Sáng kiến ngăn thảm họa nhân đạo ở Gaza
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:43, 16/03/2024
Nhiều quốc gia, cơ quan viện trợ và tổ chức nhân đạo nỗ lực chuyển lương thực tới Gaza và thúc đẩy mở thêm hành lang viện trợ nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở dải đất ven Địa Trung Hải này.
Sáng kiến mở tuyến đường biển nhân đạo tới Gaza được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã bước sang tháng thứ 6. Dự án được thực hiện với sự phối hợp giữa tổ chức World Central Kitchen (có trụ sở tại Mỹ) cùng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), tổ chức Proactiva Open Arms của Tây Ban Nha và được Chính phủ Cyprus hỗ trợ.
Theo thông báo mới nhất của tổ chức World Central Kitchen, hàng viện trợ nhân đạo tiếp tục được chuyển lên tàu ở cảng của Cyprus để vận chuyển và cung cấp tới người dân ở Dải Gaza. Khoảng 300 tấn hàng viện trợ nhân đạo được đưa lên tàu neo đậu tại cảng Larnaca của Cyprus.
World Central Kitchen cũng chuẩn bị một cầu cảng dài khoảng 60m ở Gaza để tiếp nhận hàng viện trợ. Đây là tàu thứ hai được thực hiện theo dự án thí điểm. Trước đó, tàu đầu tiên đã rời Cyprus mang theo 200 tấn hàng viện trợ tới vùng lãnh thổ Gaza.
Sáng kiến thử nghiệm mở tuyến đường biển vận chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp không liên quan nỗ lực đa quốc gia nhằm thiết lập một hành lang viện trợ bằng đường biển đến Gaza.
Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu ngoài hành lang hàng hải Cyprus hiện có, nhằm gia tăng lượng hàng viện trợ đến Dải Gaza. Đức đã “bật đèn xanh” cho hoạt động không vận viện trợ nhân đạo tới Gaza.
Dự kiến, hai máy bay vận tải C-130J Hercules của Đức sẽ tham gia chiến dịch không vận, trong đó mỗi máy bay có thể vận chuyển tới 18 tấn hàng hóa.
Hoạt động không vận thả hàng viện trợ nhân đạo cho người dân tại Dải Gaza do Jordan khởi xướng và hiện có sự tham gia của UAE, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Bỉ. Ai Cập đã phối hợp với các nước tiếp tục thả hàng viện trợ nhân đạo xuống khu vực phía bắc Dải Gaza.
Trong khi đó, một bệnh viện dã chiến hoàn chỉnh do tổ chức UK Aid của Chính phủ Anh viện trợ đã rời cảng Manchester để đến Dải Gaza. Bệnh viện dã chiến này có khả năng điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày và những người làm việc tại đây, bao gồm các bác sĩ quốc tế, trong đó có nhiều người đến từ Anh, và các nhân viên y tế địa phương.
Quy mô của bệnh viện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu thực tế và sẽ bao gồm một số khu chức năng chính như khu cấp phát thuốc, khu vực phân loại bệnh nhân, khu vực hồi sức và điều trị chấn thương nặng cùng với khu vực chăm sóc thai sản.
Cùng với các đợt viện trợ mới nhất, Anh đã công bố khoản viện trợ bổ sung trị giá 10 triệu bảng (12,8 triệu USD) cho các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, nâng tổng hỗ trợ của Anh lên hơn 100 triệu bảng trong năm tài chính 2024, giúp ứng phó cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
Bốn tàu của quân đội Mỹ cũng đã rời căn cứ ở bang Virginia, mang theo khoảng 100 binh sĩ và thiết bị cần thiết để xây dựng một cảng tạm thời bên bờ biển Gaza nhằm chuyển hàng viện trợ khẩn cấp cho người Palestine.
Theo Lầu năm góc, với một ụ nổi ngoài khơi để chuyển hàng viện trợ từ các tàu lớn sang tàu nhỏ hơn và một bến tàu để đưa hàng viện trợ vào bờ, cơ sở mới dự kiến đi vào hoạt động sau 60 ngày. Tổng cộng khoảng 500 binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Vận tải viễn chinh số 7 sẽ tham gia chiến dịch này.
Khi cơ sở mới này đi vào hoạt động có thể chuyển 2 triệu khẩu phần ăn lên bờ mỗi ngày. Giới chức Mỹ cho biết, nỗ lực này không liên quan việc triển khai viện trợ trên bộ ở Gaza.
Sáng kiến “Thực phẩm cho Gaza” cũng đã được ba cơ quan viện trợ đa phương, gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cùng Italia công bố nhằm điều phối các nỗ lực nhân đạo quốc tế.
Sáng kiến được thực hiện nhằm tăng cường viện trợ lương thực và y tế cho vùng lãnh thổ Palestine trong thời gian ngắn, sau đó về lâu dài sẽ tập trung vào tái thiết xã hội và khôi phục cuộc sống của người dân nơi đây.
Sáng kiến cũng hướng tới mục tiêu điều phối các dự án của ba tổ chức nêu trên và tạo ra hành lang viện trợ nhân đạo. Hành lang này sẽ được thiết lập từ Cyprus.
Thụy Điển cũng quyết định nối lại tài trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), với số tiền giải ngân ban đầu là 20 triệu USD trong tổng số 40 triệu USD trong năm 2024.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) cũng thông báo giải ngân 50 triệu euro cho UNRWA. Là trung tâm của các nỗ lực cung cấp cứu trợ nhân đạo ở Gaza, UNRWA đang cần được hỗ trợ tài chính để tiếp tục các hoạt động nhân đạo trong bối cảnh tình hình ở Gaza hiện được đánh giá ở mức nghiêm trọng chưa từng thấy trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây.
Trong bối cảnh Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ nạn đói lan rộng ở Dải Gaza nếu không có hành động khẩn cấp, việc phân bổ hàng viện trợ nhân đạo bằng đường không và đường biển góp phần đa dạng hóa các kênh đưa hàng cứu trợ tới vùng lãnh thổ này, giúp làm dịu tình trạng nguy cấp và thảm cảnh mà người dân đang phải hứng chịu.
Tuy nhiên, các kế hoạch gửi hàng viện trợ nhân đạo này chỉ được coi là giải pháp tình thế mà chưa giải quyết được cốt lõi vấn đề. Các chuyến hàng bằng đường không và đường biển chưa đủ để xoa dịu những khó khăn, thiếu thốn mà người dân Gaza đang đối mặt.
Các hành lang đường bộ cho hàng nhân đạo vào Gaza cần được mở thông, nhất là các cửa khẩu đường bộ ở Israel giáp miền bắc Gaza. Đường bộ vẫn được coi là phương án tối ưu để vận chuyển hàng nhân đạo vào Gaza, bởi tính kinh tế và khả năng thực hiện ở quy mô lớn hơn so với đường không và đường biển.
Và hơn bao giờ hết, cần một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza cùng một giải pháp chính trị toàn diện để chấm dứt xung đột Israel-Palestine, tiến tới thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông.