Giải trí

Bài văn mẫu nghị luận xã hội về tính tự lập được chọn lọc hay nhất

Hùng Cường 20/03/2024 12:10

Tổng hợp các bài văn Nghị luận về tính tự lập hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn nghị luận hay hơn.

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết của tính tự lập

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tính tự lập.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tự lập: tự giác làm những việc của bản thân mình mà không đợi ai nhắc nhở, phàn nàn; tự làm lấy, tự giải quyết công việc của mình, tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho riêng mình, không trông chờ, dựa dẫm phụ thuộc vào gia đình hay người khác.

b. Phân tích

Mỗi người đều có cuộc sống riêng, kế hoạch và ước mơ, hoài bão cho riêng mình, nếu chúng ta không bắt tay vào làm, thực hiện những điều đó, chúng ta sẽ mãi không có gì và dần bị đào thải ra khỏi xã hội.

Người sống tự lập là những người có suy nghĩ tích cực, chín chắn, có ý chí vươn lên, những người này dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể vượt qua, rất đáng khen ngợi.

Nếu chúng ta trì trệ, hoàn hoãn với sự lười biếng, những công việc cần làm, cần giải quyết sẽ vẫn còn nguyên ở đó, tồn đọng ngày càng nhiều, lâu dần sẽ gây cho ta cảm giác căng thẳng.

Rèn luyện được tính tự lập đồng nghĩa với việc chúng ta có thể rèn luyện những tính cách khác như: gọn gàng, tự giác, có ý chí phấn đấu vươn lên, kiên trì với mục tiêu,…

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về tấm gương tự lập để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Bên canh đó vẫn còn những con người chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào người khác. Lại có những người chỉ biết nghe theo sự sắp xếp của người khác, không có chính kiến và hướng đi cho riêng mình,…

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: tính tự lập, đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.

den-va-xanh-duong-dam-chuyen-nghiep-de-xuat-nganh-cong-nghiep-thuc-pham-ban-thuyet-trinh-su-menh-va-muc-tieu-2-.jpg

Một số đoạn văn nghị luận 200 chữ nói bàn về tính tự lập

Mẫu 1

Trên con đường thành người, chúng ta phải trải qua nhiều quá trình khổ luyện bản thân. Một trong những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện chính là tự lập. Tự lập là một cách sống tự quyết định, tự hành động, tự lựa chọn cho mình một con đường trong tương lai để đi mà không dựa dẫm vào người khác, mọi hành động đều phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Khi con người có tính tự lập thì họ sẽ tự mình đương đầu với khó khăn thử thách của cuộc sống. Đó là nền tảng để dẫn đến thành công và theo đuổi ước mơ hoài bão của bản thân. Tự lập giúp con người suy nghĩ nhiều hơn, tự đánh thức tài năng ẩn dấu trong bản thân và từ đó khơi lên trí sáng tạo. Khi có tính tự lập, con người có ý thức hơn về mọi hành động của mình. Tính tự lập giúp con người nhìn toàn diện hơn về đời sống, có cái nhìn bao quát về mọi mặt và giúp con người khẳng định được giá trị bản thân trong mắt mọi người. Rèn luyện được tính tự lập đồng nghĩa với việc chúng ta có thể rèn luyện những tính cách khác như: gọn gàng, tự giác, có ý chí phấn đấu vươn lên, kiên trì với mục tiêu,… Nếu ta không có tính tự lập, sống ỷ lại vào người khác, lười biếng thì không những không thành công mà còn bị những người xung quanh xa lánh, khinh thường. Cũng có những người chỉ biết nghe theo sự sắp xếp của người khác, không có chính kiến và hướng đi cho riêng mình,… Những người này cần phải xem xét lại bản thân mình, sống tự lập nếu muốn có được thành công và những điều tốt đẹp. Chúng ta không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta được lựa chọn cách sống cho bản thân mình. Hãy sống tự lập, độc lập, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho bản thân cũng như cho xã hội.

Mẫu 2

Trên con đường rèn luyện, hoàn thiện bản thân, chúng ta sẽ phải cố gắng trau dồi nhiều kiến thức, lĩnh vực khác nhau. Để làm được điều này, trước hết, mỗi người cần rèn luyện cho mình tính tự lập. Tự lập chính là việc chúng ta tự giác làm những việc của bản thân mình mà không đợi ai nhắc nhở, phàn nàn; tự làm lấy, tự giải quyết công việc của mình, tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho riêng mình, không trông chờ, dựa dẫm phụ thuộc vào gia đình hay người khác. Tự lập có vai trò vô cùng quan trọng và là một yếu tố cần thiết để đưa con người đến với sự thành công. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, kế hoạch và ước mơ, hoài bão cho riêng mình, nếu chúng ta không bắt tay vào làm, thực hiện những điều đó, chúng ta sẽ mãi không có gì và dần bị đào thải ra khỏi xã hội. Nếu chúng ta trì trệ, hoàn hoãn với sự lười biếng, những công việc cần làm, cần giải quyết sẽ vẫn còn nguyên ở đó, tồn đọng ngày càng nhiều, lâu dần sẽ gây cho ta cảm giác căng thẳng. Rèn luyện được tính tự lập đồng nghĩa với việc chúng ta có thể rèn luyện những tính cách khác như: gọn gàng, tự giác, có ý chí phấn đấu vươn lên, kiên trì với mục tiêu,… Là một người học sinh, trước hết mỗi chúng ta cần tự giác làm những việc cá nhân dù là nhỏ nhất của bản thân mà không để người khác phải nhắc nhở hay khiển trách. Sau đó là tự giác tìm tòi, nghiên cứu, học tập, lên kế hoạch cho tương lai của mình để có những bước tiến thật vững chắc tạo nền tảng cho cuộc sống tốt đẹp mai sau. Mỗi người chỉ được sống có một lần, đừng để thời gian của bạn trôi đi trong lãng phí, vô nghĩa, hãy tận dụng quỹ thời gian, chủ động trong cuộc sống để sống thật tốt đẹp, ý nghĩa để khi nhìn lại ta có thể hài lòng với những gì bản thân mình đã làm.

