Tìm lại những mùa xưa
Tiếng cười rộn rã cả khoảng sân nhỏ khi Hải thông báo chuẩn bị về, không kịp đón giao thừa cùng cả nhà nhưng sẽ kịp đón năm mới.
Từ cách tết cả tháng, mẹ đã gọi điện lên hỏi Hải tết năm nay vợ chồng có đưa con về quê ăn tết với ông bà không. Đã mấy năm rồi vợ chồng không cho con về ăn tết. Hải báo vợ đã gửi quà tết về cho bố mẹ. Cả năm làm việc mệt mỏi, đến tết, vợ chồng con cái Hải đi du lịch để nghỉ dưỡng, xả hơi. Hải nghe giọng mẹ thoáng buồn:
- Nhưng tết là dịp sum vầy…
Hải ngắt lời mẹ:
- Bây giờ đời sống phát triển, cứ thích thì ngày nào chẳng là tết hả mẹ. Bọn con làm quanh năm vất vả, tết chả nhẽ lại cắm đầu cắm cổ vào cỗ bàn, chúc tết thì mệt lắm mẹ ạ. Bố mẹ thông cảm cho bọn con.
Kết thúc cuộc điện thoại, Hải có chút áy náy. Anh biết bố mẹ sẽ buồn khi ngày tết nhà thiếu vắng. Lúc vợ anh báo tin tết không về, bố mẹ vợ cũng buồn như bố mẹ anh vậy. Hai vợ chồng cùng quê, nhà nội, ngoại cách nhau chưa đến chục cây số. Lúc mới cưới ai cũng bảo thuận tiện, tết nhất về được ăn tết cả bên nội, bên ngoại. Vậy mà cũng mấy năm rồi hai vợ chồng chưa cho con về.
Áy náy thì áy náy thế, nhưng người già có cách nghĩ của người già, còn thế hệ người trẻ như anh có cách nghĩ khác. Cuộc sống thay đổi mỗi ngày, không thể nào cứ mãi theo những điều cũ kỹ được. Thế hệ của Hải là thế hệ làm việc hết mình, nhưng cũng tận hưởng cuộc sống hết mình. Các gia đình, nhóm đồng nghiệp thân thiết của anh đã lên kế hoạch cho chuyến đi chơi tết từ lúc giữa năm.
***
Chẳng có chè xanh, Hải lấy túi trà gói lọc pha uống tạm. Chẳng là bé Hân con gái anh mang về mấy thanh kẹo lạc. Những thanh kẹo không được vuông vắn lắm nhưng do chính tay con bé làm dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Con bé nhìn bố ăn kẹo, uống trà, khoe bằng cái giọng đầy tự hào:
- Trường con tổ chức thi làm các món ăn ngày tết. Lớp con chọn làm kẹo lạc. Cô giáo con bảo, ngày xưa phải đến tết mới được ăn kẹo lạc. Cô khen con khéo tay, cô hướng dẫn một xíu là làm được ngay. Ngày xưa, nhà ông bà nội có làm kẹo lạc không bố? Bố có biết làm kẹo lạc không ạ?
Câu hỏi của con đưa anh trở về với những ký ức thời thơ bé. Ngày ấy, quê nghèo, trẻ con chỉ được ăn kẹo bánh vào những ngày tết. Cũng chẳng phải thứ bánh kẹo thơm lừng đủ màu sắc và đắt tiền như bây giờ mà chỉ là chút kẹo lạc, ít bánh quy, mấy cái kẹo dừa, hộp mứt bày trên bàn thờ đến hết tết mới dám bỏ xuống ăn, lúc mở ra có khi bên trong đã chảy nước, mốc xanh, mốc đỏ.
Bố mẹ Hải nuôi mấy người con ăn học đến nơi, đến chốn nhờ những thanh kẹo lạc ngọt bùi. Bà nội Hải làm kẹo lạc nổi tiếng khắp vùng. Tay nghề của bà được truyền lại cho mẹ Hải. Nghe câu hỏi của con gái, từng công đoạn làm kẹo hiện lên trong đầu Hải như một cuốn phim quay chậm. Phải rồi. Anh làm sao có thể quên được. Những ngày áp tết, anh em Hải ngồi quanh bếp xem bà và mẹ làm kẹo lạc. Mùi thơm ngọt của nước đường, mùi lạc rang thơm bùi trong căn bếp lửa ấm cúng xua tan đi cái giá lạnh của những ngày mùa đông rét mướt đã theo anh suốt cả thời thơ ấu.
