Liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, Công an thông báo tìm bị hại và khuyến cáo người dân

Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 10:02, 18/02/2024

(Chinhphu.vn) – Công an tỉnh Gia Lai, Nghệ An phối hợp với Bộ Công an và Công an nhiều địa phương vừa triệt phá 2 đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân.

Liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, Công an thông báo tìm bị hại và khuyến cáo người dân- Ảnh 1.

Tang vật vụ án.

Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng xã hội chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng

Công an tỉnh Gia Lai vừa triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với hoạt động lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hàng chục đối tượng ở trong và ngoài nước cấu kết với nhau thông qua thủ đoạn gài bẫy nhận quà, ngoại tệ, giấy tờ từ nước ngoài gửi về Việt Nam.

Ngày 20/11/2023, trên cơ sở tiếp nhận đơn trình báo của chị H.T.S (trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) tố giác các đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 18 tỷ đồng, lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ trì, phối hợp với Phòng An ninh điều tra cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh lập án đấu tranh.

Hàng chục trinh sát đã được cử đi các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... để thu thập thông tin, xác minh tài liệu, chứng cứ về hoạt động phạm tội.

Trên cơ sở tài liệu thu thập được, Ban chuyên án đã đồng loạt khám xét khẩn cấp chỗ ở của nhiều đối tượng, thu giữ 02 máy tính xách tay, 14 điện thoại, hơn 130 triệu đồng, phong tỏa hơn 40 tài khoản ngân hàng, thu nhiều sim điện thoại, thẻ tài khoản ngân hàng và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan…

Bước đầu làm rõ đối tượng thực hiện vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 18 tỷ đồng của bị hại ở Gia Lai; bắt, khởi tố 02 đối tượng, trong đó có 01 đối tượng là người nước ngoài về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng".

Với thủ đoạn sử dụng nhiều mạng xã hội khác nhau, các đối tượng đăng hình ảnh, bài viết giả danh là bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư người nước ngoài, sau đó kết bạn làm quen, nói chuyện tình cảm với các nạn nhân và "than thở" đang làm việc tại vùng khó khăn, xảy ra chiến tranh, hiện có rất nhiều ngoại tệ, trang sức đắt tiền cần người tin tưởng để nhờ giữ hộ và nhận các loại giấy tờ để làm thủ tục cho người này về Việt Nam sinh sống.

Sau khi đồng ý, sẽ có các đối tượng khác giả danh nhân viên công ty vận chuyển hàng quốc tế, nhân viên sân bay, cán bộ hải quan, cán bộ thuế, Công an liên lạc với nạn nhân yêu cầu gửi các loại phí, thuế, tiền phạt, tiền hối hộ... thì mới nhận được gói hàng chứa nhiều ngoại tệ và giấy tờ từ nước ngoài gửi về.

Bằng thủ đoạn trên, nhóm đối tượng đã lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt số tiền gần 100 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước. Đây là đường dây lừa đảo có "chân rết" ở nhiều quốc gia Châu Á.

Các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều nạn nhân ở các nước như Nhật Bản, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam… Số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.

Hiện Ban chuyên án đang củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an Gia Lai trong đấu tranh với đường dây tổ chức tội phạm lừa đảo qua mạng xuyên quốc gia đang hoành hành.

Chiến công này là phần thưởng hết sức ý nghĩa, tiếp tục khẳng định bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ Công an quyết tâm giữ vững bình yên, hạnh phúc cho nhân dân vui Tết đón Xuân an lành.

Để có được chiến công xuất sắc này, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã không có Tết, quyết liệt tổ chức thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, kiên trì, mưu trí, đấu tranh không khoan nhượng để bóc trần, đưa đường dây tổ chức tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia ra ánh sáng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, Công an thông báo tìm bị hại và khuyến cáo người dân- Ảnh 2.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ.

Bắt 32 đối tượng giả danh cán bộ tư pháp lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố, các huyện có liên quan vừa phá thành công chuyên án đấu tranh với băng nhóm đối tượng người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền hơn 200 tỷ đồng, bước đầu bắt giữ 32 đối tượng.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm sử dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu phức tạp.