Mẫu 3

Cuộc sống của chúng ta, chúng ta nên tự giác hoạch định, không nên dựa dẫm hay ỷ lại vào ai. Có thể thấy, việc sống tự lập ở thế chủ động có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với con người. Tự lập là tự giác làm những việc của bản thân mình mà không đợi ai nhắc nhở, chê trách. Ngoài ra, tự lập còn mang nghĩa tự làm lấy, tự giải quyết công việc của mình, tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho riêng mình, không trông chờ, dựa dẫm phụ thuộc vào gia đình hay người khác. Còn sống ở thế chủ động là việc mỗi người luôn biết làm chủ cuộc sống của mình, đề ra mục tiêu và thực hiện chúng một cách hoàn thiện, không để người khác phải nhắc nhở những công việc liên quan đến bản thân mình. Sống ở thế chủ động có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống con người, nó làm cho con người năng động hơn, sáng tạo hơn, giúp ích rất nhiều cho cuộc sống. Mỗi con người chỉ được sống một lần, chúng ta cần sống có ước mơ, biết vươn lên để thực hiện mục tiêu mà bản thân mình đề ra trước hết tạo của cải vật chất để nuôi sống bản thân, sau để cống hiến cho xã hội. Người sống ở thế chủ động sẽ lường trước được những khó khăn cũng như thuận lợi của cuộc sống, từ đó biết nắm bắt mọi cơ hội tốt hơn người sống ở thế bị động. Trong cuộc sống, mỗi con người ai cũng sẽ có lúc gặp phải khó khăn, gian khổ, trắc trở. Nếu chúng ta không ngừng hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước, chúng ta sẽ có động lực để cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn ở thực tại. Người sống ở thế chủ động sẽ được mọi người yêu quý, tín nhiệm, tin tưởng và học tập theo, từ đó truyền được nguồn cảm hứng, những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống ở thế bị động, không có mục tiêu, không biết lường trước cuộc sống, khi có chuyện không may xảy đến không biết ứng phó. Lại có những người sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà không cố gắng trong cuộc sống của chính mình,… những người này đáng chỉ trích. Mỗi người chỉ được sống một lần duy nhất, chúng ta hãy sống, tự làm chủ cuộc sống của mình, hướng đến những điều tốt đẹp để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn.

Mẫu 4

Khi có ai hỏi bạn: Điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta? Chắc hẳn mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình. Nhưng theo tôi, đối với một người học sinh như chúng ta, muốn có được những điều tốt đẹp, muốn bảo vệ những thứ mà chúng ta cho là quan trọng thì trước hết chúng ta cần phải tự lập và lo lắng được cho bản thân mình. Bởi lẽ, khi chúng ta còn dựa dẫm vào người khác thì khoảng cách giữa ta và ước mơ càng xa. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, kế hoạch và ước mơ, hoài bão cho riêng mình, nếu chúng ta không bắt tay vào làm, thực hiện những điều đó, chúng ta sẽ mãi không có gì và dần bị đào thải ra khỏi xã hội. Người sống tự lập là những người có suy nghĩ tích cực, chín chắn, có ý chí vươn lên, những người này dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể vượt qua, rất đáng khen ngợi. Nếu chúng ta trì trệ, hoàn hoãn với sự lười biếng, những công việc cần làm, cần giải quyết sẽ vẫn còn nguyên ở đó, tồn đọng ngày càng nhiều, lâu dần sẽ gây cho ta cảm giác căng thẳng. Rèn luyện được tính tự lập đồng nghĩa với việc chúng ta có thể rèn luyện những tính cách khác như: gọn gàng, tự giác, có ý chí phấn đấu vươn lên, kiên trì với mục tiêu,… Bên cạnh đó vẫn còn những con người chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào người khác. Lại có những người chỉ biết nghe theo sự sắp xếp của người khác, không có chính kiến và hướng đi cho riêng mình,… Những người này cần phải xem xét lại bản thân mình, sống tự lập nếu muốn có được thành công và những điều tốt đẹp. Tự lập của chúng ta ngày hôm nay sẽ là hạnh phúc, là trọn vẹn của ngày mai và những ngày sau này.

