Kinh tế

Quy hoạch Đắk Nông - Kỳ vọng vào 4 tiểu vùng

Lê Dung 15/03/2024 06:14

Quy hoạch Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang đặt ra nhiều kỳ vọng đối với 4 tiểu vùng để tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Tiểu vùng phía Nam - động lực tăng trưởng chủ đạo

Trong 4 tiểu vùng kinh tế, xã hội của Đắk Nông, đô thị Gia Nghĩa - Đắk R’lấp được xác định là vùng liên huyện trung tâm, nằm ở phía Nam của tỉnh.

gia-nghia(1).jpg
Một gốc đô thị Gia Nghĩa

Tiểu vùng này bao gồm: TP. Gia Nghĩa hiện nay và xã Đắk Ha (Đắk Glong); Trường Xuân (Đắk Song); Đắk Wer, Nhân Cơ và Nhân Đạo (Đắk R'lấp) và huyện Đắk R'lấp.

Quy hoạch tỉnh xác định rõ, đây là vùng trọng điểm có vai trò động lực thúc đẩy toàn tỉnh phát triển. Từ đó hình thành chuỗi đô thị gắn trung tâm dịch vụ (TP. Gia Nghĩa) với khu công nghiệp (Nhân Cơ, Nhân Cơ 2, Đắk Ru, Đắk Song I&II), các khu du lịch và sân bay chuyên dùng Nhân Cơ.

Đây được xem là động lực tăng trưởng chủ đạo của Đắk Nông. Đồng thời là đầu mối giao lưu, liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và vùng Tây Nguyên.

de0018-1-.jpg
Khu công nghiệp Nhân Cơ là trọng điểm phát triển vùng phía Nam của Đắk Nông

Tiểu vùng trung tâm này có vai trò cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, hình thành các trung tâm hoạt động hấp dẫn, đa dạng dịch vụ. Chức năng chính là đô thị dịch vụ, công nghiệp, du lịch, hướng tới đô thị tri thức, phát triển bền vững.

Các địa bàn có khả năng thu hút nhiều dự án phát triển công nghiệp từ các tỉnh Đông Nam bộ, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh. Tại đây có nhiều tiềm năng khai thác bô xít, khoáng sản quý hiếm, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Nhân Cơ, Nhân Cơ 2 và sân bay chuyên dùng Nhân Cơ... Cùng với tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, tiểu vùng còn là đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông thuận lợi.

Quy hoạch tỉnh định hướng phát triển trọng tâm cho tiểu vùng này. Trong đó, tập trung phát triển không gian chuỗi đô thị dọc theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc dự phòng (CT2) gắn kết đô thị trung tâm Gia Nghĩa với đô thị Đắk R'lấp, phát triển thương mại dịch vụ và hạ tầng. Định hướng này sẽ làm động lực phát triển cho khu trung tâm TP. Gia Nghĩa, tiểu vùng trung tâm và toàn tỉnh Đắk Nông.

Đô thị Gia Nghĩa được định hướng phát triển theo hướng đô thị tri thức, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật của Đắk Nông. Đô thị Đắk R'lấp được phát triển theo hướng đô thị công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp. Hoàn thành mục tiêu nâng cấp huyện Đắk R'lấp lên thị xã vào năm 2030.

Tiểu vùng phía Đông - Điểm nhấn về du lịch

Tiểu vùng này bao gồm địa giới hành chính của huyện Đắk Glong và Krông Nô, được xác định là vùng du lịch, sinh thái và nghỉ dưỡng của Đắk Nông.

e365916e-1-.jpg
Khu du lịch Tà Đùng là điểm nhấn của du lịch Đắk Nông

Đây là vùng trọng điểm gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, có giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa các dân tộc bản địa mang ý nghĩa quốc gia, quốc tế.

Thế mạnh của tiểu vùng là phát triển đô thị dịch vụ gắn du lịch gắn với Trục dọc TD3 (quốc lộ 28), kết nối TP. Gia Nghĩa với trung tâm huyện Di Linh, các trung tâm du lịch tỉnh Lâm Đồng và các tuyến du lịch dọc biển Duyên hải miền Trung.

