Một loại cây cho trái đang xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều bỗng dưng trụi lá, nông dân Tiền Giang lo mất tiền tỷ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:32, 14/03/2024

Năm nay, sầu riêng bị cháy lá dữ lắm. Có vườn bị cháy lá đến 70 – 80%. Khả năng vụ thu hoạch tới sản lượng sầu riêng ở Tiền Giang giảm nhiều”, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, than thở.

Hiện, xã Ngũ Hiệp có 1.500ha vườn trồng sầu riêng chuyên canh. Trong số này có nhiều vườn sầu riêng bị cháy lá.

Một loại cây cho trái đang xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều bỗng dưng trụi lá, nông dân Tiền Giang lo mất tiền tỷ - Ảnh 1.
Một vườn trồng sầu riêng bị cháy lá vàng hoe ở xã Tân Phong huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.Đ

Hoang mang sầu riêng bị cháy lá

Theo ông Lộc, ông có vườn trồng sầu riêng rộng 1,5ha. Vườn sầu riêng này đang trong tình trạng bị cháy lá nghiêm trọng. Hiện, ông Lộc chủ yếu dưỡng cây chứ chưa biết phải mua thuốc gì để chữa bệnh sầu riêng cháy lá.

"Chưa biết chính xác nguyên nhân cây sầu riêng bị cháy lá để có cách chữa trị", ông Lộc thổ lộ.

Tại xã Tân Phong huyện Cai Lậy, tình trạng sầu riêng bị cháy lá cũng đáng lo ngại. Anh Nguyễn Hoàng Phong, một nông dân trồng sầu riêng tại xã, cho biết anh đang trồng hơn 30 gốc sầu riêng. Vườn trồng sầu riêng đang chuẩn bị thu hoạch, nhưng một số cây bị cháy lá.

"Nguyên nhân sầu riêng bị cháy lá có lẽ do sương muối, cây đề kháng yếu, trời quá nắng, thiếu nước tưới", anh Phong đoán già, đoán non.

Cũng theo anh Phong, sau khi sầu riêng bị cháy lá, lá sẽ rụng hết. Nếu cây đang mang trái, trái cũng rụng theo. Khi trời rớt mưa cây ra lá mới phát triển lại. Tuy nhiên, cây đã bị cháy lá thì những năm sau sẽ bị tiếp. Nếu không có cách chữa, vườn sầu riêng sẽ chết dần.

"Khi cây sầu riêng bị cháy lá sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng. Đặc biệt, sầu riêng bị cháy lá trong giai đoạn mang trái sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng suất vườn cây và chất lượng trái", anh Phong chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Tân Phong, ông Trần Văn Nhịn, cho biết tình trạng cây sầu riêng bị cháy lá diễn ra trên địa bàn từ tháng 11 năm ngoái tới nay, thời điểm nông dân làm gốc để trái. Đến giờ, ngành nông nghiệp vẫn chưa tìm ra nguyên nhân sầu riêng bị cháy lá.

Một loại cây cho trái đang xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều bỗng dưng trụi lá, nông dân Tiền Giang lo mất tiền tỷ - Ảnh 3.
Theo anh Phong, sầu riêng bị cháy lá nếu không có cách chữa trị kịp thời sẽ chết. Ảnh: T.Đ

"Năm nay, thời tiết quá cực đoan, nắng hạn kéo dài. Sầu riêng bị cháy lá nông dân có thể mất vụ, hoặc vườn giảm sản lượng, giảm chất lượng nghiêm trọng", ông Nhịn bộc bạch.

Theo một số thương lái thu mua sầu riêng, không chỉ những vườn sầu riêng già ở huyện Cai Lậy bị cháy lá, mà ngay nhiều vườn sầu riêng tơ mới ăn 1, 2 vụ ở huyện Cái Bè - Tiền Giang cũng bị tình trạng này.

Chưa tìm ra nguyên nhân chính sầu riêng bị cháy lá

Ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết, mấy hôm nay Chi cục đã đi khảo sát các vùng trồng sầu riêng bị cháy lá trên địa bàn.

Ông Men nhận định ban đầu: "Sầu riêng bị cháy lá nhiều, nhưng do bị nước mặn ảnh hưởng chắc chắn là không có rồi. Có lẽ do nắng gắt quá, bà con trồng sầu riêng để cây thiếu nước, sốc nhiệt… Chúng tôi phải đi khảo sát thêm, tìm nguyên nhân chính xác để có hướng giải quyết".

Hiện, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, diện tích trồng sầu riêng khoảng 22.000ha, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy.

Thời điểm thu hoạch sầu riêng vụ nghịch vừa qua, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hơn 200.000 đồng/kg.

Một loại cây cho trái đang xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều bỗng dưng trụi lá, nông dân Tiền Giang lo mất tiền tỷ - Ảnh 4.
Trước tình hình sầu riêng bị cháy lá, nhiều nông dân trồng sầu riêng lo lắng sản lượng và chất lượng trái sầu riêng giảm sút. Ảnh; T.Đ

Trước tình hình hạn mặn diễn biến cực đoạn, phức tạp trong mùa khô năm 2023 - 2024, tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp tích cực, chủ động phòng, chống hạn mặn cho 20.000ha sầu riêng xuất khẩu tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh.

Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, đã khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, độ mặn trên kênh, rạch và trong nội đồng. Đồng thời, tích cực rà soát, củng cố hệ thống đê bao phòng, chống xâm nhập mặn. Cùng lúc, lên kế hoạch đóng các đập ngăn mặn ở các cửa kênh, rạch thông ra sông Tiền trước khi xuất hiện độ mặn 1,0 gr/l khu vực cù lao xã Tân Phong, cù lao xã Ngũ Hiệp…