Hành trình tiến tới công nghiệp hóa của Đắk Nông
Đắk Nông đang từng bước hướng tới công nghiệp hóa, với nhiều dấu ấn quan trong sau 20 năm tái lập và phát triển.
Chặng đường tăng trưởng ấn tượng
Giai đoạn 2004 - 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của Đắk Nông đạt 116.073 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,7%/năm. Riêng năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp Đắk Nông dự kiến đạt 14.199 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần so với năm 2004.
Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của toàn ngành, chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất.
Đây cũng là tiền đề để Đắk Nông hình thành một số ngành có lợi thế so sánh của tỉnh như: chế biến cà phê, hạt điều, cao su, ván MDF, sản xuất alumin…
Ngành Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nước ở Đắk Nông tăng bình quân 30%/năm. Đến nay, về thủy điện, Đắk Nông đã có 15 nhà máy đi vào hoạt động, với tổng công suất 356,61 MW; 2 dự án thủy điện đang thi công, với tổng công suất 14MW; có 1.632 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 377,412 MWp; 2 nhà máy điện mặt trời nối lưới, tổng công suất 106,4MWp đang vận hành; có 1 nhà máy điện gió Đắk Hòa (50MW) đã vận hành thương mại.
Ngoài ra, Đắk Nông đang có 1 dự án nhà máy điện gió Nam Bình (30MW) đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa vận hành; 3 dự án đang triển khai xây dựng; dự án Asia Đắk Song 1 (50MW) đang triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng... sẽ là dư địa lớn góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành Công nghiệp.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho biết, nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ngành Công nghiệp Đắk Nông đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GRDP.
Hạ tầng công nghiệp ngày càng hoàn thiện
Đắk Nông đưa hàng ngàn ha đất vào quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Hàng loạt các chính sách, quy định hấp dẫn, tạo hình ảnh một Đắk Nông thông thoáng, thân thiện, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư dựng nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đang có 3 KCN. Các KCN đã thu hút được 45 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 19.904,4 tỷ đồng, vốn thực hiện 4.115,8 tỷ đồng. Trong đó, 34 dự án đã đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai thực hiện.
Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy KCN Tâm Thắng là 88,21%; KCN Nhân Cơ là 86,5%. Đặc biệt, KCN Nhân Cơ 2, năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng do Công ty Cổ phần Capella Quang Nam làm chủ đầu tư. Quy mô dự án là 400 ha.
Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 4 CCN, với tổng diện tích là 149,61 ha. Đến nay đã có 2 CCN cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Trong đó, CCN Thuận An có 17 dự án đầu tư, với diện tích đất thuê lại là 16,29ha. Số vốn đăng ký đầu tư 291,86 tỷ đồng và giải quyết được việc làm cho khoảng gần 250 lao động địa phương. Tỷ lệ lấp đầy CCN giai đoạn I đạt 93,7%.
CCN BMC có 5 nhà đầu tư ký kết hợp đồng thuê đất với diện tích là 6ha để triển khai dự án. Các CCN khác đang thực hiện các thủ tục theo quy định.
Cùng với phát triển về hạ tầng, số lượng doanh nghiệp của Đắk Nông cũng gia tăng mạnh mẽ, nhất là ở khu vực nông thôn. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 2.786 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 1.991 cơ sở so với năm 2004.
Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó gồm có nhiều sản phẩm điển hình như: thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, cà phê, tiêu, hạt điều, tinh bột sắn, cao su, ván MDF, bàn, ghế....
Hình thành trung tâm công nghiệp nhôm
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, ngành Công nghiệp của địa phương thuộc nhóm phát triển mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam. Đây được xem là điểm nhấn trên lộ trình phát triển công nghiệp của Đắk Nông.
Các sản phẩm công nghiệp có tiềm năng, lợi thế sẽ được Đắk Nông tập trung phát triển như: công nghiệp sản xuất alumin - nhôm - sau nhôm và công nghiệp phụ trợ; sản xuất, chế biến nông, lâm sản; năng lượng; khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất hóa chất, cao su và các ngành công nghiệp khác.
Giai đoạn 2021 – 2025, Đắk Nông phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm. Trong giai đoạn 2026 – 2030, Đắk Nông sẽ đưa tỷ trọng ngành Công nghiệp trong GRDP đạt 23%.
Đắk Nông đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đề xuất khảo sát nghiên cứu đầu tư tổ hợp dự án bô xít – alumin – nhôm tại Đắk Song, với tổng mức đầu tư dự kiến 70.000 tỷ đồng và Nhà máy điện gió có công suất 1.500MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 65.000 tỷ đồng phục vụ dự án điện phân nhôm.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư Tổ hợp dự án bô xít – alumin – nhôm Đức Giang, với công suất 2,4 triệu tấn alumin/năm và 500.000 tấn nhôm/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 57.000 tỷ đồng.
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoá chất Đức Giang cho hay: “Đắk Nông cần ưu tiên quy hoạch lĩnh vực công nghiệp. Điều này nhằm thu hút nhiệt huyết của các nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu trên địa bàn”.
Tại buổi làm việc với Đắk Nông, ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, Đắk Nông đang có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp. Với trữ lượng khoáng sản lớn, Đắk Nông hoàn toàn có thể trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại trong tương lai.
Năm 2004, công nghiệp – xây dựng của Đắk Nông chiếm 11,38% trong tổng GRDP của tỉnh. Đến cuối năm 2023, dự kiến công nghiệp - xây dựng chiếm 20,13% trong GRDP. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh và để từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.