Đắk Nông đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khoa giáo
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 824-QĐ/TU, ngày 2/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoa giáo có nhiều chuyển biến tích cực.
Đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thực hiện Quyết định số 824, ban tuyên giáo các cấp đã phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp ban hành hơn 30 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác khoa giáo. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chương trình hành động, kế hoạch, đề án... để tổ chức triển khai vào thực tiễn.
Công tác phối hợp giữa các ngành trong khối khoa giáo với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc cung cấp thông tin tuyên truyền được chú trọng. Các sở, ngành, địa phương còn xây dựng các trang thông tin điện tử, tập san; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và các trang mạng xã hội. Trong đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các vùng công giáo. Ngành LĐTB - XH phối hợp đăng tải 116 tin, bài, phóng sự về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặt mua tạp chí Gia đình và Trẻ em cấp cho 8 huyện, thành phố và 71 xã, phường, thị trấn...
Từ năm 2013 đến nay, các ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông đã tham gia cung cấp trên 40 lượt thông tin tại hội nghị giao ban báo chí, báo cáo viên Tỉnh ủy; trên 200 tin, bài, ảnh liên quan đến các nội dung phối hợp tuyên truyền để phục vụ đăng tải trong thông báo nội bộ, thông tin cơ sở.
Ngành VHTT-DL biên soạn, in ấn hơn 4.350 cuốn tài liệu, cấp phát hơn 4.000 tờ rơi, treo 3.500 băng rôn, 2.700 câu khẩu hiệu... về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ gia đình và chăm sóc trẻ em. Toàn ngành đã thành lập và duy trì 49 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; 686 mô hình hoạt động độc lập...
Cùng với tuyên truyền, Sở NN - PTNT tổ chức 30.501 lượt tuần tra, kiểm tra; 764 lần họp dân; vận động các hộ dân sống gần rừng ký 10.885 bản cam kết về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngành cũng tổ chức các lớp tập huấn về thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho Nhân dân.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát hiện và nhân rộng nhân tố mới trong quá trình triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao trách nhiệm của các đơn vị
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, qua 10 năm thực hiện Quyết định số 824, trách nhiệm của ban tuyên giáo, các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực khoa giáo được nâng lên rõ rệt.
Ban tuyên giáo các cấp tích cực, chủ động trong việc tham mưu giúp cấp ủy xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác khoa giáo thông qua việc đề xuất các nhiệm vụ để đưa vào chương trình công tác hàng năm và theo nhiệm kỳ của ban thường vụ cấp ủy. Ngành Tuyên giáo thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp trong xây dựng, thẩm định các chương trình, chỉ thị, đề án, kế hoạch, kết luận thuộc lĩnh vực khoa giáo, bảo đảm tính chính trị, tư tưởng trước khi trình thường trực cấp ủy hoặc cấp ủy ban hành, tổ chức thực hiện.
Ban tuyên giáo các cấp phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa giáo từ tỉnh đến cấp xã về các lĩnh vực: y dược, nghiên cứu khoa học, môi trường, trí thức, bảo hiểm xã hội... Các đơn vị này cũng chủ động phối hợp nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội và việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước tại địa phương, đơn vị về lĩnh vực khoa giáo.
Đến nay, ban tuyên giáo các cấp tỉnh Đắk Nông đã hình thành 50 kênh truyền thông trên mạng xã hội phục vụ cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành gần 20 cuộc điều tra xã hội học phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Các cơ quan quản lý Nhà nước về khoa giáo quan tâm, chủ động hơn trong công tác tham mưu, cung cấp cho ban tuyên giáo các thông tin về kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, kế hoạch, chương trình, dự án có tác động đến tư tưởng, đời sống của người dân khi có yêu cầu.
Các đơn vị phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về nội dung, quy trình tham mưu xây dựng dự thảo các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án thực hiện của ngành trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua hình thức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản. Nhờ đó, công tác tham mưu cho cấp ủy các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực khoa giáo ngày càng được nâng cao về chất lượng, bảo đảm tính khả thi khi triển khai vào thực tế.
Công tác tham mưu của các sở, ngành cho cấp ủy và UBND cùng cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác khoa giáo, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân tiếp tục có sự đổi mới. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp hướng dẫn tổ chức gần 20 lượt họp báo, phát hành thông cáo báo chí để cung cấp các thông tin chính thống về các vụ việc nổi cộm được Nhân dân, dư luận quan tâm. Hoạt động góp phần ngăn chặn các thế lực thù địch chống phá, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, những hạn chế của chính quyền địa phương để xuyên tạc, kích động người dân.
Sở Tài nguyên - Môi trường đã chủ động phối hợp nghiên cứu, triển khai việc tổ chức điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trước khi triển khai các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tác động lớn. Đồng thời, đơn vị tiếp nhận và nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xử lý các ý kiến, đề nghị của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án mang tính trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống của đông đảo người dân.