Kinh tế

Đắk Nông chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô vụ đông xuân

Văn Tâm 26/02/2024 04:21

Nhiều diện tích ngô ở huyện Krông Nô (Đắk Nông) bị sâu keo mùa thu tấn công. Ngành chuyên môn, người dân đang triển khai phòng, trừ loại sâu hại này.

bap2(1).jpg
Nhờ áp dụng biệp pháp phòng trừ từ đầu, ruộng ngô của ông Đặng Văn Hiếu, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô (Đắk Nông) không bi sâu keo mùa thu gây hại

Theo Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô, đến nay, toàn huyện gieo trồng được 1.406ha ngô vụ đông xuân. Hầu hết diện tích ngô đang trong giai đoạn phát triển thân lá đến trổ cờ phun râu.

Hiện có nhiều diện tích ngô xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại rải rác tại các xã Đức Xuyên, Nâm N’đir, Đắk Nang, Buôn Choáh… Diện tích gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con từ 6 – 10 lá, với mật độ thấp từ 3 – 5 con/m2, mật độ cao từ 10 con/m2.

Gia đình ông Đặng Văn Hiếu, ở xã Nâm N’đir, có 2ha đất sản xuất. Vụ này, gia đình ông Hiếu xuống giống hơn 1ha bắp, diện tích còn lại trồng khoai lang. Ngay từ đầu vụ, ông Hiếu đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xuống giống, chăm sóc và phòng ngừa sâu hại cho ruộng ngô.

Ông Hiếu cho biết: “Để cây ngô phát triển tốt, đầu vụ tôi đã cày đất, để ải đất, bón lót và thường xuyên theo dõi sâu hại trên ruộng ngô. Khi phát hiện các loại sâu hại như sâu keo, sâu ăn lá, tôi kịp thời tiến hành các biện pháp phòng ngừa nên ngăn chặn được sâu hại phát sinh và lây lan.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Đức, ở xã Nâm N'đir trồng hơn 1ha ngô vụ đông xuân. Những ngày sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ruộng ngô của ông Đức xuất hiện tình trạng sâu keo mùa thu tấn công. Ông Đức đã sử dụng thuốc bột rải trực tiếp vào ngọn, bẹ lá cây ngô nên đã ngăn chặn được sâu keo phát triển lây lan đi nơi khác.

bap-(1).jpg
Ruộng ngô của người dân xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô bị sâu keo mùa thu gây hại

Ông Đức cho hay: “Qua thực tế phòng ngừa sâu keo qua mỗi mùa vụ, việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phun xịt trực tiếp thì phải định kỳ 3 lần nhưng hiệu quả không cao. Do đó, áp dụng biện pháp rải thuốc bột sinh học trực tiếp sẽ giúp ngăn chặn sâu keo ngay từ đầu và trong suốt giai đoạn ngô non”.

Theo ông Đức, để ngăn ngừa sâu keo phát sinh, ông đã tiến hành làm sạch cỏ dại, cày ải, phơi đất để diệt trừ nguồn sâu keo trong đất, không để phát sinh sâu bệnh cho mùa vụ mới.

Theo bà Lê Thị Diệu Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Krông Nô, sâu keo có nhiều giai đoạn gây hại cho cây ngô. Trong đó, thời gian sâu non trung bình 13-15 ngày, trong thời gian này sâu gây hại trên cây trồng.

Giai đoạn ngô phát triển thân lá, sâu non ăn biểu bì của lá non tạo thành các vết trăng nhỏ li ti, khi sâu lớn dần ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn. Giai đoạn bắp trổ cờ, phun râu, sâu ăn râu, cờ và chui vào ngô gây hại.

bap(1).jpg
Cây ngô giai đoạn phát triển thân lá rất dễ bị sâu keo gây hại

Để ngăn ngừa sâu hại, bà con có thể lựa chọn giống ngô có khả năng kháng sâu cao như: NK7328 Bt/GT, NK66 Bt/GT, NK6101 Bt/GT, 6919S, 99558S… để gieo trồng. Trước khi gieo trồng cần làm đất, phơi đất kỹ để ấu trùng và nhộng trong bề mặt đất phía trên chết hoặc bị thiên địch tiêu diệt.

Bà con cũng cần chú ý hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu như: ong ký sinh, bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm…

Theo bà Thảo, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Đặc biệt là giai đoạn bắp 3 – 7 lá, nếu mật độ sâu từ 4 con/m2 trở lên hoặc tỷ lệ hại trên 20% số cây, cần dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun tập trung tại các ruộng bị nhiễm sâu keo, không phun tràn lan.

z5178311512749_f73789ab1861349627366dadbc47b0b0(1).jpg
Chăm sóc, phòng ngừa sâu hại tốt, dự kiến năng suất ngô của ông Nguyễn Văn Đức. ở xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô, đạt 12 tấn/ha

“Để phòng trừ sâu keo hiệu quả, cần phun thuốc từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7 ngày. Khi sử dụng thuốc phải áp dụng biện pháp 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng phương pháp”, bà Thảo cho biết thêm.

Văn Tâm