Ươm mầm xanh nơi biên giới Đắk Nông
Nhiều năm qua, những người lính mang quân hàm xanh nơi biên giới tỉnh Đắk Nông vừa là cha, vừa là thầy ươm những mầm xanh, chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo nơi biên giới.
Con nuôi cũng như con ruột
Em Nguyễn Đức Thắng, thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song có hoàn cảnh khó khăn. Nhà Thắng có hai chị em. Bố đã mất nhiều năm. Một mình mẹ Thắng làm lụng nuôi hai chị em ăn học. Không có đất sản xuất, mẹ Thắng chủ yếu làm thuê để mưu sinh qua ngày. Năm 2023, sau khi tìm hiểu, khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh của gia đình, Đồn Biên phòng (ĐBP) Đắk Song đã quyết định nhận Thắng làm con nuôi.
Chị Trịnh Thị Hà, mẹ của Thắng cho biết: “Khi được các cán bộ ĐBP Đắk Song xuống gặp gỡ, trao đổi và nhận cháu làm con nuôi, tôi cũng trăn trở, suy nghĩ. Nhưng với niềm tin ở với các chú bộ đội, Thắng sẽ được chăm sóc, dạy dỗ nên người, có điều kiện học tập tốt hơn, nên tôi đồng ý”.
Kể từ khi có Thắng về ở, cuộc sống, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ tại Tổ địa bàn của ĐBP Đắk Song có thêm tiếng nói, tiếng cười, vui đùa của trẻ nhỏ. Ở đây, Thắng được các bố bộ đội chăm sóc như chính người con của mình từ đưa đón đi học, lo cái ăn, cái mặc đến hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân.
Thắng chia sẻ: “Ở đây, con được các bố chăm sóc, dạy bảo rất nhiều điều hay. Mỗi khi con nhớ nhà, các bố luôn gần gũi, động viên, an ủi. Dần dần, con đã quen với môi trường mới”.
Các cán bộ tại Tổ địa bàn của ĐBP Đắk Song đa phần đều có gia đình, con cái, nhưng vì điều kiện, nhiệm vụ, nên không thể thường xuyên gặp gỡ. Do đó, khi nhận Thắng về nuôi dưỡng, phần nào cũng giúp cán bộ nơi đây vơi bớt nỗi nhớ gia đình.
Trung tá Lê Khắc Chiến, Đội Phòng chống ma túy và tội phạm ĐBP Đắk Song cho hay: “Là người lính biên phòng, chúng tôi thường xuyên bám, nắm địa bàn, thời gian dành cho gia đình rất ít. Khi đón Thắng về ở cùng, chúng tôi luôn coi Thắng như con ruột của mình. Bên cạnh học tập tại trường, chúng tôi còn dành thời gian để hỗ trợ làm bài tập, chỉ dạy những việc phù hợp để sau này con có thể phục vụ bản thân mình. Tiếng trẻ con cười nói phần nào cũng giúp cuộc sống của chúng tôi thêm màu sắc”.
Con nuôi ĐBP là một trong những chương trình góp phần ươm mầm xanh nơi biên giới được Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua. Đến nay, các ĐBP đã nhận nuôi 7 em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thêm ấm lòng và tự hào khi nuôi dưỡng các con
Em Y Dũng ở bon Sar Pa, xã Thuận An, là con nuôi của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu Thuận An, huyện Đắk Mil. Gia đình Y Dũng có 4 chị em. Chị gái đầu bị bệnh tim bẩm sinh. Sau Y Dũng còn có hai em nhỏ. Bố mẹ Y Dũng thường xuyên đau ốm, không có đất, phương tiện sản xuất, ai thuê công thì làm để có thu nhập. “Năm em học lớp 2, buổi chiều mẹ chở về nhà thì có 2 chú bộ đội biên phòng đang nói chuyện với bố. Các chú gọi em lại gần và hỏi: Con có muốn làm con nuôi của các chú không? Con trả lời: Con không biết. Sau đó, bố mẹ nói với con làm con nuôi của các chú, con sẽ được lo ăn, ở, học tập tốt hơn. Ngày nào không đi học, các bố sẽ cho về nhà chơi. Thế nên, con đã đồng ý”, Y Dũng kể lại.
Kể từ khi ở với các bố biên phòng, hàng ngày, Y Dũng đều được rèn luyện tính kỷ luật về giờ giấc tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đi học. Thời gian rảnh rỗi, Y Dũng còn được hướng dẫn trồng, chăm sóc vườn rau, học nấu ăn một số món đơn giản... Mỗi buổi tối, các bố lại hướng dẫn, giúp Y Dũng ôn tập bài cũ, học bài mới để đến trường tiếp nhận kiến thức tốt nhất.
Cô giáo Phạm Thị Chiến, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Thuận An cho biết, Y Dũng cũng như những học sinh dân tộc thiểu số ở xã thường nhút nhát, ít nói hay tự ti. Thế nhưng, kể từ khi ở cùng bộ đội biên phòng, em đã tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Từ một học sinh học ở mức trung bình, đến nay, em Y Dũng đã vươn lên trở thành học sinh xuất sắc. Em Y Dũng cũng tham gia rất nhiều cuộc thi như giải toán qua mạng internet, toán tuổi thơ, giao lưu tiếng Việt của chúng em...
Trung tá Nguyễn Quốc Trị, Đội phó Đội Vận động quần chúng ĐBP Cửa khẩu Thuận An cho biết: “Con Y Dũng rất chăm ngoan, nghe lời và luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong học tập. Mỗi lúc các bố bận, em đều phụ giúp những việc đơn giản như nấu cơm, luộc rau, dọn dẹp nhà cửa... Đặc biệt, nhiều năm qua, Y Dũng đều là học sinh xuất sắc. Điều này, làm chúng tôi thêm ấm lòng và tự hào”.
Điểm tựa cho học sinh đặc biệt khó khăn
Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thông qua việc nhận nuôi các em, mối quan hệ giữa các ĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các em càng thêm gắn bó. Mô hình này còn góp phần thực hiện tốt phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, tạo điểm tựa vững chắc cho các em học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cùng các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở khu vực biên giới.
Ngoài mô hình “Con nuôi ĐBP”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông còn tập trung triển khai nhiều chương trình khác. Như mô hình “Nâng bước em đến trường” đã và đang hỗ trợ 69 em, với số tiền 523 triệu đồng mỗi năm. “Dự án cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường” hỗ trợ 153 em, với số tiền 1,132 tỷ đồng mỗi năm. Các ĐBP còn nghiên cứu, đề ra cách làm mới để các em không chỉ được học hành nâng cao trình độ mà còn có điều kiện để phát triển toàn diện bản thân.
Có thể nói, những mô hình do cán bộ, chiến sĩ biên phòng triển khai thực hiện thực sự là điểm tựa vững vàng cho các em học sinh mồ côi, dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.