Mẫu 5

Muốn trở nên hoàn thiện và có cuộc sống ý nghĩa, mỗi con người cần biết nhìn nhận, đánh giá về khả năng, thái độ, hành vi, việc làm, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Trên cơ sở tự nhận thức bản thân, cá nhân hướng đến tự rèn luyện để bản thân, tự lập theo những chuẩn mực tốt đẹp của xã hội, đáp ứng yêu cầu của công việc và đời sống. Tự lập là tự giác làm những việc của bản thân mình mà không đợi ai nhắc nhở, chê trách. Ngoài ra, tự lập còn mang nghĩa tự làm lấy, tự giải quyết công việc của mình, tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho riêng mình, không trông chờ, dựa dẫm phụ thuộc vào gia đình hay người khác. Chúng ta cần tự giác rèn luyện và hoàn thiện năng lực và phẩm chất của bản thân bởi vì mỗi người đều có những mặt mạnh, mặt yếu riêng, không có ai là hoàn thiện, hoàn mĩ. Mặt khác, xã hội không ngừng phát triển, luôn đề ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với các thành viên trong xã hội. Vì vậy, ai cũng cần tự hoàn thiện mình để phát triển và đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội. Người không biết rèn luyện, tu dưỡng bản thân sẽ trở nên lạc hậu và tự đào thải mình. Đối với học sinh, nhất định phải có ý thức rèn luyện và hoàn thiện bản thân ngay từ trên ghế nhà trường. Chính trong môi trường học tập tích cực tạo ra những cơ hội rèn luyện tốt nhất, hiệu quả nhất, chắc chắn nhất. Không chăm lo học tập và rèn luyện, không những thành tích học tập yếu kém mà các phẩm chất và năng lực tốt đẹp cũng không thể hình thành và phát triển được, dễ thất bại trong cuộc sống, không thể có được cuộc sống như ý muốn.

Top 6 bài văn mẫu nghị luận về tính tự lập hay nhất

Mẫu 1

Con chim non sau khi đã đủ lông đủ cánh phải tự mình bước ra khỏi tổ và cất cánh vươn xa. Thế giới rộng lớn ngoài kia mở ra hàng ngàn bão tố mà chúng phải biết tự lập để bản thân vượt qua những khó khăn đó. Con người cũng thế, bất kì ai khi lớn lên cũng đều phải rèn giũa cho mình tính tự lập để vững vàng hơn trên con đường đời.

Tự lập là sự tự giác, biết nhận thức rõ trách nhiệm và hành động bản thân để tự mình quyết định cuộc đời. Trong câu chuyện "Dế mèn phiêu lưu kí" của nhà văn Tô Hoài - cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ đã kể về câu chuyện tự lập của chàng Dế Mèn sau khi được mẹ cho ra ở riêng. Ngay từ khi còn nhỏ, Mèn đã được mẹ dạy tự mình kiếm ăn và bởi thế, khi được mẹ cho ra ở riêng, cậu ta rất tụ tin về khả năng tự lập của chính mình. Tự lập vốn là điều tất yếu mà bất kì một ai trong mỗi chúng ta đều phải trang bị nếu muốn cất cánh vươn cao thoát khỏi cái tổ tù túng của chính mình.

Tự lập giúp con người trở nên trưởng thành hơn và có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời. Một đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay của cha mẹ quá lâu dễ trở nên yếu đuối và dễ tổn thương hơn những đứa trẻ khác. Ngược lại, khi bạn được tự mình đương đầu với khó khăn, dù ban đầu sẽ có những vấp ngã nhưng chắc chắn rằng điều ấy sẽ giúp bước chân của bạn vững vàng hơn trên chặng đường phía trước. Tự lập có nghĩa là bạn phải tự mình tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề của mình mà không cần sự trợ giúp của bất kì ai khác. Qua nhiều lần tích lũy vốn sống, bạn sẽ có được kha khá những kinh nghiệm và trở nên dạn dĩ hơn trước mọi biến cố, khó khăn.

Tự lập là một cách con người làm chủ cuộc sống của mình. Được tự do hành động, học tập, phải chăng con người cũng vì đó mà hiểu rằng mình muốn gì và điều gì thích hợp nhất với mình hay sao? Không đâu xa, khi bạn rời xa gia đình để lên đường đi học xa nhà là một cách tự lập, lúc đó là lúc bạn học được cách sống, học được việc làm thế nào để có thể làm chủ cuộc sống của mình.

Tự lập giúp chúng ta tự tin hơn khi bước vào đường đời. Vốn kinh nghiệm mà ta có được chính là hành trang vững chắc trên mọi bước đường ta đi. Một kẻ thiếu kinh nghiệm và luôn sống trong sự bao bọc sẽ chẳng làm nên trò trống gì cả. Nếu như ngay khi đã bắt đầu có nhận thức với thế giới, bạn học cách sống tự lập là bạn đang tích lũy vốn sống, kiến thức và chính những kinh nghiệm mình tự đúc kết được để bản thân sẽ luôn vững vàng, không dễ gục ngã trước bất kì một biến cố nào trong cuộc sống. Ngay cả khi bạn bị vấp ngã bởi một lí do nào đó, tính tự lập cũng giúp bạn đứng dậy dễ dàng hơn và tiến lên con đường đi phía trước một cách đầy bản lĩnh.

Tuy nhiên bên cạnh những người sống tự lập lại tồn tại một số kẻ có tâm lí muốn sống dựa hơi vào bố mẹ, bạn bè, bởi vậy mà khi bị tách khỏi vỏ bọc ấy là trở nên yếu đuối, gục ngã một cách dễ dàng. Lại có người hiểu sai về sống tự lập, nghĩ rằng đó là cách sống tách mình khỏi mọi người, tự mình hành động mà không để ý tới mọi người xung quanh. Đó là những suy nghĩ sai lầm có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho bản thân mỗi người. Vì thế, mỗi chúng ta, hãy biết trang bị cho mình kiến thức để hiểu thấu bản chất của việc sống tự lập cũng như học cách sống đó ngay từ khi còn tấm bé để mỗi bước chân ta đi đều mạnh mẽ và vững vàng hơn.

