Kinh tế

Người dân xã Tâm Thắng góp hơn 92 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Văn Tâm 01/02/2024 07:58

Xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao, trong đó nguồn lực chính là từ Nhân dân.

z5121029050767_dc9503f140b6ef23e2a254c16cb11ad2(1).jpg
100% đường xóm ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được nhựa hoá, bê tông, bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp

Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay, qua kết quả kiểm tra, rà soát của địa phương, xã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao.

Thời gian qua, bên cạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân ổn định diện tích gieo trồng, xã đã thành lập các tổ hội nghề nghiệp để người dân phát triển kinh tế. Nổi bật như tổ hội về trồng nấm, chăn nuôi bò sinh sản… Đến nay, xã đã có 10 câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, thôn 4, xã Tâm Thắng, thuộc thành viên Tổ trồng nấm hữu cơ hơn 2 năm nay. Theo chị Phượng, trồng nấm có lợi thế thu hồi vốn nhanh. Với nấm sò, chị trồng 4 vụ/năm, mộc nhĩ 2 vụ/năm.

Chị Phượng cho biết: “Trại trồng nấm hơn 500m2 của tôi hiện đang trồng nấm sò, mộc nhĩ. Sản lượng bán ra hàng ngày đủ để tôi trang trải chi tiêu gia đình, mua nguyên liệu. Tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích trồng nấm để nâng cao thu nhập”.

img_5038(1).jpg
Tham gia Tổ trồng nấm hữu cơ giúp chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, thôn 4, xã Tâm Thắng sản xuất thuận lợi hơn

Ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng cho hay, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ trồng nấm hữu cơ. Đây là nơi để tập hợp các hộ trồng nấm có kinh nghiệm, giúp các hộ mới vào nghề sản xuất hiệu quả.

Hội Nông dân xã Tâm Thắng đã giúp các hộ trồng nấm tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất. Khi sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, xã Tâm Thắng sẽ chọn xây dựng sản phẩm OCOP, có truy xuất nguồn gốc, tham gia mua bán trên các sàn thương mại điện tử.

Những năm qua, xã Tâm Thắng đã tuyên truyền, vận động người dân các trục đường chính của xã hiến trên 12ha đất để triển khai các dự án đường giao thông.

Xã vận động Nhân dân các thôn, buôn tự nguyện hiến đất để mở mới được nhiều tuyến đường từ buôn Cổ đi Trạm thủy văn, đường buôn Nui đi thôn 12, đường thôn 12 đi thôn 15…

Khi khởi công mở tuyến đường vành đai từ xã Tâm Thắng đi thị trấn Ea T’ling và xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, không ít người dân Tâm Thắng đã hiến đất có giá trị hàng tỷ đồng.

Trong đó, gia đình anh Trần Ngọc Vũ, ở thôn 8, xã Tâm Thắng, hiến 1ha đất; gia đình bà Mai Thị Lụa, thôn 10, hiến 2.000m2 đất sản xuất để dự án triển khai thuận lợi.

Từ việc thực hiện tổng lực các chương trình thúc đẩy kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Tâm Thắng được kéo giảm theo từng năm. Xã đưa ra phương án các thôn, buôn tích cực hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho mỗi hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, giúp người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm chung toàn xã tăng 12% so với năm 2022; tổng thu nhập toàn xã đạt 870 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng ngành Nông nghiệp đạt 304 tỷ đồng.

Hệ thống đường giao thông xã trên địa bàn Tâm Thắng có 56,72km; hệ thống thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho 100% diện tích cây trồng.

chuoi.(1).jpg
Vườn trồng chuối nuôi cây mô của người dân xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho hay, xã đang tiếp tục nâng chất lượng tiêu chí NTM nâng cao đã đạt và hoàn thiện các tiêu chí còn lại.

Xã đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao theo chiều sâu, toàn diện và bền vững. Mục tiêu của xã là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Từ năm 2020 - 2023, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đầu tư trên 209 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, ngoài nguồn ngân sách, người dân và doanh nghiệp đóng góp trên 92,2 tỷ đồng. Người dân còn hiến 12,4ha đất để thi công các công trình trên địa bàn.

Văn Tâm