Giải trí

Bài thơ "Nguyên Tiêu" của Hồ Chủ tịch

Kiên Trung23/02/2024 11:03

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, vô vàn kính yêu của nhân dân ta - Người còn là một Nhà thơ lớn của dân tộc, là Danh nhân văn hóa của thế giới. Hội nhà văn Việt Nam đã quyết định: Lấy rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, ngày Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng làm “NGÀY THƠ VIỆT NAM”

Bài thơ “Nguyên tiêu”, Bác làm bằng chữ Hán “Nguyên” là bắt đầu, “Tiêu” là đêm - “Nguyên tiêu” là đêm trăng tròn đầu tiên của một năm rất đẹp và trong sáng:

Bài thơ “Nguyên tiêu”

今夜元宵月正圓,

春江春水接春天。

煙波深處談軍事,

夜半歸來月滿船。

Nguyên tiêu

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Dịch nghĩa

Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,

Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xuân.

Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,

Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng.

Bản dịch của Xuân Thuỷ

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Văn học Việt Nam: Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu) - Hồ Chí Minh - YouTube

Tháng 2 năm 1948.

Nguồn:

1. Hồ Chí Minh - Thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1975

2. Hồ Chí Minh toàn tập (tập 5), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Nguyên tiêu"

Sau chiến thắng Thu - Đông (sông Lô) và trận Bông Lau vang dội (tháng 10-1947) dư âm còn vang vọng, Bác Hồ, vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc lại cùng với Trung ương bàn việc quân trong đêm “Rằm tháng giêng” đầu xuân Mậu Tý (1948) ở giữa núi rừng Việt Bắc để hoạch định cho những chiến thắng tiếp theo.

Bài thơ tràn ngập ánh trăng tròn lồng lộng “nguyệt chính viên” trong khung cảnh đêm “Rằm tháng giêng” ở núi rừng Việt Bắc. Bác bàn “việc quân” với các đồng chí Trung ương ở nơi thâm xứ để giữ bí mật, kế hoạch tiến công quân giặc, đã cầm chắc chiến thắng trong tay. Trên đường về vui cảnh non sông, đất nước, ánh trăng vàng bát ngát trong đêm xuân phong cảnh núi rừng Việt Bắc tuyệt đẹp! - Bác hiện ra trên mạn thuyền vầng trán cao râu tóc bạc óng ánh dưới ánh trăng, giữa núi rừng, sông suối như một vị tiên ông, như một nhà hiền triết, tỏa sáng giữa “Thủ đô gió ngàn”.

Bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy (bằng thể thơ lục bát) rất thanh thoát, gợi cảm nhưng so với nguyên tác của Bác, hay hơn nhiều ở từng câu, từng chữ, các hình ảnh như hòa quyện với nhau rất đẹp và khỏe khoắn, khó mà truyền đạt hết được. “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên” - nghĩa là sông xuân, nước xuân, trời xuân, láy lại ba chữ “xuân” - trời nước, giang sơn, Tổ quốc là xuân - xuân mới, xuân kháng chiến - xuân chiến thắng của cả dân tộc. “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”. Nơi núi rừng sâu thẳm, lờ mờ khói sóng “Bàn việc quân” phải cảnh giác, giữ bí mật, tập trung trí tuệ vào việc lớn, đầu óc khá căng thẳng ở nơi “Thâm xứ” không thể nhìn thấy trăng được, mặc dù Bác Hồ rất yêu trăng. “Dạ bán quy lai”... nửa đêm ra về thì “trăng đã đầy thuyền” - Bác vui với cảnh non sông, đất nước, với ánh trăng ngàn Việt Bắc giữa đêm “Rằm tháng giêng” rất thiêng liêng với mùa xuân đầy hứa hẹn của dân tộc.

Từ nguồn thi hứng ấy, Bác đã viết bài “Nguyên tiêu”, là một trong những bài thơ hay của Bác. Bài thơ hay là ở cái tứ chặt chẽ và hình tượng đẹp: “Trăng ngân đầy thuyền” - Cái đẹp của thiên nhiên hòa nhập với vẻ đẹp cốt cách, tâm hồn hào sảng, uyên bác của Bác.

Bài “Nguyên tiêu” của Bác tràn ngập ánh trăng xuân của chiến khu Việt Bắc và bao la bát ngát tình trên khắp núi sông đất Việt. Bài thơ chỉ viết trong khoảnh khắc nhưng có một vẻ đẹp rất cổ điển, lại mang hơi thở của thời đại trong cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của dân tộc, chống thực dân Pháp xâm lược.

Bài thơ là niềm tin tưởng lạc quan của quân dân ta vào ngày chiến thắng huy hoàng và là ngày hội thơ của toàn dân tộc yêu thơ trên đất Việt.

Kim Dũng

Cảm nhận về bài thơ “Rằm tháng giêng”

Mỗi dòng sông, ngọn cỏ, nhành hoa, ánh trăng... gần gũi, mộc mạc đi vào thơ Hồ Chí Minh lại trở nên có hồn và ấm áp yêu thương. Đọc thơ Bác chúng ta yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu những gì bình dị nhất. Bài thơ Rằm tháng giêng ra đời trong một đêm trăng tháng Giêng, giữa khung cảnh trời mây hữu tình, nên thơ và trong không khí bàn việc quân căng thẳng. Tuy nhiên người đọc vẫn nhận ra được chữ “tình” thật đầy, thật dạt dào qua từng câu thơ Người viết.

