Cao tốc sẽ tạo lực bứt phá cho Đắk Nông
Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được đánh giá sẽ là động lực đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của Đắk Nông
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Dự án có chiều dài 128,8km.
Trong đó đi qua Đắk Nông 27,8km, qua tỉnh Bình Phước 99km và 2km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111ha và ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ dân.
Dự án được giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc đã quy hoạch. Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, tốc độ thiết kế 100-120 km/giờ.
Đoạn qua TP. Đồng Xoài (Bình Phước) có nền đường rộng 25,5m. Đoạn 2km kết nối từ nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có nền đường rộng 12m.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 12.770 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư PPP thu xếp 12.770 tỷ đồng. Dự án được chia thành 5 dự án thành phần (1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).
Trong đó, dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng cao tốc theo hình thức PPP với tổng vốn hơn 19.600 tỷ đồng do UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền.
Mỗi tỉnh là cơ quan có thẩm quyền 2 dự án thành phần liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt qua địa phận tỉnh mình.
Tháng 12/2023, Chính phủ đã trình gửi Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Ngoài việc phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy chế làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hướng tuyến của dự án có sự điều chỉnh nên cần phải tiến hành khảo sát các quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công.
Vào cuối tháng 1/2024, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khảo sát thực địa và làm việc với 2 tỉnh tại Bình Phước. Đoàn công tác đã nghe các địa phương, đơn vị tư vấn, thiết kế báo cáo một số vấn đề liên quan đến nội dung tờ trình dự án.
Đoàn công tác đề nghị Bình Phước, Đắk Nông và các đơn vị tư vấn thiết kế bổ sung hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chặt chẽ, khả thi, có tính thuyết phục cao để sớm trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã bày tỏ niềm vui, sự mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân 2 địa phương đối với cao tốc.
Cả 2 tỉnh luôn xem cao tốc là dự án trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương và của vùng. Bình Phước và Đắk Nông rất mong muốn Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để dự án sớm được thông qua và triển khai xây dựng.
Theo Giám đốc Sở GT-VT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, sau khi hoàn thành, cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Đắk Nông đi Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh. Dự án tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
“Cao tốc là động lực, đột phá cho Đắk Nông, Bình Phước và các tỉnh lân cận. Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cao tốc sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư và bảo đảm quốc phòng - an ninh”, ông Bản cho hay.