Kinh tế

Đắk Nông mạnh mẽ, tự tin, vươn mình phát triển

Nguyễn Lương 21/03/2024 08:45

Trời cuối tháng 3. Những cơn gió phảng phất quanh hồ Gia Nghĩa. Nơi trước đây là thung lũng đầy rẫy những bãi cỏ lau.

Phía xa, Tượng đài N’Trang Lơng hùng dũng hiên ngang trong nắng. Trong căn nhà bên Hồ Gia Nghĩa, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đắk Nông (thời kỳ 2004- 2009) Phan Tuấn Pha nhấp vội chén trà và nhớ về Đắk Nông của 20 năm trước. Mặc dù, năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng ký ức trong ông về một Đắk Nông ngày ấy vẫn vẹn nguyên.

Cán bộ chủ chốt khăn gói lên đường nhận nhiệm vụ

Tỉnh Đắk Nông được tái lập ngày 1/1/2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội, trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của tỉnh Đắk Lắk. “Thật là nhanh, nghĩ mới ngày nào đây, mà giờ đã 20 năm rồi”, ông Pha mở đầu câu chuyện.

Ông còn nhớ như in, ngày đó, Đắk Nông nghèo, đói và thiếu thốn bộn bề. Sở dĩ vậy, một phần là do Đắk Nông tái lập theo đặc thù riêng mà cả nước không nơi nào có. “Các tỉnh được tái lập cùng thời như: Lai Châu, Hậu Giang đều chọn thị xã làm đô. Riêng Đắk Nông lấy thị trấn nhỏ thuộc một huyện nhỏ làm trung tâm của tỉnh. Mà thị trấn nhỏ thì nghèo về tất cả, không hề có một điều kiện gì hết”, ông Pha kể.

ong-pha-1(1).jpg
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đắk Nông (thời kỳ 2004- 2009) Phan Tuấn Pha

Cuối năm 2003, cả mấy trăm cán bộ chủ chốt được Trung ương tín nhiệm, Tỉnh ủy Đắk Lắk điều động về nhận nhiệm vụ mới. Cách TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 120 km, mấy trăm cán bộ cùng nhau xách ba lô, gia xa đình xuống nơi làm việc mới. Một nơi mà không có chỗ ăn, chỗ ở, chỗ để làm việc. Riêng các đồng chí trong Ban Thường vụ phải xuống từ trước để nắm bắt tình hình.

“Ngày 1/1/2004, tỉnh bắt đầu thành lập. Riêng anh em trong Ban Thường vụ chúng tôi phải xuống từ đầu tháng 12/2003. Xuống để nắm bắt tình hình, tìm chỗ thuê nhà, thuê nơi làm việc”, ông Pha cho biết.

Hình ảnh cán bộ xách ba lô, khăn gói xa gia đình để cùng nhau xây dựng tỉnh Đắk Nông mới vẫn in đậm trong ông. Người thuê chỗ ở, tổ chức thuê nơi làm việc. Tất cả cứ nháo nhào hết lên. Điều kiện về cơ sở, vật chất quá khó khăn, tác động đến tâm lý, tư tưởng cán bộ thời ấy rất nhiều. May mắn thay, có sự đồng cam cộng khổ của bà con đồng bào nơi đây. Một thị trấn nhỏ thôi, nhưng tình người lại quá trân quý.

“Bà con vui vì được tách tỉnh. Những ngôi nhà nhỏ, lụp xụp được bà con ưu tiên sửa sang một phòng đẹp nhất cho cán bộ thuê ở. Nhiều gia đình còn chấp nhận vào ở các chòi trong rẫy, nhường lại nhà mình cho cán bộ, cơ quan thuê làm việc, với giá chỉ vài đồng”, ông Pha nhớ lại.

Khó khăn về nơi ăn chốn ở là một chuyện, vấn đề mà cán bộ lúc bấy giờ trăn trở nhất là tình hình an ninh chính trị, trật tự nông thôn quá phức tạp. Đắk Nông nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung đang trong bối cảnh bọn phản động lưu vong, Fulro hoạt động công khai. Chúng vận động một số bà con nhận thức kém, lôi kéo vào tổ chức Nhà nước Đega tự trị. Điển hình là vào tháng 2/2004 (chỉ sau 2 tháng thành lập tỉnh) cuộc biểu tình, bạo loạn xảy ra ở huyện Cư Jút, làm cho tình hình an ninh, chính trị hết sức phức tạp.

