Đời sống

Nữ thôn trưởng duy nhất ở Tâm Thắng

Hoàng Dương 08/03/2024 06:41

Gần 20 năm, trong đó hơn 8 năm làm trưởng thôn 13, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông), bà Bùi Kim Loan luôn miệt mài trên các nẻo đường, tới từng hộ dân với công việc “vác tù và hàng tổng”.

Tự ứng cử làm chi hội trưởng phụ nữ thôn

Gần 20 năm là khoảng thời gian bà Loan tham gia công tác tại Chi hội Phụ nữ thôn 13. Bà Loan cho biết, năm 2008, Chi hội Phụ nữ thôn 13 chỉ có hơn 20 hội viên, trong đó 80% là hội viên nghèo. Các hoạt động, phong trào hội mờ nhạt, không có sức thu hút với các thành viên. “Khi đó, hội cũng không có người lãnh đạo. Trước tình hình đó, được sự ủng hộ của chị, em, tôi đã xin tự ứng cử chi hội trưởng để dẫn dắt chi hội qua thời gian khó khăn”, bà Loan chia sẻ.

dscf3747-1-.jpg
Bà Bùi Kim Loan, Trưởng thôn kiêm Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 13, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút

Để làm "sống lại" các phong trào, hoạt động của hội, trước tiên là phải bảo đảm kinh tế để các chị em yên tâm tham gia công tác hội. Nhằm giúp các hội viên thoát nghèo, bà Loan đã vận dụng nhiều cách làm. Chi hội tín chấp, hỗ trợ 44 hội viên vay, với tổng số vốn khoảng 2,3 tỷ đồng phát triển kinh tế gia đình. Năm 2014, bà Loan phối hợp thành lập Tổ hợp tác nuôi gà của chi hội. Tổ hiện có 13 hội viên tham gia. Mỗi hội viên nuôi từ 100-200 con gà. Mặc dù lợi nhuận từ nuôi gà không quá nhiều nhưng cũng giúp chị, em đa dạng thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình. Chi hội vận động hội viên, phụ nữ thành lập quỹ để giúp nhau trong cuộc sống. Đến nay, quỹ huy động được khoảng 46 triệu đồng dành cho chị, em vay làm vốn phát triển kinh tế.

Nhờ áp dụng nhiều cách làm khác nhau, hiện nay, chi hội chỉ còn 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Trong năm 2024, chi hội đặt mục tiêu giúp 1 phụ nữ thoát cận nghèo.

Bà Vũ Thị Oanh, thôn 13, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút trước kia là một trong những hộ gia đình nghèo của xã Tâm Thắng. Năm 1987, cả gia đình bà chuyển vào Đắk Nông với ước mơ lập nghiệp. Không có kinh nghiệm trồng cây công nghiệp nên bà Oanh trồng được bao nhiêu điều thì chết hết bấy nhiêu. Năm 2008, bà Oanh được Chi hội Phụ nữ thôn 13 đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi bò và trồng tiêu phát triển kinh tế. Nhờ sự hỗ trợ của chi hội và sự nỗ lực sau nhiều năm của bản thân, năm 2018, gia đình bà Oanh thoát khỏi hộ nghèo. Đến năm 2019 gia đình bà Oanh thoát cận nghèo.

“Những ngày đầu vào Tây Nguyên lập nghiệp, bao nhiêu vốn tích lũy dồn mua rẫy. Nhiều hôm đi làm về gạo trong nhà không còn 1 hạt. Khi tham gia sinh hoạt tại chi hội, tôi được các chị, em động viên, giúp đỡ vay vốn làm ăn, chỉ cho cách làm ăn, thoát nghèo mấy năm nay. Gia đình tôi đã có điều kiện hơn để sửa chữa ngôi nhà ván ghép ọp ẹp thành căn nhà cấp 4 kiên cố, tươm tất hơn”, bà Oanh xúc động.

dscf3724(1).jpg
Bà Vũ Thị Oanh (bên trái) là một trong nhiều hội viên, phụ nữ được Chi hội Phụ nữ thôn 13 hỗ trợ thoát nghèo

Những năm gần đây, công nghệ thông tin 4.0 được áp dụng nhiều trong công tác hội. Với sự ham học hỏi của mình, bà Loan đã xây dựng các nhóm zalo để giúp hội viên, phụ nữ trong hội dễ dàng theo dõi, nắm bắt thông tin. Chi hội Phụ nữ thôn 13 cùng với bà Loan đang được kỳ vọng là một trong những chi hội điển hình của xã Tâm Thắng tham gia Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội” do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

Một vai 2 gánh

Sau 8 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, năm 2016, bà Loan được bà con tin nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn 13. Đồng thời, bà Loan còn kiêm chức Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 13.