Tiểu vùng còn có đô thị Đắk Mâm, có vị trí thuận lợi kết nối với đô thị Ea T'ling và TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tạo thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển cho các huyện lân cận.

img_2146(1).jpg
Khu Du lịch Hồ Tà Đùng huyện Đắk Glong

Vùng liên huyện đang nằm trọn trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đa dạng về hệ sinh thái bao gồm: Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, quần thể di tích công viên địa chất, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước, đồi núi, thảm thực vật…

Khu vực này còn giàu văn hóa vật thể và đây là những điều kiện thuận lợi cho việc hình thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phát triển lâu dài và bền vững. Hướng phát triển trọng tâm của tiểu vùng là tập trung phát triển gắn với đô thị du lịch Tà Đùng theo hướng du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...

img_5245(1).jpg
TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cùng các sở, ngành khảo sát khu vực lòng Hồ Tà Đùng, huyện Đắk Glong

Để đạt mục tiêu này, trước tiên sẽ nâng cấp quốc lộ 28 đoạn từ TP. Gia Nghĩa đi Di Linh và kết nối vào các trục cao tốc TP. Hồ Chí Minh – TP. Đà Lạt, quốc lộ 20. Đây được xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, nhằm tăng cường kết nối thông suốt và thuận tiện tuyến Gia Nghĩa - Di Linh - Đà Lạt - Bảo Lộc - Phan Thiết. Tiếp đến là triển khai quy hoạch xây dựng Khu phức hợp du lịch – nghỉ dưỡng - sân golf Tà Đùng, với quy mô khoảng 23.500 ha.

Khu vực trung tâm phía Bắc của vùng liên huyện được phát triển gắn với đô thị Đắk Mâm theo hướng du lịch, khám phá gắn với quần thể di tích Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị Quảng Sơn, huyện Đắk Glong với chức năng là đô thị du lịch, sinh thái và công nghiệp…

krong-no(1).jpg
Một góc trung tâm huyện Krông Nô

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong khẳng định, việc xác định rõ các tiểu vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển cho địa phương. Từ đó, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới cho địa phương.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND huyện yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các tầng lớp Nhân dân.

Thông qua công tác tuyên truyền để người dân hiểu được khát vọng phát triển của huyện trong giai đoạn tới, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức. Từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.

Tiểu vùng phía Tây – kinh tế mậu biên

Tiểu vùng này bao gồm 2 huyện Đắk Song và Tuy Đức. Tiểu vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, du lịch, công nghiệp và năng lượng tái tạo và nhất là kinh tế mậu biên.

nong-san(1).jpg
Nông sản Đắk Nông có thể xuất khẩu qua các nước bạn qua khu vực Cửa khẩu Bu P'răng, huyện Tuy Đức

Tiểu vùng là cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh, giáp với Bình Phước và Campuchia. Đây là các địa bàn có tiềm năng phát triển kinh tế mậu biên với cửa khẩu Bu P'răng kết nối với các tỉnh Mondulkiri và Rattanakiri của Campuchia.

Ngoài ra, khu vực còn có tiềm năng phát triển du lịch với các điểm di sản địa chất, địa mạo gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nam Nung; Khu du lịch tâm linh Thiền viện Trúc âm Đạo Nguyên, khu di tích lịch sử, du lịch lễ hội, tín ngưỡng. Đặc biệt là tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

dien-gio-2(1).jpg
Thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo tại Đắk Song

Hướng phát triển trọng tâm của tiểu vùng là phát triển đô thị Đức An và đô thị Đắk Búk So gắn với đô thị Đắk Mil tạo thành chuỗi đô thị dọc quốc lộ 14C, với tính chất chính là kinh tế mậu biên, làm động lực phát triển cho khu vực.