Hải mỉm cười nhìn con gái rồi trả lời câu hỏi của con:
- Để bố thử nói xem có đúng không nhé. Đầu tiên là cho đường vào nồi, rót một chút nước vào rồi đun lên. Đun đến khi nồi đường sôi liu riu thì cho gừng tươi giã nhỏ vào, sau đó cho lạc đã rang chín vàng, sảy hết vỏ lụa vào quấy đều cho đến khi tất cả dẻo quánh lại, đổ ra khay có lót lá chuối và phủ bột rồi cắt thành từng thanh kẹo đúng không nào?
Bé Hân nhìn bố bằng ánh mắt ngưỡng mộ kèm theo một tràng vỗ tay giòn giã:
- Bố nói đúng hết luôn. Bố siêu quá.
Những lời nói của bà, của mẹ trong lúc làm kẹo lạc chợt hiện lên như vừa mới đây thôi Hải nghe thấy. Anh kể lại cho con nghe. Gừng tươi để kẹo được thơm và chữa viêm họng, đau bụng, giữ ấm cho cơ thể. Khi cho lạc vào phải quấy thật đều tay và giữ lửa nhỏ để nồi kẹo không bị cháy khét. Khi cắt kẹo phải cắt nhanh tay để kẹo không bị vỡ vụn. Mấy anh chị em Hải chờ đến lúc kẹo nguội, cho vào từng túi để mẹ mang giao cho những người đã đặt hàng và cất một phần vào hũ để dành đến mấy ngày tết mang ra đãi khách. Làm xong việc lại được trả công là những thanh kẹo vụn, những mẩu thừa khi cắt phía góc mâm, góc sàng. Mấy anh em Hải nhét vào túi, mang cho lũ bạn cùng xóm ăn chung. Những thanh kẹo lạc ngày ấy sao mà ngọt ngào, thơm giòn đến thế.
Vị kẹo lạc khiến anh nhớ lại những ngày tết lúc anh còn ở nhà. Từ tháng Chạp, bố anh bửa gốc tre khô để nấu bánh, nấu đồ ăn trong mấy ngày tết. Mẹ trồng cải bắp, su hào, súp lơ, rau thơm để dành ăn tết. Chị lớn xung phong làm mứt cà rốt. Anh thứ và Hải quét vôi ve khiến căn nhà sáng bừng lên trong ánh nắng hanh hao những ngày cuối năm. Em út ngắm nghía mấy chậu cúc vàng, cắm bình hoa thược dược, cắt giấy màu thành những hình trang trí tươi sáng dán ở cửa. Sáng ba mươi, cả nhà quây quần gói bánh chưng. Đêm giao thừa, mấy anh em Hải ngồi quanh bếp củi thức trông bánh. Lửa từ gốc tre tỏa hơi ấm sực và thơm nồng, vừa trông bánh, vừa nướng khoai, nướng sắn ăn, kể chuyện cho nhau nghe rồi cười rúc rích.
Tết của những năm tháng ấy thật êm đềm, ấm áp. Lớn lên, anh chị em mỗi người mỗi ngả, chỉ có bố mẹ vẫn ở căn nhà cũ bám víu vào những kỷ niệm để ngóng trông đàn con. Lúc chưa có gia đình, tết năm nào mấy anh chị em cũng về bên bố mẹ. Đến khi có gia đình riêng rồi, chưa năm nào nhà Hải đông đủ. Có năm, chẳng ai về, chỉ có bố mẹ thui thủi với nhau. Đêm giao thừa gọi điện zalo vào nhóm gia đình chúc tết, bố mẹ cố cười cho các con yên lòng mà ánh mắt không giấu nổi nỗi cô đơn…
Bé Hân nghe bố kể chuyện bà làm kẹo lạc, chống cằm như bà cụ non:
- Ước gì con được về quê xem bà nội làm kẹo lạc. Bà làm xịn hơn cô giáo con là cái chắc. Con còn nghĩ, đấy là món kẹo lạc ngon nhất trên đời này.
