Sắc hoa bên suối
Phùng đứng giữa vạt cà phê trong ràn rạt gió. Có mùi hương đâu đây quen thuộc, mát lành. Phùng hít một hơi thở thật sâu, là hương hoa cà phê nở sớm.
1.
Phùng đứng giữa vạt cà phê trong ràn rạt gió. Có mùi hương đâu đây quen thuộc, mát lành. Phùng hít một hơi thở thật sâu, là hương hoa cà phê nở sớm. Chỉ lác đác thôi mà cũng đủ để dậy hương cả triền đồi. Phùng cắt lối rẽ xuống gò đất cạnh con suối ăm ắp nước. Nắng đang hong những giọt sương âm ấm giăng mắc trên những tán cây. Phùng ngả người khoan thai nằm gối đầu lên vạt cỏ. Trên nền trời cao rộng, vài đám mây nhẩn nha trôi về cuối đại ngàn. Yên tĩnh.
Đã có lúc, Phùng chán cái không gian tẻ nhạt ấy nhưng lúc này, Phùng lại thấy lòng nhẹ bẫng trước sự êm ả của cao nguyên những ngày cuối năm. Có lẽ cái thành phố ồn ã người xe và ánh đèn màu lung linh, ảo diệu hàng đêm chẳng phải dành cho Phùng. Ừ, thì không dành cho Phùng nhưng cứ xem đó là một trải nghiệm. Trải nghiệm để rồi Phùng biết mình thuộc về đâu.
“Chiếp... chiếp... chiệp... chiệp”, Phùng ngồi bật dậy nghe ngóng. Lũ sẻ rừng liệng chao bên con suối rồi vụt bay về phía mé đồi thâm thẫm từng vạt cỏ tranh. Tiếng hót lanh lảnh đánh thức cả một sớm mai yên ắng. Chỉ còn tiếng róc rách của con suối miệt mài chảy, những chùm hoa dại cánh trắng muốt, nhụy tím li ti in hình trên dòng nước trong văn vắt như đang thầm thì cùng nhau. Phùng ngắm mãi. Loại hoa dại này Thoa thích lắm. Dạo lên thăm Phùng và cùng Phùng lên rẫy, bắt gặp những khóm hoa này, mắt Thoa bừng sáng. Đôi bàn tay thuôn mềm ấy đã hái cả một bó lớn những hoa để đem về phố. Cái lần ấy, vậy mà cũng đã gần nửa năm. Phùng giơ tay định hái nhưng lưỡng lự. Dở hơi. Hái để tặng ai bây giờ. Với những người đã sống lâu trong môi trường phố xá như Thoa, ngỡ ngàng và thích thú với hoa dại chỉ như là phút ngẫu hứng. Còn Phùng, những loài hoa dại đó, quanh vườn rẫy ngập tràn. Thôi dẹp cái thói đa cảm, yếu mềm lại, để năng lượng dành cho những suy nghĩ lớn hơn. Là nói vậy thôi nhưng vạt cỏ hoang lẫn trong um tùm hoa dại và mùi ấm nồng của đất làm Phùng nôn nao nhớ về những ngày cũng áp tết thế này, những ngày tháng xa lắc lơ luôn dội về trong ký ức Phùng.
Cha mẹ ly hương để vào miền cao nguyên lập nghiệp. Quê nhà ruộng vườn chật hẹp. Những ngày hè bỏng rát dưới cái nắng thiêu đốt thịt da, bàn tay cha phồng rộp, tứa máu khi cầm cuốc phập xuống thớ đất gan gà trơ trơ sỏi đá. Rất nhiều bà con, hàng xóm đã vái biệt quê nhà để vào cao nguyên tìm đất. Họ đã phải cắn chặt môi khỏi bật ra tiếng khóc khi tạm biệt người thân. Khi đó, Phùng mới chỉ là cậu bé con vừa học xong mẫu giáo, đứa em Phùng chưa đầy ba tuổi. Đi qua cái thị trấn với những dãy nhà lợp tôn, thưng ván gỗ của các xí nghiệp, lâm trường, bàn chân thơ dại của Phùng đã cùng mẹ cha vượt đèo dốc thêm gần nửa ngày đường để vô tận khoảnh đồi mênh mông trong hun hút gió. Ngày ngày, sự cần mẫn, lam lũ của mẹ cha đã gieo những mầm xanh cây lá bên dải đồi hoang. Những bước chân chạy nhảy của anh em Phùng đằm trong đôi mắt và nụ cười dãi dầu nắng gió mà tràn đầy hy vọng của mẹ. Anh em Phùng đi học. Quãng đường từ nhà ra thị trấn cách cả chục cây số. Những ngày mưa, con suối cuồn cuộn nước, cha phải cõng em trên lưng, tay dắt Phùng vượt suối, cắt đồi đưa anh em Phùng đến lớp. Phải mấy năm sau, khi tỉnh mới được tái lập, đường mở tận thôn Đèo nơi gia đình Phùng ở, cha mới sắm được xe máy để chở anh em Phùng đi học. Dòng chảy thời gian cứ mải miết vậy, 20 năm cứ ngỡ trong chớp mắt. Hai mươi năm ấy, cái thôn Đèo heo hút đã trở thành tổ dân phố với nhiều biệt thự nhà vườn, những khu nghỉ dưỡng, những trang trại xanh êm đềm bên những cung đường mềm như dải lụa. Nhiều lúc Phùng vẫn cứ ngỡ ngàng. Ý chí và sức lực của con người vĩ đại, lớn lao đến thế hay sao. Đâu rồi cái thôn Đèo lác đác hơn chục nóc nhà của những hộ dân kinh tế mới. Đâu rồi những con đường đất đỏ trong mùa gió thông thốc cuốn xoáy bụi mù. Bao người đã vào vùng đất này tìm đất khẩn hoang, gieo trồng nên những màu xanh dẫu người còn người mất nhưng họ đã để lại cho cháu con cả một tương lai rộng mở. Để rồi những thế hệ kế tiếp như Phùng tiếp tục vun đắp thêm những mùa vui...
