Những tục lệ của người M’nông gắn với vòng đời cây lúa

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:12, 06/03/2024

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, người M’nông có niềm tin vào sức mạnh của đấng thần linh, có thể giúp con người trong cuộc sống và trong lao động sản xuất. Vì vậy, trong vòng đời phát triển cây lúa, họ thường tổ chức nhiều tục lệ, lễ nghi.

Tục lệ đầu tiên là chọn rừng làm rẫy. Từ xưa, người M’nông đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chọn đất làm rẫy, đó là những khu đất tương đối bằng phẳng và khuất gió, gần sông suối. Sau khi tìm được đất tốt, họ tiến hành nghi lễ cúng đất, cầu xin các đấng thần linh như thần rừng, thần cây to... và cầu khấn linh hồn tổ tiên, ông bà cho con cháu phát rẫy làm ăn an toàn.

Sau khi chủ rẫy đi chọn đất về nhà, trên đường đi không được nói chuyện gì với ai, nếu gặp ai hỏi thì chủ rẫy vẫn im lặng. Trước khi về nhà, chủ rẫy phải bảo với vợ con bỏ hết nồi niêu để trên bếp xuống rồi mới được bước vào trong nhà; ăn cơm xong rồi đi ngủ, không được uống rượu; sáng hôm sau nếu mơ thấy những điều tốt lành thì tiếp tục phát rẫy đã chọn, nếu mơ thấy điềm dữ thì phải bỏ đất đó và đi tìm đất khác.

Sau khi tìm được đất chọn rẫy thì họ tiến hành tục lệ phát rẫy. Tục lệ này gồm hai bước, sau khi chủ rẫy đã có giấc mơ tốt thì hôm sau họ đi phát tiếp, bước hai là phát cúng cơm. Ngày đi phát cúng cơm, chủ rẫy lên rẫy phát tiếp, mang theo cơm để ăn trưa. Khi đến nơi, chủ rẫy phát một vạt nhỏ rồi nghỉ ngơi tại chỗ. Đến trưa, chủ rẫy chuẩn bị ăn cơm thì tiến hành làm lễ cúng thần linh. Chủ rẫy lấy một cục cơm và một ít canh trong bữa ăn trưa của mình để lên chiếc lá cây tươi rồi khấn cầu thần rừng. Tục lệ đi phát cúng cơm của người M’nông kéo dài đủ bốn ngày liền và khi ngủ đêm, chủ rẫy không mơ thấy điềm xấu thì tiếp tục phát cho xong rẫy.

Trong thời gian đi phát rẫy, khi đốn cây to, nếu thấy hiện tượng chồn bò qua, hoặc con ốc sên từ trên cây rơi xuống trúng vào cán rìu, cán rựa thì đó là những điềm xấu, khu rẫy đó phải bỏ và đi tìm chọn rẫy khác. Kể từ ngày khẩn đất đến hết bốn ngày phát cúng cơm, nơi nhóm lửa nấu cơm trên đất khẩn, tối có nhện giăng tơ thì đấy cũng là điềm xấu, phải bỏ rẫy này đi tìm rẫy khác.

Sau khi phát rẫy xong, người M’nông tiến hành tục lệ cúng khi đốt rẫy, thường vào tháng 3 âm lịch. Vào ngày đi đốt rẫy, chủ rẫy phải kiêng nước, sau khi ăn sáng xong thì đi đốt rẫy. Khi đi, chủ rẫy mang theo cây tre khô, có phết mỡ heo hoặc mỡ gà cho dễ cháy rồi lấy một cái lông chim đuôi công tự rụng bỏ vào trong ống tre khô để làm mồi lửa. Chủ rẫy không quên mang lễ vật cúng thần linh là một con gà nhỏ và một ít nước cốt rượu cần.

Sau khi dọn rẫy, người M’nông tiến hành tục lệ cúng khi trỉa hạt. Trước khi trỉa lúa khoảng ba, bốn ngày, họ lấy lúa giống ra đập rồi sàng sảy cho sạch sẽ. Trong khoảng thời gian đó, họ kiêng, không cho người lạ vào nhà; trong trường hợp nếu có khách vào nhà thì phải ở lại giúp gia đình trỉa lúa xong mới được về. Đến ngày trỉa lúa, người M’nông làm lễ cúng giống lúa trỉa, gọi là pot ba tuch, để cầu mong trỉa lúa được an toàn và thuận lợi. Hôm đó, họ mang lễ vật lên rẫy để cúng khấn thần linh, gồm một con heo hoặc gà, ché rượu và nậm rượu cốt, đá lúa rìu vik (bằng đá). Khi đến rẫy, họ để lễ vật vào một chỗ sạch sẽ và cao ráo rồi tiến hành làm cây nêu nhỏ cắm xuống rẫy làm nhà lúa; sau đó, lấy gùi lúa giống xếp chung quanh cây nêu. Chủ rẫy lấy tiết heo (hoặc gà) hòa với rượu rồi vẩy vào gùi lúa giống, khấn thần linh. Sau đó, chủ rẫy tưới nước lã vào gùi lúa rồi trộn lúa giống với máu heo (hay máu gà) cùng với nước cốt rượu, cơm nếp và cầu khấn thần linh, xin phép cho trỉa lúa.

Khi lúa chín, người M’nông tuốt lúa mới về làm lễ “cúng ăn cơm lúa mới”. Trước khi làm lễ, họ đi rừng săn bắt chim, thú; cua, cá ở sông suối đem về làm thịt để cúng thần linh và ăn với cơm lúa mới. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết, buổi tối ăn cơm lúa mới, chủ nhà sửa soạn lễ vật dâng cúng thần linh là một ché rượu cần, con gà nướng, một bát to gạo lúa mới rồi bày lễ vật vào cái nia cùng với dao, xà gạc, rìu, cào. Họ lấy cơm gạo mới, tiết gà hòa với nước rượu cốt phết cúng cho dao, xà gạc, rìu, cào ăn với ngụ ý trả công cho chúng. Tiếp đến, chủ nhà lấy máu gà, nước rượu, cơm gạo mới phết cúng đá bếp và khung cửa ra vào, cúng bàn thờ, kho lúa, bàn thờ tổ tiên.

Sau khi cầu khấn thần linh xong thì chủ nhà mời mọi người cùng hưởng thụ lễ vật. Các gia đình trong bon thường mời đại diện các chủ hộ đến nhà ăn cơm gạo mới; gia đình nào vắng mặt thì chủ nhà cử người nhà mang đến biếu một tô cơm gạo mới. Xong tục lệ này, chủ nhà lấy máu gà phết vào ché rượu rồi làm lễ khấn mời các vị thần linh uống rượu. Cúng lễ xong, chủ nhà vít cần rượu ở ché rượu cúng uống trước rồi mời dân làng uống rượu cúng theo thứ tự già uống trước, trẻ uống sau.

CHẤN HƯNG