Kinh tế

Tiềm năng dược liệu của rừng phòng hộ Thác Mơ

Hưng Nguyên 04/02/2024 00:00

Rừng phòng hộ Thác Mơ đang ngày càng phong phú, đa dạng hệ động, thực vật. Đặc biệt, rừng có nhiều loại cây dược liệu có giá trị y học, mở ra cơ hội trong sản xuất, kinh doanh.

Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Thác Mơ được thành lập năm 2007, quản lý hơn 6.571ha. Lâm phần có 6.336ha rừng thường xanh, chiếm 96,4% tổng diện tích.

thacmo-36-(1).jpg
RPH Thác Mơ có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển nhiều loại cây dược liệu

RPH Thác Mơ có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để nhiều loại cây dược liệu phát triển. Theo đánh giá của các ngành chức năng, lâm phần RPH Thác Mơ có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có tác dụng phòng chữa nhiều loại bệnh.

Trong đó, nhiều loại cây thuốc quý có xuất xứ từ các địa phương khác nhau, được di thực về mọc tự nhiên trên lâm phần rừng RPH Thác Mơ như: giảo cổ lam, nhân trần, sâm cau, chè dây…

Theo phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững của BQL RPH Thác Mơ giai đoạn 2022 – 2031 đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt tại quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 23/2/2022, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại RPH Thác Mơ có 262,6ha, thuộc tiểu khu 1447 và 1453.

thacmo-9-(1).jpg
BQL RPH Thác Mơ khảo sát các loài cây dược liệu quý hiện phân bố trên lâm phần và khả năng phát triển diện tích lớn dưới tán rừng

Thực hiện Đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh Đắk Nông, BQL RPH Thác Mơ đã phối hợp với Viện Dược liệu – Bộ Y tế khảo sát các loài cây dược liệu quý hiện phân bố trên lâm phần và khả năng phát triển diện tích lớn dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQL RPH Thác Mơ cho biết, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm bảo tồn các nguồn gen, loài cây có giá trị chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ con người. Đồng thời, góp phần vào việc cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

thacmo-38-(1).jpg
Đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh Đắk Nông góp phần cải thiện kinh tế, thu nhập
(nên thay hình các loại cây dược liệu dưới tán rừng)

Những năm gần đây, việc khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với hiện đại đã từng bước phổ biến và đạt được nhiều kết quả khả quan trong điều trị cho người bệnh.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật làm thuốc ngày càng nhiều trong khi nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt.

Mặt khác, dược liệu nuôi trồng còn tự phát, mất cân đối; trữ lượng dược liệu trong tự nhiên ngày càng giảm do khai thác tràn lan, thiếu kiểm soát, không có kế hoạch bảo tồn nguồn dược liệu.

Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQL RPH Thác Mơ cho biết, đơn vị có lợi thế lớn để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch, sản xuất, khai thác trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2031.

Qua việc phát triển, khai thác và chế biến các sản phẩm dược liệu, sẽ tạo ra nguồn thu nhập mới, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cán bộ, người lao động của đơn vị và đóng góp vào sự phát triển bền vững của người dân vùng lân cận.

thacmo-31-(1).jpg
RPH Thác Mơ còn rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp khám phá các loài dược liệu dưới tán rừng

Trên lâm phần của BQL RPH Thác Mơ còn có nhiều cây gỗ quý, hiếm, trong đó cây gỗ giáng hương gần 450 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản.

Cây di sản Việt Nam được công nhận sẽ thúc đẩy công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, du lịch sinh thái dưới tán rừng, thích ứng biến đổi khí hậu.

cay-da-di-san-tuy-duc.00_00_18_23.still002(1).jpg
Cây di sản-điểm thu hút khách du lịch và thúc đẩy công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học tại lâm phần BQL RHP Thác Mơ quản lý

Hưng Nguyên