Giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 12:49, 06/03/2024
Một khu "đất vàng" nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột trong nhiều năm qua tỉnh Đắk Lắk chưa hoàn thiện thủ tục để bán đấu giá thu ngân sách nên thiếu kinh phí đầu tư cho các dự án. |
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, hoạt động bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ trong tháng diễn ra sôi động, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bảo đảm, giá cả ổn định. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, lành mạnh; số lượng khách du lịch đến tỉnh và doanh thu du lịch đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Một trong những điểm sáng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 2 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk là công tác giải ngân đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực.
Một khu "đất vàng" nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột trong nhiều năm qua tỉnh Đắk Lắk chưa hoàn thiện thủ tục để bán đấu giá thu ngân sách nên thiếu kinh phí đầu tư cho các dự án. |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, đến ngày 31/1/2024 toàn tỉnh đã giải ngân được 4.093,502/5.096,053 tỷ đồng, đạt 80,3% kế hoạch, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính theo số lượng Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương điều chỉnh giảm vốn nước ngoài là 139,401 tỷ đồng thì giải ngân đạt 83% kế hoạch.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân được 2.456,628/3.302,059 tỷ đồng, đạt 74,4% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân được 1.635,742/1.793, 994 tỷ đồng, đạt 91,25 kế hoạch.
Như vậy, tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực so với kế hoạch đầu tư công năm 2022, cao hơn trung bình chung cả nước là 0,5% và đứng đầu về giải ngân đối với 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 40/115 đơn vị được giao thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Tuy nhiên, xét về tổng thể thì tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa cao, một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa triển khai thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; thiếu đất đắp cho công trình; nguồn thu sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án.
Công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa thực hiện tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư. Một số chủ đầu tư chưa quan tâm ưu tiên vốn cho thực hiện giải phóng mặt bằng. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa được nâng cao…
Một dự án thi công chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng, mặt bằng và tái định cư. |
Trong năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk ngân sách do tỉnh quản lý để thực hiện dự án là 4.259,965 tỷ đồng, trong đó đã giao chi tiết đến từng dự án là 3.952,515 tỷ đồng, đạt 92,8% kế hoạch, vốn còn lại chưa giao chi tiết là 307,45 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đã giao được 2.048,317/2.115,736 tỷ đồng, đạt 96,8%, số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 67,419 tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách địa phương đã giao 1.904,198/2.144,229 tỷ đồng, đạt 88,8% kế hoạch, số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 240,031 tỷ đồng. Trong đó, các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2024 với số vốn là 174,271 tỷ đồng; hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã là 9 tỷ đồng và vốn đối ứng ODA là 33,405 tỷ đồng; nguồn vốn vay lại là 23,355 tỷ đồng.
Về kết quả giải ngân, đến ngày 29/2/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao chi tiết đến từng dự án là 3.952,515 tỷ đồng, đã giải ngân 733, 597/3.952,515 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch, cao hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân được 556,486/2.048,317 tỷ đồng, đạt 27,2% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân được 177,111/1.904,198 tỷ đồng, đạt 9,3% kế hoạch…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm 2024 và yêu cầu việc giải ngân vốn đầu tư công phải đúng tiến độ, theo mục tiêu của dự án; các đơn vị giải ngân từ 80% vốn đầu tư công trở lên cuối năn mới được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ; các đơn vị giải ngân dưới 30% chỉ đánh giá hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Việc thi công các dự án, công trình chậm tiến độ ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. |
Ngoài đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho rằng, tình hình thu ngân sách trong 2 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến tích cực, toàn tỉnh thu ngân sách được hơn 1.596 tỷ đồng, bằng 22,81% dự toán Trung ương giao và 18,79% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, thu biện pháp tài chính hơn 233 tỷ đồng, đạt 12,3% dự toán Trung ương giao và 14,37% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là mà tăng cường công tác thu ngân sách, nhất là thu các biện pháp tài chính, trong đó tập trung thu từ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh đề ra là 8.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh theo Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời đẩy nhanh thực hiện 5 dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk…