Lễ mừng nhà rông mới của người Hà Lăng
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 05:16, 21/03/2024
Việc di dời, tháo dỡ nhà rông cũ cũng phải tuân thủ những quy định chung của làng. Việc đầu tiên là thông báo và khấn xin thần linh cho dân làng được mang ghè thiêng (Xêm Bơ Jay) đi cất ở nơi khác, sau đó mới tiến hành tháo dỡ nhà. Vị trí làm nhà rông phải bảo đảm các yếu tố cao, rộng, thoáng mát và có thể nhìn thấy từ xa. Nhiều người hay dùng hình ảnh ngôi nhà rông ở giữa làng với hàng chục nóc nhà vây quanh như gà mẹ chăm đàn gà con, thể hiện sự quây quần, đầm ấm, gắn kết cộng đồng.
Trước khi làm lễ mừng nhà rông mới, già làng tập hợp dân làng thông báo thời gian tổ chức lễ hội, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng người, từng gia đình. Những người uy tín được phân công chọn mua vật hiến sinh. Thông thường, trâu hiến sinh phải là trâu đực, mầu đen. Nếu trong quá trình làm nhà rông mà bị sét đánh thì bắt buộc phải chọn trâu trắng, dê trắng, gà trắng để cúng tế. Việc chuẩn bị cho lễ hội được gấp rút hoàn tất, thanh niên trai tráng vào rừng chặt le, lấy dây mây, phụ nữ gùi củi, lấy nước, hái rau rừng mang lên nhà rông.
Quan trọng hơn cả là tìm cây để làm cây nêu, theo quan niệm của người Tây Nguyên nói chung, người Hà Lăng nói riêng, cây nêu càng cao, càng đẹp thì thần linh càng hài lòng và mùa màng năm đó sẽ bội thu, cuộc sống sẽ ấm no. Sau khi cây nêu được dựng lên, dân làng tập trung lên nhà rông cùng nhau đánh chiêng và múa chiêu. Bài chiêng lễ Juôr hòa cùng điệu múa chiêu uyển chuyển của những cô gái làm cho không khí của ngày lễ vừa linh thiêng nhưng cũng không kém phần náo nhiệt. Kết thúc bài chiêng, dân làng đồng thanh hô to “Ve Vu”, ngụ ý thông báo cho thần linh biết mọi công đoạn chuẩn bị đã xong.
Ðội cồng chiêng di chuyển xuống sân nhà rông, nơi cột vật hiến sinh. Lúc này họ đánh bài chiêng Tuôn Tap cầu khấn thần linh phù hộ cho dân làng, cho mọi công việc được diễn ra thuận lợi và trọn vẹn. Sau khi đánh xong bài Tuôn Tap, khách phương xa hoặc khách làng bên có thể vào sân nhà rông, cùng nhau uống rượu, vui chơi và thức cùng dân làng. Khoảng 10 giờ tối, đội cồng chiêng di chuyển từ nhà rông đến từng gia đình, sau đó đánh chiêng vòng quanh nhà. Chủ nhà đáp lễ bằng một ghè rượu và một con gà. Nghi thức này ngầm khẳng định, hộ nào cũng tham gia hiến tế con trâu. Sau đó, đoàn cồng chiêng quay lại nhà rông, tiếp tục ăn uống đến sáng. Trong không gian của lễ hội, một người thổi sáo Vông, một người hát, nội dung bài hát cầu xin thần linh phù hộ cho nhà rông được bền vững.
Sáng hôm sau, khi làm nghi thức hiến sinh, già làng khấn: “Dân làng đã cúng tế con trâu, con dê cho thần cây rồi, từ nay về sau thần cây đừng hờn giận, đừng trách mà làm cho dân làng đau ốm. Xin cho dân làng được mạnh khỏe, nhà rông bền vững”. Cùng lúc đó, đội cồng chiêng đánh bài Bơ Juôr - pơ hum yang, nghĩa là tắm cho Yàng. Sau nghi thức thiêng của già làng, các chủ hộ sẽ thực hiện những nghi thức tương tự để khấn xin thần linh phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, mọi chuyện an lành, mùa màng bội thu.
Già làng uống cang rượu đầu tiên, sau đó ông mời mọi người cùng đến uống rượu thiêng với ý nguyện thần linh sẽ đem lại sức khỏe và may mắn. Trong ngày này, mọi công việc tạm gác lại nhường chỗ cho những cuộc vui bên những ché rượu cần mang hương vị nồng nàn của men lá rừng, những món ăn giản dị, mộc mạc và trên hết là tinh thần gắn kết, cộng cảm của cả cộng đồng. Vòng xoang cứ nhịp nhàng theo tiếng cồng, tiếng trống, cùng với điệu múa chiêu nhịp nhàng của những cô gái trong những trang phục sặc sỡ càng làm cho không khí của lễ hội thêm phần náo nhiệt.