2.
Năm học cuối cấp của Phùng, cha đổ bệnh. Dường như cha biết, căn bệnh hiểm nghèo sẽ không cho cha nhiều thời gian để bên mẹ, bên anh em Phùng nữa. Mẹ khóc đến kiệt khô nước mắt rồi ngao ngán thở dài. Nhưng cha điềm tĩnh lắm. Cái lần cha cầm tay Phùng dặn dò mấy câu, Phùng cứ day dứt mãi: “Đất đai là mẹ của cải. Chỉ có người phụ đất chứ đất chẳng bao giờ phụ người cả. Học hành xong con cứ bám lấy ruộng vườn mà sống. Cha một đời cùng mẹ con tha hương cũng bởi thâm tình với đất đai”.
Cha ra đi khi mới năm mươi tuổi. Hẳn những tháng năm lam lũ cùng vườn rẫy đã vắt kiệt sức lực của cha. Phùng nhập ngũ mà không thi đại học. Mẹ ủng hộ. Mẹ bảo: “Thanh niên cứ vào môi trường quân ngũ mà rèn luyện rồi trưởng thành. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự về tính làm nghề gì hãy tính”.
Rời quân ngũ, Phùng rắn rỏi, tự tin nhưng băn khoăn với việc chọn nghề. Tuổi trẻ phải xông pha, phải trải nghiệm cho biết đây biết đó. Đứa bạn hai năm rồi xuống thành phố lập nghiệp hồ hởi khi biết Phùng đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự: “Xuống đây làm cùng tôi. Quán cà phê của tôi hút khách kinh khủng. Tôi đang tính mở tiếp mà chưa kiếm ra người điều hành, quản lý”.
Và Phùng đã xuống phố. Phố hoa lệ, rộn ràng và quay cuồng trong ồn ã và nóng nực. Chẳng nhàn hạ, sung sướng gì đâu. Ly cà phê cũng đầy những chi phí, nào tiền thuê nhà, tiền thuê phục vụ, phí này, thuế nọ để cuối cùng tưởng lời lãi lắm nhưng rồi dư dả có là bao. Thằng bạn cười: “Vất vả nhưng đủ để bám trụ, tính chuyện lâu dài nơi phố phường đã là ngon rồi ông ạ. Lấy ngắn nuôi dài. Tôi tính rồi, sắp tới tôi chuyển qua làm bất động sản. Lãi kinh khủng. Tôi kiếm dăm bảy tỷ bạc xong tôi phủi tay quay về với chuỗi cà phê cho chắc”. Rồi Phùng đã đảm nhận hai vai, vừa quản lý quán cà phê cho bạn vừa môi giới bất động sản. Thằng bạn chí cốt nói chẳng sai. Ai không chơi bất động sản là dại. Đến chân môi giới như Phùng mà có vụ xong xuôi còn được chiết khấu hoa hồng lên cả mấy chục triệu bạc. Kiểu này chẳng mấy chốc thành triệu phú. Phùng đã sắm được xe máy xịn, điện thoại đắt tiền và biết lui tới quán ăn này, nhà hàng nọ để giao dịch.
