Tân Sơn Nhất "vỡ trận" trước Tết dù khách chưa đạt đỉnh
Mọi kịch bản cho tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được ngành hàng không dự liệu, song hành khách vẫn phải chật vật vì lý do thời tiết bất khả kháng.
150.000 khách/ngày là sản lượng cao nhất dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Thế nhưng cách một tuần trước Tết Nguyên đán 2024, lượng khách gần 130.000 người đã khiến hai nhà ga của sân bay lớn nhất nước rơi vào cảnh "vỡ trận".
60% chuyến bay bị chậm
Tình trạng chậm chuyến bắt đầu phổ biến từ hôm 1/2, do ảnh hưởng thời tiết xấu ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Nhiều chuyến bay delay từ 1 đến 4 giờ so với giờ khởi hành dự kiến dẫn đến trễ chuyến liên tục.
Chỉ tính riêng các chuyến chở khách quốc nội rời Tân Sơn Nhất, các hãng đã khai thác 296 chuyến bay trong tổng số 869 chuyến cất/hạ cánh tại sân bay.
Cách 6 ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, lượng khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất liên tục tăng mạnh. Từ phục vụ 110.000 khách vào ngày 1/2, 120.000 ngày 2/2, ngày 3/2 và hôm nay sân bay này đón gần 130.000 khách.
Trong những ngày qua, tình trạng sương mù ở các tỉnh phía Bắc khiến nhiều chuyến bay không cất hạ cánh đúng giờ, điều này đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều hành khách ở Tân Sơn Nhất mua vé từ sáng nhưng đến trưa mới có thể khởi hành.
Đại diện Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất cho hay từ 1/2 đến 3/2, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác hơn 1.100 chuyến bay đi và đến. Trong số này có 659 chuyến bay bị chậm giờ, chiếm gần 60% tổng chuyến bay khai thác.
Hai hãng có chuyến bay bị chậm nhiều nhất là Vietjet Air với 257 chuyến (9 chuyến bị chậm do thời tiết); Vietnam Airlines 209 chuyến (21 chuyến bị chậm do thời tiết).
Ngoài ra, có 40 trên tổng số 1.100 chuyến bay bị hủy vì lý do thời tiết, chiếm 3,63%.
Phải giải quyết dứt điểm
Đó là chỉ đạo của ông Lê Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ GTVT) khi đi vào "điểm nóng" sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 3/2. Buổi kiểm tra đột xuất của lãnh đạo Bộ GTVT diễn ra sau tình trạng chậm, hoãn chuyến hàng loạt gây bất tiện cho người dân 3 ngày qua.
Ông Lê Anh Tuấn yêu cầu sân bay, các doanh nghiệp hàng không phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành, khai thác. Khi xảy ra chậm chuyến, sân bay và hãng tìm giải pháp giải tỏa khách. Trường hợp thời tiết xấu như những ngày qua cần phải công khai, giải thích rõ hơn để khách hiểu.
"Khi khách hiểu được nguyên nhân cũng bớt ức chế vì bị hoãn chuyến kéo dài", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết đã họp với các hãng, đề xuất Cục Hàng không Việt Nam để điều phối lại tần suất chuyến bay ở Tân Sơn Nhất theo tình hình thời tiết, hạn chế tình trạng "bị động" như hôm qua.
Hôm nay (4/2), lượng khách quốc nội qua Tân Sơn Nhất tiếp tục đông với hơn 60.000 khách. Đặc biệt trong khung giờ cao điểm, sân bay phục vụ cùng lúc gần 4.000 khách.
"Các đơn vị đã được phân công theo dõi sát các khung giờ cao điểm trong ngày để bố trí nhân lực đủ để đảm bảo phục vụ hành khách", đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho hay.
Đại diện Cảng cũng cho biết tình trạng chậm chuyến đến hiện tại đã phần nào được giải quyết do thời tiết ở một số tỉnh phía Bắc tốt hơn.
Sân bay Tân Sơn Nhất có năng suất thiết kế 15 triệu khách mỗi năm. Nhưng từ năm 2017 đến nay, con số này đã tăng lên 26 triệu khách/năm.
"Lượng khách quá tải khiến Tân Sơn Nhất đối mặt với cảnh kẹt từ trên trời lẫn dưới mặt đất", ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm điều hành sân bay - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thừa nhận.
Dịp Tết, Tân Sơn Nhất phục vụ 120-150.000 lượt khách/ngày, vượt kỷ lục cao nhất 5 năm qua (từ 2019).