Vĩnh biệt người bạn thủy chung, người đồng chí trọn đời vì Việt Nam
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:29, 07/02/2024
“Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Xin hãy gọi tôi là đồng chí!”. Tình yêu ấy, tâm niệm ấy của bà Merle Ratner, nhà hoạt động cánh tả người Mỹ cả cuộc đời hết mình vì Việt Nam, sẽ được chúng ta nhớ mãi.
Ngày 6/2, nhà hoạt động cánh tả nổi tiếng người Mỹ Merle Ratner, một người bạn thân thiết với tình yêu trọn vẹn dành cho Việt Nam, đã qua đời tại thành phố New York (Mỹ) sau một tai nạn giao thông.
Bà tên thật là Merle Evelyn Ratner, sinh năm 1956 trong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái ở New York, nhưng vẫn được những người Việt gọi bằng cái tên trìu mến là “chị Mơ”.
Vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam lên đỉnh điểm. Mới 13 tuổi và đang là học sinh Trường trung học 127 ở quận Bronx, bà Merle khi ấy đã tích cực tham gia phong trào phản chiến và ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dư luận Mỹ và thế giới không thể quên hình ảnh lay động lòng người khi một cô gái nhỏ bé người Mỹ trèo lên tượng Nữ thần Tự do vẫy cao lá cờ đỏ Sao vàng với lời kêu gọi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh sai lầm ở Việt Nam.
Trong căn hộ nhỏ ấm cúng ở trung tâm New York, bà Merle cho biết hình ảnh chiến tranh tàn khốc tại Việt Nam, những trận chiến, những câu chuyện về việc sử dụng bom napalm, chất độc hóa học khiến rất nhiều người thiệt mạng, đã thôi thúc bà xuống đường làm một điều gì đó ý nghĩa giúp Việt Nam. Từ thương cảm, tới tình yêu dành cho dải đất hình chữ S cách xa nửa vòng Trái đất, bà đã tìm đọc các tài liệu, bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và về cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam.
Càng hiểu Việt Nam, bà càng tích cực ủng hộ cuộc chiến vì độc lập, tự do và sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Đối với nhà hoạt động cánh tả Merle Ratner, ngày 30/4/1975 không chỉ là ngày toàn thắng với Việt Nam, mà còn là ngày “vui sao nước mắt lại trào” của tất cả người dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Sau năm 1975, với tình yêu sâu sắc dành cho Việt Nam, bà Merle Ratner tiếp tục có nhiều nỗ lực vận động quốc gia nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, cũng như hỗ trợ cho nhiều hoạt động quốc tế của Việt Nam. Giai đoạn từ năm 1976-1979, bà Merle cùng chồng là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn đã thúc đẩy việc sáng lập "Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ" để kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ và bãi bỏ cấm vận Việt Nam.
Bà từng nhiều lần tới thăm các tỉnh thành của Việt Nam, làm việc với các tổ chức đối ngoại nhân dân, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bà là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức "Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam-VAORRC" của khu vực New York.
Hiện bà Merle Ratner cũng là thành viên của Tổ chức Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam; là người không mệt mỏi vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam.
Những năm qua, tổ chức của bà đã thu thập được hàng chục triệu chữ ký qua mạng để giúp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện. Với nhiều đóng góp ý nghĩa, bà Merle Ratner đã được trao tặng giải thưởng "Vì các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" vào năm 2013 và Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" năm 2010.
Luật sư Jonathan Moore, thành viên Hội đồng quản trị tổ chức Vận động trách nhiệm và Cứu trợ chất độc da cam Việt Nam, xúc động trước sự ra đi đột ngột của nhà hoạt động cánh tả người Mỹ. Theo ông Moore, bà Merle “là người bạn thủy chung, cả đời đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Merle sẽ được những người đấu tranh cho phẩm giá và công bằng xã hội nhớ mãi”.
Bà Lê Thanh Chung, một Việt kiều tại New York, đánh giá nhà hoạt động Merle Ratner là người có niềm tin sắt son vào lý tưởng Cộng sản và suốt đời tin tưởng chủ nghĩa xã hội là con đường chân chính mang hạnh phúc tới cho nhân dân. Đặc biệt, bà Merle đã dành trọn trái tim cho tình yêu Việt Nam, một tình yêu trong sáng và thủy chung. Ngôi nhà của bà Merle mấy chục năm qua luôn là “địa chỉ đỏ” của những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại New York nói riêng và Mỹ nói chung.
Tình yêu hơn nửa thế kỷ của nhà hoạt động cánh tả Merle Ratner dành cho Việt Nam chưa bao giờ phai nhạt. Niềm tin dành cho Việt Nam cũng vậy. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 1/2/2024 của phóng viên TTXVN tại New York nhân dịp 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Merle Ratner một lần nữa nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thành tựu, mọi thắng lợi của Việt Nam. Bà khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho các giá trị của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trên con đường đã chọn.
Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, chủ nghĩa dân tộc cánh hữu gia tăng và cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt hiện nay, bà Merle Ratner cho rằng đường lối đối ngoại “4 không” và nghệ thuật “ngoại giao cây tre” - tức là linh hoạt trên thực tế nhưng vô cùng kiên định về nguyên tắc - của Đảng và Nhà nước Việt Nam đang cho thấy sự đúng đắn, góp phần quan trọng giúp Việt Nam bảo đảm hòa bình, độc lập, chủ quyền và gặt hái nhiều thành tựu ý nghĩa.
Cuộc phỏng vấn nhà hoạt động Merle Ratner đã bị gián đoạn giữa chừng, khi bà đề nghị: “Xin đừng gọi tôi là bà. Tôi muốn được gọi là Đồng chí!!!”.
Ngày 6/2, trái tim Đồng chí Merle Evelyn Ratner, trái tim với tình yêu trọn đời dành cho Việt Nam đã ngừng đập ở tuổi 68…