Làm trưởng thôn ban đầu cũng có cái khó cho một phụ nữ vốn đảm đang và quen việc nhà như bà. “Ngày trước làm đoàn thể, chỉ khi xong việc nhà, có thời gian rảnh mới tham gia, còn thôn trưởng thì nhiều việc hơn, sổ sách giấy tờ gì cũng nhiều hơn, phải đi nhiều hơn”, bà Loan cười.

Cũng theo bà Loan, không phải ngẫu nhiên mà những người làm việc thôn, việc xóm được ví von là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Bởi với nguồn phụ cấp hạn hẹp, trong khi khối lượng công việc lớn, nếu không đủ tâm huyết, trách nhiệm thì khó mấy ai mặn mà gắn bó, đặc biệt là nữ giới. Là Trưởng thôn nên bà Loan phải có mặt cùng chính quyền và các đoàn thể trong xã khi cần cho mọi công việc của thôn, nhất là đi vận động dân. Nào là vận động giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tham gia làm đường nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới... "Thôn 13 có 124 hộ, với 488 khẩu, từ ngày làm Trưởng thôn, điện thoại của tôi luôn mở 24/24h và reo bất kể ngày đêm. Có những đêm mưa to, nước ngập đường tràn vào nhà dân, bà con cũng gọi tôi. Hay số bảo hiểm y tế của con cái bị sai, bà con cũng tìm tới tận cửa”, bà Loan cho hay.

Và một việc bà cho là có nhiều ý nghĩa trong công việc thôn, việc hội đó là công tác hòa giải. Rất nhiều việc cần hòa giải, từ chuyện tranh chấp đất đai, tranh chấp hàng rào, đường đi lại đến chuyện lục đục trong gia đình, người thân cãi nhau, vợ chồng đòi ly hôn… Cũng có chuyện bà và tổ chức hòa giải được, có chuyện không được phải đưa lên cấp trên. “Cũng vui vì mình giúp nhiều gia đình, nhiều người trong thôn bớt giận nhau, nối lại tình làng nghĩa xóm, sớm tối có nhau, được như thế cũng quý rồi”, bà Loan tâm sự.

Bên cạnh đó, bà Loan tích cực tham gia và vận động người thân, người dân hiến máu cứu người. Riêng bản thân bà Loan đã tham gia hiến máu 7 lần, đồng thời qua nhiều lần vận động, càng ngày có nhiều người dân trong thôn, xã cùng bà thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.

dscf3779(1).jpg
Bà Bùi Thị Kim Loan (bên phải) là Trưởng thôn uy tín của Nhân dân, là điểm tựa của chị em Hội Phụ nữ thôn 13, xã tâm Thắng, huyện Cư Jút

Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tâm Thắng cho biết, bà Bùi Kim Loan là nữ thôn trưởng duy nhất của xã Tâm Thắng, được bà con địa phương yêu mến, tín nhiệm. Với kinh nghiệm cùng sự nhiệt huyết với công tác thôn, hội, bà Loan đã dẫn dắt thôn và Chi hội Phụ nữ thôn 13 ngày càng phát triển, giúp người dân trong thôn thay đổi tích cực hơn trong đời sống vật chất và tinh thần".

Là một nhà giáo về hưu nhiều năm, lẽ ra bà Bùi Kim Loan có thể lựa chọn cuộc sống an nhàn, quây quần bên con cháu. Tuy nhiên, với niềm đam mê với công tác xã hội, cộng đồng, bà Loan không quản khó khăn vất vả, phiền hà, luôn nỗ lực đi đầu trong các hoạt động tại địa phương. “Nghỉ hưu rồi, con cái cũng đều trưởng thành và có gia đình riêng, nên tôi có nhiều thời gian rảnh. Bản thân lại còn khỏe nên tôi luôn muốn được cống hiến cho xã hội. Với tâm niệm “Cho đi là còn mãi”, tôi sẽ “vác tù và hàng tổng” này tới khi nào không thể nữa thì thôi”, bà Loan vui vẻ.

Hoàng Dương