Người ta nói rằng :"Học ăn, học nói, học gói, học mở". Bất kì một điều gì cũng cần học tập và lối sống của ta để thay đổi cũng không phải chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên để hoàn thiện nhân cách và trở thành một người trưởng thành, phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của chúng ta.

Mẫu 2

Không ai yêu thương mình hơn chính mình. Không ai cứu giúp mình tốt hơn là chính mình. Tự lập là phẩm chất tốt đẹp mà mỗi con người cần phải có. Nó Chính là động lực tạo nên mọi nguồn sức mạnh đưa con người đến thành công.

Thế nào là tự lập? Tự là tự mình làm một công việc gì đó mà không cần đến sự trợ giúp từ người khác. Lập là độc lập không dựa dẫm vào ai để được lợi lộc cho bản thân. Vì vậy, tự lập mang ý nghĩa của sự độc lập, không ỷ lại vào người khác. Những người tự lập, họ luôn tự giác làm những công việc của mình, không ỷ lại hoặc phụ thuộc vào ai đó.

Tại sao phải rèn luyện tính tự lập? Trong một xã hội ngày càng phát triển như ngày nay, đạo đức của con người luôn được đề cao và trở thành một khía cạnh quan trọng luôn được mọi người quan tâm. Trong đó, tự lập là một yếu tố cần thiết đối với mỗi người chúng ta. Khi mỗi người lớn dần lên, đều phải tập tềnh bước đi trên đôi chân của mình, không thể luôn luôn dựa dẫm vào cha mẹ, người thân của mình. Bởi lẽ, cuộc đời này có rất nhiều biến cố, không ai sẽ mãi mãi ở bên cạnh dìu dắt, giúp đỡ chúng ta những lúc khó khăn, vấp ngã. Vậy sao chúng ta không tự lập, tự nỗ lực vào chính bản thân mình để sau này có thể bước đi một mình vững vàng, khi cha mẹ vẫn còn bên cạnh để làm chỗ dựa tin thần cho ta. Để mỗi lúc chùn bước hay vấp ngã, chúng ta vẫn mạnh mẽ đứng lên và vững tin bước tiếp.

Người tự lập luôn sẵn sàng thử sức, dấn thân trên mọi nẻo đường. Họ sống rất nhiệt huyết và luôn có khát khao tự trải nghiệm. Bởi thế, người tự lập sẽ đạt được thành công trong cuộc sống và được mọi người quý mến, kính trọng. Trong cuộc sống, không thiếu những tấm gương tự lập để chúng ta noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tấm gương sáng về tính tự lập mà mỗi người Việt Nam đều tự hào mỗi khi nhớ đến. Người đã can đảm dấn thân vào con đường cứu nước khi bôn ba khắp xứ lạ quê người, vì nung nấu trong trái tim một tình yêu bao la cho con người, dân tộc Việt Nam. Tấm gương tự lập trong cuộc sống này luôn được tôn vinh và trân trọng.

Trong cuộc sống vật chất phát triển như ngày nay, đời sống tin thần ngày càng được nâng cao. Đôi lúc, chính sự quan tâm và bảo bọc quá mức của cha mẹ và nhà trường đã làm tính tự lập của con trẻ ngày một mất dần. Những đứa trẻ ấy chỉ biết ỷ lại, luôn dựa dẫm vào cha mẹ, gia đình từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Họ mắc chứng bệnh mang tên “lười hành động”, họ không muốn nghĩ suy và luôn thích nói không với mọi thứ. Họ học gì, làm gì, mang gì cho đến yêu ai, làm gì và sống như thế nào đều cần có người quyết định thay.

Cuộc đời của những con người ấy là một trang sách đã được viết sẵn mà tác giả là một ai khác ở thế giới ngoài kia, bạn sẽ không biết. Rồi một ngày kia, khi tác giả không còn nâng niu trang sách ấy, những con người ấy sẽ đi vào ngõ cụt của cuộc đời, họ xoay quanh với cuộc sống hỗn độn như những con rối không có cảm xúc. Cuộc sống họ trở nên vô nghĩa, nhàm chán. Nhiều bậc phụ huynh đã và đang hiểu sai về tự lập.

Tự lập không có nghĩa là không quan tâm, không che chở cho con trẻ. Tự lập là để họ tự bước đi chập chững bằng đôi chân của mình, và gia đình là nguồn động viên tinh thần để mỗi người vững tin bước đi, là nơi giang tay nâng đỡ mỗi khi chúng ta vấp ngã.

Tuy vậy, tự lập không có nghĩa là chúng ta phải tách biệt mình ra khỏi cộng đồng. Tự lập là phải đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi thứ mà chúng ta có thể làm và phải làm một mình. Tự lập là mỗi người có thể tự hào rằng mình đủ sức và có khả nâng đóng góp sức lực bản thân vào công việc chung của cộng đồng, xã hội để tạo thành sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong tập thể, dân tộc.

