để “Đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên theo mệnh trời, dưới theo ý dân'. Nói một cách khác, việc dời đô là một việc lớn, vừa hợp mệnh trời vừa hợp lòng dân, là để xây dựng đất nước cường thịnh, đem lại hạnh phúc, thái bình cho nhân dân.

a. Mục đích và tầm quan trọng

Việc dời đô không còn là chuyện hi hữu, mà đó là những kinh nghiệm lịch sử, phản ánh xu thế phát triển lịch sử của từng quốc gia, từng thời đại. Tác giả đã nêu lên những dẫn chứng lịch sử đế thu phục nhân tâm. Chuyện ở xa là chuyện bên Tàu: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô”. Chuyện gần là ở nước ta thời nhà Đinh, nhà Lê vì chỉ “ theo ý riêng mình, khinh thường, mệnh trời... ”, cứ “đóng yên đô thành” ở Hoa Lư nên dẫn đến thảm kịch: “triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi”... Sử sách cho biết, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp tan 12 sứ quân, năm 968 ông lên ngôi hoàng đế thì đến năm 979 nhà vua bị ám hại. Năm 981, Lê Hoàn lên làm vua, tuy đã đánh thắng giặc Tống xâm lược, nhưng năm 1005, Lê Đại Hành băng hà, thì các thế lực phong kiến, các hoàng tử... lại xung đột, tranh giành ngôi báu, loạn lạc kéo dài “trăm họ phải hao tổn” nhiều xương máu, tiền của. Cái chết của vua Lê Ngọa Triều năm 1009 đã chứng tỏ hai triều đại Đinh, Lê "không được lâu bền, số vận ngắn ngủi”. Hai triều đại Đinh, Lê phải đóng đô là do nhiều nguyên nhân lịch sử: nhà nước phong kiến Việt Nam chưa đủ mạnh, nạn cát cứ của các lãnh chúa hoành hành, giặc giã loạn lạc kéo dài. Do đó, các vua nhà Đinh, nhà Lê phải nuôi hổ báo ở trong nhà, phải nấu vạc dầu ở ngoài sân, dựa vào sông sâu núi cao, địa thế hiểm trở vùng Hoa Lư để đóng đô và phòng thủ. Đóng đô ở Hoa Lư là một hạn chế của lịch sử của nhà Đinh, nhà Lê.

Lý Công Uẩn “đau xót” khi nghĩ về "vận số ngắn ngủi” của nhà Đinh, nhà Lê và cảm thấy việc dời đô là một việc cấp thiết "không thể không dời đô”.

“Chiếu dời đô ” trong phần mở đầu, lí lẽ sắc bén, dản chứng lịch sử là sự thật hiển nhiên, giàu sức thuyết phục lòng người. Tác giả đã lồng cảm xúc vào bài chiếu, tạo nên bao ấn tượng đẹp: "Trẫm rất đau xót vé việc đó, không thể không dời đổi

Cuốn “Lịch sử Việt Nam " của Viện Sử học đã viết: “Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu phát triển mới của quốc gia phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin và quyết tâm của cả dân tộc giữ vững nền độc lập ”...

b. Đại La rất thuận lợi, rất đẹp để đóng đô.

Đại La không có gì xa lạ, là “Kinh đô cũ của Cao Vương”. Cao Vương là Cao Biền, đại quan của nhà Đường, từng làm Đô hộ sứ Giao Châu từ 864-875; năm 866, Cao Biền đã xây thành Đại La, thuộc Hà Nội ngày nay.

Về vị trí địa lí là “ở vào nơi trung tâm trời đất... đã đúng ngôi nam bắc đông tây

Về địa thế, rất đẹp, rất hùng vĩ: "được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”, "lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”, “địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng".

Là một vùng đất cư trú lí tưởng cho dân cư, không “ngập lụt ”, “muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”.

Tóm lại, Đại La là “thắng địa”, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước". Đại La xứng đáng là “Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

2. Phần thứ hai của “Chiếu dời đô” cho thấy tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn về Đại La, nơi sẽ dời đô đến. Một cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chính xác về các mặt vị trí địa lí, địa thế, nhân văn... Sau một nghìn năm, Hà Nội đã trở thành thủ đô hòa bình của đất nước ta, nhân dân ta, ta càng thấy việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La của Lý Công Uẩn là một cống hiến vô cùng vĩ đại "mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”.

Sử sách còn ghi lại: khi thuyền rồng của nhà vua vừa cập bến sông Nhị Hà ở chân thành Đại La thì có con rồng vàng bay lên, vua cho là điềm tốt mới đổi tên là Thăng Long. Thăng Long là "Rồng bay lên” thể hiện thế nước và phản ánh khát vọng của nhân dân ta xây dựng Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh có nền văn hiến muôn đời rực rỡ. Ý chí tự lập tự cường và niềm tin về ngày mai tốt đẹp được khẳng định một cách mạnh mẽ.

Về mặt văn chương, phần thứ hai “Chiếu dời đô” rất đặc sắc. Cách viết hàm súc, giàu hình ảnh và biểu cảm, những vế đối rất chính, đọc lên nghe rất thú vị, mặc dù phải qua bản dịch:

"Huống gì thành Đại La... ở vào nơi trung tâm trời đất //; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc tây đông//, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt //; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi... Thật là chôn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước //; cũng là nơi Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời .”

3. Phần cuối nguyên tắc ‘Thiên đô chiếu” chỉ có 14 chữ, bản dịch thành 19 chữ. Nhà vua bày tỏ ý mình về việc dời đô và hỏi quần thần. Đúng Lý Công Uẩn là một người "tài trí, đức độ, kín đáo".

“Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất này để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào ? "

Việc dời đô của Lý Công Uẩn là một kì tích, kì công. Sau gần một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội “đất văn vật" đã trở thành thú đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa của đất nước ta.

“Chiếu dời đô” là áng văn xuôi cổ độc đáo, đặc sắc của tổ tiên để lại. Ngôn từ trang trọng, đúng là khẩu khí của bậc đế vương. Nó là kết tinh vẻ dẹp tâm hồn và trí tuệ Việt Nam. Nó khơi dậy trong lòng nhân dân ta lòng tự hào và ý chí tự cường mạnh mẽ.

Trên đây là tất cả kiến thức và đề thi liên quan đến bài Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn mà các em cần nắm chắc trong chương trình lớp 8. Chúc các em ôn thi tốt và đạt được điểm cao!

Hùng Cường