Kinh tế

Nông dân vùng biên giới Tuy Đức thu tiền tỷ từ cây ngắn ngày

Hưng Nguyên 07/03/2024 06:10

Nhiều người dân ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) trồng cây ngắn ngày để tạo thu nhập thường xuyên, khai thác hiệu quả lợi thế khí hậu, quỹ đất.

Huyện Tuy Đức có gần 60.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện khá đa dạng, với hơn 120 loại. Trong đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.

Trong những năm gần đây, khi giá cả các sản phẩm của nhiều loại cây nông nghiệp dài ngày giảm thì các loại cây trồng ngắn ngày đã trở thành chủ lực, giúp nông dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.

tuyduc_caynganngay-2-1-.jpg
Cây ngắn ngày đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở Tuy Đức

Năm 2017 – 2018, giá hồ tiêu, cà phê xuống thấp anh Nguyễn Xuân Tuấn, ở thôn 2, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) quyết định chuyển đổi cây trồng, tập trung sản xuất cây ngắn ngày. Mỗi năm tùy điều kiện anh Tuấn thuê đất để sản xuất.

Hiện nay, anh đang sản xuất hơn 20ha đất và liên kết sản xuất với khoảng 20 hộ dân trồng rau, củ, quả. Mỗi năm trừ chi phí anh Tuấn thu nhập từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Anh Tuấn cho biết, tùy từng loại rau, củ, quả, từng thời điểm và giá cả để nói về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, anh đã liên kết được với công ty, ký kết tiêu thụ 15 loại rau củ quả mỗi ngày khoảng 5 – 7 tấn nên sản xuất là có lợi nhuận.

"Đối với những người sản xuất cây ngắn ngày luôn đối mặt với rủi ro về “được giá mất mùa, được mùa mất giá” vì thế người sản xuất cần tính toán thời vụ, khí hậu và nhất là không để trùng thời điểm thu hoạch với các nơi khác để tránh “dội chợ”, giá rẻ", anh Tuấn chia sẻ.

Cây ngắn ngày toàn huyện khoảng 2.850 ha, sản lượng đạt trên 36.527 tấn, gồm: lúa, ngô, khoai lang, đậu đỗ, các loại rau xanh, chanh dây, bí đỏ, gừng nghệ.

Trong các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, 5 loại cây có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều nhất và chiếm ưu thế về diện tích, sản lượng gồm: khoai lang, chanh dây, bắp cải xanh, củ cải trắng, bí đỏ.

Cụ thể, khoảng 560ha khoai lang, sản lượng đạt trên 8.560 tấn; chanh dây 364ha, sản lượng 3.750 tấn; bắp cải xanh 280ha, sản lượng 784 tấn; củ cải trắng 162ha, sản lượng trên 400 tấn; bí đỏ 71ha, sản lượng 163 tấn...

tuyduc_caynganngay-1-(1).jpg
"Khoai lang Tuy Đức" cây ngắn ngày trở thành đặc sản huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Với lợi thế, nhanh cho thu hoạch, có thể luân canh trồng nhiều vụ trong năm, thời gian qua việc mở rộng trồng cây nông nghiệp ngắn ngày được người dân quan tâm đầu tư.

Đến nay huyện đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất rau xanh, khoai lang, bí đỏ chuyên canh tập trung quy mô lớn trên địa bàn các xã Đắk Búk So, Quảng Tâm, Quảng Trực. Các vùng sản xuất chanh dây trên địa bàn xã Quảng Tân, Đắk R’tíh, Quảng Tâm và Đắk Ngo.

Theo tính toán của ngành chức năng, trung bình mỗi năm, trên 1 ha đất canh tác, bằng biện pháp luân canh, có thể trồng cây ngắn ngày được 2 - 3 vụ.

Tùy thuộc vào giá cả từng thời điểm khác nhau, mỗi một vụ trồng bắp cải, khoai lang, củ cải trắng, đậu cô ve... cho thu nhập khoảng 60-120 triệu đồng/ha/vụ sau khi đã trừ chi phí. Nếu mỗi năm canh tác 3 vụ, sẽ cho thu nhập được khoảng 180 -300 triệu đồng/ha/năm.

Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục phân vùng và phát triển các loại cây nông nghiệp ngắn ngày phù hợp với lợi thế của từng địa phương.

Trong đó, huyện xác định phát triển, sản xuất mở rộng diện tích trồng khoai lang, rau xanh theo quy mô hàng hóa trên địa bàn 3 xã Quảng Tâm, Quảng Trực, Đắk Búk So. Huyện xây dựng, phát triển các vùng sản xuất chanh dây tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân và Đắk R’tíh.

“Các ngành chức năng của huyện cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết, hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu về cây ngắn ngày. Trên cơ sở đó, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối... kết nối đầu ra cho người nông dân yên tâm, đa dạng cây trồng, phát triển ổn định kinh tế”, ông Diện trao đổi.

Hưng Nguyên