***
Một người đồng nghiệp nhắn tin vào nhóm thông báo không tham gia chuyến du lịch. Bố mẹ mỗi năm mỗi già, chẳng biết còn được bao nhiêu cái tết bên con cháu. Cứ mải miết, chỉ sợ đến một ngày không còn bố mẹ để trở về quê nhà đón tết nữa. Hải đọc tin nhắn của đồng nghiệp, trong lòng chợt nảy lên nỗi xót xa.
Ông bà cụ hàng xóm nhà Hải có người con vào Tây Nguyên lập nghiệp. Lúc ông bà còn sống, năm nào không chú thì cô về ăn tết. Đến lúc con cái đã khôn lớn một chút thì cô chú đưa cả nhà về ăn tết cùng ông bà, họ hàng. Chú hay bảo với bố Hải, còn cha còn mẹ là còn tết, còn quê hương. Khi không còn cha mẹ thì cuộc đời sau này dường như chẳng còn tết nữa, bơ vơ như đứa trẻ không nhà. Đúng như lời chú nói, khi ông bà cụ mất, không thấy năm nào cô chú về quê ăn tết mà chỉ trở về vào dịp giỗ ông bà và dịp hiếu hỉ của người trong dòng tộc.
Tự nhiên, Hải thấy mắt mình cay xè. Vợ anh đọc xong tin nhắn cũng lặng im không nói. Nhóm zalo chung im lặng, mỗi thành viên như đang theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Một lúc lâu sau, vợ Hải mới lên tiếng:
- Ông bà nội, ông bà ngoại của mấy đứa nhỏ đều lớn tuổi cả rồi anh ạ. Hay là…
Cô bỏ lửng câu nói. Trong nhóm zalo có ai đó cứ ngập ngừng nhập tin nhắn rồi thôi. Hải là người đề xuất, lên kế hoạch cho chuyến đi này. Chắc mọi người còn ngại ngần, không dám bàn lùi. Hải cầm điện thoại, dứt khoát nhắn “Hay là nhóm mình hủy chuyến đi chơi, để ra Giêng hôm nào cuối tuần cho bọn trẻ con đi gần gần du xuân. Giờ này ở nhà, chắc bố mẹ mong lắm”.
Cả nhóm đồng loạt gửi những trái tim đỏ thắm để trả lời Hải. Hải gọi điện cho mẹ. Nhà chị cả và anh thứ đã về. Cả nhà đang ngồi bên hiên gói bánh chưng. Mấy đứa cháu lăng xăng chạy, hỏi bà, hỏi bố, hỏi mẹ đủ thứ. Bố và anh rể đang bưng mấy chậu đào, chậu quất lên hè. Mùa xuân đã về đến khoảng sân nhỏ, về đến hiên nhà. Chị cả bảo, năm nay nhà chị ăn tết ở nhà ngoại trước rồi mới về nhà nội. Bên nội thống nhất mỗi năm ăn tết một bên cho công bằng. Còn nhà em út năm nay ăn tết bên ngoại trước, đến mùng 2 tết sẽ về. Tiếng cười của chị giòn tan và vô tư như ngày còn con gái.
Tiếng cười rộn rã cả khoảng sân nhỏ khi Hải thông báo chuẩn bị về, không kịp đón giao thừa cùng cả nhà nhưng sẽ kịp đón năm mới. Vợ Hải cũng gọi điện thông báo cho ông bà ngoại chuyện về quê ăn tết. Khuôn mặt những người thân yêu với nụ cười bừng sáng, ánh mắt long lanh vui sướng khiến Hải thấy lòng mình rộn ràng niềm hạnh phúc.
Bé Hân nhanh chóng xếp quần áo vào ba lô. Con bé lẩm nhẩm tính sẽ cùng bà làm một mẻ kẹo lạc thật ngon để ra tết mang vào mời cô cùng các bạn.