Nhưng Phùng vẫn thấy lo lo. Cái nghề này nhiều mánh khóe. Thằng bạn đã nhắc đi nhắc lại: “Nhà đầu tư đều là dân có tiền. Làm môi giới cho ngon lành, miễn là chốt được hợp đồng. Chuyện nhà đầu tư kệ nó. Có hợp đồng là có hoa hồng”. Phùng biết, chẳng phải như thằng bạn nói đâu. Nhiều nhà đầu tư cũng cò con lắm. Thấy thiên hạ trúng đất đai rần rần cũng cầm cố tài sản, vay mượn để mua đi bán lại kiếm lời, tất cả đều qua miệng lưỡi của dân môi giới. Và rồi khi cơn lốc đất đai đi qua, trơ lại những nợ nần, bế tắc và cả tù tội. Thằng bạn Phùng cũng thế. Để tránh phá sản, nó phải bán tống bán tháo để cắt lỗ. Đã vậy rồi mà chẳng xong. Vẫn nợ nần, tay trắng lại hoàn trắng tay.
...Phùng từ biệt phố để về với núi đồi, vườn rẫy. Âm thầm, lặng lẽ mà về thôi. May mà còn kịp tạm biệt Thoa. Thoa làm ở văn phòng công chứng lớn nhất nhì thành phố. Khi bất động sản lên ngôi, văn phòng hoạt động hết công suất vẫn không kịp phục vụ khách hàng. Phùng quen Thoa trong những ngày ấy.
Mẹ bảo: “Con không nhớ cha con dặn à. Mình là nông dân, không gắn với rẫy vườn thì gắn bó với gì được. Thôi, cứ chăm mà làm ăn con ạ. Hãy xem, những tháng ngày ở phố là sự trải nghiệm”. Phùng chẳng mơ mộng nữa đâu. Mẹ Phùng đã mấy mươi năm đổ mồ hôi, hòa nước mắt trên những hố cà phê nên thấm lắm lẽ đời. Phùng phải gây dựng cuộc sống từ chính trên những luống đất mà mẹ cha Phùng đã cuốc cày vun xới. Phùng tin rằng, sức trẻ và niềm tin, khát vọng sẽ tiếp sức mạnh cho Phùng làm giàu trên mảnh đất này, để Phùng có thể tự hào, tự tin với người mình thương.
Cái dáng hình, đôi mắt và nụ cười Thoa hiện lên dày theo ngày tháng trong Phùng. Dẫu xa nhưng Phùng vẫn chăm liên lạc, vẫn tâm sự, sẻ chia. Và chẳng ai nói những lời động viên thật lòng, tỉ mỉ và đong đầy tình cảm như Thoa đâu. Phùng phải kể với mẹ khi Thoa nói muốn một lần lên cao nguyên trong dịp nghỉ lễ thay vì đi du lịch cùng nhóm bạn. Mẹ ân cần lắng nghe và khuyên giải mọi điều: “Thì người ta quý mình họ mới lên. Con không đón tiếp họ như là người bạn tâm giao được à”. Phùng đã hồi hộp, đã nôn nao và luống cuống như nhìn thấy Thoa bước xuống xe vẫy tay chào Phùng. Cái lần gặp ấy, nhìn ánh mắt mẹ, Phùng biết mẹ quý mến Thoa nhiều lắm. Ai mà không mến, không quý giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười hiền và ánh mắt đỗi dịu dàng ấy.
3.
Điện thoại lại rung lên khúc nhạc xuân rộn ràng. Lại là thằng cu em đây mà. Đã bảo cứ ăn cơm trước rồi đi học. Phùng sẽ tưới nốt cho xong vườn cà phê để chiều tối nay đi xem chợ hoa ngày tết. Ồ, là Thoa. Phùng thấy ran ran bên má và tim dồn nhịp rộn ràng.
- Anh đang ở đâu mà toàn thanh âm ù ù vậy ạ?
- Anh đang trên rẫy. Là tiếng gió đó em.
- Mùa gió vẫn chưa qua anh nhỉ. Thích quá đi.
- Ừ em! Phải qua tết mới vãn gió em ạ.
- Anh. Em muốn được đón tết trên cao nguyên quá. Không biết anh có đồng ý không?
Phùng xúc động, lặng im.
- Anh! Sao anh im lặng. À, dạ em hiểu rồi. Em xin lỗi đã nói ra mong muốn của mình. Cho em xin lỗi nhé. Anh làm đi.
- Không! Thoa, là anh vui sướng đến mụ mị mà chẳng biết nói sao nữa em ạ.
- Dạ! Hai hôm nữa nhé anh.
Thoa sẽ lên miền cao nguyên đón tết cùng gia đình Phùng. Còn gì tuyệt vời hơn thế. Phùng nhìn sang vạt mai rừng bên suối. Sắc vàng tinh khôi và nhụy biếc lung linh chùng chình trong gió. Lần này Phùng sẽ cùng Thoa cắt thật nhiều mai để Thoa trưng trong căn nhà bên đồi ngập tràn ánh nắng. Khi đó, Phùng sẽ thỏa thuê ngắm nụ cười Thoa qua ô cửa sổ ngờm ngợp sắc xuân.