Nâng cao nhận thức về hòa bình và an ninh

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:06, 06/03/2024

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhận định, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân chính là những “khoản đầu tư” vào nỗ lực bảo đảm nền hòa bình bền vững.

Việc nâng cao nhận thức về những hậu quả nghiêm trọng và tiềm tàng của việc sử dụng các loại vũ khí, nhất là vũ khí hủy diệt hàng loạt, đóng vai trò không nhỏ trong nỗ lực chung này. Trên cơ sở đó, ngày 5/3 đã được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế nhận thức về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhất là vũ khí hạt nhân, vẫn đặt ra thách thức đối với an ninh toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Việc tàng trữ và buôn bán trái phép các loại súng, vũ khí hạng nhẹ là tác nhân gây ra và làm trầm trọng thêm các vụ bạo lực, khủng bố và các cuộc xung đột vũ trang, gây nguy hại tới hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, khu vực. Các công nghệ mới được ứng dụng trong chế tạo vũ khí cũng đặt ra không ít mối lo với cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị diễn ra ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện và các công ước về vũ khí sinh học và hóa học là những “chiến thắng vì hòa bình” và phải đấu tranh gian khổ mới có được.

Các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhất là vũ khí hạt nhân, vẫn đặt ra thách thức đối với an ninh toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, ông Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về sự chia rẽ địa chính trị sâu sắc, chi tiêu quân sự gia tăng, xung đột và bạo lực bùng phát trên toàn cầu. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ngoại giao là công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy giải trừ quân bị và Hội nghị ở Geneva được xem là “liều thuốc” cho sự chia rẽ đang ngăn cản tiến trình này. Tại Hội nghị, ông Antonio Guterres nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm việc thực hiện các cam kết về vũ khí hạt nhân.

Nạn mua bán vũ khí trái phép xuyên biên giới làm gia tăng các vụ khủng bố, bạo lực vũ trang và săn bắn động vật hoang dã trái phép ở châu Phi. Những hành vi này đã bị các quốc gia Đông và Nam Phi lên án tại cuộc họp khu vực diễn ra ở thủ đô Nairobi của Kenya trù bị cho Hội nghị kiểm điểm lần thứ tư Chương trình hành động của Liên hợp quốc về ngăn chặn, chống và xóa bỏ mua bán trái phép súng nhỏ và vũ khí hạng nhẹ.

Tại cuộc họp, các đại biểu nhận định, những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế “dòng chảy” vũ khí bất hợp pháp chính là tăng cường kiểm soát biên giới, thúc đẩy hợp tác khu vực về kiểm soát vũ khí, cải thiện khả năng quản lý kho dự trữ vũ khí, cũng như nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật.

Nhận thức về tầm quan trọng của nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân cần được phổ biến rộng rãi trong người dân, nhất là thế hệ trẻ. Văn phòng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị vừa qua đã lựa chọn được các ứng viên xuất sắc trong hơn 1.000 thanh niên đến từ 128 quốc gia để tham gia chương trình đào tạo nhằm tăng cường và lan rộng sự hiểu biết về vấn đề này.

Những ứng viên trẻ, trong đó có bác sĩ, nghệ sĩ, các nhà hoạt động vì hòa bình, quyền bình đẳng giới và quyền thanh thiếu niên, được chọn vì những cam kết và có cách tiếp cận sáng tạo trong việc thúc đẩy kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.

Tham gia chương trình, những thanh niên đại diện cho nhiều quốc gia, khu vực sẽ có cơ hội chia sẻ quan điểm và kết nối với các diễn đàn quốc tế về giải trừ quân bị. Chương trình đào tạo này, cùng nhiều hoạt động khác được Văn phòng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị triển khai là một phần của nỗ lực thu hút, giáo dục và trao quyền cho thanh niên nhằm tạo ra sự thay đổi vì một thế giới hòa bình và an toàn hơn.

Ngày Quốc tế nhận thức về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân là lời nhắc nhở cần đưa ra những giải pháp thiết thực, góp phần ngăn ngừa và chấm dứt xung đột và bạo lực vũ trang, xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn. Trong thông điệp đưa ra nhân ngày này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng cất lên tiếng nói và đẩy nhanh hành động vì mục tiêu chung.

VI AN