Học sinh cần rèn luyện tính tự lập như thế nào? Học sinh chúng ta cần phải rèn luyện tính tự lập ngày từ khi còn nhỏ. Muốn vậy, bản thân mỗi người luôn phải nỗ lực và cố gắng vươn lên, cần rèn luyện cho mình ý chí mạnh mẽ mỗi khi đối mặt với thử thách mới. Vậy rèn luyện tính tự lập ở đâu ? khi nào ? Chúng ta có thể rèn luyện tính tự lập trong học tập. Mỗi người cần tự suy nghĩ và tự làm bài khi gặp bài khó, có thể dựa vào gợi ý của thầy cô, bạn bè nhưng sau đó ta phải tự rèn luyện và nắm vững kiến thức.

Tự lập có thể rèn luyện trong công việc hàng ngày. Mỗi chúng ta cần học dần cách chăm sóc cho chính mình, từ ăn, mặc, ngủ đến việc giải trí ngay khi còn nhỏ. Lúc nhỏ 3 tuổi có thể học tự đánh răng, tắm rửa, tự ăn cơm,… sau này lớn lên ta học tự nấu ăn, tự sắp xếp thời gian biểu hàng ngày.

Tự lập là phẩm chất mà mỗi người chúng ta cần phải có. Nhưng tự lập cũng phải kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Có như thế, cuộc sống này mới ngày càng tốt đẹp và mỗi người đều nhận được hạnh phúc trọn vẹn hơn.

Mẫu 3

Danh ngôn về cuộc sống có câu: "Cuộc đời là một dòng sông, kẻ nào không chịu học bơi sẽ bị nước nhấn chìm", quả thực cuộc đời vốn khắc nghiệt và đầy chông gai, thử thách, khó khăn, có mấy ai khi sinh ra cuộc đời đã trải sẵn hoa hồng. Câu danh ngôn nhắc nhở chúng ta phải biết tự thân tự lập để tồn tại và đương đầu với cuộc sống. Ông cha ta cũng đã có câu "Tự lực, tự cường" nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của tính tự lập trong cuộc sống, nhắc nhở con cháu đây là một đức tính đáng quý mà mỗi con người đều nên cố gắng rèn luyện cho mình.

Trước hết, chúng ta phải hiểu tự lập là gì, tự lập là một phong cách sống tích cực, tự bản thân mình lựa chọn và quyết định các vấn đề cuộc sống của mình, không bị phụ thuộc vào người khác. Tự lập là tự bản thân tạo dựng, giải quyết và lo liệu cho mọi công việc, sự nghiệp của mình một cách độc lập, không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, không ỷ lại vào người khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, người tự lập là người tự biết sắp xếp thời gian biểu, tự chăm sóc bản thân, lo cho sức khỏe của mình, không để người khác nhắc nhở, lo lắng. Thay vì chờ người khác nấu ăn sáng hay giặt đồ cho mình thì người tự lập sẽ tự lo cho bản thân mình, tự mình nấu ăn sáng và tự giặt đồ của mình khi cần thiết. Trong công việc hay học tập, người tự lập thường chủ động, tự tin trong công việc của mình, sự tự giác đặt lên hàng đầu luôn chủ động làm tốt phần việc của mình mà không cần cấp trên đôn thúc, nhắc nhở.

Người tự lập cũng rất giàu bản lĩnh và thường làm chủ công việc của mình, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, chính vì vậy mà dễ được người khác tin tưởng, trọng dụng. Một người học sinh có tính tự lập là khi tự giác học bài, làm bài tập và trau dồi kiến thức của mình mà không cần giáo viên hay cha mẹ nhắc nhở, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi làm bài kiểm tra luôn tự mình ôn tập, làm bài theo đúng khả năng và thực lực của mình, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của bạn bè, không quay cóp và gian lận trong thi cử.

Người tự lập sẽ tự biết được khả năng học tập của mình, sở thích và đam mê của mình để từ đó lựa chọn con đường đi đúng đắn cho tương lai. Trong cuộc sống, người tự lập luôn có tinh thần giúp đỡ người khác, có ý chí vươn lên, ý thức cầu tiến và suy nghĩ tích cực. Người tự lập là một trong những hình mẫu lí tưởng truyền cảm hứng cho mọi người.

Tính tự lập là một trong những đức tính tốt đẹp của con người, là nguồn sức mạnh lớn lao giúp chính bản thân con người đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Người có tính tự lập sẽ chủ động trong mọi lĩnh vực cuộc sống, công việc và sự nghiệp của mình, tỉ lệ thành công ở những người này sẽ cao hơn những người không biết tự lập. Nếu không biết tự lập, chẳng khác nào mang cuộc sống, công việc và tương lai của mình đặt vào tay người khác, phó thác cho người khác, như vậy cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa, không có giá trị.

Người không có tính tự lập cũng rất mỏng manh và yếu đuối trước những sóng gió bão táp của cuộc sống, dễ bị vấp ngã mà không thể tự mình đứng lên. Đó là điều rất đáng quan ngại, chính vì vậy, mỗi chúng ta phải cố gắng rèn luyện cho mình tính tự lập để có thể làm chủ chính bản thân mình, làm chủ cuộc đời mình.

Thế hệ học sinh cần nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của sự tự lập trong cuộc sống, lao động và học tập của chúng ta hiện tại và tương lai. Mỗi cá nhân phải là cá thể tự lập để trở thành những tế bào tự lập trong xã hội, đưa đất nước bước vào những xu thế phát triển của thế giới, hòa nhập nhưng không hòa tan.

Mẫu 4

Con chim sinh ra phải học cách bay, phải học cách kiếm mồi; Con gà học cách mổ thóc, bói giun; Con trâu học cách gặm cỏ… Thế giới này muốn tồn tại thì luôn luôn mỗi sinh vật phải tự học cách tự lập, không thể phụ thuộc mãi.

Con người cũng vậy, khi lông đã đủ, cánh đã rộng thì phải tự cất lên đôi cánh của mình để bay đi, không thể phó mặc cho cuộc đời muốn tới đâu thì tới, không thể ỉ lại, núp dưới bóng che của cha mẹ. Tự lập hay phó mặc cho cuộc đời là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang lưỡng lự…

Biểu hiện của tự lập rất phong phú. Nó được thể hiện qua những hành vi từ rất nhỏ cho đến lớn lao. Một người nếu có ý thức tự lập cao thì ngay từ nhỏ họ đã có thể tự giặt quần áo cho chính mình. Khi đi học, làm bài gặp bài khó, họ tự suy nghĩ đủ mọi cách để giải được thì thôi, nếu vẫn không thể ra được, nằm ngoài khả năng của họ thì họ mới nhớ đến trợ giúp của bạn bè, thầy cô. Ấy cũng đã là tự lập. Chỉ hành vi nhỏ thôi đã có thể biết bạn là người tự lập hay không. Khi lớn lên rồi, thì tự lập sẽ có biểu hiện phong phú hơn.

Nhiều người khi làm sinh viên đã bắt đầu đi làm thêm kiếm tiền, lấy kinh nghiệm cho công việc tương lai của mình, không phải xin tiền cha mẹ. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, công việc gặp tai ương trắc trở thì họ không dễ gục ngã, nỗ lực đến cùng để vươn lên cho dù họ biết chỉ cần một cú điện thoại nhỏ để nhờ cậy cha mẹ giúp đỡ thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhiều người sẽ nghĩ đó là ngốc nghếch, cái dễ dàng không chọn lại đi chọn cái phức tạp. Đó quả là một suy nghĩ sai lầm. Việc nhỏ trong khả năng của bản thân còn không làm nổi thì mãi mãi bạn chỉ biết sống núp dưới cái bóng của người khác, chỉ biết làm phiền đến người khác mà thôi.

Tự lập là gì? Đó là một cách sống của con người, tự làm lấy, tự suy nghĩ, tự quyết định tương lai, số phận của mình mà không phụ thuộc vào quyết định ý muốn của người khác, không ỉ vào sự trợ giúp của người khác để rải thảm cho mình bước đi.

Nhìn lại câu chuyện về Mai An Tiêm và quả dưa hấu, Mai An Tiêm là con nuôi của vua Hùng, muốn gì được nấy song chàng tự làm ra tất cả. Chàng có thể ngẩng cao đầu và tự hào rằng: Tất cả những thứ này, tất cả cơ ngơi này là do bàn tay tôi làm ra. Câu nói ấy đã làm cho vua Hùng tức giận, đày chàng ra đảo hoang tự sinh tự diệt. Song, với bản lĩnh đã được tôi luyện, với cách sống tự lập không sống phụ thuộc vào kẻ khác, chàng đã chứng minh được cho vua Hùng thấy bản lĩnh của mình, dâng lên vua cha quả dưa hấu lòng đỏ ngọt lịm như tấm lòng và nhân cách của chàng.

Tự lập giúp cho Mai An Tiêm đứng vững được trước sóng gió. Ta đặt giả định chàng chỉ là kẻ biết phó mặc cuộc đời, một kẻ sống không tự lập, như vậy khi cao giọng nhận thành quả về mình có thể đường đường chính chính không? Có thể sông trên đảo hoang mà không có người ở, không thức ăn nước uống, không một tấc sắt trong tay không? Tôi dám chắc là không? Thậm chí, nói thẳng ra là chưa đến 3 ngày đã chết vì đói khát, vì nhu nhược trên hòn đảo đó.

Xã hội ngày nay cái ăn không thiếu, nhiều gia đình có điều kiện thì con cái họ thậm chí không cần học hành, không cần làm việc họ vẫn ăn ngon, vẫn mặc đẹp, vẫn tiêu tiền, sống một cuộc sống đầy đủ mĩ mãn. Thế nhưng sống như vậy có đáng. Rất nhiều bạn trẻ đã chọn cách sống như vậy: sống bám vào cha mẹ, cứ đôi chút khó khăn đã kêu ca ầm ĩ, không thể tự vượt qua. Họ luôn có ý nghĩ là: Kệ mặc, đến đâu thì đến, dù sao cũng đã có cha mẹ, anh chị, bạn bè nâng đỡ. Nhiều người học hành không cần nỗ lực, thậm chí bỏ học suốt sa vào chơi bời cho đã vì biết cha mẹ đã lo lót trước cho hết rồi. Cần gì phải bằng cao, học nhiều, kiểu gì chả được ngồi vào vị trí “ngon”, lương tháng cao mà việc lại nhàn rỗi…

Tiêu những đồng tiền mà mình chẳng phải bỏ mấy công sức thì biết bao nhiêu cho đủ? Bao giờ mới thỏa mãn được lòng tham của bản thân. Không biết được giá trị của mồ hôi công sức, thậm chí nước mắt và máu mới ra được đồng tiền, ra được thành quả thì làm sao biết quý trọng đồng tiền, quý trọng công sức lao động… Những người đó chẳng khác gì những con búp bê, những con lật đật để trang trí, để người khác sắp đặt trong xã hội này, mặc dù búp bê đó luôn luôn sang trọng, luôn sáng choang long lanh, đeo trên người những thứ đẹp đẽ giá trị… nhưng rốt cục cũng chỉ là thứ vô hồn, trống rỗng.

