Kinh tế

Đắk Nông từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Hưng Nguyên 12/03/2024 05:15

Với tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đắk Nông đang từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến và kết nối tiêu thụ nông sản.

HTX Nông nghiệp Krông Nô, ở xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có vùng nguyên liệu ca cao hơn 120ha. Năm 2021, HTX được Chương trình Khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 300 triệu đồng đầu tư máy đập bột ca cao và máy sản xuất chocolate. HTX đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến bột ca cao, chocolate, bơ ca cao...

1-1-.jpg
HTX Nông nghiệp Krông Nô được hỗ trợ máy chế biến các sản phẩm ca cao để nâng cao giá trị

Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô cho biết, HTX đã chế biến ra 5 sản phẩm từ nguyên liệu ca cao, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm qua chế biến giúp tăng giá trị khoảng 40% so với sản phẩm thô. HTX đã xây dựng nhãn mác, bao bì và thương hiệu cho sản phẩm.

HTX thường xuyên được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành trong cả nước. Sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản đáp ứng chuỗi liên kết, tăng giá trị giai đoạn 2021 – 2025, nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2023, tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt 18.537 tỷ đồng, tăng 3.045 tỷ đồng so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 6,76%. Giá trị sản xuất bình quân đạt 103 triệu đồng/ha. Nông nghiệp giữ vai trò là một trong ba trụ cột của nền kinh tế của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã hỗ trợ kinh phí gần 4 tỷ đồng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản.

Đắk Nông có 380.945ha đất sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã công nhận 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, với 2.423ha. Có trên 28.000ha cây trồng của tỉnh đạt chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ Certified, GlobalGAP, Organic…

Tỉnh đã hỗ trợ cấp 37 mã số vùng trồng và 10 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngành Nông nghiệp xây dựng thực hiện được 6 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn.

dji_fly_20240117_084318_656_1705455850544_photo_optimized(1).jpg
Chế biến và kết nối tiêu thụ sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông hiện có 84 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản. Trên 189 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sơ chế, chế biến quy mô nhỏ.

Các doanh nghiệp đã thực hiện được 65 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thuộc 9 ngành hàng nông sản và khoảng 9.660 hộ dân tham gia.

Đắk Nông đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện đáng kể; hỗ trợ phát triển, công nhận được 93 sản phẩm OCOP.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá, các nông sản đã qua chế biến và kết nối tiêu thụ ổn định đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, gắn thương hiệu và vị thế của nông sản với người tiêu dùng. Đắk Nông đã và đang kết nối một số doanh nghiệp lớn đến khảo sát, thu mua và đưa nông sản của Đắk Nông tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, xuất khẩu.

Các địa phương, ngành chức năng hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm HTX thông qua việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh… Qua đó, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Hưng Nguyên