Kinh tế

Giao thông Đắk Nông và mục tiêu đồng bộ, liên vùng

Lê Phước 10/02/2024 00:00

Đắk Nông đang định hình mạng lưới giao thông nội tỉnh theo hướng đồng bộ và nỗ lực theo đuổi việc kết nối liên vùng.

Định hình mạng lưới giao thông

Năm 2015, Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước (quốc lộ 14 cũ) chính thức khánh thành. Toàn bộ 663 km từ Đắk Zôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (nền rộng 12m, mặt đường nhựa 11m).

dji_fly_20221109_093056_917_1667961142001_photo_optimized-1-.jpg
Đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng tạo ra động lực to lớn cho Đắk Nông

Đường Hồ Chí Minh là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối khu vực Tây Nguyên với khu vực Đông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi dự án này hoàn thành đã tạo ra động lực to lớn đối với Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng.

Tại Đắk Nông, quốc lộ 14C và quốc lộ 28 cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng theo tiêu chuẩn đường cấp IV. Hiện toàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 497 km, tỷ lệ nhựa hóa 100%.

dji_fly_20231107_093930_531_1699324781602_photo_optimized-1-.jpg
Quốc lộ 28 đi qua huyện Đắk Glong được nâng cấp, mở rộng

Việc nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ ở Đắk Nông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế - xã hội. Riêng quốc lộ 28 kết nối liền mạch giữa Đắk Nông với Lâm Đồng, tạo cơ hội thông thương hàng hóa, kêu gọi thu hút đầu tư. Quốc lộ 28 đã và đang tạo ra động lực to lớn đối với huyện nghèo Đắk Glong và vùng trọng điểm lương thực Krông Nô của Đắk Nông.

Cùng với quốc lộ, toàn bộ 6 tuyến tỉnh lộ ở Đắk Nông với chiều dài 227 km cũng được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn cấp IV, cấp V với tỷ lệ nhựa hóa 100%. Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 125/227 km đường tỉnh lộ được nâng cấp với quy mô 2 làn xe, đạt tỷ lệ 55%.

Theo Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, Đắk Nông hiện đã hình thành hệ thống giao thông đối ngoại gồm 4 trục dọc. Các trục này kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Các trục giao thông này kết nối với Campuchia thông qua 2 cửa khẩu (Bu P'răng và Đắk Puer).

dji_fly_20231123_141942_899_1700723987752_photo_optimized-1-.jpg
Tỉnh lộ 6 được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã tạo ra sự kết nối mạnh mẽ cho huyện Đắk Song và vùng biên giới Tuy Đức

Hệ thống tỉnh lộ ở Đắk Nông được quy hoạch 9 tuyến, trong đó 8 tuyến kết nối theo trục ngang. Hướng tuyến được hình thành từ 5 tuyến đường hiện hữu (tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 4B, tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 6) kết hợp nâng cấp, cải tạo một số đoạn đường huyện, đường xã và xây dựng mới một số đoạn tuyến để tạo thành mạng lưới hài hòa. Riêng tỉnh lộ 2 được giữ nguyên hướng tuyến.

Nỗ lực phá thế độc đạo

Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Đắk Nông có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, du lịch và công nghiệp alumin. Tỉnh có nhiều mặt hàng đặc trưng, có thể xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, giao thông vẫn là điểm yếu, là “nút thắt” đối với sự phát triển của địa phương.

dji_fly_20221109_093056_917_1667961142001_photo_optimized-1-.jpg
Giao thông đã có nhiều cải thiện nhưng chưa thực sự tạo ra đột phá đối với Đắk Nông

TS. Trần Du Lịch phân tích: "Muốn đưa những chuyến hàng của Đắk Nông ra thế giới thì chúng ta phải tiếp cận các cảng biển nước sâu. Và con đường gần nhất, nhanh nhất đó chính là hướng về Cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu). Tỉnh Đắk Nông nên nỗ lực kêu gọi để đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng tuyến này".

Tỉnh Đắk Nông đã sớm nhìn ra tầm quan trọng của việc phát triển giao thông, đặc biệt là giao thông hướng tuyến này. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã tiếp tục xác định phát triển cơ sở hạ tầng trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh.

ha-tang-giao-thong-van-tai-dak-nong-nam-2023-3000-x-2000-px-1-.png

Trong đó, Đắk Nông xác định đột phá chiến lược là “Thúc đẩy dự án đường cao tốc Tây Nguyên - TP. Hồ Chí Minh, sớm ưu tiên triển khai trước đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành ...”.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Đắk Nông đã chủ động làm việc với tỉnh Bình Phước về triển khai Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Trên cơ sở kết quả làm việc, UBND 2 tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án. Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án này.

anh-3.jpg
Quy hoạch giao thông Đắk Nông có tính đồng bộ, kết nối ngang dọc

Sau đó, Chính phủ đã đưa danh mục dự án này vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Qua nhiều bước chuẩn bị, tháng 12/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GT - VT Nguyễn Văn Thắng đã ký Tờ trình 695/TTr-CP gửi Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, vào tháng 6/2023, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được khởi công. Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk - Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã được đưa vào quy hoạch triển khai trước 2030.

Sau khi cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được triển khai, Đắk Nông sẽ phối hợp với Đắk Lắk kiến nghị Trung ương đầu tư cao tốc Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa để đồng bộ các dự án với nhau.

dji_fly_20231028_094310_346_1698461000247_photo_optimized-1-.jpg
Cao tốc sẽ phá thế độc đạo về giao thông ở Đắk Nông, tạo sự kết nối mạnh mẽ với các vùng kinh tế

Ông Nguyễn Nhân Bản phân tích: Cao tốc qua Tây Nguyên hình thành sẽ phá vỡ thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh, tăng khả năng kết nối giữa Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Miền Trung.

Các cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, tạo thuận lợi kết nối tỉnh Đắk Nông với sân bay Long Thành và các cảng biển nước sâu. Cao tốc sẽ tạo bước đột phá cho tỉnh Đắk Nông nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

thong-tin-cao-toc-new.jpg

Lê Phước