Việt Nam và Australia chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:50, 07/03/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại cuộc hội đàm. |
Sáng 7/3 (giờ địa phương), sau lễ đón chính thức trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Canberra với nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm sâu rộng với Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Anthony Albanese hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm chính thức Australia; đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, ghi dấu mốc mới trong quan hệ hai nước sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đánh giá cao sự đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam vào thành công chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia tổ chức tại Melbourne ngày 5 và 6/3 vừa qua; nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm chính thức Việt Nam cũng như cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 6/2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại cuộc hội đàm. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới Thủ tướng Anthony Albanese; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo của Chính phủ, nhân dân Australia và cá nhân Thủ tướng Anthony Albanese dành cho Đoàn; chúc mừng Australia đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Công đảng và Thủ tướng Anthony Albanese, Australia sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn, ngày càng khẳng định vai trò và vị thế ở khu vực và quốc tế.
Trên tinh thần chân thành, tin cậy, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược hai nước và nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện; thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn, cụ thể là:
Tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương; triển khai hiệu quả các văn kiện ký kết và chuẩn bị xây dựng Chương trình Hành động cho giai đoạn 2024-2028; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tạo điều kiện cho các hội đoàn hữu nghị hai nước tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện; tăng cường hợp tác thiết thực giữa các địa phương; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bình đẳng giới và bảo vệ quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương…
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cùng các đại biểu tại cuộc hội đàm. |
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao. Theo đó, hai bên nhất trí tạo thuận lợi cho việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản của nhau, hướng tới mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho hai nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Australia tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại Australia; hoan nghênh các doanh nghiệp Australia đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án chất lượng cao, công nghệ hiện đại, là thế mạnh của Australia.
Thúc đẩy hợp tác khoa-học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn. Theo đó, hai bên nhất trí triển hiệu quả Bản Ghi nhớ trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; Australia hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam; kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Australia hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa; thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia; mở thêm chi nhánh các trường đại học lớn của Australia tại Việt Nam. Thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc hội đàm. |
Giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn. Theo đó, ngoài các hợp tác tốt đẹp hiện nay, hai bên nhất trí thúc đẩy ký kết một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực du lịch, phấn đấu đưa hai nước lọt vào nhóm các thị trường du lịch hàng đầu của nhau; sớm triển khai Bản Ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Australia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Australia tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Australia sinh sống, lao động, học tập, thành lập các hội đoàn….
Hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng. Theo đó, hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác Gìn giữ Hòa bình; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng dữ liệu quốc gia…
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quan điểm của Australia về ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế ở khu vực và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese trao đổi Tuyến bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia. |
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã trao Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia và chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; gìn giữ hòa bình; bảo vệ người tiêu dùng; xúc tiến thương mại, đầu tư; khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; tài chính; ngân hàng; nghiên cứu khoa học để phát triển nông, lâm, thủy sản; lao động; tài nguyên môi trường; và năng lượng, khoáng sản.