Quy hoạch tỉnh nhấn mạnh tới việc tăng cường kết nối với các đô thị trong và ngoài tỉnh, nhất là tỉnh Mondulkiri, khu vực giáp ranh Tuy Đức qua cửa khẩu Bu P’răng, để đồng bộ và tương đồng về hạ tầng cơ sở, tăng cường giao thương. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng huyện nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.

Lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho biết, hiện địa phương đang chỉ đạo triển khai lập quy hoạch vùng huyện. Quá trình thực hiện được bảo đảm tính liên ngành, căn cứ cơ sở khoa học, đánh giá thực tế và phân tích xu hướng phát triển. Từ đó, đưa ra những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và bền vững, phù hợp với từng giai đoạn phát triển quy hoạch vùng huyện theo mục tiêu đã đề ra.

Tiểu vùng phía Bắc - kết nối chuỗi đô thị

Tiểu vùng kinh tế, xã hội phía Bắc trải dài ở 2 huyện Đắk Mil và Cư Jút. Chức năng chính là vùng nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, đô thị dịch vụ kinh tế mậu biên và công nghiệp phục vụ.

nha-may-cau(1).jpg
Doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút

Vùng có vị trí địa lý thuận lợi, là khu vực đầu mối phía Bắc của Đắk Nông, tiếp giáp với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), kết nối các tỉnh Tây Nguyên bằng quốc lộ 14.

Cùng với đó, đô thị dịch vụ Ea T'ling được gắn với TP. Buôn Ma Thuột và đô thị dịch vụ Đắk Mil gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur, kết nối trục dọc TD1 (đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 14). Khu Công nghiệp Tâm Thắng là địa bàn tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp.

a14e2c49(1).jpg
Trung tâm thương mại Đắk Mil đang được đầu tư xây

Khu vực này còn có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với điều kiện tự nhiên, địa hình gắn Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, với nhiều điểm di sản, danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Cụ thể như vùng lòng hồ Thủy điện Buôn Kuốp, chuỗi thác dọc sông Sêrêpốk, nhất là hình thức du lịch dưới tán rừng, du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, homestay. Ngoài ra còn phát triển các loại hình du lịch gắn với các đặc trưng văn hóa dân tộc bản địa.

Vùng còn có tiềm năng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp du lịch, du lịch sinh thái với quỹ đất nông nghiệp, đất rừng rất lớn.

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử như Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil tại xã Đắk Lao và di tích Đồi Chiến thắng 722 tại xã Đắk Sắk và làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một tiềm năng để phát triển du lịch.

img_7461(1).jpg
Với với quỹ đất lớn, Tiểu vùng phía Bắc có thế mạnh cho phát triển nông nghiệp sạch

Quy hoạch tỉnh xác định các hướng phát triển tập trung cho tiểu vùng phía Bắc này. Trong đó, phát triển đô thị Đắk Mil theo hướng dịch vụ gắn với kinh tế mậu dịch cửa khẩu Đắk Peur.

Đây sẽ là đô thị hạt nhân kết nối với các đô thị Đức An và đô thị Đắk Búk So tạo thành chuỗi đô thị phía Tây Bắc của Đắk Nông. Qua đó góp phần hình thành hành lang kinh tế biên giới phía Tây vùng Tây Nguyên dọc theo quốc lộ 14C.

Đô thị Ea T'ling được định hướng phát triển theo hướng dịch vụ, công nghiệp và du lịch, làm đô thị vệ tinh của TP. Buôn Ma Thuột. Đồng thời, kết nối với đô thị du lịch Đắk Mâm, huyện Krông Nô (Đắk Nông) và đô thị Nam Dong để hình thành vùng đô thị động lực phía Bắc của tỉnh…

Có thể nói, quy hoạch các tiểu vùng kinh tế, xã hội với việc phân tích, xác định rõ các điểm mạnh, những lợi thế cạnh tranh, tính kết nối liên huyện đã mở ra nhiều cơ hội phát triển toàn diện cho các địa phương nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung trong thời gian tới.

Lê Dung