Vẫn chưa hết, Đắk Nông còn đối mặt với tỷ lệ đói, nghèo quá đông. Năm 2004, Đắk Nông có khoảng 600 nghìn dân. Trong số này, tỷ lệ hộ đói, nghèo bình quân khoảng 35%. Riêng tỷ lệ đói, nghèo trong đồng bào dân tộc khoảng 45%. Dân thì nghèo, nguồn lực của tỉnh hạn chế.

75e18b3e-f902-4f18-b5fc-660697fd821e-1-.jpeg
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha trao đổi với Phóng viên báo Đắk Nông về những khó khăn, thách thức mà Đắk Nông đối mặt từ khi thành lập

“Thu ngân sách lúc bấy giờ chỉ trên 80 tỷ đồng. Trong đó, có 20 tỷ đồng là thu từ 2 Trạm thu phí Cai Chanh (Đắk R’lấp) và Đắk Gằn (Cư Jút) phải điều về Trung ương. Như vậy, một tỉnh thành lập với nguồn lực 60 tỷ đồng phân đều cho 6 huyện. Trong đó, riêng Đắk Song là thấp nhất, chưa đầy 10 tỷ đồng”, ông Pha nhớ như in.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, lực lượng vũ trang phải chịu khó, chịu khổ và có sự quyết tâm rất lớn.

Bám nghị quyết, sát cùng dân

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha cho biết, trước bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Tỉnh ủy Đắk Nông đặt ra mục tiêu “lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng làm then chốt, lấy bảo đảm quốc phòng an ninh làm nền tảng”.

img_1845(1).jpg
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt mà Đắk Nông xác định từ những ngày đầu thành lập

Dựa trên mục tiêu lớn này, trước hết, Đắk Nông tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đặt lên hàng đầu, mà trọng tâm là phát triển cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu. Ở những buôn đồng bào, có điều kiện về thuỷ lợi, chính quyền vào cuộc cùng với bà con khai hoang, mở rộng cánh đồng lúa nước.

Ban Thường vụ lúc bấy giờ đã giao các cơ quan phải tổ chức kết nghĩa với các bon, buôn. Kết nghĩa để cán bộ cơ quan Nhà nước gần với dân, sát dân, gần gũi, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Từ đây, tất cả cùng chung tay với các tổ chức cơ sở, bà con phát triển sản xuất. Chỉ sau thời gian ngắn, đến 2005, Đại hội Đảng bộ lần thứ 9, giai đoạn 2005-2010 (Đại hội đầu tiên của Đảng bộ Đắk Nông) đánh giá tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống, thu nhập bình quân đầu người tăng lên. .

Cùng với phát triển kinh tế, Đắk Nông không quên nhiệm vụ tập trung nhanh vào xây dựng quy hoạch, xây dựng hình hài đô thị đô thị Gia Nghĩa xanh, sạch đẹp, hiện đại sau này. Ban Thường vụ lúc ấy, không còn thời gian nghỉ. “Vừa xác định tập trung quy hoạch, vừa thiết kế, vừa xin vốn, vừa thi công. Cứ được dự án nào là lo đi chạy vốn. Hồi đó, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh phải ra “nằm” ngoài Hà Nội suốt. Khi có vốn về thi công ngay. Đến mãi 2008, tỉnh cơ bản đáp ứng được 80% cơ sở làm việc của các cơ quan, ban ngành”, ông Pha kể.

z4922585855230_0181f6b5a0b2d6838d4338dfaf2189ce.jpg
Đắk Nông với diện mạo mới

Vấn đề tập trung chỉ đạo bảo đảm an ninh nông thôn cũng là một trong 3 nhiệm vụ then chốt mà Đắk Nông tập trung thực hiện. “Làm sao để ổn định chính trị, bà con yên tâm làm ăn, sản xuất. Đây là nỗi niềm luôn đau đáu của những người lãnh đạo như chúng tôi lúc bấy giờ”, ông Pha bộc bạch.

