Chính trị

Ký ức một thời

Trần Quốc Huy 21/03/2024 08:59

Trở lại Đắk Nông sau nhiều năm kể từ ngày nghỉ công tác, trong tôi vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những ngày đầu đến với vùng đất này...

Duyên kỳ ngộ với vùng đất Đắk Nông

Sau kỳ nghỉ tết cổ truyền năm 2009, tôi thật bất ngờ khi được tin có quyết định của cấp trên về nhận nhiệm vụ mới ở tỉnh Đắk Nông.

Quê tôi ở miền Nam. Tôi được sinh ra trong rừng chiến khu, lớn lên nơi bưng biền khói lửa. Có thời gian dài tôi học chữ ở Sài Gòn rồi thoát ly vào chiến khu.

img_6536(1).jpg
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy lần kể về những ký ức khi đến với Đắk Nông. Ảnh: Lê Dung

Tôi vượt đường Trường Sơn ra miền Bắc theo cách mạng, rồi trở lại Sài Gòn sau ngày giải phóng. Năm 2002, tôi được luân chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, sau đó, ra làm việc ở Hà Nội mấy năm…

Những câu chuyện ngược Bắc xuôi Nam, lên rừng xuống biển đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Thế nhưng, với tôi, điều sâu đậm nhất là được điều động về Đắk Nông công tác. Đây là đoạn đường đời thứ 11 và gần như cuối của một “cánh chim phiêu lãng” như tôi.

Háo hức, phấn chấn trong công việc mới, nhưng cũng đầy âu lo, lạ lẫm là tâm trạng của tôi lúc bấy giờ. Bởi xứ này, trong đời mình chỉ mới một lần đi ngang qua.

Lần ngang qua khi tôi còn là Bí thư Quận 5 (TP. Hồ Chí Minh). Lần ấy tôi vận động được tiền và đến hỗ trợ xây dựng trường học cho huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Lắk (cũ).

ong-huy.jpg

Lần đầu tiên, tôi lội bộ 2 đến 3 cây số lầy lội trên con đường đất đỏ bazan đến điểm xây trường học. Phải chăng, đó là cái duyên kỳ ngộ của tôi với mảnh đất này. Sau này, khi cầm quyết định trong tay, đầu óc tôi hiểu lờ mờ về Đắk Nông.

Ngày ấy, Gia Nghĩa nổi bật với những mái nhà tôn chạy dài theo những con đường quanh co, giằn xóc. Những con lộ lớn băng qua giữa thị xã Gia Nghĩa đang bị bốc lên nâng cấp ngổn ngang. Nhiều cơ quan cấp tỉnh chưa xây xong. Cán bộ đa số ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xuống công tác và ở tại khu nhà công vụ. Cứ trưa thứ sáu họ lại “cắt cơm bơm xe” về Buôn Ma Thuột.

Ngày mới đến nhận công tác, tôi được sắp xếp nơi ở là một căn phòng trên lầu 1 của Nhà khách huyện Đắk Nông trước đây. Đêm nơi xứ lạ khó ngủ. Và một đêm tôi thức giấc vào 2 giờ sáng và làm bài thơ “Phố thị hoa vàng”. Bài thơ với những cảm xúc rất sâu đậm tình người, đầy tình đời trong tôi.

img_6514(1).jpg
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi khi thấy Đắk Nông thay đổi lớn sau 20 năm tái lập tỉnh. Ảnh: Lê Dung

Ở một nơi mới, gặp gỡ ai? Đi đâu? Làm việc gì trước đây? Đó là những câu hỏi luôn bộn bề trong tâm trí tôi. Rồi tôi chọn khối các đoàn thể chính trị - xã hội để làm việc, tìm hiểu, tiếp cận trước. Vì đó là những “người bạn của dân”

Tôi cũng được gặp gỡ những anh chị lớn tuổi, từng kinh qua nhiều việc quan trọng như: gia đình anh Trúc Phương, nguyên Bí thư Huyện ủy; anh Tám Pha, nguyên Bí thư Tỉnh ủy…. Ở đâu, tôi cũng nhận được tấm chân tình".

