Phát triển du lịch lễ hội để đa dạng hóa sản phẩm du lịch ASEAN
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:52, 26/12/2023
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị du lịch và ngôn ngữ quốc tế, Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận. |
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được khoảng 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Nhiều chuyên gia du lịch dự báo, ngành du lịch thế giới có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á được đánh giá có tốc độ phục hồi chậm hơn do chịu tác động nặng nề từ đại dịch cũng như ảnh hưởng từ các thị trường nguồn mở cửa lại du lịch chậm hơn. Thống kê năm 2022, các nước thành viên ASEAN đón 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tức chỉ phục hồi 30% so với mức năm 2019.
Trước bối cảnh này, ngành du lịch ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác để tăng cường hiệu quả phát triển bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, với nhiều chính sách mới được ban hành như: Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021- 2025, Kế hoạch Phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn sau Covid-19…
Trong đó, “Phát triển du lịch lễ hội ASEAN” là một trong các dự án được quan tâm và kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong khu vực, đẩy mạnh kết nối điểm đến nội khối. Việt Nam hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Uỷ ban Nguồn lực, Giám sát và Đánh giá Du lịch ASEAN, là điều phối chính dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội ASEAN”.
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị du lịch và ngôn ngữ quốc tế, Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận. |
Tại hội thảo, chuyên gia Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã trình bày tổng quan về du lịch lễ hội ASEAN và những vấn đề đặt ra để phát triển du lịch lễ hội khu vực ASEAN, từ đó đề xuất một số giải pháp để phát triển hiệu quả du lịch lễ hội cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, như: tiếp tục có chính sách tạo thuận lợi hơn nữa về visa, cải cách thủ tục hải quan… nhằm thu hút khách quốc tế đến khu vực; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội thông qua công nghệ số; liên kết tổ chức khảo sát tuyến, điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội cho cả khu vực; có chính sách tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào khu, điểm du lịch gắn với không gian, tính chất, không gian chung của lễ hội…
Các tham luận: “Phát triển du lịch lễ hội - kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế”; “Giải pháp hợp tác giữa các nước ASEAN thu hút khách du lịch lễ hội”; “Xây dựng điểm đến lễ hội và sự kiện - kinh nghiệm của Đà Nẵng"… từ đại diện lãnh đạo các Sở Du lịch địa phương, chuyên gia nghiên cứu du lịch, trên cơ sở đó, mang đến cái nhìn sáng rõ hơn về việc nắm bắt các cơ hội để đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lễ hội, tạo ra tính đặc trưng, tăng cường sức cạnh tranh, xúc tiến ASEAN trở thành một điểm đến lễ hội, có khả năng kết nối khu vực và đa dạng hoá các tour du lịch.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Cơ quan Du lịch Quốc gia các nước thành viên ASEAN, hiệp hội du lịch, các cơ quan nghiên cứu tập trung thảo luận về kinh nghiệm quốc tế, những xu hướng mới dành cho du lịch lễ hội, đồng thời kiến nghị giải pháp và định hướng vai trò của các bên liên quan để quản lý và khai thác du lịch lễ hội hiệu quả, bảo đảm phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - di sản theo hướng bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu. |
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp các địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ngành du lịch để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng chính sách phù hợp, triển khai nhiều chiến dịch xúc tiến quảng bá về du lịch lễ hội nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của sản phẩm này.
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN nghiên cứu kết nối các tour du lịch lễ hội trong khu vực để tăng cường thu hút khách quốc tế, quảng bá ASEAN như một điểm đến chung bền vững, thống nhất và đáng trải nghiệm.