Để ổn định an ninh, không còn cách nào khác là phải sát dân, gần dân, làm ổn định tâm lý, tư tưởng cho dân. Với phương châm này, Đắk Nông tập trung lực lượng xuống nằm vùng ở các buôn. Riêng lực lượng vũ trang, nhất là công an phải bám hết xuống buôn cùng ở, cùng làm với bà con. Bởi vì, với đồng bào phải nói, phải hiểu, phải gần gũi thì nói họ mới nghe.

“Riêng lãnh đạo Ban Thường vụ chúng tôi phải cắm dưới cơ sở để giao ban thường xuyên. Việc ăn cùng, uống rượu, cười nói, chia sẻ, rút ngắn khoảng cách với các già làng, trưởng bản diễn ra như cơm bữa. Nhờ vậy, sau vụ bạo động ở Cư Jút, đến cuối 2005, Đắk Nông cơ bản ổn định được tình hình an ninh, trật tự. Đắk Nông được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên lúc bấy giờ đánh giá là một trong những tỉnh trong khu vực bảo đảm, ổn định an ninh trật tự sớm nhất”, ông Pha tự hào nhớ lại.

Đoàn kết để Đắk Nông phát triển

“Phải nói là cả sự thay đổi lớn. Xuất phát điểm như thế, nhưng bây giờ đạt cơ ngơi như vậy là cả quá trình nỗ lực, tự thân vận động không ngừng nghỉ của chính quyền, Nhân dân Đắk Nông. Thậm chí, có nhiều thời điểm, cán bộ, Nhân dân phải oằn mình để vượt qua”, ông Pha khẳng định.

Sau 20 năm, trên tất cả các lĩnh vực đều thay đổi. Từ nông nghiệp, công nghiệp đến kết cấu hạ tầng. Tất cả đang tạo nên một Đắk Nông mạnh mẽ, tự tin, vươn mình phát triển.

Đến cuối 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đạt mốc trên 3.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,02 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông đạt 5,74%, đứng thứ 2 Khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo Đắk Nông đạt 2,79%, trong đó riêng giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt trên 8%. Với kết quả này, Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây nguyên về tỷ lệ giảm nghèo.

img_4981-1-.jpg
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha tin tưởng một khi Đắk Nông cùng quyết tâm, đủ bản lĩnh thì nhất định sẽ đạt đư0cj nhiều thành tựu mới

Lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, giao thông đều có những bước chuyển mình mạnh mẽ….Tất cả tạo nên một tỉnh Đắk Nông rất đẹp, hiền hòa. Mức độ chuẩn mực trong giao tiếp giữa con người với con người được nâng lên. Đó chính là những thắng lợi mà chúng ta không thể cân, đo, đong, đếm được.

“20 năm làm được như vậy là trân quý rồi. Tất nhiên, chúng ta còn nhiều khuyết điểm. Chính vì thế, chúng ta đừng bằng lòng với cái mình đang có, mà phải quyết tâm, đồng lòng hơn nữa. Để làm được điều này, từ lãnh đạo tỉnh đến anh em cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, đoàn thể dưới cơ sở cần có nhiều cố gắng vượt bậc”, ông Pha kỳ vọng.

Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha, quá trình 20 năm là cả một quá trình dài. Trong quá trình thực hiện, có nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ nọ, nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ sau. Tỉnh có một số cán bộ, đảng viên, thậm chí cán bộ lãnh đạo còn những khuyết điểm.

Thế nhưng, đáng mừng thay, trong bối cảnh chung về tham những trên cả nước thời gian qua, tỉnh Đắk Nông không có. Những tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ Đảng, chính trị từ tỉnh đến cơ sở có phần giảm thiểu hơn. Đó là thành công lớn nhất.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang này, để Đắk Nông phát triển, trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực Tây Nguyên, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, toàn dân đoàn kết một lòng theo Nghị quyết của Đảng.

“Chúng ta phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa. Làm sao xây dựng tỉnh Đắk Nông thực sự vững mạnh, giàu đẹp, văn minh theo mục tiêu Nghị quết Đại hội Đảng toàn quốc xác định. Một khi chúng ta cùng quyết tâm, đủ bản lĩnh thì nhất định Đắk Nông sẽ làm được”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Tuấn Pha tin tưởng.

Nguyễn Lương