Kinh tế

Kim ngạch xuất khẩu Đắk Nông tăng 25,6 lần sau 20 năm

Lê Dung 13/03/2024 07:20

Thương mại ở Đắk Nông có nhiều chuyển biến mới và tăng trưởng khá cao so với cách đây 20 năm. Đây là động lực lớn giúp Đắk Nông phát triển.

img_3620(1).jpg
Người dân mua hàng tại Co.opmart Đắk Nông

Điểm nhấn thị trường nội địa

Bà Nguyễn Thị Thanh Quế năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn duy trì công việc buôn bán quần áo hàng ngày của mình tại Chợ Gia Nghĩa.

Gần 58 năm gắn bó với nghề, bà Quế được tận mắt chứng kiến những sự đổi thay của Chợ Gia Nghĩa. Bà Quế nhớ lại, hồi mới tái lập tỉnh, Chợ Gia Nghĩa bé xíu, tạm bợ. Bây giờ chợ đã khang trang, hiện đại hơn. Các mặt hàng ở chợ ngày càng đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm cho Nhân dân.

Bà Quế lần tìm về hồi ức những ngày đất nước chưa giải phóng. Theo bà, lúc bấy giờ, việc mua bán ở Quảng Đức (tên cũ của Đắk Nông hồi chưa giải phóng) khá sầm uất. Tất cả tiểu thương ở các địa phương đều phải qua chợ ở Quảng Đức để lấy hàng về bán.

img_9697(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Quế đã 58 năm gắn bó với Chợ Gia Nghĩa

“Vậy nên cứ đều đặn, một tháng một lần, tôi lại bắt máy bay từ sân bay Nhân Cơ đi Sài Gòn lấy hàng, 45 phút là tới nơi, nhanh và thuận tiện lắm. Sau đó gửi “chành” (xe tải) từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột rồi vòng về lại Quảng Đức”, bà Quế kể lại.

Bây giờ, kênh mua bán nhiều, hàng hóa ở chợ truyền thống không còn sôi động như trước nữa, nhưng bà Quế và các tiểu thương Chợ Gia Nghĩa vẫn kiên trì bám trụ. Bởi đây không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn được các tiểu thương xem là nhà, là nơi gắn bó của cả một đời người.

Đến nay, hoạt động thương mại trên địa bàn Đắk Nông tiếp tục phát triển. Việc mua bán thuận lợi, giá cả ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển đa dạng, mở rộng xuống tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

img_9678(1).jpg
Một góc Chợ Gia Nghĩa hiện nay

Hệ thống chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định, với 46 chợ được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn.

Tính đến năm 2023, Đắk Nông có hơn 13.600 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại, tăng 7.900 đơn vị so với năm 2004. Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh từng bước phát triển.

Sở Công thương Đắk Nông

Kênh mua bán truyền thống này góp phần đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng tốt hơn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa bàn trong tỉnh.

img_3563(1).jpg
Kênh phân phối hiện đại hình thành, giúp người dân thuận lợi trong mua bán hàng hóa

Hệ thống kênh mua bán hiện đại ở Đắk Nông dần được hình thành và ngày càng phát triển. Đắk Nông hiện có 1 trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, đã hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 1 siêu thị hạng II tại TP. Gia Nghĩa; 1 trung tâm phức hợp ở huyện Cư Jút...

Tỉnh đang có trên 10.000 cơ sở bán buôn, bán lẻ phủ kín tới tận vùng sâu, vùng xa thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên địa bàn.

trung-tam-tm-dak-mil(1).jpg
Trung tâm Thương mại Đắk Mil, thị trấn Đắk Mil (Đắk Nông) đang được đầu tư hoàn thiện

Đắk Nông có 56/60 xã đạt tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn; trong đó, có 28 chợ đạt tiêu chí. Về thương mại biên giới có 2 cửa khẩu chính, gồm: cửa khẩu Bu P'răng, cửa khẩu Đắk Peur và 4 chợ tại 7 xã biên giới.

Giai đoạn 2004-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Đắk Nông đạt 187.900 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt hơn 24.300 tỷ đồng, tăng hơn 21 lần so với năm 2004 và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 17,4%.

Sở Công thương Đắk Nông

Xuất khẩu đa quốc gia

Cùng với thị trường nội địa, hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới của Đắk Nông cũng đang có những bước tiến đáng kể. Quy mô, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được mở rộng, tăng khá cao.

chanh-day-long-hue(1).jpg
Chanh dây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Đắk Nông

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu đã được tăng lên, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su... Từ năm 2017, Đắk Nông có thêm sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới đó là alumin, MDF.

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản... Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông…

img_0273(1).jpg
Alumin là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông từ năm 2017 tới nay

Số lượng doanh nghiệp Đắk Nông tham gia xuất khẩu ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp nước ngoài giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, khi chiếm hơn 55-65% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tiếp đến là doanh nghiệp Nhà nước chiếm gần 20%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho hay, thương mại phát triển đã góp phần tích cực trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các ngành sản xuất. Hoạt động này cũng đồng thời tạo ra thị trường hàng hóa sôi động, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Qua 20 năm phát triển, thương mại đang từng bước giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng GDP của Đắk Nông.

Giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đắk Nông đạt 11.867 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,61%/năm. Trong đó, riêng năm 2023 đạt 1.271 triệu USD, tăng gần 25,6 lần so với năm 2004.

Sở Công thương Đắk Nông

Lê Dung