Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:20, 17/11/2023

Tọa đàm với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Tiềm năng và cơ hội”, cùng với chương trình văn hóa-nghệ thuật đặc sắc và không gian triển lãm “Sắc màu văn hóa Việt Nam tại Pháp,” góp phần củng cố quan hệ hữu nghị-hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Pháp cũng như thúc đẩy trao đổi văn hóa và du lịch giữa hai quốc gia.
Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 1

Lễ khai mạc triển lãm "Sắc màu văn hóa Việt Nam tại Pháp". (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Trong khuôn khổ chương trình Tuần Văn hóa Việt Nam tại Pháp, ngày 16/11 tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris, tọa đàm “Du lịch Việt Nam - Tiềm năng và cơ hội” thu hút được quan tâm của đông đảo doanh nghiệp lữ hành Pháp, bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam và đại diện các hội đoàn cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Tham dự buổi tọa đàm có Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh.

Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 1

Lễ khai mạc triển lãm "Sắc màu văn hóa Việt Nam tại Pháp". (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, tọa đàm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan, doanh nghiệp lữ hành-du lịch Việt Nam và Pháp trong việc chủ động thúc đẩy, phát triển quan hệ giữa hai quốc gia trong nhiều mặt.

Du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch biển đảo với những cảnh quan hấp dẫn, bãi biển đẹp, du lịch sinh thái với bản làng, lối sống thân thiện, mến khách, cần cù lao động của 54 dân tộc, đang được tập trung khai thác theo hướng phát triển du lịch bền vững.

Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa thiên nhiên, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu và 3 công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận. Nhiều điểm đến du lịch đã được xếp hạng hàng đầu thế giới bởi các chuyên trang tư vấn-đánh giá du lịch có uy tín như World Travel Award, TripAdvisor, Telegraph… hay các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC…

Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong nhiều năm qua, Liên minh châu Âu là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện sâu rộng nhất, là quốc gia ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với Liên minh châu Âu.

Ngoài việc mở đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn, trung tâm du lịch của Việt Nam và Pháp, do hai hãng hàng không quốc gia hàng đầu của hai nước Vietnam Airlines và Air France khai thác, nhiều hoạt động quảng bá khác thường xuyên được triển khai như tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch, đoàn khảo sát, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp hay tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Top Resa.

Chính phủ Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Pháp đi du lịch tại Việt Nam từ năm 2015 và đã nâng thời hạn tạm trú cho du khách Pháp lên đến 45 ngày kể từ ngày 15/8/2023.

Theo xếp hạng của hãng US News & World Report về những đất nước hùng mạnh nhất thế giới năm 2022, Việt Nam xếp thứ 30 với GDP đạt 363 tỷ USD. Việt Nam cũng được đánh giá cao là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới trong thời gian qua. Du lịch-dịch vụ góp phần quan trọng như động lực tăng trưởng giúp cho Việt Nam bảo đảm 3 trụ cột lớn bao gồm công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.

Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại tọa đàm về về xúc tiến du lịch. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hiện nay, Chính phủ và các địa phương Việt Nam đang nỗ lực triển khai các nhóm nhiệm vụ như xem xét, hoàn thiện hệ thống chính sách và tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy làm mới thường xuyên các sản phẩm du lịch, khuyến khích yếu tố con người và nhân lực với chủ trương “mỗi người Việt Nam là một đại sứ du lịch.

Theo ông Guillaume Linton, Giám đốc điều hành Công ty du lịch ASIA Voyages (Pháp), với kinh nghiệm hơn 35 năm khai thác du lịch tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này xác định Việt Nam là một điểm đến ưu thích, gửi hơn 4.000 du khách Pháp đến Việt Nam mỗi năm.

Liên minh châu Âu là thị trường truyền thống của ngành du lịch Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 2,17 triệu lượt khách du lịch châu Âu, chiếm 12% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, khách du lịch Pháp đến Việt Nam đạt 290.000 lượt, tăng 3% so với năm 2018. Pháp đứng thứ 2 trong những thị trường gửi khách lớn nhất của Liên minh châu Âu tới Việt Nam.

Ông Guillaume Linton chia sẻ: “Chúng tôi rất tự tin khi giới thiệu tới khách hàng những đặc trưng, phong tục, tập quán độc đáo của các nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Chính điều này làm nên dấu ấn riêng biệt của nền du lịch Việt Nam, không thể nhầm lẫn trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á.”

Để thúc đẩy du lịch giữa hai nước, ông Guillaume Linton gợi ý: Chúng ta cần tăng cường sự trao đổi và hợp tác giữa các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành, các đối tác điều hành, khu nghỉ dưỡng nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại Pháp.

Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 3Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 4

Lễ trao nhận văn bản ký kết hợp tác. (Ảnh: MINH DUY)

Cuối buổi tọa đàm là lễ trao nhận văn bản ký kết hợp tác giữa hai văn phòng đại diện của Vietravel và Vietnam Airlines tại Pháp, cũng như giữa Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa-Du lịch Việt Nam

Bên cạnh đó, chương trình văn hóa-nghệ thuật đặc sắc và không gian triển lãm “Sắc màu văn hóa Việt Nam tại Pháp” thu hút được quan tâm của đông đảo khán giả.

Triển lãm “Sắc màu văn hóa Việt Nam tại Pháp” với chủ đề “Tranh lụa và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” giới thiệu văn hóa, cuộc sống và con người Việt Nam thông qua 40 bức tranh của các họa sĩ đương đại, gần 100 bức ảnh về di sản và các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.

Tranh lụa là một thể loại tranh độc đáo đặc trưng của Việt Nam. Cùng với tranh sơn mài, tranh lụa Việt Nam còn nổi tiếng là một môn nghệ thuật thể hiện sự giao thoa thành công giữa các giá trị nghệ thuật phương Đông và phương Tây từ trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam cuối những năm 1920, đầu những năm 1930.

Không gian triển lãm với gần 100 bức ảnh giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận, ghi lại những hình ảnh kiến trúc, cảnh quan, đất nước, con người Việt Nam.

Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 5
Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh phát biểu khai mạc triển lãm “Sắc màu văn hóa Việt Nam tại Pháp.” (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Cùng với đó, các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các nghệ nhân Việt Nam như: gốm, mây, tre, sơn mài, chế tác bạc, áo dài, trang phục truyền thống dân tộc và các sản phẩm lụa, thổ cẩm, đèn lồng Hội An, hoa sen giấy Huế... được trưng bày, giới thiệu trong triển lãm lần này tạo nên một không gian văn hóa Việt Nam thu nhỏ, đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn.

Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 6

Sự giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa phương Đông và phương Tây thể hiện rõ trên dòng tranh lụa của Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY)

Xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới ảnh 7

Các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các nghệ nhân Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY)

Đại dịch Covid-19 để lại nhiều ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp đến ngành du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch của hai quốc gia Việt Nam và Pháp nói riêng. Đến nay, khi tình hình đã được kiểm soát, hai nước mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch và triển khai nhiều kế hoạch khôi phục ngành “công nghiệp không khói”.

Chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Pháp là cơ hội tốt để doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Pháp chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

KHẢI HOÀN - MINH DUY