Rằm tháng giêng có tiếng Hán là Nguyên tiêu được Xuân Thuỷ dịch thành thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển. Có lẽ dịch giả Xuân Thuỷ đã khiến cho người đọc như đang ở trong khung cảnh lãng mạn giữa sông nước mênh mông tràn đầy ánh trăng đó. Không phải là ánh trăng của những ngày thường mà là ánh trăng ngày rằm tháng giêng, ánh trăng giữa không gian cuộc chiến tranh đang ác liệt.

Chỉ với 4 câu thơ lục bát, bằng nét bút tài tình Hồ CHí Minh đã vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh mùa xuân thật đẹp, thật trữ tình:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)

Đêm trăng rằm tháng giêng là đêm trăng thiêng liêng, đêm trăng đẹp nhất trong năm vì nó mang hơi thở và sức sống của mùa xuân tươi mới, ấm áp. Đọc câu thơ Bác, chúng ta như đang chìm đắm trong sắc xuân, khí xuân, vị xuân nồng nàn và tràn đầy sức sống nhất. Ánh trăng xuân “lồng lộng” mang vẻ đẹp hữu tình, lung linh, rực rỡ. Với cách đảo từ láy “lồng lộng” trên trước đã nhấn mạnh vẻ đẹp rạng ngờ của đêm trăng rằm tháng giêng. Phải thật khéo, thật tinh tế Hồ Chí Minh mới có thể nhận ra vẻ đẹp mê hồn đó.

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)

Một câu thơ làm toát lên được thần thái của mùa xuân, người đọc có cảm giác như mùa xuân và ánh trăng ngày xuân bao trùm lên nơi đây. Mùa xuân có sự nối tiếp từ đất đến nước và đến trời thật hữu tình. Đây là cách diễn tả từ gần đến xa rất có dụng ý của Hồ Chí Minh. Ánh trăng đêm rằm tháng giêng như dát xuống mặt sông một màu sắc lung linh, mơ hồ. Mùa xuân toát lên qua câu thơ của Hồ Chí Minh tràn đầy sức sống mãnh liệt nhưng cũng không kém phần thi vị, nên thơ. Ở câu thơ này, đường nét của mùa xuân hiện nên thật rõ ràng, không còn mơ hồ nữa. Thật vậy, thiên nhiên trong thơ Người luôn có thần thái, có linh hồn như vậy. Những cảnh vật gần gũi trong thơ Bác cũng khiến người ta phải ngỡ ngàng. Cách điệp từ “xuân” trong câu thơ tiếng Hán của người dường như đã nhấn mạnh thêm vẻ đẹp thi vị của mùa xuân. Tuy dịch giả không dịch được sát ý tứ thơ của Người nhưng đã phần nào thổi vào đó linh hồn của mùa xuân.

Hai câu thơ đầu tiên không hề xuất hiện hình ảnh con người, nhưng chuyển tiếp đến câu thơ thứ ba, người đọc nhận ra có sự hiển hiện của những con người, hay nói đúng hơn là hình ảnh của Bác:

Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Câu thơ đã tái hiện lại khung cảnh “bàn việc quân” ngay giữa dòng sông tràn ngập ánh trăng. Một khung cảnh hữu tình và một công việc liên quan đến vận mệnh của đất nước. Dường như có vẻ trái ngược nhau nhưng thực ra chính sự đối lập này đã làm nổi bật lên hình ảnh của những con người đang ngày đêm cống hiến cho đất nước. Ánh trăng ngày xuân dường như đá “tràn” vào khoang thuyền, nơi Bác đang “bàn việc”. Dịch giả đã dùng từ “trăng ngân đầy thuyền” đã diễn tả được thần thái và nên thơ của khung cảnh nơi đây. Ánh trăng trong thơ Bác như được đẩy đến đỉnh điểm, một mức mà có lẽ cái đẹp đã thoát tục.

Con thuyền xuôi mái giữa dòng sông trăng, tựa mạn thuyền người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đang đàm quân sự. Ánh trăng đêm này là ánh trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm được nhân dân đón đợi với bao tình cảm nồng hậu. Trăng đêm nay không phải là ánh trăng bình thường trước sân nhà, đầu ngõ. Bác thưởng trăng trên khói sóng, người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa mà còn là người đang hoạt động cách mạng với trọng trách nặng nề.

Đọc hai câu thơ cuối, người đọc lắng mình để cảm nhận về hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại. Dù việc quân bận rộn nhưng lòng bác luôn tràn đầy lòng yêu thiên nhiên, yêu sông núi Việt Nam. Những vần thơ chữ Hán của người khiến chúng ta liên tưởng đến thơ Đường của Trung Quốc, ý tại ngôn ngoại.

Nguyên tiêu thực sự là áng thơ hay tuyệt bút về mùa về, về trăng xuân, về tình yêu nước và yêu thiên nhiên nồng nàn. Giọng thơ nhẹ nhàng, tứ thơ uyển chuyển đã mở ra trước mắt người đọc khung cảnh xuân nên thơ nhất.

Kiên Trung