Nét đẹp văn hóa rượu cần
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 21:36, 28/02/2024
Rượu cần được uống ngay trong ché, không qua chưng cất hay chắt lọc. Muốn uống rượu cần phải có sự chuẩn bị, thông thường người Ê Đê dựng những cây cột tre cao chừng 2-3m, được trang trí thêm những tua chỉ ngũ sắc, hoa hay những thanh gỗ nhỏ đẽo gọt các hình con thú cho đẹp và rực rỡ thêm, dùng để buộc rượu thành vòng tròn hay hàng ngang tùy theo tính chất của buổi uống rượu. Các ché rượu được buộc chặt vào từng cột để tránh bị đổ và còn mang ý nghĩa là đường để các Yàng xuống uống rượu chung vui.
Người Ê Đê hái những lá rừng không có nhựa và không độc nén chặt vào trong ché, dùng những thanh nứa hoặc tre nhỏ găm chặt lớp lá phía dưới cổ ché rượu, có nơi dùng cách xoắn lá thành một vòng tròn. Việc lót lá nhằm mục đích để khi đổ nước vào, bã rượu không bị trào ra ngoài, đồng thời tạo nên một khoảng trống từ cổ đến miệng ché. Khoảng trống này là cữ cho người uống. Mỗi cữ khoảng 1/4 lít. Uống hết một cữ là phải tiếp thêm nước. Sau khi gài lá, đổ nước vào cho đầy đến miệng ché. Nước uống rượu phải là nước suối tinh khiết lấy vào buổi sáng sớm, đổ trước khi uống từ 5-7 giờ để rượu đủ ngấm.
Tiếp đó, việc chuẩn bị cần để uống rượu cũng hết sức quan trọng. Cần rượu được người Ê Đê làm bằng cây trúc hoặc cành tre nhỏ, dài từ 1,2-1,5m, được xoi thông ruột. Đầu cần là mấu đã được khoét thành khe và đục 3-4 lỗ nhỏ, đủ để rượu thấm mà không mang theo bã hoặc trấu, mỗi ché rượu chỉ dùng một cần, khi nào đám cưới mới sử dụng hai cần. Cần cắm vào ché sao cho vừa tầm của người ngồi uống và không bị tắc, đó cũng là cái khéo của người cắm cần.
Theo anh Y Mang, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cư M’gar, một nghi thức quan trọng trong bất cứ một cuộc uống rượu cần nào của người Ê Đê là cử ra một người điều hành, đây không phải là thầy cúng, chủ lễ, mà là một người hiểu biết, lịch thiệp. Người điều hành có nhiệm vụ mời ai uống trước, uống sau theo thứ tự từ già đến trẻ, nữ uống trước, nam uống sau. Sau nữ chủ nhân là người khách quan trọng nhất có mặt ở buổi lễ. Người điều hành cầm cần rượu hút một ngụm rồi nhổ đi, sau đó đưa mời. Trong suốt buổi uống rượu, chiếc cần được chuyền từ tay người này sang tay người khác, mà không được để rời ra. Nếu không uống thì dùng ngón tay cái bịt đầu cần…
Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống, song rượu cần vẫn là một thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội của buôn làng và dành đãi khách của người Ê Đê cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Điều quan trọng hơn cả, nét văn hóa rượu cần chứa đựng tính cố kết cộng đồng, tình yêu, sự chia sẻ, là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của dân tộc Ê Đê nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung