Đời sống

Đắk Nông rộn ràng lễ hội đầu năm

Mỹ Hằng 29/02/2024 06:01

Mùa xuân, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc cũng là lúc đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bước vào mùa lễ hội đầu xuân. Lễ hội góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

Hàng năm, đúng ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng, đồng bào Mạ, bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong tổ chức lễ cúng bến nước để cảm tạ thần nước đã ban cho người dân cuộc sống yên bình.

Mọi công tác đều được bà con chuẩn bị hết sức công phu, nhất làdựng cây nêu. Bởi cây nêu chính là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng vật hiến tế. Vì mang một sứ mệnh đặc biệt nên cây nêu được các già làng trang trí chạm khắc cầu kỳ, với nhiều hình khối tượng trưng cho chim thú, cây cối, văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ.

dsc_9448(1).jpg
Tái hiện Lễ cúng 70 gùi lúa của người M'nông tại Hội xuân Liêng Nung năm 2024

Khi mặt trời chuẩn bị khuất núi, con vật hiến tế được dẫn ra buộc vào cột nêu. Vòng chiêng xoang đã sẵn sàng. Già làng đứng hướng về cây nêu khấn mời thần linh về chứng giám và dự lễ với dân làng. Dứt lời khấn của già làng, âm thanh chiêng nổi lên rộn rã, nam thanh nữ tú cùng nhau nắm chặt tay nới rộng vòng xoang.

Nghi thức mời Yàng (thần linh) về dự lễ xong, người dân cùng nhau chung vui bên ché rượu cần, thưởng thức cơm lam, thịt nướng và những món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống. Từ già làng, chủ nhà, du khách, gái, trai, già, trẻ cùng quây quần, xích lại gần nhau, ngây ngất trong tiếng cồng chiêng vang vọng cùng điệu múa xoang uyển chuyển… Già làng K’Krang, bon Phi Mur cho biết: “Năm nào đồng bào Mạ chúng tôi cũng tổ chức lễ cúng bến nước vào dịp đầu xuân, ý nghĩa và hạnh phúc lắm. Thấy cuộc sống bon ngày càng phát triển hơn trước ai cũng vui mừng và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa”.

Tương tự, vào dịp đầu năm mới, bà con dân tộc Mạ, bon B’Nơr, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong tổ chức lễ cúng thần đá để cầu mong một năm an lành, bon làng thịnh vượng. Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết: “Lễ cúng thần đá là một nghi lễ truyền thống tốt đẹp của người Mạ trên địa bàn. Ngoài cầu may mắn, khi làm lễ cúng, người dân còn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, gia đình có nhiều sức khỏe, con cái chăm ngoan… Địa phương luôn tạo điều kiện, hỗ trợ bà con tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân”.

hinh1-1-(1).jpg
Đồng bào Mông ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong xúng xính tham gia lễ hội đầu xuân

Cùng với các lễ hội của đồng bào dân tộc tại chỗ, các dân tộc phía Bắc khi di cư vào lập nghiệp ở Đắk Nông cũng mang theo những lễ hội của mình. Trong đó, Lễ hội Lồng Tồng được đồng bào dân tộc Mông, ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong; dân tộc Tày, Nùng ở xã Nam Đà, Nam Xuân, huyện Krông Nô tổ chức hàng năm với ước vọng cho một năm mới khởi sắc, mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh. Tại lễ hội, người dân và du khách còn được hòa mình vào không khí tưng bừng với những nội dung văn hóa, trò chơi dân gian hết sức đặc sắc; thưởng thức điệu hát then, đàn tính, múa khèn Mông, múa sư tử…

Mỗi dân tộc đều có một lễ hội riêng biệt và mang đậm bản sắc đặc trưng riêng. Việc tổ chức lễ hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện đạo lý nhớ về nguồn cội, gốc tích của tổ tiên. Lễ hội không chỉ tạo không khí vui tươi mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thông qua lễ hội, người dân có khoảng thời gian quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày, để hòa mình vào không khí hân hoan của ngày hội. Hàng năm, ngành Văn hóa Đắk Nông chỉ đạo các địa phương giám sát và theo dõi việc tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, bảo đảm an toàn cho cả người dân và du khách khi đến tham gia lễ hội và trải nghiệm văn hóa truyền thống.

Mỹ Hằng