Đặc biệt là các đối tượng người Việt Nam cấu kết với các ổ, nhóm tội phạm chuyên nghiệp người nước ngoài có các công ty đóng trụ sở hoạt động tại các nước trong khu vực lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người Việt Nam.

Từ thực tế đó, từ tháng 7/2023 qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phát hiện tại tỉnh Nghệ An có một số đối tượng, ổ nhóm có nhiều dấu hiệu nghi vấn đang làm việc cho các công ty tại nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước.

Hoạt động ổ nhóm này đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã báo cáo đồng chí Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan Công an xác định, các đối tượng trong đường dây trên là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức làm việc cho các công ty nước ngoài vì một mục đích chung là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam.

Quá trình đấu tranh, Cơ quan Công an xác định Tăng Quảng Vinh (sinh năm 1989), trú tại phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam hoạt động phạm tội trong các công ty tại nước ngoài.

Theo đó, các đối tượng người Việt Nam hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty nước ngoài được tổ chức thành 03 tuyến gồm D1, D2, D3.

Trong đó, D1 là các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng có nhiệm vụ gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn thông báo tới "con mồi" việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.

Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, các đối tượng D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2.

D2 là những đối tượng xưng là Đại úy A - Cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của ông/bà đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội... (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1), yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.

Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo hiện dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại.

Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu… các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây). Trên cơ sở đó, D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại.

Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.

Liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, Công an thông báo tìm bị hại và khuyến cáo người dân- Ảnh 3.

Toàn bộ quá trình liên hệ với bị hại, các đối tượng luôn yêu cầu bị hại ở không gian độc lập, kín đáo, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo trên hoạt động rất tinh vi, có tổ chức, hàng ngày trong cuộc họp các đối tượng chia sẻ kinh nghiệm lừa đảo, những cách nói chuyện, câu nói, từ ngữ nói với bị hại để đạt hiệu quả cao hơn.

Quá trình theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ từ 04 giờ 30 đến 08 giờ ngày 06/02/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các huyện Yên Thành, Con Cuông, Diễn Châu, Tân Kỳ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Tổ 373 (Công an Nghệ An)... và Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) phá thành công chuyên án, đồng loạt khám xét, bắt giữ 32 đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật có liên quan.

Ngoài Tăng Quảng Vinh (đối tượng cầm đầu đường dây), 31 đối tượng còn lại bị Cơ quan Công an bắt giữ có 03 đối tượng trú tại thành phố Hồ Chí Minh gồm Vũ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1992); Lê Tuấn (sinh năm 1996) và Phạm Thanh Hậu (sinh năm 1996) cùng 02 đối tượng trú tại các tỉnh Bình Thuận và Thanh Hóa gồm: Lê Văn Tâm (sinh năm 1998), trú huyện Tánh Linh, Bình Thuận và Lê Tiến Tùng (sinh năm 1991), trú tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Tại Nghệ An, liên quan tới đường dây trên, Cơ quan Công an đã bắt giữ 26 đối tượng trú tại tỉnh Nghệ An gồm: 15 đối tượng trú tại huyện Yên Thành; 07 đối tượng trú tại huyện Con Cuông; 03 đối tượng trú tại huyện Diễn Châu; 01 đối tượng trú tại huyện Tân Kỳ

Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam cư trú ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền lừa đảo khoảng hơn 200 tỷ đồng.

Liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, Công an thông báo tìm bị hại và khuyến cáo người dân- Ảnh 4.

Tang vật vụ án

Cơ quan Công an thông báo tìm bị hại và khuyến cáo người dân

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đang tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án. Công an Nghệ An thông báo những ai là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo trên chưa liên hệ với Công an thì nhanh chóng trình báo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An để được phối hợp, giải quyết.

Qua chuyên án trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch; lực lượng Công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng…

Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, internet banking, mobile banking, cần kịp thời thông báo cho Công an nơi gần nhất.