Châu Âu trước thách thức thiếu hụt lao động

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 04:42, 21/03/2024

Các quốc gia châu Âu đang nỗ lực tìm cách thu hút lao động nhập cư và khuyến khích sinh đẻ, trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và số lượng người cao tuổi gia tăng, kéo theo tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo Ủy viên phụ trách Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson, EU cần thêm khoảng một triệu người nhập cư hợp pháp mỗi năm để bù đắp cho lực lượng lao động đang già đi của khối này.

Già hóa dân số cho thấy những thành tựu của quá trình phát triển y tế, xã hội, song cũng đặt ra những thách thức to lớn với nền kinh tế các nước. Các nghiên cứu thời gian qua chỉ ra rằng, Italia và nhiều quốc gia châu Âu khác đang suy giảm dân số do tỷ lệ sinh thấp, cũng như tình trạng già hóa dân số.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chiều hướng suy giảm dân số đã được ghi nhận tại Ðức kể từ năm 1972 và tại Italia từ năm 1993. Xu hướng nhân khẩu học này đang đe dọa kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng năng suất sản xuất, làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế EU. Già hóa dân số gây áp lực lớn lên ngân sách công khi phải chi nhiều hơn cho lương hưu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Ðức Robert Habeck, xã hội già hóa của Ðức sẽ thiếu khoảng bảy triệu lao động lành nghề vào năm 2035, điều này là thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo quan chức nêu trên, với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Ðức được cho là giảm xuống mức 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 80 của thế kỷ 20. Tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng cũng đe dọa cản trở sự phát triển kinh tế của Italia.

CENSIS, tổ chức nghiên cứu và tư vấn về kinh tế và xã hội tại Italia cho biết, đến năm 2050, số người Italia trong độ tuổi lao động sẽ giảm gần tám triệu người so với hiện nay. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Italia (ISTAT), trong năm 2022, nước này chỉ có 393.000 ca sinh, giảm 1,8% so với năm 2021 và giảm 27% so với hai thập kỷ trước đó.

Ðể bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế, việc bù đắp lỗ hổng nhân lực bằng nguồn lao động nhập cư là cần thiết. Theo công ty bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp Allianz Trade, tại Ðức, ngay cả khi nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 68 tuổi và tăng tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động nữ thì nước này vẫn cần trung bình 200.000 lao động nhập cư mỗi năm. Thậm chí, nếu chỉ dựa vào lao động nhập cư để giảm thiểu tác động của thay đổi nhân khẩu học lên thị trường lao động, thì Ðức cần tới 482.000 lao động mỗi năm.

Ðức đã đưa ra một số luật để thu hút lao động nhập cư như rút ngắn thời gian trở thành công dân Ðức, đẩy nhanh thủ tục cấp thị thực và công nhận bằng cấp nước ngoài. Hồi tháng 1 vừa qua, Quốc hội Ðức thông qua dự luật cải cách mang tính bước ngoặt, theo đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch cũng như việc nhập tịch đối với các công dân ngoài EU. Cải tổ luật công dân của Ðức là cam kết quan trọng từng được chính phủ của Thủ tướng Ðức Olaf Scholz đưa ra, nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Chính phủ Ðức cũng đề xuất cung cấp các ưu đãi tài chính cho những người muốn làm việc lâu hơn khi về già.

Khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động là giải pháp mà Chính phủ Italia đề xuất nhằm giải bài toán thiếu lao động. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết cải cách chế độ nghỉ phép của cha mẹ để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, sau khi các số liệu cho thấy tỷ lệ sinh tại nước này trong năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Robot cũng được coi là giải pháp tối ưu giúp bù đắp lỗ hổng nhân lực. Dân số già ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng khó tránh tại nhiều nước. Ðiều này đòi hỏi các chính phủ có kế hoạch thích ứng chủ động, linh hoạt, bài bản với xu hướng nhân khẩu học này nhằm biến thách thức thành cơ hội, tạo nền tảng cho việc xây dựng xã hội thịnh vượng lâu dài.

THU AN