Thử thách và lòng dân

Nóng bỏng, phức tạp nhất trong giai đoạn đầu tôi đến nhận công tác lúc bấy giờ, việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện; quản lý, ổn định cuộc sống di dân… là những vấn đề nổi cộm.

Tôi đã cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung hết sức, mất nhiều thời gian và tâm trí nhưng cũng có lúc thấy "đuối". Hết lập đoàn kiểm tra này đến đoàn kiểm tra khác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhưng xem ra kết quả tác động, điều chỉnh ít ỏi. Thế là Bí thư Tỉnh ủy bàn với Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất nhờ Thanh tra Chính phủ về thanh tra giúp cho tỉnh".

img_6608(1).jpg
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy còn nhiều trăn trở khi nhắc tới những ngày đầu xây dựng các nghị quyết mang tính tiền đề cho Đắk Nông phát triển về sau này. Ảnh: Lê Dung

Điều ấy chắc cũng hiếm hoi. Nhưng bây giờ nghiệm ra thì rất đúng và kịp thời. Điều quan trọng hơn là lòng dân, hợp tình, hợp lý, làm gì cũng phải để lo cho dân, ổn định cuộc sống. Vậy là những điểm nóng như Cồn Dầu, Quảng Trực, Liêng Nung, Đắk R'tíh… đã dần được ổn định.

Chỉ trong một nhiệm kỳ mà Tỉnh ủy đã ban hành đến 2 Nghị quyết về rừng và đất đai. Có lẽ, chúng tôi đã dành cỡ 1/3 số thời gian thời ấy cho vấn đề này.

Trong nhiệm kỳ tôi đảm nhận vai trò Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Tổng Bí thư đã 2 lần về thăm, chỉ đạo tại Đắk Nông. Trong đó, tôi rất xúc động và không thể quên được kỷ niệm lần đồng chí Tổng Bí thư về thăm, làm việc tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Đây là một địa bàn phức tạp về tranh chấp đất đai, dự án lâm nghiệp, khiếu kiện lúc bấy giờ.

Tôi và đồng chí Tổng Bí thư ngồi nghe thì thấy không có một lực lượng nào, một mô thức nào để quản lý, giữ rừng có hiệu quả. Lòng tôi buồn rười rượi. Tôi chợt nghĩ, dù sao thì vẫn rất tốt, vì biết rõ được sự thật của vấn đề.

Tiếc nuối nhất của tôi là việc tôi cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua khảo sát thực tế 16 công ty lâm nghiệp của tỉnh và tổng kết, nhận ra mô hình quản lý đương thời không hiệu quả. Sai những nguyên tắc tổ chức cơ bản, lẫn lộn giữa quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh, lại không có vốn, không có doanh nhân…

Vậy là đề án tổ chức lại mô hình của các công ty lâm nghiệp đành "bỏ vào tủ" 5 năm chỉ vì thẩm quyền quyết định thuộc Trung ương. Sau 5 năm, Trung ương mới tổng kết, chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý đúng đắn, tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh thì hàng ngàn ha rừng tự nhiên cũng đã mất. Dù hàng năm đã phải xử lý vài trăm cán bộ, kể cả hình sự…

Những mũi nhọn đột phá

Dở lại các nghị quyết của Tỉnh ủy nhiệm kỳ đầu trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, những tiềm năng, lợi thế, đặc điểm khác biệt của vùng đất mới này ngay sau ngày tái lập tỉnh cũng đã được chỉ ra.

img_6611(1).jpg
Ông Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể lại những kỷ niệm của những ngày băng rừng, lội suối để khảo sát các vị trí tiềm năng phát triển du lịch cho Đắk Nông. Ảnh: Lê Dung

Với khí hậu mát mẻ quanh năm, quỹ đất đỏ bazan lớn, trữ lượng nước ngầm và nước bề mặt khá dồi dào. Trữ lượng bô xít đứng thứ 3 trên thế giới. Thiên nhiên hoang dã tươi đẹp và trù phú ẩn chứa nhiều tiềm năng để Đắk Nông phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và du lịch… Tuy vậy, khai thác bô xít cũng còn có nhận thức khác nhau. Dư luận xã hội phức tạp, kẻ xấu cũng không bỏ lỡ cơ hội công kích.