Tự lập hay phó mặc cho cuộc đời – đó là do quyết định của bạn. Thế nhưng bạn cũng hãy nghĩ xem mình muốn là một con búp bê sung sướng hay là một người lao động chân chính biết tự hào về bản thân mình; muốn mình làm kẻ có ích cho xã hội này hay thích làm kẻ chi biết ngồi hưởng thụ trên công sức của kẻ khác?

Ai cũng ngưỡng mộ và coi trọng một người tự lập chứ không bao giờ tôn vinh một kẻ không chí khí chỉ biết phó mặc số phận và ăn bám. Và cũng phải nhắc tới một phần quan trọng từ cách giáo dục của cha mẹ, bạn bè, xã hội. Đừng cho con mình quá nhiều, đáp ứng tất cả những thứ nó muốn. Hãy dạy cho con biết tự lập ngay từ bé và từ bỏ tính kiêu ngạo coi mình là trung tâm. Xã hội cũng cần tôn vinh những con người ngày đêm cố gắng, ngày đêm sáng tạo giúp ích cho xã hội cho dù đó là người quét rác, người kéo xe bán than…

“Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý của con người nhưng con người sẽ làm nên sự cao quý của nghề nghiệp”. Đúng vậy, chỉ những người nỗ lực, cố gắng hết mình cho công việc mình đang làm, tự lập cho cuộc sống thì mới đáng trân trọng. Nghề nghiệp chỉ cao quý khi con người cao quý. Con người chỉ cao quý khi họ biết tự lập, biết đứng bằng đôi chân của mình, biết quý trọng cái mình đang có, cái mình đang làm… Hãy sống tự lập, sống mạnh mẽ.

Mẫu 5

Xung quanh chúng ta có rất nhiều những con người tài giỏi, thành công. Không phải tự nhiên họ có được những kết quả tốt đẹp. Đó là cả một quá trình dài. Trên hành trình đó không thể thiếu tính tự lập, một đức tính quan trọng của cuộc sống.

Tự lập chính là một cách sống tự quyết định, tự hành động, tự lựa chọn cho mình một con đường trong tương lai để đi. Tự lập là hành động mà không dựa dẫm vào người khác, mọi hành động đều phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Hiểu đơn giản tự lập là những hành động hết sức quen thuộc. Tự làm bài về nhà mà bố mẹ không phải nhắc nhở, tự dọn dẹp nhà cửa mà không cần cha mẹ nhờ, bài kiểm tra hoàn thành mà không phải đi chép bài, hay dám đứng dậy trả lời, giơ tay phát biểu, đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về những vấn đề được nêu ra…

Có rất nhiều hành động chứng tỏ tính tự lập là vô cùng cần thiết. Edison, một nhà bác học nổi tiếng với nhân loại với những phát minh vĩ đại, đã tự mình tìm tòi, sáng chế ra những thí nghiệm quan trọng mà không phải dựa dẫm vào người khác. Hay gần gũi, những em bé vùng cao, bố mẹ đi làm từ sớm, phải ở nhà chăm em, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm,… Chúng tự ý thức được những việc chúng phải làm và tự lập ngay từ khi còn rất nhỏ.

Ngay từ khi chúng ta còn nhỏ, ông bà cha mẹ đã dạy cho chúng ta biết tự lập là một đức tính quan trọng. Thiếu nó, con người không thể hoàn thiện. Tự lập giúp con người suy nghĩ nhiều hơn, tự đánh thức tài năng ẩn dấu trong bản thân và từ đó khơi lên trí sáng tạo. Khi có tính tự lập, con người có ý thức hơn về mọi hành động của mình. Vì hành động nếu chính mình làm ra, ta sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động đó. Nếu đó là hành động xấu, chưa đúng, ta sẽ phải trách nhiệm hoàn toàn về hậu quả. Điều này dẫn đến việc con người sẽ ý thức hơn trong từng hành động mình làm ra để tránh gây ra hậu quả xấu.

Để có được tính tự lập, con người phải chăm chỉ, cần cù, chịu khó rèn luyện. Tính tự lập giúp con người nhìn toàn diện hơn về đời sống, có cái nhìn bao quát về mọi mặt. Hơn thế, tính tự lập giúp con người khẳng định được giá trị bản thân trong mắt mọi người. Xã hội luôn cần những con người có tính tự lập góp phần hoàn thiện thay đổi đất nước ngày phát triển. Bởi thế những con người có tính tự lập, không để ai nhắc nhở là những người hoàn hảo, được mọi người yêu quý, kính trọng.

Tuy nhiên, về thực tế xã hội ngày nay, hiện trạng mọi người về ý thức tự lập đang là vấn đề cần quan tâm. Học sinh ỷ lại vào các thiết bị điện tử, ỷ lại vào học thêm mà không có ý thức tự học, ỷ lại vào các sách tham khảo…. Tính tự lập gần như đang là số 0 với học sinh. Việc học tủ trước khi đi thi, diễn ra thường xuyên dẫn đến điểm kém, và không có kiến thức ở nhiều học sinh. Nhiều đứa trẻ thành phố, quen thói được nuông chiều, ở nhà có giúp việc dọn dẹp mà không biết làm việc nhà. Hay chúng quen được bố mẹ nấu sẵn và không hề biết nấu bất kì món ăn nào. Thực trạng này diễn ra rất nhiều, phổ biến. Nhưng vẫn còn rất nhiều người và nhiều học sinh biết rèn cho mình tính tự lập để tìm được con đường đến thành công dễ dàng.

