Tạo động lực mới đưa Gia Lai “cất cánh”
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 21:01, 14/02/2024
Những tiền đề quan trọng
Năm 2023, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong điều kiện tình hình kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, ảnh hưởng hậu dịch Covid-19… nhưng trên các lĩnh vực, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với năm 2022, như: tổng diện tích gieo trồng đạt 587.199 ha, tăng 2,98%; giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản đạt 34.360 tỷ đồng, tăng 7,18%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 31.620 tỷ đồng, tăng 9,45%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 42.000 tỷ đồng, tăng 9,28%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 680 triệu USD, tăng 3,03%...
Từ cơ sở này, năm 2024 Gia Lai đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng GRDP 8,6%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.815 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 46.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 123.000 tỷ đồng...
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai một số giải pháp chủ yếu như đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các loại cây trồng chủ lực là cà-phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu…
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông, lâm sản; đồng thời sẽ tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để kịp thời giao vốn, bảo đảm triển khai các dự án ngay từ những tháng đầu năm 2024; chủ động rà soát, cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm hoặc chưa triển khai sang dự án có khối lượng, có nhu cầu bổ sung vốn để thi công…
Đồng chí Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh Gia Lai cho biết, nếu kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, thì trong năm 2024, tỉnh sẽ đưa vào vận hành khoảng 700 MW từ các nhà máy thủy điện và điện gió. Điều này sẽ đóng góp lớn vào giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng của tỉnh.
Ngoài ra, dự kiến năm 2024, Khu công nghiệp Nam Pleiku sẽ đi vào hoạt động; các cụm công nghiệp cũng sẽ được xây dựng để thu hút các dự án nhà máy chế biến… tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. “Về lâu dài, Gia Lai hướng mục tiêu, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế chia sẻ.
Nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, Gia Lai sẽ là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hóa, triển lãm quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông-Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa của tiểu vùng bắc Tây Nguyên.
Động lực mới
Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Gia Lai nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học-công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Đến năm 2050, Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; là điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh dựa trên ba trụ cột phát triển là: nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch đã thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho tỉnh Gia Lai.
Gia Lai là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ bắc Tây Nguyên, nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, đặc biệt về du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tốc độ chuyển dịch nền kinh tế còn chậm.
Tỉnh chưa thật sự trở thành một cực tăng trưởng, động lực kinh tế tại tiểu vùng bắc Tây Nguyên; tính kết nối chưa cao, chưa đồng bộ; khoa học-công nghệ chưa phát triển, đặc biệt trong nông nghiệp công nghệ cao; việc huy động các nguồn lực còn khó khăn; cơ cấu nền kinh tế chậm chuyển đổi; năng lực cạnh tranh yếu; tính liên kết giữa đô thị và nông thôn còn hạn chế...
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Gia Lai phát triển theo cấu trúc không gian 3 hành lang kinh tế và 4 tiểu vùng sinh thái-kinh tế. Ba hành lang kinh tế, gồm:
Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với Quốc lộ 14): Kết nối khu vực phía bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía nam với các tỉnh Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, đóng vai trò là hành lang thương mại-dịch vụ-công nghiệp, liên kết các đầu mối hạ tầng cơ sở cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác.
Hành lang kinh tế Đông-Tây (gắn với Quốc lộ 19) kết nối từ Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Hành lang kinh tế Quốc lộ 25, là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên).
Về 4 tiểu vùng sinh thái-kinh tế, gồm vùng 1: thành phố Pleiku, đô thị Chư Sê-Đắk Đoa-Chư Păh là trung tâm thương mại tổng hợp của vùng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Vùng 2: khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là khu vực tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn.
Vùng 3: thị xã An Khê-thị trấn Kbang là vùng đệm sinh thái lâm nghiệp, trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái của tỉnh. Vùng 4: thị xã Ayun Pa-Phú Thiện-Krông Pa là trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long nhấn mạnh: Xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm định hướng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch; trước mắt là quy hoạch ba loại rừng; quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku; các quy hoạch vùng; quy hoạch phân khu chức năng; quy hoạch chi tiết; kế hoạch sử dụng đất…
Tỉnh sẽ tập trung và quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; lựa chọn những điểm nghẽn để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ; chủ động hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện đối với các vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ…
“Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề rất quan trọng và hết sức cần thiết, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, đã cho thấy ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Gia Lai, từ đó tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới giúp cho tỉnh Gia Lai cất cánh, sớm trở thành trung tâm khu vực bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long khẳng định.