Quỹ đất nông nghiệp lớn, chất lượng cao, nhưng pháp lý chưa ổn định. Nguồn nhân lực quần cư, tụ cư còn hạn chế về nhiều mặt. Di dân tự do lớn tạo biến động liên tục. Hạ tầng thiết yếu kinh tế-xã hội, văn hóa nghèo nàn, thiếu thốn. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao… cũng là những nỗi ưu tư, trăn trở, day dứt ngày đêm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo lúc bấy giờ. Có lẽ từ đó, sự đồng tâm hiệp lực, hết lòng hết sức mà những con người vốn biết hy sinh, tâm hồn trong sáng, luôn chọn lẽ sống đẹp cũng đã nối tiếp thế hệ, vượt lên biết bao cản ngại, truân chuyên để sáng tạo không ngừng

Làm sao tôi quên được ngày đầu về làm việc ở huyện Krông Nô, khi chiếc xe chở tôi bất ngờ không bám đường, trượt dài hàng trăm mét khi đổ đèo. May mắn lúc đó đã đến với tôi và người lái xe chưa có kinh nghiệm ở vùng đất đỏ bazan khi trời mưa. Rồi chắc là chúng ta cũng không thể nào quên được những tháng ngày lội suối, băng rừng khảo sát núi Tà Đùng ở độ cao hơn ngàn mét. Vào tận thác 7 tầng Nâm Nung với ngàn hoa lan rừng giữa mùa tháng giêng. Rồi những ngày tháng tám, hoa kim điệp vàng cả những cánh đồi quanh Tỉnh ủy.

img_6565(1).jpg
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ về bối cảnh ra đời của các nghị quyết về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Đắk Nông thời bấy giờ. Ảnh: Lê Dung

Trong sương khói mịt mù của mưa cao nguyên, chúng tôi ngồi bàn về Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ trương xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng, Công viên địa chất toàn cầu, chăm lo cho buôn bon, đồng bào DTTS; ngăn chặn phá rừng, trồng rừng, xây dựng mũi đột phá về chế biến nhôm, du lịch…

Cách đây mấy tháng, sau khi nghỉ hưu gần 7 năm, tôi lại có dịp về thăm lại vườn mắc ca ở Tuy Đức, gặp lại anh em, bà con dân tộc Mnông. Những chùm bông mắc ca, những chùm trái non ngày nào trồng thí điểm. Cứ mỗi năm lên, tôi đều đến thăm, nâng niu, mong đợi thành công, mà bây giờ đã là hơn 2 ngàn ha với nhiều cây cao trĩu trái. Tôi nắm tay một người bạn Tuy Đức nhưng gọi tôi là chú, tôi với anh nhìn nhau vui đến nghẹn ngào.

Lời nhắn gửi

Hai mươi năm của tuổi trưởng thành, chúng ta bước đi trên những con đường cây xanh rợp bóng của TP. Gia Nghĩa xinh đẹp, một phố thị hoa vàng đong đầy yêu thương, ngắm nhìn những mái ngói đỏ bên núi đồi lồng lộng.

img_6500(1).jpg
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy say sưa nhắn gửi tới thế hệ về những nỗi niềm trăn trở ở tuổi 20 của “Xứ sở của những âm điệu” . Ảnh: Lê Dung

Tháng ba, hoa cà phê trắng xóa những sườn đồi như đã làm say hương tình bao lữ khách. Bạn đã đến tượng đài N’Trang Lơng hùng vỹ ? Thiền viện Trúc Lâm tĩnh mịch? Hồ Tà Đùng ngoạn mục? Bạn hãy nhìn vào đôi mắt xanh trong như những tấm gương trời Hồ Gia Nghĩa, Đắk R'Tih để đón nhận những niềm vui và những nỗi niềm trăn trở của tuổi 20. Hãy sống hết lòng, họp quần gây sức mạnh. “Xứ sở của những âm điệu” mãi luôn giang rộng vòng tay với bao người, để đón chờ những trái tim nóng bỏng và những khối óc tinh thông...

Trần Quốc Huy