Nhân viên mặt đất của Lufthansa lại chuẩn bị đình công 27 giờ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:49, 19/02/2024
Đây là sự leo thang mới nhất trong làn sóng tranh chấp về tiền lương đã tấn công ngành hàng không nước này trong năm nay.
Cuộc đình công dự kiến kéo dài 27 giờ, bắt đầu lúc 4 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 20/2 và kết thúc lúc 7 giờ 10 phút sáng 21/2. Các sân bay bị ảnh hưởng là Frankfurt, München, Hamburg, Berlin, Düsseldorf, Köln và Stuttgart.
Ông Michael Niggemann, thành viên ban điều hành Lufthansa phụ trách nhân sự, cho biết thật đáng tiếc là đình công lại diễn ra vì hãng hàng không Đức đã đưa ra đề nghị "rất ưu ái" trong các cuộc đàm phán nhưng Verdi từ chối, gây nhiều bất tiện cho hành khách cũng như nhân viên của hãng.
Bộ phận dịch vụ mặt đất nằm trong số nhiều nhóm nhân viên Lufthansa đang đàm phán các thỏa thuận thương lượng tập thể. Verdi yêu cầu tăng lương 12,5% cho 25.000 nhân viên mặt đất, hoặc ít nhất thêm 500 euro (544,30 USD) mỗi tháng trong khoảng thời gian 12 tháng, cộng với khoản thanh toán một lần 3.000 euro mỗi người cho 25.000 nhân viên của Lufthansa để bù đắp lạm phát.
Lufthansa tuần trước đã đề nghị tăng lương 10%, nhưng bị 96% nhân viên từ chối vì cảm thấy mức lương của họ không phù hợp với lạm phát ở Đức, vốn ở mức 5,9% năm ngoái và 6,9% trong năm 2022 nhưng hiện đã giảm đáng kể xuống 2,9%.
Đại diện cho nhân viên mặt đất trong cuộc đàm phán tiền lương, ông Marvin Reschinsky cho rằng, mức lương cơ bản chỉ có 13 euro (14 USD) mỗi giờ làm việc cho nhân viên mặt đất “thực sự phản xã hội” và không công bằng so với mức tăng lương được đề nghị đối với phi công. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 21/2.
Các sân bay ở Đức đã hứng chịu làn sóng đình công hồi đầu tháng này khi nhân viên an ninh đình công đòi tăng lương. Hơn 1.000 chuyến bay đã bị hủy trên 11 sân bay lớn vào ngày 1/2, ảnh hưởng đến hơn 200.000 hành khách. Tiếp ngay sau đó, cuộc đình công của nhân viên mặt đất của Lufthansa cũng khiến 900 trong số 1.000 chuyến bay đã lên kế hoạch bị ảnh hưởng.
Hồi tháng Một, nhân viên an ninh và mặt đất sân bay đã đình công ở Hamburg và Berlin.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, gần đây đã hứng chịu nhiều cuộc đình công trên toàn quốc, ảnh hưởng đến ngành hàng không, đường sắt và giao thông công cộng.