Đời sống

Đắk Nông cần trợ giúp chống sạt lở bờ sông Krông Nô

Lê Phước 07/03/2024 06:15

Trước tình hình sạt lở bờ sông Krông Nô ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ TN-MT thực hiện điều tra, đánh giá nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Sông Krông Nô bắt nguồn từ dãy núi Chư Yang Sin, độ cao trên 2.000m. Sông chảy về phía Tây qua các thung lũng rồi chuyển sang hướng Bắc hợp lưu với sông Krông Ana.

Dòng sông dài 189km, đi qua ranh giới 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông. Riêng đoạn sông chảy qua địa bàn huyện Krông Nô dài 53,3km, thuộc khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, đoạn qua tỉnh Đắk Nông diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là các xã: Nâm N’đir, Đức Xuyên, Đắk Nang, huyện Krông Nô.

Tại xã Nâm N’đir, nhiều công trình giao thông nội đồng, thuỷ lợi và đất canh tác ven sông liên tục sạt xuống bờ sông. Nhiều đoạn sạt vào sâu tới 20m so với trước đây.

dji_0786.jpg
Một đoạn dài đường bê tông ở xã Nâm N'đir bị sạt xuống sông Krông Nô

Tại địa phận Đắk Nông, ngành chức năng đã khoanh định 18 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 9km. UBND tỉnh Đắk Nông đã cấm hoạt động khai thác khoáng sản tại các điểm này.

Năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng và giải pháp khắc phục sạt lở bờ sông Krông Nô. Ngoài lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, các đơn vị có liên quan và nhiều chuyên gia.

Hội thảo đã xác định, có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông Krông Nô. Trong đó, hai nguyên nhân đầu tiên là do hoạt động xả nước của thủy điện (vùng sạt lở thuộc hạ lưu Thủy điện Buôn Tua Srah) và khai thác cát (có 13 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô).

Ngoài ra còn có 3 nguyên nhân khác là: quy luật vận động của dòng chảy tự nhiên, kết cấu địa chất yếu và do biến đổi khí hậu.

img_0455.jpg
Sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn qua Đắk Nông diễn biến phức tạp

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đang diễn biến phức tạp. Có một số điểm sạt lở mới phát sinh với chiều dài khoảng 500m.

Tại các khu vực sạt lở trước đây, bờ sông tiếp tục bị khoét sâu vào bên trong. Sạt lở gây hư hỏng đường giao thông và có nguy cơ gây hỏng công trình trạm bơm ven sông.

UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, sông Krông Nô thuộc giáp ranh của 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Do đó, việc điều tra, đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông và đưa ra các giải pháp giảm thiểu sạt lở bờ sông cần phải thực hiện đồng bộ.

Khoản 4, điều 23, Nghị định 23 năm 2020 của Chính phủ quy định, Bộ TN-MT tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông liên tỉnh. Bộ TN-MT tổ chức điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng lòng sông liên tỉnh và tổ chức nghiên cứu xác định biến đổi dòng chảy, quy luật tự nhiên tác động đến ổn định lòng sông.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ TN-MT chủ trì việc thực hiện điều tra, đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Krông Nô.

Tỉnh Đắk Nông kỳ vọng, Trung ương sẽ có đánh giá toàn diện. Từ đó, Bộ TN-MT sẽ đưa giải pháp giảm thiểu sạt lờ bờ sông để bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ sản xuất và đất đai của người dân 2 bên bờ sông Krông Nô.

dji_0746.jpg
Tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Krông Nô diễn biến phức tạp và cần Trung ương điều tra, đánh giá và có giải pháp khắc phục

Lê Phước