Y tế - Sức khỏe

20 năm “canh” sức khỏe giúp Nhân dân

Hoàng Dương 13/03/2024 19:41

Suốt 20 năm nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông luôn thầm lặng, ngày đêm “canh gác” bảo vệ cho sức khỏe của Nhân dân trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Vượt qua thách thức, khó khăn

Cử nhân Lương Văn Sỹ, Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng cho biết, 13 năm công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong vai trò nhân viên xét nghiệm, công việc của anh chủ yếu làm việc với các mẫu bệnh phẩm, trong đó phần lớn là của các bệnh nhân lao và lao kháng thuốc. “Khi làm xét nghiệm, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi nguồn hóa chất từ quá trình nhuộm trực tiếp và từ chính mẫu bệnh phẩm. Mặc dù Phòng Xét nghiệm tại Trung tâm đã được công nhận đạt chuẩn phòng sinh học cấp II, các nhân viên được hướng dẫn và trang bị bảo hộ, tuy nhiên đây vẫn là công việc tiềm tàng nhiều rủi ro lây nhiễm”, cử nhân Lương Văn Sỹ chia sẻ.

dscf4425(1).jpg
Anh Lương Văn Sỹ thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm

Nhớ về những ngày chống dịch Covid-19, ông ÊBan Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ, thời điểm đó 3 tháng liền ông không thể về nhà. Với trách nhiệm của người chiến sĩ áo trắng, ông đã phải tạm gác lại nỗi nhớ gia đình để cùng với đồng đội tham gia chống dịch. Đó là những tháng ngày quên ăn, không ngủ, sẵn sàng xông vào bất cứ tâm dịch nào: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là nỗi sợ bản thân sẽ bị nhiễm bệnh. Tôi sợ rằng sẽ không thể kiểm soát, khống chế được dịch bệnh”, ông Sơn chia sẻ.

Một công việc đầy vất vả với nguy hiểm luôn thường trực như thế nhưng chính những khó khăn ấy lại là động lực để các nhân viên y tế dự phòng như anh Sỹ hay ông Sơn sát cánh cùng nhau bám trụ với nghề, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

z5240940737457_9de10281c5be8262f4ec2ecf7a3b1d16(1).jpg
Nhân viên y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông tham gia chống dịch Covid-19 (Ảnh: Văn Tiến)

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào công tác khám, chữa bệnh, nhưng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng là những người đầu tiên, trực tiếp và gần dân nhất để làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát cũng như triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

z5240923730115_3383e6f59fbcffef6cd0c07a9957aaf4(1).jpg
Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng (Ảnh: Văn Tiến)

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, trong 20 năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo đầu tư của tỉnh với những nỗ lực không ngừng, hoạt động y tế dự phòng đã góp phần quan trọng và hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, tiêu chảy, sởi... được kiểm soát.

Tổng số mắc các bệnh truyền nhiễm gây dịch giảm đáng kể, từ hơn 25.500 ca mắc năm 2004 xuống còn 5.400 ca năm 2024. Riêng sốt rét giảm từ 1.184 ca xuống còn 5 ca. Các bệnh lạ, bệnh mới nổi luôn được theo dõi, phòng chống từ xa. Đặc biệt, Đắk Nông đã khống chế thành công đại dịch Covid-19 với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đều thấp hơn bình quân cả nước. Tỉnh là địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu “kép” về tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19, góp phần quan trọng đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân trở lại tình trạng bình thường mới.

z5240940748203_e63ef4305b6667d4275d494c26de43cc(1).jpg
Đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thành công với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đều thấp hơn bình quân cả nước (Ảnh: Văn Tiến)

Không chỉ những bệnh lây nhiễm mà cả những bệnh không lây nhiễm cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hiện cải thiện qua từng năm. Năm 2004, trẻ bị nhẹ cân chiếm 36,6% và thấp còi chiếm 45,4%. Đến năm 2022 các chỉ số này còn lần lượt là 17,8% và 27,5%. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trẻ dưới 1 tuổi hàng năm luôn đạt trên 90%.

Vì sức khỏe Nhân dân

Ông ÊBan Thanh Sơn cho biết, năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được hợp nhất từ các trung tâm gồm: y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh xã hội và phòng, chống bệnh HIV/AIDS. Với mô hình tập trung tất cả các hoạt động y tế dự phòng tuyến tỉnh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí hành chính mà còn chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với dịch bệnh mới nổi. Qua đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới theo phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thực hiện chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình.

z5240932418603_6f37ec4fe91519343764ef36e59cc2d5(1).jpg
Hoạt động y tế dự phòng đã góp phần quan trọng và hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa

Hiện tại, Trung tâm được đầu tư hơn 120 loại máy móc, thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, khám sàng lọc... Trong đó, nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu như hệ thống phân tích phân tử định tính Realtime - PCR, hệ thống ELISA, hệ thống sắc ký khí ghép khối phổ, máy xét nghiệm sinh hóa tự động hoàn toàn, X-quang, máy siêu âm, thiết bị lấy mẫu vi sinh trong không khí.... Thông qua đó, hoạt động y tế dự phòng góp phần quan trọng và hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều chương trình y tế như phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống các bệnh xã hội... được triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả cao.

dscf4398(1).jpg
Để công tác dự phòng ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, ngành Y tế Đắk Nông ưu tiên tìm nguồn đầu tư nâng cao năng lực cho công tác y tế dự phòng gắn với nâng cao năng lực hoạt động của y tế cơ sở, y học gia đình

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông thông tin thêm, để công tác dự phòng ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh và lãnh đạo, tổ chức triển khai một số nhiệm vụ mang tính định hướng. Trong đó, ưu tiên tìm nguồn đầu tư nâng cao năng lực cho công tác y tế dự phòng gắn với nâng cao năng lực hoạt động của y tế cơ sở, y học gia đình. Ngành thiết lập đầy đủ, rộng khắp và nâng cao chất lượng hệ thống giám sát (con người, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống xét nghiệm) để đánh giá, chia sẻ thông tin các yếu tố nguy cơ bệnh tật. Nhất là dịch bệnh để theo dõi nguy cơ, tỷ lệ mắc bệnh, từ đó có sự ưu tiên, đánh giá và can thiệp sớm. Cùng với đó, công tác truyền thông được tăng cường, trong đó chú trọng đến truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm giúp thay đổi hành vi của người dân trong tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe,...

Hoàng Dương