Muốn có được tính tự lập, mỗi người chúng ta luôn phải tự trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân. Hơn thế phải biết cùng mọi người cố gắng rèn luyện đức tính tự lập đáng quý. Tuy vậy, tự lập phải đi cùng sự tỉnh táo và biết tiếp thu ý kiến của mọi người xung quanh.

Thành công sẽ không đến với những ai không có tính tự lập. Bởi tự lập là một trong những điều cốt lõi nhất của con người trên con đường hoàn thiện bản thân.

Mẫu 6

Mỗi một sinh vật sinh ra trong trái đất này đều phải có tính tự lập để sinh sống và tồn tại. Những con chim non mới sinh ra khi xa mẹ cần tự lập, tự học cách vỗ cánh để bay và tự kiếm ăn nuôi sống bản thân mình. Những con thú trong rừng cần tự lập học cách rình mồi, kiếm mồi để duy trì sự sống. Và con người cũng cần tính tự lập. Nó sẽ quyết định đến nhân cách và tương lai của một con người. Tự lập là điều cần thiết của mỗi người, cần rèn luyện và cần có quá trình.

Tự lập là gì? “Tự” là do mình, xuất phát từ bản thân mình, không lệ thuộc vào bất kỳ ai. Tự lập chính là một cách sống tự quyết định, tự hành động, tự lựa chọn cho mình một con đường trong tương lai để đi. Tự lập trái ngược với phó mặc, với lệ thuộc. Đây là một đức tính tốt của con người, giúp cho con người ngày càng sống bản lĩnh, tự tin với bản thân mình hơn.

Hiện nay tự lập được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều mối quan hệ. Chúng ta cần thiết phải xây dựng đức tính này từ lúc còn bé, để tạo thành thói quen tốt, không ỉ lại và dựa dẫm vào bất kỳ ai khi mình có thể tự tay làm được điều đó. Trong mỗi chúng ta, tự lập biểu hiện ở những hành động nhỏ nhất, gần gũi và bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu là một người tự lập thì bạn sẽ không trông chờ vào chiếc máy giặt hay chờ mẹ đi làm về giặt một đống quần áo chất đống hàng tuần. Thay vào đó bạn sẵn sàng bắt tay vào việc giặt quần áo cho bản thân mình. Hẳn rằng bạn sẽ thấy rất vui khi làm điều đó, bởi bạn đã không còn trông mong vào bất kỳ điều gì hoặc bất kỳ ai nữa.

Những đứa trẻ nông thôn bắt buộc chúng phải có tính tự lập từ khi còn bé. Ba mẹ đi làm sớm, ở nhà đứa trẻ lớp 4, 5 đã phải nấu cơm, quét dọn nhà cửa, cho heo ăn, chăn trâu, cắt cỏ. Đối với chúng đó chính là việc phải làm, và tự bản thân những đứa trẻ ý thức được điều đó. Ấy chính là tự lập, là một đức tính mà ai cũng cần có. Tự lập thì bạn sẽ luôn ở trạng thái chủ động, không phải chờ một ai, không phải lệ thuộc vào người khác. Bạn có thể tự quyết định suy nghĩ và hành động của mình.

Tuy nhiên hiện nay có một thực trạng đáng buồn ở thành phố, những gia đình có điều kiện, thuê người giúp việc, bận tất bật quanh năm, họ quẳng lại cho đứa con “rất nhiều tiền” và để cho nó tự sống. Những người con vì có tiền nên đâm ra lười, ỉ lại cho người giúp việc, đến việc tự nấu cơm cho mình ăn cũng không làm được. Hai mươi tuổi đầu rồi cũng không thể nấu được một bữa cơm trọn vẹn. Đây là thực tế rất đáng buồn, đáng trách ở một số bộ phận thành thị. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Các em mãi mãi sẽ không thể tự quyết định được bản thân muốn gì, mong gì, thích gì, vì lối sống dựa dẫm, ỉ lại đã ăn sâu vào tận tâm can của các em.

Đối với thế hệ trẻ thì việc tự lập là một điều vô cùng cần thiết, bởi rằng nếu không tự lập, không tự đưa ra quyết định cho bản thân mình thì mãi mãi chúng ta sẽ chỉ là một người chạy phía sau, mất phương hướng với tất cả mọi điều đang ở phía trước.

Chính vì tâm thế ỉ lại, dựa dẫm khiến cho các em không thể định hình được con đường mình đi là đúng hay sai, và có thể các em sẽ lầm đường lạc lối. Thực trạng này rất nhiều. Và ba mẹ cũng chính là những người phải tác động, phải rèn luyện đức tính tự lập ấy ở những đứa con. Có như vậy thì những người con mới có thể hình dung được tự lập có vai trò to lớn như thế nào.

Đất nước chúng ta cần những con người tự lập, quyết đoán, bởi rằng trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, nếu không là chính mình, không có hướng đi riêng thì rất dễ bị hòa tan. Hãy hoàn thiện đức tính tự lập của mình hằng ngày bằng cách tự bước bằng chính đôi chân, suy nghĩ bằng cái đầu và hành động theo những gì mình cho là đúng. Đó mới là cuộc sống thực sự của bạn.

Hùng Cường